Nội dung các poster tập trung vào 5 chủ đề: tầm quan trọng và giá trị của thiên nhiên đối với con người; các giá trị đa dạng của môi trường (đất, nước, không khí); kêu gọi cộng đồng chung tay hành động cùng
bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc lên án, phản ánh những hành vi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái, đe dọa sức khỏe cộng đồng cũng được khuyến khích thể hiện qua poster. Ngoài ra, bài dự thi có thể truyền tải thông điệp cổ vũ, khích lệ các hành động, đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước của các tổ chức, cá nhân, những điển hình tiên tiến.
Các tác phẩm được xem là hợp lệ khi chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, không được sao chép tác phẩm của cá nhân hoặc của các tổ chức khác. Tác giả có tác phẩm dự thi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền của tác phẩm dự thi. Tác phẩm dự thi gửi về Sở Tài nguyên & Môi trường (Trung tâm Truyền thông & Tư vấn
môi trường; số 10-11, đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Cuối cuộc thi, Ban tổ chức sẽ trao một giải nhất, một giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích cho các tác phẩm ấn tượng nhất, trị giá từ 1-5 triệu đồng.
Huế được vinh danh là "Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2016"
Ngày 28/6, tại Huế, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã trao danh hiệu "
Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2016" cho TP Huế. Để đạt danh hiệu này, TP Huế đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của chương trình để lọt vào danh sách các "Thành phố Xanh" trên thế giới, với cam kết đến năm 2020 giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải năm 2011.
Kèm theo đó là 7 kế hoạch hành động như chú trọng xanh hóa đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng
thân thiện môi trường – theo Hà Nội Mới.
Vi phạm quy trình vận hành liên hồ chứa sẽ bị phạt đến 500 triệu đồng
Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, để triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
tài nguyên nước và khoáng sản. Tuy nhiên, qua gần 3 năm thực hiện, một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó, tại dự thảo, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, tách Điều 11 Nghị định số 142/2013/NĐ-CP thành 7 điều quy định về các hành vi vi phạm liên quan đến quy trình vận hành liên hồ chứa; vi phạm quy định về vận hành giảm lũ cho hạ du theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa; vi phạm quy định về vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ và đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa – theo VietnamPlus...
Bộ Tài nguyên & Môi trường đề xuất xử lý vi phạm về quy trình vận hành liên hồ chứa với mức phạt hành chính có thể lên tới 500 triệu đồng. Theo dự thảo, mức phạt đối với hành vi vi phạm quy trình vận hành liên hồ chứa được đề xuất từ 10 triệu đến 250 triệu đồng trong từng trường hợp vi phạm đối với cá nhân. Tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ tăng gấp 2 lần cá nhân. Cụ thể, cá nhân vi phạm một trong các hành vi như thực hiện không đúng việc quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn đúng tần suất và các thời điểm quy định; thực hiện bản tin dự báo không đúng các nội dung quy định sẽ bị phạt từ 10- 15 triệu đồng (mức thấp nhất). Tương tự, mức phạt cao nhất từ 220-250 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi gia tăng lưu lượng xả, không đảm bảo mực nước tối thiểu của hồ chứa ở các thời điểm tiếp theo dẫn đến không đảm bảo đủ nước cấp cho hạ du cũng như gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và các đối tượng sử dụng nước khác phía hạ du.
Tranh cãi về việc xây thuỷ điện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên
Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế và có đánh giá cụ thể về sự tác động trên nhiều lĩnh vực của việc xây dựng Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 2 tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện K'Bang), Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 2497/UBND-CNXD đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét không cho phép đầu tư xây dựng Thuỷ điện Vĩnh Sơn 2. Theo thiết kế, Dự án Thuỷ điện Vĩnh Sơn 2 do Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư có công suất 80MW gồm có 2 hồ chứa tại suối Say - nhánh cấp I của sông Côn thuộc địa bàn huyện K'Bang và hồ Đăk Kron Bung thuộc địa bàn tỉnh Bình Định để chuyển nước về điều tiết phát điện.
Khi xây dựng dự án sẽ làm ngập lòng hồ 265ha rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng - khu rừng đặc dụng nguyên sinh đang được tập trung bảo vệ nghiêm ngặt. Hơn nữa, trong quá trình chuyển tải nước từ hồ suối Say đến hồ Đăk Kron Bung sẽ làm cạn kiệt khoảng 10km trên dòng suối trong mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực. Mặt khác, việc xây dựng đường hầm chuyển nước từ hồ suối Say sang hồ Đăk Kron Bung sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và hệ động thực vật của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nói riêng và cả khu vực đầu nguồn sông Côn thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung – theo VietnamPlus.
Hình dung Trái Đất trong 500 năm tới
Trong tương lai gần, hàng nghìn loài động, thực vật sẽ bị xóa sổ khỏi Trái Đất trong khi dân số thế giới vượt qua ngưỡng 11 tỷ người, tạo sức ép lớn về lương thực, nguồn nước và năng lượng. Theo Tech Insider, đến năm 2100, nhiệt độ toàn cầu dự đoán ấm hơn 2,2 độ C so mức trung bình hiện nay. Một số vùng thuộc châu Phi, Nam Mỹ và Ấn Độ có nhiệt độ trung bình trên 43 độ C trong suốt mùa hè. Nhiệt độ cao khiến các sông băng trên dãy núi Alps ở châu Âu biến mất hoàn toàn. Sông băng trên dãy Himalaya thu nhỏ bằng 1/3 diên tích hiện nay. Đại dương trở nên nóng hơn và có nồng độ axit cao hơn, phá hủy hầu hết các rặng san hô lớn. Dân số thế giới sẽ vượt qua 11 tỷ người vào năm 2100 – theo VnExpress.
Sức ép về lương thực, nguồn nước và năng lượng ngày càng gia tăng. Nam Mỹ và châu Phi có thể mất 1/5 diện tích đất phù hợp cho canh tác nông nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2200 - 2300, các lớp băng trên đảo Greenland sụp đổ và tan chảy, khiến mực nước biển tăng thêm 6 mét. Trong thế kỷ 23, con người chứng kiến cao điểm của sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ 6. Hàng nghìn loài động vật, thực vật bị xóa sổ khỏi Trái Đất. Khoảng 500 năm tính từ bây giờ, các lớp băng ở phía tây của Nam Cực dần biến mất. Mực nước biển dâng cao thêm 9 mét, nhấn chìm toàn bộ các đảo và vùng ven biển, khiến hàng trăm triệu người phải di dời đi nơi khác. Nếu có thể hạn chế được nóng lên toàn cầu ở khoảng 1,5 độ C, con người có thể tránh được những hậu quả khủng khiếp nhất.