Vietnamese English
Tập huấn về sản xuất và tiêu dùng bền vững

8/16/2016 4:10:00 PM

Ngày 15/8 tại Đà Nẵng, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức khóa tập huấn về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Khóa tập huấn đã giới thiệu, phổ biến và tuyên truyền cho các học viên về nội dung, ý nghĩa của sản xuất và tiêu thụ bền vững, từ đó nâng cao năng lực cho các học viên là những cán bộ hoạch định chính sách và áp dụng sản xuất, tiêu thụ bền vững vào thực tiễn của địa phương.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững đã trở thành một nội dung không thể thiếu trong các văn bản chỉ đạo về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn, các chiến lược, quy định về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,...


Hơn 10 năm qua, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được tích cực triển khai, đến nay đã có trên 1.200 cơ sở sản xuất đang thực hiện sản xuất sạch hơn. Việc áp dụng phương thức sản xuất sạch hơn vào thực tiễn là cách tốt nhất để tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm và tránh phát thải các chất ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sức khỏe cho con người và thúc đẩy sản xuất bền vững. Tuy nhiên, tiêu dùng bền vững ở nước ta vẫn còn chưa được quan tâm, các hoạt động triển khai còn hạn chế, trong khi thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế - theo VEA.

Trồng cây ăn trái, ăn lá trên bãi rác

Nhằm cố gắng cải tạo đất và xử lý môi trường độc hại tại bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, Củ Chi, TP.HCM), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã tổ chức cho người dân xã Đông Thạnh vào tham quan các vườn cây ăn trái ngay trên bãi rác. Sau khi đi tham quan và chứng kiến Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM trồng lan, ổi, mãng cầu, dưa lưới… để cải tạo đất trong bãi rác, ông Trần Văn Ước (ấp 7) nhận xét, đây là việc đáng mừng. Tuy nhiên, đất này là rác thải nên cần xem lại việc trồng cây ăn trái. Hiện nguồn nước ngầm ở đây không sử dụng được vì chứa nhiều lưu huỳnh, armoni – theo Dân Việt.

Ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, trước năm 2002, bãi rác Đông Thạnh thuộc Công ty Xử lý chất thải TP.HCM quản lý và vận hành. Khi đó, toàn bộ rác thải của thành phố được xử lý bằng cách chôn lấp tự nhiên, không có lớp lót đáy và chống thấm. Cuối năm 2002, UBND TP.HCM quyết định đóng cửa bãi chôn lấp rác Đông Thạnh và năm 2003, giao công trường xử lý rác Đông Thạnh (40,4ha) cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM quản lý và thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường cho đến hiện nay.

Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp đang bị phế thải vùi lấp

Những ruộng lúa, luống rau mơn mởn hay những bãi đất trống với diện tích hàng nghìn m2 bỗng chốc biến thành “bãi đáp” lý tưởng của các đối tượng đổ trộm phế thải xây dựng. Phải chứng kiến cảnh những ruộng rau đang mơn mởn, những thửa ruộng cày cấy bao đời nay bị phế thải đổ trùm lên, không ít người dân phải thốt lên chua xót: Cơ man nào là gạch, đất, vôi vữa, rác thải đều đổ tràn xuống ruộng. Lượng phế thải lớn đổ trộm vào ban đêm, khi vắng người là chúng chở đến, trút ben rồi bỏ đi trong sự bất lực của chính quyền và người dân? Thực trạng trên đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhối tại địa phận phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội – theo Báo Thanh Tra.

Theo những người dân sinh sống trong khu vực, tình trạng đổ phế thải xây dựng tại các xứ đồng thuộc khu vực Đìa Lão, Hàng Bè, khu đất tiếp giáp cầu Thanh Hà, phường Kiến Hưng diễn ra từ 2 đến 3 năm nay. Hàng đêm, những đoàn xe “hổ vồ” lũ lượt chở đất phế thải từ khắp các dự án, các công trình xây dựng trong phố về trút ben tại đây. Lượng đất phế thải với khối lượng lớn được đổ tứ tung, tràn lan trên khắp các thửa ruộng. Những đống thải sau nhiều ngày lưu cữu chất thành từng đống to cao ngút. Sau những trận mưa, bùn đất nhão chảy ra ruộng, làm ngập tắc kênh mương tưới tiêu ảnh hưởng đến gieo trồng, rồi mùi hôi thối bốc lên từ các bãi thải làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân…Tính đến thời điểm hiện nay, đã có khoảng hàng chục nghìn m2 đất ruộng, đất 5% bị vùi lấp trong phế thải xây dựng. Việc đổ phế thải diễn ra từ nhiều năm nay, thậm chí có dấu hiệu bảo kê cho việc đổ thải.

Dân búc xúc, Trung Quốc ngưng khẩn dự án rác hạt nhân 15 tỉ USD

Cuối tuần qua người dân Liên Vân Cảng đã xuống đường biểu tình phản đối, lo ngại nhà máy tái chế rác thải hạt nhân này sẽ tác động xấu đến sức khỏe. Vì áp lực này chính quyền Liên Vân Cảng đã quyết định dừng dự án. Liên Vân Cảng vốn đã có nhà máy hạt nhân Thiên Quân gồm hai lò phản ứng hạt nhân do Nga thiết kế, hai lò phản ứng nữa đang được xây dựng và còn có kế hoạch mở rộng thêm – theo PL TP HCM.

Trung Quốc quyết định tạm ngưng dự án xây dựng một nhà máy tái chế rác thải hạt nhân trị giá 15 tỉ USD tại TP biển Liên Vân Cảng (tỉnh Giang Tô) vì bị dân địa phương phản đối quá mạnh, theo hãng tin Reuters (Mỹ). Liên Vân Cảng cách Thượng Hải 500 km về phía bắc, được chọn làm nơi xây dựng nhà máy tái chế rác thải hạt nhân. Dự án do tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc hợp tác với tập đoàn hạt nhân Areva (Pháp) thực hiện, dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2020 và hoàn thành vào năm 2030. Công nghệ tái chế rác thải này tương tự công nghệ xử lý rác thải hạt nhân của Nhật.

Chất liệu thần kỳ ngăn ngừa hạn hán

Kiara Nirghin, một nữ sinh Nam Phi, vừa giành giải thưởng “Ảnh hưởng Cộng đồng” tại Hội chợ Khoa học do Google tổ chức với công trình "Không còn vụ mùa khô hạn.” Nữ sinh 16 tuổi đến từ Nam Phi đã khiến các nhà khoa học tại hội chợ khoa học Google một phen tròn mắt khi sáng chế ra chất liệu polymer siêu thấm từ vỏ cam và bơ. Kết hợp vỏ của hai loại quả cam và bơ, cô bé tài năng này đã phát minh ra một loại polymer siêu thấm (SAP) có khả năng lưu trữ lượng nước lớn gấp trăm lần khối lượng thực, tạo ra vật dụng trữ nước cho phép nông dân bảo vệ cây trồng với chi phí tối thiểu – theo Baotintuc.

Trở thành người chiến thắng tại khu vực châu Phi, Nirghin được Google chỉ định làm cố vấn phát triển loại polymer siêu thấm này. Nirghin hy vọng sẽ sớm có thể kiểm nghiệm tác dụng trên các cánh đồng. "Nếu ý tưởng này được thương mại hóa và áp dụng cho các trang trại và cây trồng thực tế, chắn chắn rằng ảnh hưởng của hạn hán lên cây trồng sẽ giảm", cô gái lạc quan.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2711