Thăm Cây Di sản đầu tiên ở Tây Nam Bộ
10/18/2022 3:57:00 PM
VACNE - Dự định đã lâu, mà phải đến tháng 9 vừa rồi, đến lần thứ tư vào công tác ở Cần Thơ trong năm 2022 này, tôi mới tới thăm được Giàn Gừa tại ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, đây cũng là cụm Cây Di sản đầu tiên được vinh danh ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Quả là đến tận nơi, tận mắt chứng kiến tôi mới thật sự cảm nhận được tầm vóc của rặng cổ thụ ngoài trăm năm tuổi này.
Tầm vóc một Cây di sản
Cũng cần nói luôn, tầm vóc của Giàn Gừa cổ thụ này không chỉ ở tuổi thọ hàng trăm năm hay diện tích hơn 2700 m2 mà các cành nhánh xum xuê tỏa bóng. Tầm vóc của rặng Cây di sản này còn ở vị thế Khu di tích lịch sử gắn bó với hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của quân và dân ta. Do địa hình hiểm yếu nên Giàn Gừa từng là căn cứ hoạt động cách mạng, kháng chiến. Tại đây từng diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng triển khai các kế hoạch, nghị quyết của Khu ủy, Tỉnh ủy, cũng là nơi cất giấu vũ khí, tập kết, chuyển quân từ Vàm Rạch Sung, Bà Hiệp ra sông Cần Thơ để vượt qua lộ Vòng Cung tấn công vào cơ quan đầu não của đối phương tại nội đô thành phố. Đặc biệt, những năm 1961-1964, đây là địa điểm huấn luyện các đội biệt động hoạt động nội thành. Trong cuộc Tổng tiến công năm Mậu Thân 1968, Giàn Gừa là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược và cũng là nơi hội họp triển khai các kế hoạch, góp phần làm nên những chiến công vang dội, tạo bước ngoặt quan trọng về cục diện cuộc chiến. Đây cũng là điểm tập kết, xuất phát của một cánh quân vượt sông Cần Thơ tiến qua Lộ Vòng Cung, góp phần giải phóng Cần Thơ, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Cũng vì là khu căn cứ cách mạng, kháng chiến, Giàn Gừa cổ thụ cũng từng bị bom đạn chiến tranh tàn phá. Dù bị bom đánh bật gốc chính, nhiều vị trí trên thân gừa còn lưu những vết tích của chiến tranh do bom đạn để lại nhưng Giàn Gừa vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt. Những gốc gừa vẫn đâm chồi nảy lộc, vươn mình phát triển để đến nay, khi tới đây, du khách sẽ không khỏi bất ngờ và choáng ngợp trước một Giàn Gừa nguyên sinh khổng lồ, rễ và cành đan xen chằng chịt, tạo cảm giác thư thái, cùng bầu không khí trong lành, mát mẻ, bình yên.
Có thể nói, Khu di tích lịch sử Giàn Gừa đã cùng quân và dân ta trong những năm bom đạn ác liệt, máu lửa và bi tráng. Với những giá trị lịch sử quý báu, ngày 5/4/2013, Giàn Gừa đã được UBND thành phố Cần Thơ xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố theo quyết định số 1225/QĐ- UBND. Và ngày 13/6/2013. Giàn Gừa cổ thụ hàng trăm tuổi đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh, trở thành cây Di sản Việt Nam đầu tiên được công nhận ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Với bề dầy lịch sử cùng những huyền thoại nhuốm màu bi tráng, hằng năm khu di tích lịch sử Giàn Gừa có 3 dịp lễ lớn. Đó là ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 và ngày 28/2 âm lịch ngày vía Bà Thượng Động Cố Hỉ và các thần linh. Mỗi dịp lễ hội, khu di tích lại tiếp đón hàng ngàn lượt du khách gần xa đến thăm thú và trải nghiệm.
Tấm lòng người dân
Đến thăm Giàn Gừa vào cuối buổi chiều mùa mưa, tôi được bà Ba Linh, một trong những người trông nom Khu di tích Giàn Gừa hướng dẫn thắp hương trước Miếu thờ Bà Thượng Động Cố Hỉ, một vị phúc thần luôn phù hộ độ trì cho người dân nơi đây cũng như khách thập phương cuộc sống an lành. Theo truyền thuyết mà một số người lớn tuổi của tộc họ Nguyễn ở xã Nhơn Nghĩa kể lại, vào giữa thế kỷ XIX (năm Đinh Tỵ, 1857), nhiều nhóm người từ sông Tiền di cư đến vùng này khai hoang, trong đó có ông Cả và một số người thuộc họ Nguyễn. Do đất đai màu mỡ, phì nhiêu nên việc khai hoang thuận lợi, đất đai của họ Nguyễn ngày càng được mở rộng. Từ đó, nhiều người gọi ông Cả là ông Cả Nguyễn. Một hôm, vùng này xảy ra hỏa hoạn khiến giàn gừa bị cháy. Sau đó làng xóm xuất hiện nhiều dịch bệnh, nhiều người bị chết, trong đó có con cháu ông Cả Nguyễn. Vùng núi Châu Đốc, An Giang có thầy Bảy làm nghề bốc thuốc Nam. Đến chữa bệnh cho dân làng, ông Bảy còn cho biết Giàn Gừa này là một vùng đất thiêng, nơi ngự của bà Thượng Động Cố Hỷ. Nay giàn gừa bị cháy rụi nên bà nổi giận vì không còn chỗ đi về khiến. Muốn dân tình an cư lạc nghiệp, mọi người phải trồng lại hàng gừa và hằng năm làm lễ giỗ cúng Bà. Sau khi cây gừa được trồng lại, dịch bệnh, tai ương không còn hoành hành, cuộc sống người dân được bình yên. Con cháu họ Nguyễn liền dựng ngôi miếu thờ Bà Thượng động Cố Hỉ và lấy ngày 28 tháng 2 âm lịch hằng năm là ngày Vía, để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu thu hút đông đảo khách thập phương về tham dự.
Cũng theo lời bà Ba Linh, hiện có một Ban quản lý Di tích Giàn Gừa, do gia tộc họ Nguyễn thành lập. Hiện em chồng bà Linh là ông Nguyễn Văn Xô làm Trưởng ban. Chồng bà Linh, ông Nguyễn Văn Liên cũng tham gia. Mọi người tham gia ban quản lý đều góp công, góp của một cách tự nguyện. Chi phí cũng dựa vào sự đóng góp của du khách thập phương khi đến thăm nơi đây.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Ba Linh vui vẻ:
Mời các bác thụ lộc của Bà. Tôi làm ở đây cũng được Bà phù hộ. Năm nay 70 rồi mà chưa bao giờ biết đến viên thuốc. Gia đình không giàu có nhưng an lành, con cháu đủ cả trai gái, nội ngoại…
Lại nghĩ, người dân thì coi được hưởng cái phúc của Bà, hấp thụ linh khí của Giàn Gừa hàng trăm tuổi. Ngược lại, Miếu Bà cũng trường tồn với thời gian, Giàn Gừa cũng tỏa bóng nhờ sự hương khói, chăm nom xuất phát từ tấm lòng của bao người dân nơi đây, trong đó có các thế hệ gia tộc họ Nguyễn, những người như ông Xô, ông Liên, bà Linh…
Suy nghĩ về một di sản
Rời Giàn Gừa trăm tuổi khi ráng chiều đã chạng vạng, trong tôi cứ gợi lên một nỗi băn khoăn. Một Di tích lịch sử, Di sản thiên nhiên với những giá trị về lịch sử, văn hóa và thiên nhiên hiếm có như vậy, lại chỉ cách trung tâm thành phố hơn chục cây số, đường xá thuận lợi nhưng lượng khách du lịch tới đây chưa nhiều. Ngay cả ở thành phố Cần Thơ, thậm chí ở huyện Phong Điền, khi hỏi thăm đến Giàn Gừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam cũng không nhiều người biết. Chủ yếu người dân biết nhiều hơn đến Miếu thờ Bà Thượng động cố hỷ nổi tiếng linh thiêng. Để đi vào Giàn Gừa Di sản du khách phải qua khuôn viên một khu du lịch, không phải mua vé vào cửa. Cứ xem khung cảnh với những nếp nhà cũ, quang cảnh tiêu điều thì dường như khu du lịch không hoạt động đã lâu. Có vẻ như việc bảo vệ, phát huy giá trị giàn cây di sản này chủ yếu trông chờ vào tấm lòng, công sức của người dân.
Nhà báo Tạ Việt Anh
Chúng ta đều biết, việc vinh danh Cây Di sản không chỉ nhằm tôn vinh, bảo vệ, chăm sóc những cổ thụ quý giá hàng trăm năm tuổi. Đó còn là hoạt động nhằm tạo ảnh hưởng, lan tỏa giá trị của Cây Di sản được vinh danh trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cả một cộng đồng, một vùng đất. Chợt nghĩ, giá như có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền thì chắc chắn khu di tích này, mà đặc biệt là Giàn Gừa di sản cổ thụ hàng trăm tuổi sẽ được bảo vệ, quảng bá tốt hơn, nhờ đó mà giá trị của cây được phát huy, lan tỏa nhiều hơn nữa.
Ghi chép của Việt Anh, Tổng biên tập Tạp chí TNMT
Lượt xem : 1465