Vietnamese English
Nhiều vấn đề "nóng" về tài nguyên và môi trường được trả lời trước Quốc hôi

11/18/2016 8:42:00 AM

(VACNE) - Mới đây, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã thẳng thắn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, được dự luận đánh giá cao, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Sáng ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ngay trong chiều qua, Bộ trưởng đã trả lời được 11 trên tổng số 46 chất vấn được gửi đến. Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng lần đầu tiên đăng đàn nhưng đã nắm rất rõ lĩnh vực, trả lời thẳng thắn những vấn đề "nóng" được nhân dân quan tâm.


 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn Quốc hội sáng 16/11/2016

 
 
 

Các nhóm vấn đề lớn được Bộ trưởng trả lời liên quan tới hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư; sử dụng công cụ kinh tế trong quản lý tài nguyên và môi trường; việc khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường miền Trung; đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; các vấn đề liên quan tới tài nguyên nước và biến đổi khí hậu.

 

Cụ thể, đối với nhóm vấn đề về bảo vệ môi trường, được rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Trước hết, đối với hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, chúng ta có một hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tương đối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương có Bộ TN&MT, có Tổng cục Môi trường; 7 Bộ, ngành đều có cơ quan môi trường là Cục/hoặc Vụ. Ở địa phương có Sở TN&MT và Chi cục Bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chúng ta có Cục Cảnh sát môi trường. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cấp trong hệ thống chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả; sự phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các cấp, các ngành; chế độ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa được quy định rõ ràng.

Đồng tình với hạn chế được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ra, để giám sát tốt việc bảo vệ môi trường của một dự án, "Cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan cấp phép đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan khác, trong đó có quản lý nhà nước về môi trường; đồng thời cần phải quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân người thực thi công vụ. Chỉ trong trường hợp đó, chúng ta mới có khả năng giám sát hiệu quả dự án, nếu xảy ra sự cố sẽ dễ dàng xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương

 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nêu ra các hạn chế về năng lực chuyên môn của công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã; có một bộ phận công chức chưa đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức công vụ, còn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp và người dân vì lợi ích cá nhân; trang thiết bị phục vụ cho hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn thiếu và lạc hậu.

"Đây là điều mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã đề cập. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ xem xét lại tính liêm chính và năng lực đội ngũ công chức của ngành. Tôi cũng đồng ý với đại biểu rằng, khi đã nhìn thấy điểm yếu, thì cần có giải pháp, có giải pháp thì phải bắt tay ngay vào công việc một cách quyết liệt. Nói đi đôi với làm. Cần siết chặt ngay kỷ cương, củng cố bộ máy và cán bộ" - Bộ trưởng nói.

 

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, Bộ trưởng đề xuất một số giải pháp. Trước hết, sẽ rà soát chức năng, nhiệm vụ và trình Chính phủ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ, đồng thời có kiến nghị đối với toàn ngành. Thứ hai, quy định rõ, phân định rõ chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của cơ quan quản lý nhà ước ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương để đảm bảo không bỏ trống, không chồng chéo; thể chế hóa chế độ trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là cả Hội đồng tư vấn trong đánh giá tác động môi trường, vấn đề cấp phép, giám sát của các dự án. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính Đề án tăng cường năng lực bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương; sau khi được phê duyệt sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện.

 

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

 

Đối với nhóm vấn đề quan tâm thứ hai liên quan tới triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Bộ trưởng báo cáo về giai đoạn 2012-2016, kinh phí cho các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề chỉ được cấp 17,3% so với số kinh phí được duyệt ban đầu, tương đương với 245 tỷ đồng. Vì sự thiếu hụt kinh phí, đến thời điểm này mới có 02 tiểu dự án hoàn thành, 09 tiểu dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện.  

"Giai đoạn 2016-2020,  Chính phủ tiếp tục đề xuất nội dung khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Kinh phí đề xuất cho giai đoạn này trên 2.000 tỷ đồng, trong đó Trung ương hơn 30%, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn khác.

Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu nguồn kinh phí được cấp đầy đủ thì trong thời gian 3 năm còn lại, chúng ta có thể hoàn thanh được mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

Nội dung thứ ba, các đại biểu quan tâm về vấn đề đánh giá tác động môi trường (ĐTM), các công cụ bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư còn nhiều tồn tại và bất cập, hạn chế, đặc biệt là quy trình thực hiện ĐTM chưa thực sự chặt chẽ; năng lực các tổ chức tư vấn ĐTM còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với những dự án có quy mô lớn, tính phức tạp cao; năng lực của Hội đồng thẩm định ĐTM cũng chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có quy định chặt chẽ về trách nhiệm của tổ chức tư vấn và Hội đồng thẩm định, do đó có nơi, có lúc việc lập và thẩm định ĐTM còn lỏng lẻo; và chưa có cơ chế tài chính để đảm bảo hoạt động này; công tác giám sát thực hiện ĐTM còn yếu trong các khâu lập, phê duyệt, xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức và chấm dứt hoạt động của dự án. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ rà soát, kiểm tra về dấu hiệu tiêu cực trong việc ĐTM, cũng như cấp phép xử lý chất thải, nếu phát hiện thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

"Chúng ta quy định thực hiện ĐTM để cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong quá trình lập báo cáo đầu tư, cơ quan phê duyệt ĐTM không nắm được thiết kế chi tiết, thiết kế xây dựng, thi công dự án" - Bộ trưởng thẳng thắn nêu ra bất cập, hạn chế đối với ĐTM.

 

Về các giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho rằng, trước tiên cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật liên quan tới ĐTM, trong đó cần bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức tư vấn và thành viên Hội đồng thẩm định ĐTM; tiến hành ĐTM 2 bước đối với các dự án có quy mô lớn và phức tạp, nhạy cảm về môi trường. Đồng thời, cần tăng cường công tác tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền, nhân dân địa phương, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị, cá nhân quan tâm và lắng nghe, cũng như có cơ chế để tiếp thu đầy đủ ý kiến.

Đặc biệt, "quá trình thẩm định ĐTM phải nhận diện được các vấn đề phức tạp, nhạy cảm và đề xuất được mức độ giám sát sau khi phê duyệt. Trong trường hợp năng lực của tổ chức tư vấn và hội đồng thẩm định trong nước không đáp ứng được nhu cầu ĐTM của các dự án lớn, phức tạp, sẽ tính đến việc sử dụng tổ chức tư vấn và chuyên gia nước ngoài, trình độ cao để thực hiện, tham gia vào quá trình đánh giá cũng như giám sát. Đồng thời, phải nghiên cứu cơ chế giám sát thực hiện ĐTM bởi các tổ chức khoa học độc lập trong và ngoài nước" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

 

Trình bày cụ thể thêm về Dự án lấp sông Đồng Nai do đại biểu Dương Trung Quốc và Phùng Văn Hùng đề cập, Bộ trưởng cho biết, mặc dù Dự án này đã được cơ quan tư vấn hoàn thành báo cáo ĐTM và được phê duyệt và đã triển khai thực hiện, song trước sự bức xúc của dư luận, Bộ TN&MT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá lại tác động của dự án này đến dòng chảy sông Đồng Nai. Chủ đầu tư cũng đã dừng thi công dự án. Việc đánh giá tác động đến dòng chảy hiện nay đang được thực hiện nhưng chưa hoàn thành. Lý do chưa có kết quả cuối cùng là phải quan trắc chuỗi số liệu dòng chảy theo các mùa trong năm.

"Ở đây, việc ĐTM rõ ràng có vấn đề. Bộ TN&MT cho rằng cơ quan tư vấn ĐTM của dự án đã không xem xét một cách thích đáng đến tác động của việc đổ các chất thải ra sông, có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước, làm biến đổi dòng chảy,... Dự án cũng không thoả mãn việc sử dụng lưu vực sông theo Luật Tài nguyên nước" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Một đề xuất rất hay của đại biểu Hoàng Văn Cường đã nêu, bên cạnh các công cụ quản lý về hành chính và kỹ thuật thì cần phải xem xét việc sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý TN&MT, Bộ trưởng cho biết, về nguyên tắc, khi chúng ta vận hành một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc sử dụng các công cụ kinh tế là một việc cần thiết, nó cho phép hạn chế tối đa các công cụ hành chính. Các công cụ kinh tế trong quản lý TN&MT được thiết kế dựa trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền; trả đúng, trả đủ và người hưởng lợi từ TN&MT thì cũng phải chi trả".

"Đến thời điểm này, ở Việt Nam đã thực hiện một số công cụ kinh tế sau đây: thuế tài nguyên, thuế môi trường, phí, quỹ bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ kinh tế này vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa đúng quy luật của nền kinh tế thị trường.

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ nghiên cứu hoàn thiện các công cụ kinh tế đã có, mở rộng phạm vi áp dụng, nâng cao hiệu quả, đồng thời đề xuất bổ sung các công cụ kinh tế khác theo kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam như: bảo hiểm, quơ ta phát thải, nhãn sinh thái, tín chỉ các bon…" - Bộ trưởng đề xuất.

 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

 

Đối với nhóm vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới sự cố môi trường miền Trung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, năm 2015, Tổng cục Môi trường đã thanh tra công tác BVMT đối với 12 cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (trong đó có Công ty Formosa), Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra Công ty Formosa từ tháng 6 và kết thúc thanh tra vào đầu tháng 9/2015. Đến tháng 01/2016, ban hành Kết luận thanh tra. Vào thời điểm này, Công ty Formosa đang trong quá trình thi công, xây dựng một số hạng mục công trình của dự án, trong đó có Trạm dập cốc. Vì lý do đó, Kết luận thanh tra chưa chỉ ra được các sai sót.

Riêng đối với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan tới sự cố môi trường này, "Tổ chức gây sự cố đã được chỉ ra rất rõ; thừa nhận trách nhiệm, xin lỗi Nhân dân và Chính phủ Việt Nam; cam kết đền bù thiệt hại và đã thực hiện đền bù, khắc phục các sai sót trong thiết kế, thi công nhà máy tại Hà Tĩnh.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hệ thống quản lý nhà nước các cấp kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, sai phạm, mức độ kỷ luật nếu có. Tinh thần là nghiêm túc và không né tránh.

Bộ TN&MT đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đã kiểm điểm ngay từ những ngày đầu khi xảy ra đối với tập thể Ban Cán sự nhiệm kỳ 2010-2015. Bộ cũng đã yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc, không né tránh. Kết quả cuối cùng, Ban Cán sự đã nhận các hình thức và trình cấp trên xem xét, quyết định; đối với cấp dưới, Ủy ban kiểm tra cũng đang phối hợp với chúng tôi để xem xét các dấu hiệu vi phạm và sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Khi có kết quả cuối cùng, theo trình tự xử lý kỷ luật đối với cán bộ, chúng tôi sẽ công bố đầy đủ đến nhân dân được biết" - Bộ trưởng thẳng thắn cho biết.

 

Về vấn đề môi trường đã an toàn chưa, "Ngày 22/8, tôi đã công bố về cơ bản là môi trường 04 tỉnh miền Trung đã đảm bảo an toàn về môi trường dựa trên những kết quả điều tra, đánh giá rất bài bản, công phu và đã được thẩm định, xác nhận của các cơ quan tư vấn độc lập trong và ngoài nước, với sự tham gia nhiều chuyên gia của các Viện hàng đầu của Việt Nam. Ngày 22/9, khi công bố an toàn về hải sản, Bộ TN&MT một lần nữa, trên cơ sở theo dõi thường xuyên, tập trung vào một số vùng nhạy cảm đã công bố toàn bộ khu vực biển miền Trung với các chỉ số đáp ứng an toàn. Một lần nữa, tôi xin được khẳng định là biển miền Trung an toàn, trên cơ sở phân tích từ trầm tích đáy, nước đáy, nước giữa và nước mặt trên toàn bộ khu vực biển. Tất cả các hoạt động du lịch, thể thao và nuôi trồng thủy sản hoàn toàn có thể tiến hành bình thường, đương nhiên cũng cần phải theo các quy chuẩn, hướng dẫn cần thiết để có thể kiểm soát được các vấn đề dịch bệnh và môi trường" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vấn đề hải sản an toàn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, Bộ Y tế đang tiến hành nhiều phân tích toàn diện, phối hợp với nhiều phòng phân tích trên thế giới. Đến nay, chúng tôi tin tưởng rằng, Bộ Y tế sẽ công bố toàn bộ hải sản miền Trung sẽ an toàn. Hiện nay, chúng tôi khuyến cáo là công bố của Bộ Y tế vào 22/9 là chúng ta cần phải theo hướng dẫn đó kể cả vùng đánh bắt cũng như các loại hải sản đảm bảo an toàn. Đồng thời, các lô hàng thủy sản sau khi đánh bắt cần phải thực hiện thông qua việc kiểm định của cơ quan có chức năng, thẩm quyền để đảm bảo sự an toàn cho người dân.

Về quá trình đền bù thiệt hại, ngay sau khi xảy ra sự cố, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quan tâm, giải quyết những vấn đề cấp thiết, thiết thực đối với người dân, với tinh thần không để người dân nào đói, người dân nào rét; và quan tâm toàn diện đến người dân không có công ăn việc làm và các vấn đề an ninh trật tự khác.

Tiếp theo đó, sau khi Formosa đền bù, Chính phủ ra Văn bản 1880 dựa trên sự tổng hợp ý kiến thống nhất, khoa học của các Bộ ngành Trung ương và các địa phương, có tham khảo ý kiến người dân về các đối tượng, định mức đền bù; về cơ bản những người dân tham gia trực tiếp hoạt động ở biển và những người tham gia gián tiếp trong 07 nhóm đối tượng thiệt hại đã được xác định. Bốn địa phương đang tiến hành khẩn trương kinh phí tạm ứng giai đoạn 01 là 3.000 tỷ. Và Chính phủ, trực tiếp đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến trực tiếp kiểm tra và lắng nghe ý kiến của người dân, các địa phương, đang tiếp tục hoàn thiện xem xét thêm việc tính toán và đền bù, đảm bảo các đối tượng thiệt hại được đưa vào phạm vi đền bù. 

Về ảnh hướng đến hệ sinh thái, Bộ trưởng đồng tình với một số ý kiến được các đại biểu Quốc hội nêu.

"Với quá trình tự làm sạch của môi trường biển - đó là điều rất đáng mừng nhưng mà hệ sinh thái hồi phục thì cần phải có thời gian và đương nhiên cần có sự hỗ trợ và tay người. Chính phủ đã quan tâm là bên cạnh việc bồi thường thiệt hại trực tiếp, thì hỗ trợ công ăn việc làm, trong đó có tạo công ăn việc làm mới trong quá trình phục hồi sinh thái để tạo ra cảnh quan như san hô, cỏ biển, tạo sinh cảnh phong phú để thành tài nguyên trong tương lai, cho ngành dịch vụ du lịch của tương lai. Những công việc này xin báo cáo với Quốc hội là chúng ta đã có đầy đủ về cơ sở đánh giá về hệ sinh thái, mức độ tổn thương và chúng tôi đã chuyển để Bộ NN&PTNT nghiên cứu, xem xét các dự án để cùng với người dân phục hồi lại môi trường biển" - Bộ trưởng chia sẻ.

 

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa

 

Về trả lời chất vấn của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Nguyễn Thị Lan về quản lý đất đai, liên quan tới đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, Bộ trưởng cho biết, đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng quản lý, sử dụng là nguồn lực rất lớn nhưng chưa được sử dụng hiệu quả; quản lý đất đai nông, lâm trường còn hạn chế bị buông lỏng trong một thời gian dài, dễ bị lấn, chiếm; tranh chấp đất đai kéo dài không được giải quyết kịp thời..; ranh giới giữa bản đồ và thực địa chưa cụ thể; một số nông, lâm trường đã giao khoán, cho thuê, cho mượn; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư không đúng theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg giao trách nhiệm cho Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Thanh tra Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố có nông, lâm trường triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp; phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp.

"Đã có 27/39 tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp lại.Đã xác định được 141.983km ranh giới (88%); cắm 33.195 mốc giới (45%); đo đạc, lập bản đồ địa chính: 632 nghìn ha; đã cấp hơn 11,5 nghìn GCN. Đã chuyển sang cho thuê theo quy định với diện tích gần 1,14 triệu ha. Có 10 tỉnh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xác định ranh giới sử dụng đất. Qua rà soát, sắp xếp sẽ bàn giao lại cho các địa phương gần 500.000 ha để quản lý, sử dụng hiệu quả hơn và giải quyết tình hình thiếu đất cho đồng bào dân tộc thiểu số" - Bộ trưởng nêu ra các kết quả với số liệu minh họa rất cụ thể.

 

Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 21/6/2012 của Quốc hội khóa XIII, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay cả nước đã hoàn thành cấp GCN cho gần 95% diện tích cần cấp.

"Mặc dù chỉ còn khoảng 5% diện tích cần tiếp tục cấp GCN lần đầu nhưng đây là vấn đề khó khăn do cơ chế chính sách thay đổi thường xuyên; nghĩa vụ tài chính áp dụng cho việc cấp GCN còn bất cập chưa phù hợp với từng loại đối tượng. Trong số 5% còn có nhiều trường hợp sinh sống, sử dụng đất từ trước 15/12/1980 nhưng không có các loại giấy tờ hợp lệ theo quy định do bị thất lạc, mất.., nhiều trường hợp là người có công như bộ đội, giáo viên,..; Có trường hợp vi phạm pháp luật đất đai như lấn, chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, mua bán “trao tay”, ...; Nhiều chủ đầu tư sau khi hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà ở xong đã chậm trễ trong việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp GCN cho người mua nhà…Nhiều trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp luật về xây dựng, thế chấp dự án nhà ở…" - Bộ trưởng nêu ra các nguyên nhân dẫn đến chưa việc hoàn thành cấp GCN cho 5% diện tích còn lại trong cả nước.

Về quan điểm và giải pháp xử lý, Bộ trưởng nhấn mạnh tới việc hoàn thành cấp GCN cho 5% diện tích còn lại là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Bộ TN&MT và chính quyền các cấp phải tập trung hoàn thành để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất và có nhà; điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, giảm khiếu nại tố cáo và thúc đẩy thị trường bất động sản. Do vậy, Bộ và các Bộ ngành, địa phương cần tập trung xử lý ở các địa bàn trọng điểm nhất là ở các đô thị; việc xử lý phải căn cứ theo từng nhóm đối tượng theo quy định của pháp luật tại từng thời điểm và xác định nghĩa vụ tài chính phù hợp với quá trình sử dụng đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính trong việc chấp hành pháp luật liên quan đến việc cấp GCN. Xử lý nghiêm đối với những trường hợp cán bộ có hành vi nhũng nhiễu; công khai các doanh nghiệp vi phạm.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học

 

Về khai thác khoáng sản, các đại biểu Nguyễn Thái Học, Ngọ Duy Hiểu đã chất vấn liên quan đến nhóm vấn đề này. Bộ trưởng đồng tình với nhận định, đánh giá của đại biểu về các tồn tại trong vấn đề thất thoát tài nguyên khoáng sản và cho biết, Bộ TN&MT đang tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg; đồng thời đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15 để giải quyết các vấn đề này như: quản lý cấp phép, thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; đặc biệt sẽ cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông theo lưu vực sông và xây dựng cơ chế quản lý giữa các địa phương giáp ranh; cũng như là huy động hệ thống chính trị và xác định trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi địa phương trong trường hợp nếu để xảy ra các khai thác trái phép; đồng thời chỉnh đốn tổ chức đấu thầu, lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực.

 

Trên Nghị trường Quốc hội, bên cạnh các vấn đề liên quan tới công tác bảo vệ môi trường, vấn đề tài nguyên nước và biến đổi khí hậu cũng được nhiều đại biểu quan tâm (các đại biểu Phùng Văn Cường, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Phước Lộc, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Thể, Nguyễn Tuấn Anh,..).

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tình trạng hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong thời gian gần gần đây, xuất phát từ hai nguyên nhân, vừa thiên tai, vừa nhân tai.

"Nhân tai là do các nước ở thượng nguồn đóng góp vào đây rất nghiêm trọng. Trên thực tế chúng ta không bị động, chúng ta đã xây dựng Chiến lược quy hoạch, đã có những chương trình cụ thể đối với các khu vực này. Đồng thời đã có nghiên cứu, đánh giá tổng thể với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế để đánh giá, tổng hợp tác động của các công trình thủy điện ở thượng nguồn đối với hạ nguồn bao gồm các nhà máy thủy điện từ Trung Quốc, Lào, Campuchia... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho Bộ Chính trị, Nhà nước cũng như là sự phối hợp với Ủy ban sông Mê Công và các tổ chức quốc tế để có thể đàm phán đấu tranh, chia sẻ lợi ích sử dụng nước ở đây" - Bộ trưởng cho biết.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh

 

Đối với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đã phê chuẩn Thoả thuận Paris về BĐKH nhằm tận dụng các cơ hội hợp tác; ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Thoả thuận. Đồng thời, trong nhiều năm qua, chúng ta đã phối hợp với các đối tác phát triển; hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH và Tăng trưởng xanh, Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC). Trong đó tập trung 3 trụ cột: (1) các dự án đầu tư với sự cam kết tài chính của các đối tác phát triển; (2) các khung chính sách để hài hòa các chính sách môi trường của Việt Nam với quốc tế; (3) Tăng cường năng lực và chia sẻ tri thức. Đồng thời, xác định nội lực để thích ứng với BĐKH, tập trung vào các vùng ưu tiên như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và một số khu duyên hải miền trung, vùng núi phía bắc dựa trên tiêu chí ưu tiên".

Vì thời gian dành việc trả lời chất vấn không nhiều; nhiều vấn đề đã được đặt ra chưa thể trao đổi thật đầy đủ, cần nhiều thời gian hơn để trao đổi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà xin sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu của các đại biểu bất cứ lúc nào và sẽ trao đổi lại bằng văn bản; đồng thời, Bộ trưởng cũng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã dành cho ngành TN&MT và cá nhân Bộ trưởng sự quan tâm, khích lệ.

 

Toàn cảnh phiên chất vấn

 

* Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy đây là nội dung được Quốc hội và cử tri rất quan tâm; có tác động thiết thực đến đời sống của nhân dân và phát triển bền vững của đất nước.

Nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào các vấn đề thực trạng ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, các khu-cụm công nghiệp, làng nghề; ô nhiễm do sản xuất than, chất thải, đặc biệt là chất thải rắn; việc xả thải gây ô nhiễm môi trường ở các dòng sông, trong đó có sông Nhuệ, sông Đáy, sông Hậu; việc xử lý, khắc phục sự cố môi trường biển liên quan đến dự án Fomorsa và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố này; việc quản lý đất đai, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt việc khai thác cát, sỏi ở các dòng sông.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung chất vấn về vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường của các dự án thủy điện đã và đang hoạt động cũng như các dự án sẽ triển khai theo sơ đồ quy hoạch; việc triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán; trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong triển khai thực hiện hoạt động đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các vị đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi rất thẳng thắn, bám sát thực tiễn và bám sát các nhóm vấn đề. Tuy nhiên, một số câu hỏi hơi dài, vẫn còn giải thích trước khi hỏi. Bộ trưởng Trần Hồng Hà tuy mới nhận nhiệm vụ và đây là lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã nắm rõ tình hình, đặc biệt là những thực trạng ô nhiễm môi trường mà nhân dân cả nước rất quan tâm; những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý.

Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, làm rõ các vấn đề được đại biểu nêu và hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc trả lời của Bộ trưởng có một số nội dung còn dài và một số nội dung chưa rõ trách nhiệm của ai, ngành và địa phương nào, ngoài việc nhận trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong sự cố Fomorsa.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, có những giải pháp tích cực, hiệu quả, kịp thời hơn để khắc phục những vấn đề mà ngành Tài nguyên và Môi trường đang phải đối mặt. Đồng thời, Bộ trưởng tham mưu cho Chính phủ làm rõ một số vấn đề như rà soát đánh giá tổng thể thực trạng ô nhiễm môi trường, có giải pháp cụ thể khả thi, hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường tại nông thôn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và việc ô nhiễm các lưu vực sông; xác định rõ trách nhiệm và kiêm quyết xử lý các cơ sở, dự án đã gây ra ô nhiễm; kiểm soát ô nhiễm môi trường do sản xuất, khai thác than; có giải pháp xử lý hiệu quả những chất rác thải của các nhà máy nhiệt điện, than; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác, đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn, đảm bảo an toàn môi trường.

Đối với dự án Fosmosa, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp giám sát các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết của dự án trước khi đi vào sản xuất; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường do dự án này gây ra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo niềm tin lâu dài và ổn định cuộc sống của nhân dân trong vùng bị thiệt hại. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đã, đang và sẽ đầu tư; xác định trách nhiệm trong việc đánh giá tác động môi trường đã gây ra ô nhiễm sau khi đi vào hoạt động và giải pháp kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng việc đánh giá tác động môi trường.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là việc khai thai cát, sỏi trong các dòng sông; tiếp tục rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn, hạn hán. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường công tác quản lý nhà nước và làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong việc đánh giá, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, tập trung, tăng cường quản lý nhà nước, có những giải pháp hiệu quả. Bộ cần phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực ngành phụ trách nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yến kém và xử lý, ngăn chặn những sai phạm hoặc tái phạm có thể xảy ra và báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

 

CTTĐT

(Theo MONRE.GOV.VN)

Lượt xem : 2138