Hơn 40 cây cổ thụ của 7 tỉnh, thành phố lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam
5/15/2025 8:52:00 AM
(VACNE )- Dưới sự chủ trì của GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam vừa họp, xét công nhận 41 cây cổ thụ ở các tỉnh: Bình Dương, Sơn La, Tiền Giang, Tuyên Quang, Nam Định và các thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội đủ tiêu chí công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Tỉnh Bình Dương đứng đầu danh sách này (có 15 cây), tỉnh Sơn La xếp thứ hai (13 cây) và tiếp đến là tỉnh Tiền Giang và thành phố Hà Nội (mỗi nơi có 5 cây). Các nơi khác như: thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Tuyên Quang và Nam Định, mỗi nơi chỉ có 01 cây được Hội đồng nhất trí công nhận, đủ tiêu chí là Cây Di sản Việt Nam.
Cụ thể là: tỉnh Bình Dương có: cây Phèo heo (cây Điệp) có chu vi thân tới 5 m giữa sân Trường THCS Phú Hòa (số 215, đường Lê Hồng Phong + cây Xoài hơn 250 năm trong khuôn viên đình Phú Cường (phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một). Tại đây còn có cây Xoay hơn 200 năm, có chu vi thân tới 5 m ở khu phố Chánh Lộc 7, phường Chánh Mỹ và cây Dầu rái khổng lồ, chu vi thân hơn 4 m, cao 37 m, trong khuôn viên đình Phú Cường, phường Phú Thọ, được công nhận đủ tiêu chuẩn công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Số cây cổ thụ còn lại của tỉnh Bình Dương trong đợt xét lần này, đều tập trung ở thành phố Bến Cát. Điển hình như: cây Trắc hơn 200 năm, chu vi thân tới 3,3 m; cây Máu chó 250 năm; cùng 04 cây Sao xanh + 05 cây Vên vên khổng lồ, có tuổi từ 250 đến 450 năm, xung quanh miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Hiệp, Khu phố 6, phường Thới Hòa.
Tỉnh Sơn La xếp thứ hai, về số lượng cây đủ tiêu chuẩn trong đợt xét lần này. Ngoài 09 cây Chè Shan tuyết cổ thụ ở bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La còn có 04 cây cổ thụ khổng lồ khác được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cụ thể là cây Sấu hơn 500 năm; Chu vi thân 8,7 m ở bản Nà Ngà xã Chiềng Hặc và cây Me 500 năm; chu vi thân 7 m + cây Xoài 600 năm chu vi thân 8 m ở bản Khá, xã Sặp Vạt + 01 cây Đa hơn 400 năm, chu vi thân hơn 11 m ở bản Luông, xã Mường Lựm (cùng huyện Yên Châu).
Trong số 05 cây cổ thụ của thành phố Hà Nội được Hội đồng nhất trí công nhận là Cây Di sản Việt Nam trong đợt xét lần này, có 03 cây ở quận Hoàng Mai và 02 cây còn lại ở khu vực ngoại thành. Cụ thể là: 01 cây Đa tía + 01 cây Bồ Đề (gần 400 năm) + 01 cây Mít hơn 200 năm, trong khôn viên đình - đền Đông Thiên (số 180 phố Đông Thiên, phường Vĩnh Hưng). Một cây Mít khác hơn 400 năm được trồng trong khuôn viên chùa Hưng Long, thôn Khả Liễu, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, cùng cây Si trên 200 năm bên miếu Thiên Đông, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, cũng được Hội đồng nhất trí công nhận đủ tiêu chuẩn cônh nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Năm cây cổ thụ của tỉnh Tiền Giang lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam lần này có 03 cây ở thị xã Cai Lậy và 02 cây ở huyện Gò Công Tây. Cụ thể là: cây Thi 2 nhánh được trồng cách đây hơn 200 năm bên mộ ông Tạng ở ấp Hoà Chí + cây Trôm gần 200 năm trong khuôn viên đình Phú Long, ấp Phú Hưng (cùng ở xã Long Khánh) + 01 cây Đa được trồng bên miếu Bảy Bà Năm Mẹ cách đây hơn 200 năm ở phố 2, Phường 5, thị xã Cai Lậy. Hai cây Đa gần 300 năm: một cây được trồng bên đình Bình Luông Trung, ấp Thuận Trị, xã Bình Tân và một cây được trồng cạnh chùa Ông, ấp Long Thới, xã Long Bình (cùng huyện Gò CôngTây - Tiền Giang) cũng được Hội đồng nhất trí công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam.
Cây cổ thụ của thành phố Hồ Chí Minh lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam lần này là cây Đa tía được trồng cách đây hơn 200 năm, trong khuôn viên Trường Đại học Thể dục thể thao (khu phố 22, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức).
Hồ sơ cây cổ thụ từ các tỉnh Nam Định và Tuyên Quang gửi về trong đợt xét lần này, đều là những cây ăn quả của các gia đình và được chính quyền địa phương xác định rõ ràng và đã được tất cả các thành viên trong Hội đồng nhất trí thông qua. Đó là cây Thị của gia đình ông Hà Trung Kiên, ở thôn Trầm, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã trồng cách đây 350 năm, tới nay đã có chu vi thân: 5,1 m và cây Mít của gia đình ông Thiên ở xóm 4, thôn Quyết Thắng, xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã trồng cách đây gần 180 năm; chu vi thân 2,9 m.
Trong số những cây kể trên, có rất nhiều cây bị bao gốc, chèn lấn, nên Hội đồng yêu cầu phải phá dỡ những công trình tạm đang chèn ép xung quanh gốc, để mở rộng không gian sống cho cây, trước khi Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam chính thức phê duyệt công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Trong đợt xét duyệt lần này, có một số cây bị loại, vì hồ sơ thiếu chính xác, hoặc không đủ các tiêu chí Cây Di sản của VACNE đã đề ra./.
PV VACNE
Lượt xem : 51