Diễn đàn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững - 2016” với chủ đề “Vai trò của Doanh nghiệp trong phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ môi trường” diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) vào sáng 6/9.
Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh, cụ thể: Khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên đất nước, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tổng hợp giải pháp phục vụ xã hội nhằm tìm ra hướng đi đúng đắn, phù hợp trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững trong kỷ nguyên Công nghiệp hóa và hội nhập toàn cầu, v.v...
Diễn đàn nhằm hưởng ứng Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014, giai đoạn 2014 – 2016 và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kì 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050. Thông qua chương trình, khuyến khích các doanh nghiệp định hướng và phát triển kinh tế phù hợp với Chiến lược dài hạn của Việt Nam trong việc lựa chọn và xây dựng mô hình Kinh tế xanh. Đây được xem là xu hướng phát triển bền vững của đất nước.
Canada hỗ trợ 15 triệu USD giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính
Ngày 5/9, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Stéphan Dion cho biết Canada sẽ hỗ trợ 15 triệu USD giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có sáng kiến đổi mới, cũng như công nghệ để giảm phát thải gây hiệu ứng khí nhà kính. Phía Canada hỗ trợ nguồn lực cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng các bon thấp; xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao; cung cấp các chương trình học bổng hỗ trợ công tác đào tạo cho các cán bộ quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thông qua các chương trình tập huấn dài hạn và ngắn hạn.
Bộ trưởng Ngoại giao Stéphan Dion cho rằng Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về biến đổi khí hậu và hy vọng Canada có thể hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức này. Trong những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, hai bên sẽ cùng hợp tác giải quyết bởi trong thời đại ngày nay không thể làm việc một cách biệt lập. Hai bên phối hợp xây dựng chương trình hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong việc tham gia thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải của Việt Nam; xây dựng và ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, để cụ thể hóa các nội dung hai bên cùng quan tâm và mong muốn hợp tác trong thời gian tới – theo VietnamPlus.
Pháp hỗ trợ 120.000 euro giúp Hà Nội quản lý môi trường không khí
Ngày 5/9, ông André Vallini, Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển và Pháp ngữ đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc hợp tác trong lĩnh vực môi trường và chất lượng không khí tại Thủ đô. Tại buổi làm việc, hai bên đã ký kết “Hợp đồng dịch vụ tư vấn Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội” trị giá 120.000 euro – theo VietnamPlus.
Cũng trong dịp này, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) về ứng phó với biến đổi khí hậu đã có kế hoạch hợp tác với Hà Nội để quy hoạch đô thị, phát triển bền vững cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến sự ấm lên của khí hậu toàn cầu, ông André cho biết. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhận định, vấn đề ô nhiễm không khí của Hà Nội đã đến mức báo động, cần đưa ra biện pháp cải thiện kịp thời. Bởi vậy, dự án quan trắc không khí của Công ty Air Parif là một dự án rất có ý nghĩa với Thủ đô Hà Nội nói riêng, với Việt Nam nói chung, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và hành động cụ thể của Chính phủ Pháp trong phát triển quan hệ Việt-Pháp.
Loài khỉ đột lớn nhất thế giới đứng bên bờ tuyệt chủng
Khỉ đột miền Đông - loài linh trưởng lớn nhất thế giới hiện còn tồn tại - vừa bị liệt vào danh sách động vật đang bên bờ vực tuyệt chủng do nạn săn bắt trái phép và nội chiến tại các quốc gia châu Phi. Theo báo cáo được công bố tại hội nghị toàn cầu của Liên đoàn quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN), diễn ra tại Honolulu, Hawaii, với 5.000 con khỉ đột miền Đông (tên khoa học: Gorilla beringei) hiện có trên toàn thế giới, loài linh trưởng này đang đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn – theo VietnamPlus.
Các nhà khoa học chỉ rõ trong số sáu loài khỉ lớn trên thế giới, thì có bốn loài đang bên bờ vực tuyệt chủng, gồm khỉ đột miền Đông, khỉ đột miền Tây, đười ươi Bornean Orangutan và đười ươi Sumatran Orangutan. Tinh tinh và tinh tinh lùn bonobo cũng có tên trong danh sách có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong 20 năm qua, số lượng khỉ đột miền Đông đã giảm tới 70%. Khỉ đột đồng bằng - một trong hai phân loài của khỉ đột miền Đông, giảm mạnh về số lượng, từ 16.900 con hồi năm 1994 xuống còn 3.800 vào năm 2015. Trong khi đó, khỉ đột núi - một phân loài khác của loài linh trưởng này - cũng giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 880 con.
Nhật: Chấp nhận mất 7 triệu yên/ngày đề chờ kết quả xét nghiệm môi trường
Có lịch sử hơn 80 năm, Tsukiji là một trong những điểm du lịch du lịch nổi tiếng nhất của thủ đô Tokyo. Kế hoạch di dời chợ cá Tsukiji – chợ cá lớn nhất thế giới của chính quyền thành phố Tokyo đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ xung quanh vấn đề nhiễm độc môi trường và chi phí bị đội lên ngoài dự kiến. Thị trưởng mới của Tokyo, bà Yuriko Koike cho biết bà sẽ tạm hoãn việc di dời chợ cá, theo kế hoạch là vào tháng 11 này, sang đầu năm 2017 – cho đến khi có kết quả xét nghiệm cuối cùng về chất lượng nước ngầm tại khu vực chợ mới, trước đây vốn là một nhà máy sản xuất gas – theo Tổ Quốc.
Những ý kiến phản đối việc di chuyển chợ cá cho rằng nền đất tại địa điểm mới đã bị nhiễm độc, hệ quả để lại của nhà máy sản xuất gas trước đây. Trước đó, chính quyền thành phố đã bỏ ra 86 tỷ yên Nhật để xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường ở khu vực này, tuy nhiên bà Koike vẫn muốn chờ đợi kết quả kiểm tra chính thức chất lượng nước sẽ có vào tháng 1 năm sau. Theo giới truyền thông Nhật Bản, việc trì hoàn kế hoạch di dời chợ cá Tsukiji có thể gây thiệt hại khoảng 7 triệu yên Nhật mỗi ngày, đồng thời cũng ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng đường cao tốc nối liền khu vực chợ cá hiện tại tới làng vận động viên – một trong những dự án quan trọng hướng tới Olympics 2020.
Mặt Trời thu nhỏ cung cấp năng lượng vô tận cho con người
Theo Nature World News, các nhà vật lý thuộc Phòng thí nghiệm năng lượng plasma Princeton, Mỹ (PPPL) tạo ra được một "Mặt Trời thu nhỏ" ở dạng thử nghiệm. Nó có khả năng cung cấp năng lượng sạch, an toàn và gần như vô tận cho loài người, chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Thiết bị thử nghiệm có dạng một tokamak hình cầu liền khối. Tokamak là thiết bị dùng để tạo ra các phản ứng kết hợp điều khiển được trong môi trường plasma. Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có hai thiết bị như vậy được chế tạo, gồm thiết bị National Spherical Torus Experiment-Upgrade (NSTX-U) ở PPPL và Mega Ampere Spherical Tokamak (MAST) ở Trung tâm nghiên cứu năng lượng nhiệt hạch Culham, Anh, theo Eurek Alert – theo VnExpress.
Hoạt động của thiết bị gồm ba bước. Đầu tiên, plasma sẽ được tạo ra bằng cách sử dụng khí hydro siêu nóng (khoảng 150 triệu độ C) trong phòng thí nghiệm. Tiếp đó, áp suất được tăng lên để nén plasma và đẩy các hạt nhân va chạm với nhau tạo ra phản ứng nhiệt hạch. Từ trường mạnh sinh ra từ các cuộn dây siêu dẫn quấn xung quanh được sử dụng trong quá trình này. Các nhà khoa học hy vọng nhiệt do phản ứng tỏa ra đủ để tự duy trì và chuyển một phần thành điện năng. "Chúng tôi đang mở ra những lựa chọn mới cho các nhà máy điện tương lai", Jonathan Menard, tác giả chính của nghiên cứu, giám đốc chương trình nâng cấp NSTX-U tại PPPL, cho biết.
Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)