Hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.
Rà soát các dự án về biến đổi khí hậu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư dự án hệ thống hồ chứa nước Kiền Kiền, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận và rà soát, tổ chức thẩm định dự án ưu tiên về biến đổi khí hậu thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và
tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 – theo Chinhphu.vn.
Trên cơ sở kết quả rà soát lại các dự án trong Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015 và thẩm định (đối với các dự án thực sự cấp bách, cần bổ sung), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xác định danh mục các dự án, quy mô từng dự án cụ thể cần tiếp tục ưu tiên đầu tư theo Chương trình mục tiêu ứng phó với
biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 7/2016.
Lỗ hổng tầng ozone đang dần được chữa lành, nghị định thư Montreal đã có tác dụng
Còn nhớ hồi năm 1987, các quốc gia tham gia ký nghị định thư Montreal đã cam kết cắt giảm việc sử dụng các chất phá hủy tầng ozone, điển hình là chlorofluorocarbons ( CFCs) vốn rất phổ biến trong các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp tại thời điểm bấy giờ. Kế hoạch bắt đầu có hiệu lực vào năm 1987 và cho tới bây giờ, sau 27 năm, có vẻ như nghị định thư đã phát huy tác dụng. Nghiên cứu dựa trên kết quả theo dõi qua những năm gần đây cho thấy lỗ hổng trên tầng ozone đang được dần phục hồi. Cụ thể hơn, số liệu từ nghiên cứu cho thấy lỗ hổng đã thu nhỏ lại gần 3,8 triệu km vuông từ năm 2000 ngờ vào sự kết hợp giữa cắt giảm sử dụng CFCs và thay đổi mô hình
thời tiết.
Tầng ozone giúp bảo vệ sự sống trên Trái Đất khỏi các bức xạ có hại. Sự suy yếu lớp ozone thường xảy ra vào những tháng mùa hè trên bầu trời Nam Cực, dẫn tới những lỗ hổng ozone theo mùa mà các nhà nghiên cứu theo dõi được. Nếu mọi thứ tiến triển tốt các nhà khoa học dự đoán rằng lỗ hổng tầng ozone sẽ được chữa lành hoàn toàn vào những năm 2050. Mặc dù con người không thể kiểm soát hoạt động của núi lửa nhưng nghiên cứu lần này cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát những hành động ở hiện tại, đồng thời sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ. Chúng ta có thể tự tin rằng những gì đang thực hiện đều đang trên lộ trình chữa lành
Trái Đất. Điều đó thật sự tốt cho chúng ta đúng không? Chúng ta đã thành công vì cùng nhau bắt tay hành động. Chúng ta đã thoát khỏi khó khăn và bây giờ đang nhìn thấy sự phản hồi của hành tinh.
Các đảo nhỏ có thể dùng 100% năng lượng tái tạo
Các quốc đảo nhỏ thường có giá điện cao nhất thế giới. Trừ khi chúng may mắn ở ngay trên những trữ lượng dầu mỏ và than đá lớn (và gần như tất cả đều không có), họ buộc phải nhập khẩu năng lượng và có thể “bị khóa chặt” với nhiên liệu hóa thạch tốn kém và gây
ô nhiễm. Đó là một lực cản lớn về kinh tế. Tuy nhiên, người dân vùng biển Caribbean nổi tiếng với quan điểm lạc quan về cuộc sống và điều này khiến kịch bản “bị nhốt” thực ra lại khuyến khích các hòn đảo này trở thành những nước đầu tiên trên thế giới chuyển đổi sang sử dụng hệ thống năng lượng sạch 100% – một kỳ công đặc biệt bởi vì ngày nay phần lớn những hòn đảo này hoạt động gần như hoàn toàn bằng nhiên liệu hóa thạch.
Hệ thống năng lượng của một nước thường bao gồm các nhà máy điện công suất cơ sở và nhà máy tải trọng cao. Những nhà máy công suất cơ sở không thể nhanh chóng thay đổi công suất đáp ứng, nhưng có thể cung cấp điện giá rẻ. Chúng bao gồm các nhà máy điện hạt nhân, nhiệt điện và các tua bin khí chu trình hỗn hợp. Các nhà máy tải trọng cao có thể biến đổi công suất lên xuống nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu biến động của khách hàng trên lưới điện. Ví dụ như, các nhà máy thủy điện, tua bin khí và động cơ diesel tốc độ thấp, thích hợp với các quốc đảo nhỏ.
Tạo ra gỗ trong suốt có độ bền cao hơn thủy tinh, thân thiện với môi trường
Bằng cách tách hết màu sắc và nhiều hợp chất hóa học ra khỏi một khối gỗ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland đã tạo nên một loại vật liệu trong suốt như thủy tinh nhưng có độ bền cao hơn, đồng thời lại
thân thiện với môi trường hơn so với nhựa. Nếu họ tìm được cách đơn giản hóa quá trình thực hiện và giảm chi phí sản xuất thì không lâu nữa, cửa sổ hoặc kính ở các tòa nhà của bạn sẽ có nguồn gốc từ gỗ, khó vỡ hơn và cũng dễ tái chế hơn. Các nhà khoa học tại Maryland vẫn sử dụng một quy trình 2 giai đoạn nhưng không xài polymer nữa. Đầu tiên, họ nấu sôi gỗ trong nước, sau đó ngâm nó vào NaOH và một vài hóa chất khác trong vòng 2 giờ. Quá trình này sẽ loại bỏ lignin, các phân tử vốn tạo nên màu sắc của gỗ. Tiếp theo, họ dùng keo apoxy đổ vào để giúp khối gỗ cứng hơn từ 4 đến 5 lần và cái mà họ đánh đổi ở đây chính là chấp nhận giảm tính thân thiện với môi trường xuống một chút – theo Tinhte.
Dù vậy, một lợi điểm của quy trình này chính là giữ lại cấu trúc và các hệ thống mạch khi khối gỗ hình thành tự nhiên trên cây. Các mạch dẫn siêu nhỏ này có khả năng dẫn ánh sáng tương tự như cách nó dẫn chất dinh dưỡng đi khắp các bộ phận của cây. Một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: "Đối với loại vật liệu truyền thống thì ánh sáng sẽ bị tán xạ. Nếu bạn cho gỗ khả năng dẫn ánh sáng và dùng thay cho kính thì nhà bạn sẽ có nhiều ánh sáng hơn." Vậy liệu trong tương lai tất cả cửa kính trong nhà của chúng ta sẽ được làm ra từ kính? Những ngôi nhà gỗ sẽ trong suốt luôn? Tương lai đó vẫn còn quá sớm để mơ tới bởi lẽ hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn đang mắc phải một vấn đề chính là kích thước. Hiện tại mảnh gỗ trong suốt có kích thước có khoảng 12 x 12 x 1 cm, đủ để chúng ta có thể nhìn xuyên qua. Tuy nhiên để áp dụng trong thực tế thì nhóm phải tạo nên những mảnh gỗ lớn hơn, dày hơn nhằm áp dụng đa dạng hơn trong thực tế.