Phụ nữ Lâm Đồng – Bông hoa đẹp bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên
11/24/2016 9:01:00 AM
(VACNE) - Về Đà Lạt những ngày cuối Thu, chiêm ngưỡng những thảm hoa hồng rực rỡ, những hàng cây Mimoza trải dài ven đường, hoặc những vạt hoa Dã Quỳ vàng óng trên những sườn đồi sẽ tạo ra những cảm xúc mới lạ cho du khách, nhưng sức hút mạnh mẽ hơn, khiến cho họ lưu lại dài ngày tại thành phố ngàn hoa này, lại chính là cảnh quan môi trường sạch đẹp hoang sơ.
Chị Nguyễn Khánh Ngân, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh Lâm Đồng cho biết: có được thành quả này, là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp giữa các ngành đoàn thể, đặc biệt là sự sáng tạo và cố gắng của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, mồ hôi công sức của các bà, các chị ở cơ sở.
Nhiều chỉ tiêu của Đại hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đề ra trong nhiệm kỳ 2011- 2016 đã hướng về mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về: Nước sạch - vệ sinh môi trường; Xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Cụ thể là, các bà, các chị ở Lâm Đồng đã coi các hoạt động thực hiện mục tiêu "3 sạch": sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, cũng quan trọng như các mục tiêu: xóa đói nghèo, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. Tất cả các chị, các mẹ đã có nhận thức: “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” không chỉ là nhu cầu bảo vệ sức khỏe, mà các hoạt động hướng tới mục tiêu này còn là “chất keo” gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng.
Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho biết: Cùng với việc tổ chức bộ máy, phân công đầu mối và cử cán bộ chuyên trách công tác BVMT, liên tục trong những năm gần đây Hội LHPN tỉnh còn thường xuyên xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp Hội cơ sở hưởng ứng các đợt cao điểm hành động BVMT. Điển hình như: “Tháng hành động vì Môi trường”, “Ngày Môi trường thế giới”, “Tuần lễ quốc gia nước sạch-vệ sinh môi trường”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”... Riêng Chương trình hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng Car bon rừng (gọi tắt là REDD+) đang được Hội LHPN tỉnh Lâm đặc biệt quan tâm. Bởi Chương trình này rất thiết thực với bảo vệ cảnh quan môi trường của địa phương - một tỉnh có nhiều rừng núi đang chịu những áp lực rất lớn về sự gia tăng dân số và phát triển du lịch. Cùng với việc phối hợp tổ chức nhiều Hội thảo, mở lớp tập huấn cho chi em, trong đó có 4 lớp tập huấn chuyên đề về môi trường tại 2 huyện: Đơn Dương và Đức Trọng, Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Ban quản lý chương trình UNREDD tổ chức 8 cuộc Hội thảo nâng cao nhận thức về REDD+, biến đổi khí hậu, quản lý bảo vệ rừng tại các xã thuộc các huyện: Lạc Dương, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng, Cát Tiên, Đạ Teh, mà hầu hết học viên là phụ nữ người dân tộc. Hội thi truyền thông giỏi về lĩnh vực này cũng được tổ chức tại huyện Đam Rông, Lạc Dương, Đạ Huoai, Lâm Hà, Bảo Lâm, với 130 ứng viên tham gia, trong đó hầu hết là nữ .
Các cấp Hội phụ nữ cơ sở ở Lâm Đồng đã cũng chủ động, phối hợp với các đoàn thể ở địa phương, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân và hội viên phụ nữ tham gia các lớp tập huấn, các hoạt động truyền thông như: mít tinh, diễu hành, ra quân làm vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương, tu bổ đường liên thôn, thu gom phân loại rác thải, trồng cây xanh… với gần 295.000 lượt người tham gia trong vòng 5 năm qua. Ngoài ra, chị em còn được dự các lớp tập huấn, tham gia chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi Viet GAHP, nâng cao kiến thức và kỹ năng trong sản xuất , chăn nuôi và kinh doanh, đặc biệt là chăn nuôi, sản xuất sạch và BVMT.
Cùng với việc tổ chức cho chị em vận động gia đình và các hộ trên địa bàn, hiến tặng gần 25.000 m3 đất làm đường giao thông, vận động tất cả Hội viên hăng hái tham gia phong trào dọn dẹp vệ sinh thường xuyên trong tuần, hơn 4 năm qua Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng còn vận động được hơn 2.700 gia đình ký cam kết không xả rác ra nơi công cộng, không vi phạm các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhờ gắn các hoạt động BVMT với xây dựng gia đình văn hóa, xóa đói giàm nghèo và an ninh chính trị xã hội ở cơ sở, nên môi trường được đảm bảo; đồng thời các phong trào cũng được phát triển vững chắc và ngày càng lan rộng, Điển hình như phong trào phụ nữ tiết kiệm xây dựng nông thôn mới, phát huy sáng kiến sản xuất kinh doanh giỏi, nhân đạo từ thiện …ở địa phương được gắn kết nội dung BVMT, bảo vệ sức khỏe và nâng cao đời sống cho người dân. Hội đã giúp gần 930 hộ vay vốn xây mới và cải tạo các công trình nước sạch, nhà vệ sinh. Hơn 4 năm qua, đã có hơn 22.000 Hội viên phụ nữ ở Lâm Đồng được giúp đỡ vay vốn, tư vấn kỹ thuật và đã có hơn 9.500 hộ đã thoát nghèo, trong đó có hơn một nửa là gia đình bà con dân tộc thiểu số. Sáng kiến lập “Quỹ quay vòng vốn vệ sinh” của Hội Phụ nữ Lâm Đồng được các ngành chức năng và cộng đồng địa phương hưởng ứng, huy động được tổng nguồn vốn lên tới 2, 4 tỷ đồng và đã có 439 hộ gia đình được thu hưởng, đời sống được nâng lên và sức khỏe được đảm bảo. Tất cả các thành viên được vay vốn đều phấn khởi và hăng hái tham gia bảo vệ nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường tại địa bàn khu dân cư sau khi sử dụng tiền đúng mục đích và trả lại cả tiền gốc và lãi cho Quỹ tiết kiệm đúng thời gian quy định. Việc tuyên truyên nâng cao nhận thức BVMT, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số được Hội LHPN Lâm Đồng quan tâm. Cụ thể là các nội dung tuyên truyền về các chủ đề này đều được biên soạn tinh giản và được chuyển sang tiếng dân tộc để bà con dễ hiểu, dễ làm theo. Những tài liệu này được chuyển tải tới 360 Chi Hội phụ nữ dân tộc và phổ biến rộng rãi ở cơ sở. Trang thông tin điện tử của HLHPN Lâm Đồng cũng thường xuyên giới thiệu các mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến theo hướng phát triển bền vững cuả cơ sở, trong đó có các mô hình: Trồng chè dưới tán Điều của phụ nữ Đạm Ri (Đạ Hoai); Mô hình Ô Dinh dưỡng ở xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông; Mô hình sản xuất bánh phở khô và mô hình trồng nấm mèo xuất khẩu tạo việc làm cho hơn 2.000 phụ nữ ở huyện Đức Trọng; Mô hình tái chế chất thải từ chế biến cà phê ướt…thường xuyên có lượng người truy cập khá đông.
Hiện nay, Hội LHPN Lâm Đồng đã xây dựng được 155 mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và xóa đói giảm nghèo, với số lượng rất đông người tham gia. Điển hình là các tổ phụ nữ thu gom rác thải, tổ phụ nữ bảo vệ rừng, tổ phụ nữ trồng cây xanh, thu gom xử lý rác thải trong nông nghiệp, ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình ở các huyện; cùng rất nhiều tuyến đường hoa, tuyến đường không rác ở thành phố Đà Lạt và các thị trấn của tỉnh Lâm Đồng là do các Chi Hội phụ nữ tự quản./.
Danh Trường (VACNE)
Lượt xem : 3134