Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệmvới vai trò, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam hiện đang là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế. Với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã chính thức tham gia với tư cách thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 1995 với vị thế và tiếng nói ngày càng được khẳng định.
Kỷ niệm 20 năm (1996 - 2016) hợp tác Việt Nam - ASEAN trong lĩnh vực môi trường, ngày 06/01, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã trang trọng tổ chức Hội thảo tổng kết chặng đường 20 năm hợp tác ASEAN về môi trường của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch ASOEN Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, sau hơn 20 năm tham gia hợp tác về môi trường, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong các lĩnh vực hợp tác nói chung và lĩnh vực môi trường nói riêng.Thông qua hợp tác ASEAN, bạn bè trong và ngoài khu vực hiểu rõ hơn đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, có được thông tin chính xác về những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, nâng cao hình ảnh của Việt Nam là một đối tác năng động và nhiều tiềm năng.
Đồng thời, Việt Nam có điều kiện để học tập và chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận các tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực cũng như chủ động nêu các sáng kiến để thúc đẩy hợp tác có lợi cho đất nước. Có thể nói rằng đây cũng là một lĩnh vực thể hiện rõ rệt sự hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam.
Chánh Văn phòng ASOEN Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học,
Công nghệ Nguyễn Minh Cường (giữa)
Báo cáo tóm tắt về kết quả hợp tác Việt Nam - ASEAN về môi trường tại hội thảo, Phó Chánh Văn phòng ASOEN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Trâm cho biết, trong hợp tác ASEAN, sự tham gia của Việt Nam về môi trường bắt đầu từ năm 1996. Ngày 05 tháng 2 năm 1996, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (trước đây) đã ban hành Quyết định số 506/QĐ-QHQT về việc cử đại diện của Việt Nam và tổ chức 06 nhóm công tác thuộc ASOEN Việt Nam.
Từ năm 2002 - 2008, Cục trưởng Cục Môi trường là Chủ tịch ASOEN Việt Nam và Cục Môi trường (sau này là Cục Bảo vệ Môi trường) là cơ quan thường trực. Từ năm 2008 đến nay, Tổng cục Môi trường là cơ quan thường trực và Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường là Chủ tịch ASOEN Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, ASOEN Việt Nam đã nhanh chóng hoà nhập và tích cực tham gia vào tất cả các lĩnh vực hợp tác môi trường của ASEAN, từ các lĩnh vực đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, môi trường biển và đới bờ, công nghệ môi trường cho đến giáo dục môi trường, kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, quản lý tài nguyên nước, sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Phó Chánh Văn phòng ASOEN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Trâm (giữa)
Cụ thể, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công hàng loạt các hội nghị/hội thảo như Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14; Hội nghị cấp cao Đông Á về thành phố bền vững về môi trường…; xây dựng hồ sơ công nhận Vườn Quốc gia U Minh Thượng là Vườn Di sản ASEAN; tổ chức các đoàn công tác tham dự các hội nghị/hội thảo, sự kiện ASEAN; tham gia và thực hiện các dự án khu vực; đóng góp sáng kiến như thành lập Trung tâm giáo dục môi trường Đông Á; đóng góp ý kiến cho các văn kiện ASEAN; xây dựng hồ sơ đề cử thành công thành phố Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng được trao giải thưởng Thành phố bền vững môi trường ASEAN và Chứng chỉ thành phố tiềm năng trở thành Thành phố bền vững môi trường ASEAN; lập hồ sơ đề cử thành công Trường THPT chuyên ngoại ngữ và Trường THCS chuyên Hà Nội - Amsterdam để công nhận danh hiệu trường học sinh thái ASEAN và được trao giải thưởng trong Lễ phát động Năm môi trường ASEAN 2015;…
Đại biểu tham dự hội thảo
Chúc mừng thành công đạt được trong 20 năm qua, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đề xuất một số ý kiến để tiếp tục phát huy các thành tựu, kết quả trong chặng đường tiếp theo hội nhập và hợp tác ASEAN về môi trường của Việt Nam như cần xây dựng một Chiến lược/Kế hoạch hành động Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN về môi trường phù hợp trong từng giai đoạn; tăng cường năng lực cho đầu mối quốc gia đặc trách (Tổ chức Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường ASOEN, giúp việc là Văn phòng ASOEN) để đảm nhiệm tốt việc điều phối chung mọi hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường cũng như lồng ghép các hoạt động ASEAN và các hoạt động cấp cao Đông Á về môi trường…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm