Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì sạt lở
5/30/2017 11:56:00 AM
Ngày 24-4, hai ngày sau khi xảy ra hai vụ sạt lở bờ sông Vàm Nao, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang nhấn chìm 14 nhà dân, 108 hộ dân đã được sơ tán khẩn cấp.
|
Nhiều nhà dân ở xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) thuộc khu vực sạt lở phải di dời khẩn cấp
Ảnh: PHÚ ĐIỀN |
Ngoài khu vực trên, thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở ở các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu đã đẩy hàng ngàn hộ dân vào cảnh tan cửa nát nhà.
Tan tác ở Mỹ Hội Đông
Sau hai vụ sạt lở bờ sông nói trên, người dân tại xã Mỹ Hội Đông đã được chính quyền tổ chức di dời khỏi vùng nguy hiểm. Một cuộc “chạy sạt lở” vô tiền khoáng hậu đã diễn ra.
Trường học, nhà chùa, trụ sở làm việc và nhiều nhà dân đã mở cửa đón những người dân trong cảnh màn trời chiếu đất. Dòng Vàm Nao trù phú cá tôm bỗng chốc trở thành dòng sông dữ, đuổi hàng trăm hộ dân đang sống sung túc đi khỏi nơi bình yên bao đời.
Ông Trần Anh Thư, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết sự cố sạt lở đẩy 14 nhà dân (không phải 17 nhà như thông tin ban đầu) xuống sông không gây thiệt hại về người là nhờ chính quyền địa phương đã cảnh báo sớm, đưa lực lượng đến vừa vận động vừa bắt buộc người dân sơ tán khẩn cấp.
Ông Vũ Minh Thao, phó chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết khi người dân phát hiện vết nứt đến báo với công an xã, xã báo về huyện, lãnh đạo huyện trực tiếp đưa lực lượng về hỗ trợ dân di dời khẩn cấp.
Một số người dân chần chừ không chịu đi, do tin rằng nhà họ kiên cố, móng cọc rất chắc nên không thể có chuyện bị ảnh hưởng sạt lở.
Cho đến khi 13 căn nhà đầu tiên bị “đẩy” xuống sông, đúng như cảnh báo của cơ quan chức năng thì việc di dời dân trở nên thuận lợi vì người dân đã thấy được mối nguy cận kề.
Chiều 24-4, cả khu vực trung tâm chợ xã Mỹ Hội Đông phút chốc trở nên điêu tàn, vắng vẻ. Các chốt chặn được lập ra để cách ly một dải phố đã được cảnh báo sạt lở sẽ tiếp tục diễn ra. Cảnh “vườn không nhà trống” kéo dài khi 108 hộ dân đã được sơ tán khẩn cấp.
Các cơ quan chuyên môn của tỉnh An Giang sau khi sử dụng thiết bị thăm dò lòng sông Vàm Nao đã phát hiện hố xoáy dài 380m, ngang 120m, sâu 42m. Thực tế này cho thấy khả năng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo các cơ quan chức năng, hố sâu này đã được theo dõi từ lâu. Theo thời gian, hố này đã có sự “dịch chuyển” từ cân đối giữa sông sang hướng Mỹ Hội Đông, còn hướng đối diện lại có hiện tượng bồi lắng.
Sở TN-MT An Giang cho biết toàn tỉnh có đến 51 đoạn cảnh báo sạt lở, trong đó có 32 đoạn cảnh báo ở mức độ nguy hiểm.
Ông Trần Anh Thư cho biết tỉnh An Giang chú trọng 3 giải pháp ứng phó sạt lở. Đó là chỉnh trị dòng chảy ở những đoạn cảnh cáo sạt lở, đề xuất xây dựng các khu dân cư phòng chống thiên tai để từng bước di dời dân khỏi vùng bị đe dọa sạt lở, những khu vực dân cư ở trong vùng sạt lở thì không đưa vào quy hoạch...
|
Điểm sạt lở tại Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang) làm 14 căn nhà sụp xuống sông
Ảnh: TIẾN TRÌNH
|
Đồng Tháp, Vĩnh Long cũng nơm nớp lo sạt lở
Tại Đồng Tháp, tỉnh nằm ven sông Tiền, câu chuyện sạt lở cũng đang gây cảnh điêu đứng của rất nhiều người dân ở những xóm làng ven sông. Trong tháng 4 này, khu vực ven sông Tiền thuộc xã Bình Thành, huyện Thanh Bình xảy ra nhiều vụ sạt lở, đe dọa nhà cửa, tài sản của hàng trăm hộ dân.
Khu vực này chính là điểm nóng sạt lở mà UBND tỉnh Đồng Tháp đã có công điện khẩn chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương theo dõi sát tình hình. Cụ thể, ngày 3-4, khu vực này xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 150m, ăn sâu vào đất liền khoảng 15m.
Có 15 căn nhà, nhà kho của người dân nằm trong khu vực nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp. Mấy ngày sau đó, sạt lở tiếp tục xảy ra tại khu vực trên với chiều dài 60m, sâu vào đất liền 15m, ảnh hưởng 3 hộ dân, 1 cơ sở HTX và 1 đài nước.
Phía thượng nguồn, nơi con sông Tiền chảy vào Việt Nam, vài năm trở lại đây khu vực xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) được xem là tâm điểm của tình trạng sạt lở. Lãnh đạo xã cho biết mỗi năm ít nhất mất
2.000-3.000m2 đất, ăn sâu vào khoảng 5m. Người dân ở đây lúc nào cũng rơi vào cảnh mất ăn mất ngủ vì lo sạt lở.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, chủ tịch UBND xã Long Thuận, cho biết từ năm 2011 đến nay địa bàn xã liên tục xảy ra sạt lở gây mất đất rất nhiều. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra 2 vụ sạt lở làm mất hết 1.600m2 đất ở ấp Long Thạnh, cặp sông Tiền.
“Hiện tại còn khoảng 300 hộ dân sống cặp sông Tiền gần nơi sạt lở chưa có nền bố trí cho bà con ở” - ông Hạnh nói.
Xuôi về hạ nguồn, các xã Phú Thành và Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) lâu nay được xem là điểm “nóng” về sạt lở bên bờ sông Hậu. Người dân ở đây trước nay vẫn cho rằng sạt lở là do nạn khai thác cát trên sông ở khu vực gần đó gây nên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Roãn Ngọc Chiến, giám đốc Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long, cho biết tỉnh đang giao Sở NN&PTNT rà soát toàn bộ các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Riêng việc khai thác cát trên sông Hậu, UBND tỉnh cũng đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
Còn ông Võ Thành Ngoan, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết sạt lở xảy ra tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình được xác định là do đoạn sông liên quan uốn cong chủ lưu dòng chảy sông Tiền ép sát bờ trái (bờ xã Bình Thành), kết hợp nền đất yếu gây sạt lở.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, sạt lở tại đây sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới và còn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời gian mùa lũ...
Về các giải pháp ứng phó với sạt lở, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Sở NN&PTNT làm việc với Viện Kỹ thuật biển nghiên cứu giải pháp lấp hố xoáy, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp sạt lở và khắc phục toàn tuyến.
Đồng thời giao Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ vốn khắc phục sạt lở nhằm bảo vệ quốc lộ 30.
Chủ động dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc khắc phục sạt lở bờ sông Vàm Nao mà ngày 24-4 Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang, Bộ NN&PTNT để truyền đạt.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh An Giang tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng cảnh báo, hạn chế người, phương tiện qua lại khu vực sạt lở; tổ chức quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản.
Đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, sắp xếp chỗ ở tạm cho các hộ dân bị mất nhà cửa và phải di dời, không để người dân thiếu đói, khó khăn; có phương án hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân đã bị mất nhà cửa hoặc phải di dời, đảm bảo ổn định đời sống...
V.V.TUÂN - L.C.
|
Đã bàn giao 14 nền nhà cho 14 hộ dân sụp nhà xuống sông
Ngay sau khi xảy ra nạn sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm hỏi, hỗ trợ các hộ dân có nhà ở bị sạt lở nghiêm trọng.
Về chính sách hỗ trợ, 108 hộ dân được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, từ nguồn ngân sách trung ương và của huyện Chợ Mới (58 hộ nhận trước 20 triệu đồng, còn lại sẽ cấp bổ sung); Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng cho 14 hộ có nhà bị sạt lở; Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ...
Ông Vũ Minh Thao, phó chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết chiều 24-4 huyện đã bàn giao nền nhà cho 14 hộ dân có nhà bị sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông. Dự kiến hôm nay (25-4) khởi công và khẩn trương xây dựng khu dân cư phòng chống thiên tai (diện tích 4,8ha), với 200 nền nhà.
Ông Thao cũng cho biết địa phương sẽ xây dựng mới con đường nối về trung tâm xã Mỹ Hội Đông, thay thế con đường cũ bị sạt lở.
|
NHÓM PHÓNG VIÊN (TTO)
Lượt xem : 1552