Vietnamese English
Màu Xanh cây Hồ Gươm

7/3/2017 9:16:00 PM

(VACNE: 3/7) - 21 năm trước, trong số 6 năm 1996 ấn phẩm “Việt Nam Xanh” của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đăng bài của nhà văn Băng Sơn khi đó “Màu Xanh cây Hồ Gươm”.

Nhân chuyện Hà Nội muốn thay các cây xanh quanh Hồ Gươm, VACNE đăng lại bài này để chúng ta cùng suy ngẫm.

Thử tưởng tượng dại dột một chút: nếu một sáng nào đó bừng mắt dậy, thấy Hà Nội không còn Hồ Gươm nữa, thay vào đấy là mấy đường phố ngang dọc toàn nhà dưới nắng chang chang như vùng đất mới Tây Nguyên, hoặc còn thê thảm hơn, xung quanh hồ không còn một bóng cây xanh nào nữa, tất cả đã bị chặt hoặc biến đi, trơ lại đường nhựa và nhà cửa thì Hà Nội chúng ta sẽ ra sao? Sẽ không còn là Hà Nội nữa chăng? Thế mới thấy Hồ Gươm, và nhất là màu xanh cây cối quanh Hồ Gươm còn giá trị như thế nào với môi tường và tâm hồn chúng ta…

Nhà thơ Hy Lạp Lu-đê-mít gọi Hồ Gươm là Lẵng hoa Hà Nội. Nhà thơ Đại Thủy của Việt Nam thì gọi:

Hồ Gươm là một chiếc nôi

Đu đưa sóng biếc ru trời mùa xuân….

Người khác gọi Hà Nội là Mỹ nhân mà Hồ Gươm là con mắt long lanh của người đẹp ngàn đời, từ thưở còn tên là hồ Lục Thủy, hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng Hữu Vọng và nay chỉ còn là hồ Hoàn Kiếm xinh xinh.

Cây gạo cửa Đền Ngọc Sơn có lẽ cùng tuổi với Tháp Bút Đài Nghiên do Nguyễn Văn Siêu, ông Thần Siêu dựng lên và trồng nó chăng.

Chúng ta mải mê với đời thường, nhiều khi quên lãng điều mình yêu quý như người tình đã trở thành người vợ hiền thục đoan trang ở bên ta hàng ngày, ta phút chốc tưởng tượng mất mát thì mới thấy niềm yêu đó là thiên liêng như thế nào.

Môi trường xung quanh Hồ Gươm là một thực thể linh hồn không gì so sánh được, nhưng không hiểu trong hồ sơ của người quản lý có ghi đủ từng loài, từng cá thể màu xanh bốn mùa như thế? Mà nếu có ghi thì có khi cũng chỉ là hồ sơ chết nằm mốc meo trong mạng nhện. Phải đi vòng Hồ, phải thấm mình vào đấy, phải tan trái tim vào tầng cây bóng lá mới cảm nhận hết những nỗi niềm ta và cây đồng cảm giao hoan…

Quanh hồ có những cây gì? Nhắm mắt lại mà tưởng, mà nhớ, mà nghĩ mà say như tự uống một chất men trời, men xuân không dễ có trong đời.

Gần hai nghìn thước quanh hồ cây chập chùng xanh rì rào gió bâng khuâng tình, lọc hồn ta thanh thoát ra ngoài bụi đời vẩn đục. Bắt đầu từ cây gạo cửa đền, ta còn gặp một cây gạo nữa cách đấy không xa, quãng trông sang vườn Chí Linh, cạnh mép nước. Hai cây gạo thôi, mùa xuân cũng chói chang ấm áp sưởi hồn ta chất hội hè từ vạn làng Châu Thổ, từ Hội Chùa Hương, Hội Đền Hùng đến bao vùng khác khi đàn chim sáo về ca hát với hoa đỏ mùa xuân.

Hai cây sung, nhiều mắt vô tình, bỏ qua chẳng đoái. Một mọc chen vào núi Đào Tai, khẳng khiu vì rễ luồn trong lá, một nữa trước cửa nhà máy đèn, từng chìm quả sung chen đỏ, rụng bộp vào vai khách hững hờ, họa may có em nhỏ hỏi mẹ quả gì, vì từ bé chưa ra khỏi phố.

Cạnh Tháp Búc còn chữ Tạ Thanh Thiên (viết lên trời xanh) có bảy cây vông quây quần như anh em không nỡ rời nhau dù lớn dù già, vặn thớ gỗ mà xanh. Khi hoa gạo tàn là lúc hoa vông chói đỏ, lá vông như cây bài “tri ép” mập mạp, mũm mĩm đáng yêu có thể vò làm ra thuốc an thần tức là làm dịu môi trường trong não, hoa vông như bó đuốc khổng lồ, các nhà thơ gọi chỗ này là “Bãi vông”, từng được điểm trang thêm bằng quán bán báo “Nam Hùng”. Ngoài bãi vông còn phải kể đến một gốc vông lạc đàn, mọc riêng rẽ như hơi ích kỷ, muốn tự tách mình ra khỏi hợp quần, mọc cạnh nhà Thủy Tạ, cũng khoe hoa đỏ như thách mùa xuân, thách những quả gạo đã có hình thoi – cho hè sang, khi hoa vông tàn, những cái thoi ấy mới nhả tơ dăng mắc khắp bầu trời.

Cứ thả bước chân, lỏng tâm hồn, thư thái mắt đi khỏi bồn hoa nhân tạo mới trồng mươi cụm vạn tuế thấp cao chen đá đã đi vào bao nhiêu tấm ảnh người Hà Nội, người bốn phương cả người năm châu thế giới, ta gập bốn chàng khổng lồ, lá to như quạt nan, hoa lại li ti đầy tương phản, cao vút tầng trời, thẳng vươn, vượt mọi tán xanh khác. Cây Tếch đấy, thứ gỗ quý bán cân chứ không bán tấm, số tuổi chắc không kém gì gốc gạo cổ thụ đã xụ trăm mắt gốc ngắm đời.

Cũng ở chỗ hàng xóm bốn cây gỗ tếch, có một cây đa quý giá cái gốc kép nối nhau bằng rễ phụ thành chữ N hoa, tiếc sao cơn tố tàn bạo đã quật ngã cách đây 7,8 năm, được trồng đúng vào đấy một cây đa khác, từng ấy thời gian, cây mới bằng cổ chân, có lẽ phải 100 năm nữa, mới có em bé (nay còn chưa ra khỏi đời) đến nhặt búp mà chơi. Thế mới biết có một cổ thụ đâu phải là một đời người, nhưng nếu có bàn tay tàn ác nào muốn hủy hoại màu xanh thì chỉ trong chốc lát. Buồn thế đấy. Dưới gốc đa chữ N này từng nhiều thập kỷ có chú khách quê bán lạc rang thứ mặn tê tê, thứ ngọt dịu dịu thoảng hương húng lìu mê hoặc, đã thành kỷ niệm của mấy thế hệ người Hà Nội nhất là những nữ sinh Đồng Khánh Trưng Vương, áo dài chiều phơ phất bướm bay,…

Không phải người Hà Nội nào cũng biết đến hai cây đặc biệt của hồ xanh. Thứ cây lá có thể ăn gỏi, hoa đỏ như từng chùm pháo treo đầu cành, mỗi năm hoa nở hai lần, hoàng hôn mới khoe sắc và đưa hương gặp mùa thu, hoa rơi đầy mặt hồ, bồng bềnh theo gió heo may, trôi về phía Hàng Khay như tấm thảm thần kỳ, ta muốn ngồi lên cho nó bay vào xứ mơ mộng huyền thoại. Cây Lộc Vừng ơi, lẻ loi một góc, quằn quại như một cây “thế” không lồ, choãi chân vào đất, vươn lá ra hồ, bên kia đường là ngã ba phố Trần Nguyên Hãn, phải chăng hồn cây từng là con ngựa của viên tướng lừng danh, kiếp sau hóa thành cây đứng đây mà nhớ một thời oanh liệt nên hai mùa đơm hoa thương nhớ, gửi niềm thương nhớ ấy vào bao người lữ thứ biệt xa Hà Nội? Ngoài gốc cây đơn độc thì còn một gốc cây khác, ấm chân nhau trong đất, vươn lên thành 9 gốc, cứ muốn nhoài mình ra mà soi gương vào hồ nước lăn tăn…. Lộc Vừng cây quý của làng xa về đây Hà Nội không nhiều, nên nó tự tôn giá trị lên dù khiêm tốn ít người biết nó.

Cạnh lộc vừng có cây “mõ” chẳng hiểu tên khoa học La Tinh là gì nhưng quả nó có hình y hệt cái mõ nhà chùa, trẻ em nhặt được một quả mà chơi thì đầy hạnh phúc.

Bờ hồ có một cây Dừa Dầu duy nhất vươn cao hơn hẳng mọi ngọn cây xanh. Đứng phía tây nhìn sang hướng đông, thấy ngọn dừa dầu xòe cái ô khổng lồ như muốn che nắng cho cả bầu trời Hà Nội ngút ngàn tháng 6, dù nó chẳng biểt mình đơn độc.

Bên Tháp Hòa Phong, có mấy cây si già lụ khụ, phơ phất những chòm thời gian râu xám, trời mưa hóa trắng, có cây bị đổ được cứu sống, chăng cả cáp cho khỏi đổ xuống hồ. Đáng khen người yêu quý cây.

Chỗ góc hồ, cách đây vài chục năm gọi là Quán Hoa Tràng Tiền, nay là bồn hoa bốn mùa xanh tươi, có hàng liễu hơn hai chục cây, phải trồng lại lần thứ hai vì những cơn bão phũ phàng đã bứt tung cả tóc của lần thứ nhất. Nay tóc liễu xanh rờn, lả lướt mê tơi, hút hồn ai đang yêu đầy mơ mộng, không buồn như Xuân Diệu “buông lệ ngàn hàng”. Lòe xòe dưới gốc nó là mấy khóm ban trắng, mãi vẫn không lớn được, nhưng cũng xập xòa cánh bướm bằng hoa.

Rải rác đó đây, có 12 cây cọ, tỏa những mặt trời xanh vào gió. Chen vai mà cao, khiêm nhường gốc nhỏ vậy mà cũng mới đã chết mất một cây phía bờ tây nay có cây bển mép nước, có cây cạnh vỉa hè phố Lê Thái Tổ… Chen vào với cây đa khổng lồ, cây muỗm cô đơn… cũng rải rác như thế, bờ hồ còn có nhiều cây đa thường xanh, không ai biết chúng thay lá lúc nào, mà lúc nào cũng có lá mới màu rau xà lách ngon lành, có cây cùng với xoan tây cứ nhúng ngón tay lá, bàn tay lá xuống mặt hồ đùa cùng nước, như muốn vốc nước lên mà rửa mặt cho thêm xanh.

Mùa hè, hoa phượng (tức xoan tây) đỏ như lửa thắp, chen vào màu tím bằng lăng nước, tán cây xanh đậm đặc bỗng thành thấm thêu nào đỏ nào tím nào xanh, đôi khi còn điểm vàng của cây Vàng Anh chói lói. Ta đi dạo quanh hồ 3000 bước chân lòng ngập tràn nghìn niềm trong lành cây lá cho ta, không thể kể hết bao nhiêu gốc xấu đã có bạch có vè, bao nhiêu gốc nhội, cùng cây trái ngựa ngọn đỏ, cây xà cừ hiên ngang nhưng không chịu được bão tố, mấy cây me chỗ đường đôi Lê Thái Tổ, cùng những thứ cây lúp xúp khác, hoặc những khay gỗ hoa trồng các chậu bầy đây đó vỉa hè,…

Chỗ bến xe điện cũ nay là nôi trông giữ xe ô tô có một hàng cây gỗ tếch thiếu niên, trồng mấy trăm năm nhưng cọc cội không lớn được phải chăng vì bị ám khói xăng? Cũng khoang này có một cây để độc nhất, trông sang đài phun nước, tên chính thức là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cây đề cũng đã hàng trăm tuổi, lá treo nghiêng, non thì tím bánh tẻ thì xanh, già lại vàng suộm trong gió đông….

Sau Tết âm lịch, bờ hồ còn có dăm cây kỳ lạ. Không một chiếc lá xanh nào, mà toàn thân, từ ngọn đến cành cứ trắng muốt trằng ngời như một thứ tuyết băng trinh thanh sạch, tưởng như đêm hôm qua có ai vừa bứng nó từ Bắc cực về đây. Thì ra là cây Sữa, nở hoa vào mùa xuân trước khi làm lá, thứ cây đầy đặc phố Hàng Dầu, vừa xưa kia có nhiều trên ngọn đồi trong Bách Thảo, nên đồi ấy có tên là Sư Sơn tức Núi Sưa, chứ không phải là Núi Nùng như có người hiểu lầm. Cây Sữa không nhiều, và hoa nở cũng không lâu, phải yêu cây tha thiết mới lưu giữ nó trong lòng trong một số ngày ít ỏi mùa xuân…

Bờ hồ Gươm còn có nhiều cây khác nữa, có lẽ mỗi người Hà Nội sẽ tìm ra cho riêng mình thêm một thứ một loài cây nào đó nữa chăng? Nếu thế càng hay lắm. Chỉ riêng với con mắt trần thế, ta gặp màu xanh hàng ngày quanh một vòng hồ (xin không kể những phía bên kia đường), có chỗ bóng cây như thêu hoa dệt gấm xuống lòng cỏ mặt đất, có chỗ như chiếc ô xanh che cho ta không một chút nắng hồng. Những chiều hè, bên phía bờ Tây, các cụ già ngồi đánh cờ, đọc báo, dắt cháu đi chơi, những sớm xuân trai thanh, gái lịch nắm tay nhau thanh thản tâm sự dưới bầu trời xanh rung rinh thầm thào…. Hồ Gươm dâng hết lòng mình cho con người, hào phóng như lòng mẹ cho con, cho con hết không giữ một chút tẻo teo cho mình.

Hồ Tây to rộng nhưng chứ được đắp bồi như Hồ Gươm. Hồ trong Công viên Lê Nin, các hồ Giảng Võ, đền Hai Bà, Ba Mẫu… chỉ là hồ đàn em của chị cả Hồ Gươm đây xuân tình duyên dáng, dù đã mấy nghin xuân. Chỉ màu xanh cây lá đã là một thiêng liêng sâu đậm trong lòng người, dù ta đang sống ngay trong lòng Hà Nội hay những ai xa lắc ngàn trùng, khi xuân về thả bay tưởng tượng về đất mẹ quê hương, có cây đa bến nước, có mặt hồ long lanh, có dòng sông êm đềm, và có hồ gươm với màu xanh bất tận, vĩnh hằng…

Tùy bút của Băng Sơn

Lượt xem : 4062