Tái cơ cấu đất rừng
6/27/2016 6:01:00 AM
Để sử dụng hiệu quả và bền vững đất lâm nghiệp trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải thực hiện tái cơ cấu đất rừng, giải quyết những tranh chấp trong quản lý, sử dụng rừng…
Quản lý chưa hiệu quả
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời gian qua, việc quy hoạch quản lý đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập. Đất rừng thường xuyên bị chuyển đổi bởi những mục đích khác nhau như thủy điện, trồng cây công nghiệp, xây dựng khu công nghiệp, nhà máy, thậm chí cả biệt thự…
Ông Phạm Văn Hạnh, Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện nay, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn xảy ra khá phổ biến ở tất cả các vùng, tập trung nhiều nhất là ở các công ty quản lý rừng tự nhiên vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ… Diện tích đất tranh chấp chủ yếu nằm ở diện tích đất rừng phòng hộ và sản xuất. Đơn cử như tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay có hơn 300.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng phòng hộ là hơn 100.000 ha và 144.088 ha đất rừng sản xuất thì có 426,12 ha rừng phòng hộ do các ban quản lý rừng phòng hộ và công ty lâm nghiệp quản lý đang trong tình trạng bị lấn chiếm hoặc trong tình trạng tranh chấp với người dân địa phương.
Hàng chục hécta rừng phòng hộ bị người dân đốt phá làm nương rẫy.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm là do khi quy hoạch thành lập các lâm trường chỉ giao đất “trên giấy”, thiếu đo đạc, xác định ranh giới rõ ràng trên thực địa. Nhiều trường hợp chỉ khoanh vẽ trên bản đồ, bao gồm cả đất của người dân đang canh tác, đất dân để lại do du canh du cư từ trước khi thành lập lâm trường. Việc quản lý đất đai của các công ty lâm nghiệp còn bị buông lỏng, thiếu kiểm tra. Cùng với đó, hoạt động của các lâm trường quốc doanh chưa hiệu quả, có nhiều vi phạm trong pháp luật đất đai như cho thuê, mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật. Cả nước có 54 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang vi phạm chính sách đất đai, trong đó có hơn 18.000 ha đất trong diện tích có tranh chấp; 76 đơn vị xảy ra tình trạng lấn chiếm với hơn 59.000 ha; 34 đơn vị cho mượn, chuyển nhượng đất với hơn 5.000 ha…
Ở nhiều nơi người dân còn thiếu đất canh tác sản xuất trong khi những diện tích giao lại cho địa phương để người dân sản xuất không đảm bảo cho canh tác. Ông Ngô Văn Hồng, Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển dẫn ra câu chuyện tại Xuân Trạch (Quảng Bình), đây là xã miền núi đặc biệt khó khăn với trên 95% số hộ sản xuất nông nghiệp. Lợi thế duy nhất của địa phương là diện tích đất rừng chiếm trên 80%. Tuy nhiên chỉ có 362/1.398 hộ có đất lâm nghiệp (bình quân 3.77 ha/hộ), diện tích được giao cho UBND xã quản lý để giao cho người dân lại không phù hợp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Trong số 1.014,8 ha được giao, có trên 500 ha đất lâm nghiệp có độ dốc lớn, xa khu dân cư, đầu nguồn nước… chỉ có thể khoanh nuôi phục hồi tái sinh chứ không thể trồng rừng sản xuất. Do thiếu đất sản xuất nên những diện tích còn lại đang trong giai đoạn xây dựng phương án giao đất thì xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm.
Chuyển đổi rừng nghèo
Hiện nay, tổng diện tích rừng của nước ta là hơn 13 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên còn hơn 10 triệu ha. Theo Đề án Cơ cấu lại ngành lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2020, diện tích đất lâm nghiệp của cả nước sẽ đạt khoảng 16,2 – 16,5 triệu ha trong đó đất rừng sản xuất chiếm hơn 8 ha, rừng phòng hộ gần 6 triệu ha và rừng đặc dụng chiếm khoảng 2,3 triệu ha. Tăng giá trị sản xuất bình quân 4 – 4,5%/năm; đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Phạm Văn Hạnh, Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng kế hoạch rà soát chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất nhằm tái cơ cấu ngành, đem lại hiệu quả cao, sử dụng tổng hợp các nguồn lợi từ rừng bền vững. Theo đó, chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt là những rừng gỗ lá rộng rụng lá nghèo kiệt, rừng lá kim nghèo kiệt… Khu vực chuyển đổi diện tích liền kề với rừng sản xuất, nơi thuận lợi để tổ chức sản xuất. Đối với diện tích nằm trọn trong khu vực phòng hộ đầu nguồn thì quy mô đất, rừng phòng hộ chuyển đổi có diện tích tối thiểu 50 ha và không nằm trong diện tích liền kề các sông lớn, hồ, đập thủy lợi, thủy điện và đường giao thông quan trọng.
“Việc chuyển đổi phải không ảnh hưởng môi trường; đất chuyển đổi phải phục vụ sản xuất cho người dân, giúp họ đầu tư thâm canh, tăng năng suất, có nguồn thu nhập và quay trở lại bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết.
Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, việc chuyển đổi cần phải xem xét kỹ trong quy hoạch và mối tương quan tổng thể. Bởi hiện nay nền nông nghiệp miền núi đang bị phá vỡ do rừng tự nhiên bị cạn kiệt, chuyển đổi dẫn đến thiếu nguồn nước. Việc này sẽ dẫn đến những hệ lụy về an sinh xã hội, không có sinh kế thì người dân sẽ chuyển sang phá rừng.
Cùng với đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần rà soát kỹ nguồn tài nguyên đất, nhu cầu đất của người dân. Thực hiện kê khai, kiểm kê diện tích lấn chiếm, giải quyết các tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp hiện nay tại các công ty lâm nghiệp; Thể chế hóa trách nhiệm của các Ban quản lý rừng phòng hộ cả về trách nhiệm hành chính, kinh tế và hình sự đối với việc rừng bị phá, lấn chiếm và khai thác trái phép.
Thu Trang (Tin tức)
Lượt xem : 2307