Vietnamese English
Năm kết quả quan trọng từ COP26 nhà đầu tư cần biết

11/17/2021 4:03:00 PM

Với những kết quả tại COP26, các nhà đầu tư sẽ phải đánh giá lại những cơ hội trong lĩnh vực năng lượng xanh và công nghệ sạch, cũng như khả năng thích ứng của các gã khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch. Đây là các yếu tố có thể định hình danh mục của nhà đầu tư thời gian tới...


Các nhà hoạt động khí hậu tham gia biểu tình bên ngoài địa điểm tổ chức COP26 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh - Ảnh: Getty Images


Các nhà hoạt động khí hậu tham gia biểu tình bên ngoài địa điểm tổ chức COP26 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh - Ảnh: Getty Images

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa phải kéo dài thêm một ngày so với dự kiến để thảo luận và đạt được thỏa thuận về khí hậu mới với gần 200 quốc gia vào ngày 13/11.

Theo đó, dù nâng cao các ưu tiên để giảm phát thải, các bên tham gia vẫn không đạt được thống nhất về các biện pháp cứng rắn hơn với việc tiêu thụ dầu, khí gas và than mà một số tổ chức môi trường và nhà khoa học cho là cần thiết để đảm bảo đạt được mục tiêu về phát thải ròng bằng 0 trong những năm tới.

Tuy nhiên, với những kết quả tại COP26, các nhà đầu tư sẽ phải đánh giá lại những cơ hội trong lĩnh vực năng lượng xanh và công nghệ sạch, cũng như khả năng thích ứng của các gã khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch. Đây là các yếu tố có thể định hình danh mục của nhà đầu tư thời gian tới.

NHỮNG QUY ĐỊNH CÓ THỂ "THAY ĐỔI CUỘC CHƠI"


“Hành động vì khí hậu để hạn chế sự nóng lên toàn cầu đòi hỏi có sự thay đổi lớn chưa từng thấy trong công nghệ sạch trên quy mô lớn. Tuy nhiên, việc này sẽ tốn kém, diễn ra chậm và không đồng đều”, một nhóm nghiên cứu về đầu tư vốn cổ phần theo chủ đề của Bank of America Merrill Lynch nhận xét.

Nhóm này dự báo việc tăng gấp đôi mức đầu tư hàng năm vào riêng hệ thống năng lượng toàn cầu lên 5.000 tỷ USD trong 30 năm tới, tổng mức đầu tư thêm sẽ lên tới 150.000 tỷ USD – gấp hai lần GDP toàn cầu hiện tại.

COP26 đạt được thỏa thuận khí hậu mới vào ngày 13/1 - Ảnh: AP


COP26 đạt được thỏa thuận khí hậu mới vào ngày 13/1 - Ảnh: AP

“Việc này có thể thực hiện được nhưng cần sự vào cuộc của các chính phủ, ngân hàng trung ương, thị trường tài chính, các tổ chức đầu tư vì môi trường – xã hội – chính trị, khu vực tư nhân và người tiêu dùng”, các nhà phân tích nhận định.

Hiện tại, các ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà quản lý tài sản – nắm giữ khoảng 130.000 tỷ USD – đã cam kết sẽ tự điều chỉnh để đạt được mục tiêu về phát thải ròng. Một số chính phủ cũng tham gia cam kết dù còn khác nhau ở mức độ, thậm chí một số rút lui. Một mục tiêu lớn là đưa ra các quy định về công bố thông tin liên quan tới khí thải. Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đang tiến tới các quy định như vậy.

Theo các nhà phân tích thị trường chứng khoán, nếu các công ty buộc phải tiết lộ về mức phát thải của mình, đây sẽ là một quy định mang tính thay đổi cuộc chơi, giúp các nhà đầu tư dễ dàng điều chỉnh danh mục để đưa vào các cổ phiếu bền vững hơn.

CƠ HỘI TỪ CÁC MỤC TIÊU PHÁT THẢI VÀ NĂNG LƯỢNG XANH


Các bên tham gia COP26 thống nhất rằng để đạt được mục tiêu đầy tham vọng của Hiệp định Paris năm 2015 là kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C vào cuối thế kỷ so với thời tiền công nghiệp, các quốc gia cần phải “giảm nhanh, sâu và bền vững lượng phát thải khí nhà kính, bao gồm giảm lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu xuống 45% vào năm 2030 so với mức năm 2010 và bằng 0 vào khoảng giữa thế kỷ này, cũng như giảm sâu các khí nhà kính khác”.

"Tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời có thể đạt đỉnh vào năm 2022 nhờ chính sách khuyến khích của các chính phủ và nhu cầu của khu vực tư nhân".

S&P GLOBAL MARKET INTELLIGENCE

Các nước phát triển cũng được yêu cầu cập nhật tình hình ngắn hạn vào năm 2022.

Theo các nhà khoa học, thế giới chưa đạt được mục tiêu về kiểm soát mức tăng nhiệt độ, nhưng những cam kết này sẽ đưa các nước lại gần nhau hơn.

Các nhà nghiên cứu của Bank of America cho biết chi phí của các công nghệ sạch đã dần giảm xuống trong thập kỷ qua. Hiện tại, chi phí của năng lượng gió đã giảm hơn 45%, năng lượng mặt trời giảm 85%, còn pin - như pin xe điện và lưu trữ năng lượng mặt trời - giảm tới 89%. Dù cạnh tranh với các loại năng lượng khác, nhưng công suất của các loại năng lượng sạch vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, lĩnh vực này có nhiều cơ hội tăng trưởng.  

“Để phi carbon hóa Trái Đất, chúng ta cần tăng gấp 9, 14 và 88 lần công suất của lần lượt năng lượng gió, mặt trời và pin điện vào năm 2050. Kể cả khi đó, chúng ta mới chỉ giảm được một nửa lượng khí thải carbon”, nhóm nghiên cứu của Bank of America cho biết.

Theo một báo cáo của S&P Global Market Intelligence, tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời có thể đạt đỉnh vào năm 2022 nhờ chính sách khuyến khích của các chính phủ và nhu cầu của khu vực tư nhân.

CÚ HÍCH CHO HYDRO XANH VÀ HẠT NHÂN


Theo bà Amber Rudd - cựu Bộ trưởng năng lượng và khí hậu của Vương quốc Anh, và là trưởng phái đoàn tại hội nghị khí hậu Paris năm 2015, tuần trước nhận định những kết quả của COP26 có thể trở thành cú hích cho lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

COP26 diễn trong gần 2 tuần tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh - Ảnh: AP

COP26 diễn trong gần 2 tuần tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh - Ảnh: AP

Năm 2020, Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ đã phê duyệt thiết kế của một loại lò phản ứng mới, được gọi là lò phản ứng mô-đun nhỏ. Đây là thiết kế của công ty NuScale Power có trụ sở tại Portland, bang Oregon nhằm tăng tốc độ xây dựng, giảm chi phí và cải thiện mức độ an toàn so với các lò phản ứng hạt nhân truyền thống, chủ yếu nhờ kích thước nhỏ. Công ty này đã nhận được vốn đầu tư từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Trong khi đó, liên doanh General Electric-Hitachi Nuclear Energy cũng đã tham gia phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ.

Ngoài ra, công nghệ hydro xanh, dù cần được đầu tư nhiều hơn để đạt quy mô lớn, nhưng cũng có triển vọng lạc quan khi thế giới chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch. Với lĩnh vực này, Morgan Stanley “để mắt” tới nhiều cổ phiếu như Air Products, Enbridge và New Fortress Energy… xem đây là những cổ phiếu sẽ được hưởng lợi nhiều trong công cuộc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch.

VẪN ỦNG HỘ CÁC CÔNG TY DẦU MỎ, KHÍ GAS VÀ THAN


Các nguồn năng lượng truyền thống vẫn nhận được sự ủng hộ ở mức độ nào đó tại COP26 khi các bên đã sửa đổi câu chữ trong các điều khoản so với đề xuất ban đầu – điều vấp phải sự phản đối của nhiều tổ chức môi trường. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ rút lại các điều khoản loại bỏ than nghiêm ngặt hơn, còn các tổ chức lớn tỏ ra miễn cưỡng đồng ý. Thỏa thuận dần loại bỏ than vào giữa thế kỷ này không có sự tham gia của các nước tiêu thụ than lớn nhất như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ.

Theo đó, thỏa thuận cuối cùng kêu gọi các quốc gia “đẩy nhanh nỗ lực hướng tới việc cắt giảm dần điện than và tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”. Cách diễn đạt này được cho là mềm mỏng hơn so với đề xuất ban đầu là "chấm dứt toàn bộ việc tài trợ cho lĩnh vực đầu mỏ và khí gas”. Đề xuất ban đầu cũng kêu gọi “loại bỏ” theo từng giai đoạn chứ không phải “giảm dần” theo từng giai đoạn.

"Các thông báo quan trọng được đưa ra tại COP lần này chủ yếu về than đá, việc tài trợ nhiên liệu hóa thạch, trong khi hạn chế nhắc đến dầu và khí đốt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong 27 năm thỏa thuận cuối cùng của hội nghị COP đề cập tới nhiên liệu hóa thạch", Namrata Chowdhary của nhóm hoạt động môi trường 350.org cho biết. “Đây là bước đi nhỏ, nhưng là một bước quan trọng”.

Trong số 3 nhiên liệu hóa thạch gồm than, dầu và khí tự nhiên, than là loại gây ô nhiễm lớn nhất, chiếm khoảng 20% khí thải nhà kính. Đây cũng là nhiên liệu tương đối dễ thay thế - ban đầu bị thay thế bởi khí gas và dần dần bởi năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, kể cả khi chi phí năng lượng tái tạo giảm xuống, vẫn không dễ để loại bỏ than. Nhu cầu điện ngày càng tăng khi dân số thế giới cũng như của cải tăng lên. Khi đó, năng lượng tái tạo không đủ để thỏa mãn nhu cầu tăng lên, đặc biệt là tại Ấn Độ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo Ấn Độ sẽ cần bổ sung hệ thống năng lượng với quy mô tương đương với cả khu vực Liên minh châu Âu (EU) để đáp ứng nhu cầu điện tăng lên trong 20 năm tới.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy thu giữ và lưu trữ carbon với mục đích sử dụng trực tiếp tại nguồn đốt nhiên liệu hóa thạch là cơ hội mới với các công ty năng lượng truyền thống.  

THỊ TRƯỜNG MUA BÁN CARBON


Một vấn đề nữa khiến các bên tham gia COP đau đầu suốt 6 năm: Thành lập thị trường mua bán carbon. Ý tưởng này là giao dịch tín chỉ carbon để giảm carbon như các loại hàng hóa khác, khai thác sức mạnh của thị trường, và các quốc gia nghèo nhận được tiền – thường là từ các công ty tư nhân – để thực hiện các biện pháp giảm carbon trong không khí.

Các nhà hoạt động môi trường chào đón các đại biểu tham gia COP26 bên ngoài địa điểm tổ chức sự kiện ở Glasgow ngày 12/11 - Ảnh: Getty Images


Các nhà hoạt động môi trường chào đón các đại biểu tham gia COP26 bên ngoài địa điểm tổ chức sự kiện ở Glasgow ngày 12/11 - Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, các nước giàu muốn đảm bảo rằng các nước nghèo bán tín chỉ carbon của họ để giảm carbon trong không khí, bao gồm các biện pháp như tăng diện tích trồng rừng để hấp thụ carbon, chứ không phải các biện pháp tương tự như nước giàu đang áp dụng bởi như vậy là “tính hai lần”.

“Tin tốt là giờ đây chúng ta có các quy định để tránh tính hai lần như vậy”, Helen Mountford, Phó chủ tịch về khí hậu và kinh tế của Viện Tài nguyên Thế giới, cho biết.

Tuy nhiên, bà Mountford tỏ ra thất vọng về việc thị trường mua bán carbon mới cho phép trao đổi tối đa tín chỉ 4 giga tấn carbon từ thời Nghị định thư Kyoto. Theo bà, con số này nhiều hơn lượng phát thải hàng năm của Nga và Indonesia cộng lại và như vậy là vô cùng rủi ro cho việc kiểm soát sự nóng lên toàn cầu.

Hoài Thu (vneconomy.vn)

Lượt xem : 2282