Gần 400 cây di sản Việt Nam
12/27/2012 7:35:00 AM
(Vfej.vn)-Nếu như tất cả số cây vừa được Hội đồng Cây Di sản thông qua và Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE) ký quyết định công nhận thì cả nước đã có 383 cây, thuộc 42 loài cây được công nhận là “Cây Di sản Việt Nam”.
Theo VACNE, ngày 21/12/2012, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp dưới sự chủ trì của GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, xem xét 12 bộ hồ sơ cây đơn lẻ và bốn cụm cây cổ thụ vừa được các địa phương gửi về, công nhận 104 “cụ cây”đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam.
Nổi bật là có thêm năm loài cây mới gồm trám đen, trâm gối, thanh Thất, nhựa ruồi, và cây bồ kết đã lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam và có thêm một tỉnh ở nam Trung Bộ có cây Di sản Việt Nam. Chỉ ít phút trước giờ họp, bốn vị đại diện xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã tới Văn phòng VACNE, trình lên Hội đồng sáu bộ hồ sơ cây để kịp thời xem xét ngay trong đợt này.
Nếu như tất cả số cây vừa được Hội đồng thông qua và Chủ tịch VACNE ký quyết định công nhận thì cả nước ta đã có 383 cây, thuộc 42 loài cây được công nhận là “Cây Di sản Việt Nam”. Điều đáng mừng là sau khi xem xét ảnh, hồ sơ thông tin từng cây và cụmcây vừa được đại diện các dòng họ, các tổ chức xã hội và chính quyền địa phương từ Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ngãi gửi về, Hội đồng thống nhất chọn bốn cụm cây (bao gồm 91 cây) và 13 cây đơn lẻ là Cây Di sản Việt Nam.
Trong số đó có một số cây mới được bổ sung hồ sơ, có xác nhận và cam kết bảo vệ của chính quyền địa phương. Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cũng đã loại bỏ sáu cây không đạt các tiêu chí của Cây Di sản; đồng thời yêu cầu khảo sát lại và bổ sung hồ sơ một số cây chưa rõ ràng.
Kết quả tất cả cụm cây ở đền Đền thờ danh tướng Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) gồm cây trôi, trám đen, vải, trâm sanh, muỗm, báng (sộp) và cây thanh thất đều đạt tiêu chí của Cây Di sản Việt Nam.
Tất cả cụm cây muỗm (chín cây có tuổi gần 700 năm) ở chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, đều đạt tiêu chí của Cây Di sản Việt Nam.
Tất cả cụm cây cụm cây lộc vừng gồm 69 cây có tuổi hàng trăm năm ở Gò Vềnh, đầm Láng Chương, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đều đạt tiêu chí của Cây Di sản Việt Nam.
Sáu cây trong cụm cây ở đình, chùa, miếu làng Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội gồm bàng đình làng, hai cây nhãn trước cửa chùa, cây đa tía, ruối và cây nhựa ruồi (địa phương gọi là cây rụt) tại miếu làng và bốn cây trong cụm cây của xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) gồm cây đa đình làng (có tuổi hơn 500 năm) cây sanh đền làng , cây nhãn đền Cây Nhãn và cây bồ kết đền làng Thanh Trí đều đạt tiêu chí của Cây Di sản Việt Nam.
Trong đợt xét duyệt lần này, Hội đồng còn công nhận những cây đơn lẻ khác ở nhiều địa phương đạt tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam như cây sui hơn 210 tuổi ở trường THCS Văn Khúc xã Văn Khúc huyện Cẩm Khê; cây muỗm đình Cả, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ có tuổi hơn 600 năm; cây thị trong khuôn viên nhà thờ dòng họ Lê, ở thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi; cây muồng ngủ trong khuôn viên UBND thành phố Hải Phòng; hai cây thị ở đền và chùa Chờ, thôn Phú Mẫn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh; Cây Dã Hương ở thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và cây muỗm, ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Song liễu, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Riêng cây đa ở đình làng thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, sẽ được Chủ tịch VACNE xem xét công nhận là Cây Di sản Việt Nam, nếu có nội dung cam kết bảo vệ của cộng đồng hoặc chính quyền địa phương.
Tại cuộc họp này các ông Chủ tịch VACNE, Hội đồng Cây Di sản và các thành viên cũng thảo luận, phân công trách nhiệm chuẩn bị tốt hơn về nội dung cuốn sách”Cây Di sản Việt Nam” để kịp xuất bản vào năm tới.
K.H
(CFEJ)
Lượt xem : 3788