Khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt ở Gia Lai
5/27/2017 6:43:00 AM
Thấy có người lạ đi vào khu rừng, hàng trăm con mắt dò xét dõi theo
Người Jrai tại làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ (Gia Lai) quan niệm rằng, dân làng bảo vệ, chăm sóc rừng giáng hương xanh tươi, đổi lại khu rừng sẽ làm lá chắn bão tố khỏi tràn đến buôn làng.
Khu rừng sở hữu báu vật của thiên nhiên
Khi con người dùng những chiếc máy ủi đến san phẳng những cánh rừng nghèo cằn cỗi, thì phát hiện có một khoảnh rừng có rất nhiều cây giáng hương mọc tập trung. Không nỡ san phẳng cánh rừng nhiều cây gỗ quý nên những người lái máy ủi dừng lại và khoảnh rừng được hình thành, phát triển từ đó. Theo thống kê của UBND xã Ia Kriêng, khu rừng rộng hơn 3ha tổng cộng có 2.000 cây giáng hương to nhỏ khác nhau.
Có mặt tại đây vào những ngày đầu của mùa mưa Tây Nguyên, làng Grôn xuất hiện tĩnh mịch trong sương mù. Vừa đặt chân đến con đường độc đạo dẫn vào rừng giáng hương, chúng tôi đã bắt gặp ngay hơn 50 căn nhà của các hộ dân nằm liền kề sát bên đường.
Thấy có người lạ đi vào làng, hàng trăm con mắt dò xét dõi theo chúng tôi. Một tiếng hú to từ bên trong căn nhà vang lên, khiến chúng tôi giật bắn mình. Đi được hơn 1km, chiếc xe máy của chúng tôi đã bị chặn đầu lại. Những câu hỏi dồn dập được người đàn ông chặn đầu xe đưa ra. Tuy nhiên, khi được giới thiệu và xuất trình được các loại giấy tờ, người đàn ông chặn đầu xe đã thay đổi thái độ. Ông giới thiệu là Nguyễn Hữu Mạnh (SN 1962) - một trong 2 người giữ rừng giáng hương chính ở đây.
Sau khi chào hỏi, biết được ý định vào thăm khu rừng giáng hương có một không hai ở Việt Nam, ông Mạnh vui vẻ đưa chúng tôi vào rừng. Men theo dọc bìa rừng, ông Mạnh hồ hởi kể về những ngày gian khổ góp công sức, bảo vệ khu rừng giáng hương. Ông Mạnh xúc động: “Những năm đầu phải ăn cơm độn sắn để giữ rừng. Nhiều lúc bạn bè cho là mình điên vì cứ lo chuyện giữ rừng mà không quan tâm đến vợ con, việc nhà.”!
Vừa dứt câu chuyện, cả khu rừng giáng hương rậm rạp hiện ra trước mắt chúng tôi. Mùi thơm nhẹ lan tỏa từ những cây gỗ giáng hương là ấn tượng đầu tiên khi vừa đặt chân tới. Càng đi vào sâu, những cây giáng hương có đường kính cả người ôm không xuể dần hiện ra. Ông Mạnh tự hào kể: Khu rừng này có tới 1.200 cây giáng hương lớn, nhiều cây đường kính 2 người ôm và 800 cây nhỏ cũng có đường kính 30cm. Từng cây giáng hương đều được chúng tôi đánh dấu để tiện kiểm tra, bảo vệ.
Hai lão nông bảo vệ báu vật của làng
Từ xa, chúng tôi nghe thấy tiếng hú rất lớn. Ông Mạnh bảo: Đó là ông Rơ Mah Kem (SN 1966) người cùng tôi giữ rừng hơn 20 năm nay. Chúng tôi giữ rừng thông qua tiếng hú. Khi phát hiện ra lâm tặc, chúng tôi trèo lên cây cao, hú thật to về phía làng Grôn. Khi nghe thấy tiếng hú, 50 hộ sống dọc con đường độc đạo dẫn vào rừng sẽ chia thành 2 tốp, 1 vào hỗ trợ chúng tôi, 1 tốp còn lại sẽ dàn trận đón sẵn ngoài làng.
“Giờ giáng hương giá trị rất lớn, 1 cây lớn có giá trị tiền tỷ nên lâm tặc thường xuyên rình mò. Gần đây, có 2 thanh niên đi xe máy vào rừng chủ yếu là thăm dò. Vừa tới đầu làng đã bị dân làng phát hiện đuổi ra. Chứ vào mà chặt đúng cái nhánh cây chúng chỉ còn nước không đường mà về. Đôi lúc chúng tôi cũng nhận được những tin nhắn dọa dẫm, rồi cả mua chuộc nhưng chúng không hiểu được tình yêu rừng của chúng tôi lớn đến nhường nào”, ông Mạnh chia sẻ.
Ông Mạnh vừa dứt lời, ông Kem với dáng người nhỏ nhắn xuất hiện. Mặc dù đã khá lớn tuổi nhưng giọng ông Kem vẫn hào sảng khi nhắc đến khu rừng giáng hương: Người Jrai ở làng Grôn xem rừng hương như một báu vật, một món ăn tinh thần không gì sánh được. Mọi người luôn ý thức và trách nhiệm bảo vệ khu rừng. Họ quan niệm rằng, những đồi cỏ, bụi gai sẽ nhanh chóng bị lụi tàn nhưng rừng cây cổ thụ mãi trường tồn, đứng vững qua bao thế hệ.
“Khi những người Jrai ở làng Grôn đã già yếu, họ căn dặn con cháu, các thế hệ truyền nhau phải giữ rừng, xem đó là linh hồn của buôn làng. Làng Grôn còn thì rừng xanh kia còn. Lâu nay rừng che chở cho dân làng, người dân làng Grôn có trách nhiệm bảo vệ từng gốc cây”, Ông Kem nói bằng giọng tự hào.
Khi biết quảng trường Đại đoàn kết (tại TP.Pleiku) được xây dựng, trong đó có công trình tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, người dân làng Grôn đã không ngần ngại tặng 20 cây hương từ khu rừng để trồng tại khu vực tượng đài. Tuy không nhiều, nhưng đó là một món quà để dâng lên Bác. Giờ các cây giáng hương xung quanh tượng Bác đã xanh tốt, tỏa bóng mát. Ông Rơmah Lel - Chủ tịch UBND Ia Kriêng xã bày tỏ: “Khi biết tặng cây cho Bác Hồ, người dân trong xã ai ai cũng đồng ý. 20 cây hương không lớn nhưng đó là tấm lòng dân làng gửi tới Bác”.
“Thời gian đầu, ngày nào xã cũng cắt cử người trông coi ở khu rừng, nấu cơm ăn ở tại rừng để bảo vệ rừng trước kẻ xấu hoặc trước những nguy cơ cháy. Ban đầu cũng có nhiều khó khăn, nhưng vì có chính quyền và đặc biệt là nhân dân cùng chung tay giữ rừng nên nó mới còn tồn tại đến ngày hôm nay. Nếu không giữ, con cháu sau này chỉ biết đến cây điều, cao su thôi chứ đâu biết cây gỗ quý như cây hương là cây gì đâu nên mình phải giữ gìn”.
Tuệ Lâm (Theo NLĐ)
Lượt xem : 1676