Phía sau 45 cây trăm tuổi vừa được công nhận cây di sản Việt Nam
9/29/2024 8:41:00 AM
Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) vừa tổ chức họp và xét duyệt 45 cây lâu năm của 6 tỉnh, thành phố đủ điều kiện được công nhận là cây di sản Việt Nam. PGS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - khẳng định đợt xét công nhận cây di sản lần này có một số điểm đặc biệt.
Thêm 45 cây di sản, dấu ấn ở huyện đảo anh hùng
Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) vừa tổ chức họp và xét duyệt 45 cây lâu năm của 6 tỉnh, thành phố đủ điều kiện được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Trong danh sách này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có số lượng cây được công nhận nhiều nhất là 24 cây. Tỉnh Quảng Trị đứng thứ hai với 17 cây di sản.
Các địa phương như Bến Tre, Hà Tĩnh, Long An và Hà Nội mỗi nơi có thêm một cây đủ tiêu chuẩn là cây di sản Việt Nam.
|
Các đại biểu, chuyên gia chụp dưới cây thị gần 400 năm tuổi ở Hải Phòng - vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam. Ảnh: VACNE. |
Hội đồng Cây di sản Việt Nam cho biết các cây lâu năm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xét duyệt lần này đều nằm ở huyện Côn Đảo. Đó là 2 cây bàng (một cây gần 240 năm, đường kính thân gần 2m ở hòn Bảy Cạnh và 1 cây hơn 150 năm, chu vi thân 4,6 m ở bãi Ông Đụng).
|
Côn Đảo là thủ phủ của cây di sản. Ảnh: Trọng Tài. |
Bên cạnh đó còn có một cây sao đen tuổi đời 237 năm, chu vi thân gần 8 m ở Bãi Dài, còn lại là 21 cây phong ba hơn 100 tuổi. Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được mệnh danh là thủ phủ của cây di sản.
Theo tiêu chí xét công nhận cây di sản Việt Nam (áp dụng từ 01/01/2022), các cây nếu là cây tự nhiên phải đáp ứng tiêu chí sống trên 200 năm, cao tối thiểu 25m, chu vi thân đạt tối thiểu 6 m đối với cây gỗ, có hình dáng đặc sắc, cây khỏe mạnh,...
PGS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - khẳng định đợt xét công nhận cây di sản lần này có một số điểm đặc biệt. Hầu hết là cây tự nhiên.
Trong danh sách xét duyệt có quần thể cây phong ba ở Côn Đảo dù không phải cây thân gỗ quá to cao như bàng nhưng có ý nghĩa đối với việc bảo vệ môi trường. Cây phong ba sống sát biển, lại chịu được bão gió.
"Một số đảo ven biển Việt Nam có cây phong ba - loài cây gắn với quá trình bảo vệ chủ quyền quốc gia ở nơi đầu sóng ngọn gió. Phong ba được ví như những cột mốc xanh tồn tại hàng trăm năm", PGS.TS Trần Ngọc Hải nói.
|
Cây di sản ở Cồn Cỏ là minh chứng cho sức sống quật cường.
|
Điểm đặc biệt thứ hai là dấu ấn cây di sản ở huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị). Nói về những cổ thụ ở huyện đảo anh hùng, đại diện Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho biết rất nhiều cây đứng vững sau chiến tranh, trên thân còn in dấu tích lịch sử.
Đó là hố bom quanh gốc, hay vết mảnh bom găm vào giữa thân cây. Cây di sản ở Cồn Cỏ là minh chứng cho sức sống quật cường.
"Ngoài ra theo khảo sát của đoàn chuyên gia, diện tích rừng ở huyện đảo Cồn Cỏ rất lớn. Tại đây có nhiều cây mang ý nghĩa bảo vệ môi trường, bảo vệ đảo như phong ba, mù u, bàng... Đảo Cồn Cỏ cũng có định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh gắn với các cây di sản", PGS.TS Trần Ngọc Hải cho biết.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Trị là địa phương đầu tiên làm hồ sơ đăng ký xét công nhận cây di sản trên đảo, trong khi trên đất liền chưa có cây di sản.
Xã hội hóa để bảo tồn cây di sản
Ở Việt Nam, sự kiện mở đầu cho việc công nhận cây di sản là dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đầu tháng 10/2010, 9 cây muỗm cổ thụ gần 1.000 tuổi ở đền Voi Phục (Tây Hồ, Hà Nội) được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là cây di sản.
Trải qua hơn 10 năm, cây di sản Việt Nam đã có mặt ở hầu hết tỉnh thành trên cả nước, từ dãy núi cao Hoàng Liên Sơn cho đến các vùng sát biên giới Việt - Trung, xuống tận các vùng biển, đảo của Tổ quốc như Hòn Dấu (Hải Phòng), Sơn Trà (Đà Nẵng)...
|
Cây Trôi cổ thụ ở Hà Tĩnh mỗi năm chỉ ra hoa một bên vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam. |
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - khẳng định bảo tồn cây di sản không chỉ có giá trị tạo không gian xanh, làm tăng giá trị các công trình văn hóa, kiến trúc, mà còn bắc cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Cây di sản trên khắp cả nước góp phần hình thành ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Bảo vệ cây di sản tại các địa phương là giải pháp giáo dục thế hệ trẻ tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương...
Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Trần Ngọc Hải chia sẻ hầu hết địa phương khi làm hồ sơ đăng ký công nhận cây di sản đều có sự đồng thuận từ người dân đến chính quyền. Nhiều nơi đã thành lập tổ bảo vệ cây, bảo vệ rừng để quan tâm, quan sát, chăm sóc cây thường xuyên.
Một số địa phương có tổ bảo vệ cây di sản. |
"Trong quá trình địa phương bảo vệ và phát huy giá trị cây di sản, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc, tư vấn cách chăm sóc, khắc phục khi cây bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nhà nước không thể có ngân sách cho từng cây di sản. Vì vậy việc xã hội hóa, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn cây vô cùng quan trọng", PGS.TS Trần Ngọc Hải chia sẻ với Tiền Phong.
Phó Chủ tịch Hội Cây Di sản Việt Nam cho biết sau cơn bão số 3, ở Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp cây di sản nào bị gãy đổ. "Những cây di sản tồn tại hàng trăm năm, trải qua nhiều cơn bão lớn. Phần lớn cây có bộ rễ phát triển rất tốt, tán cân đối, rễ cọc đâm sâu", chuyên gia khẳng định.
(tienphong.vn)
Lượt xem : 549