Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

8/27/2016 8:40:00 AM

Hội nghị trực tuyến “mổ xẻ” các vấn đề nóng về môi trường; Hà Nội thí điểm mô hình xe đạp dọn rác; Công bố chất lượng nước biển miền Trung; Thanh tra các dự án có xả thải tại 11 tỉnh; Huy chương Olympic Tokyo sẽ làm từ rác thải điện tử; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

Hội nghị trực tuyến “mổ xẻ” các vấn đề nóng về môi trường


Ngày 24/8, Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường, nhằm “mổ xẻ” những vấn đề “nóng” về môi trường, qua đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Hội nghị có phần trình bày và thảo luận về Báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường về thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó nêu rõ thực trạng tình hình; những tồn tại, thách thức và nguyên nhân; dự báo và giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Báo cáo của Bộ Công an về công tác phòng, chống tội phạm về môi trường…


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, do đó cần phải thực hiện giám sát đối với các dự án đầu tư, công trình lớn có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần giải quyết. Bộ Tài nguyên & Môi trường phải phối hợp với các ngành, địa phương đề xuất các giải pháp đột phá trong vấn đề xử lý môi trường mang lại hiệu quả tích cực nhất, đặc biệt là quan tâm tới các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sau hội nghị này, Bộ Tài nguyên & Môi trường phải tiếp thu các ý kiến, giải pháp của các tỉnh, các ngành để đưa vào Chỉ thị một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường đến năm 2020 trình Chính phủ.

Thanh tra các dự án có xả thải tại 11 tỉnh

Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang và Nghệ An. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường, tập trung vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 500m3/ngày, đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông tại  các địa bàn trên – theo Thanh Tra.

Thời kỳ thanh tra, từ ngày có quyết định thành lập các tổ chức sản xuất, kinh doanh hoặc từ ngày dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến thời điểm thanh tra. Thời hạn thanh tra 45 ngày làm việc. Đoàn thanh tra do ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ làm Trưởng đoàn, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng phê duyệt; thông báo kế hoạch thanh tra, lịch làm việc của đoàn đến các đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan; quyết định các nội dung liên quan đến việc đo đạc, lấy và phân tích mẫu môi trường.

Hà Nội thí điểm mô hình xe đạp dọn rác

Đại diện Cty môi trường cho biết, hiện nay 4 quận nội thành của Hà Nội đang được triển khai thí điểm việc thu gom rác bằng xe đạp nhằm tăng tính hiệu quả trong việc làm sạch cảnh quan đô thị. Đây là mô hình thí điểm cho 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình) nhằm tăng tính cơ động, giảm mệt mỏi cho công nhân môi trường trong khi làm việc. Ngoài mục đích dọn vệ sinh, những chiếc xe đạp này còn như một "trung tâm truyền thông di động” tạo ra nét mới mẻ tác động đến ý thức cộng đồng. Điểm nhấn của chiếc xe là được thiết kế 2 thùng rác nhỏ (mỗi thùng có dung tích 60l) ở đằng sau để chứa rác vụn, 2 thùng rác này được dán các poster với những hình ảnh tuyên truyền về giờ đổ rác, không xả rác ra đường – theo Infonet.

Trong quá trình làm việc, nhân viên môi trường mặc áo đồng phục sử dụng chiếc xe này đi xung quanh khu vực làm việc để tuyên truyền, nhắc nhở người dân cũng như khách du lịch bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác ra vỉa hè, lòng đường và nơi công cộng, đồng thời chủ động phát hiện, thu gom ngay những mẩu rác vụn, trả lại sự sạch đẹp cho đường phố. Chị Thu, Tổ phó sản xuất tổ 2 khu vực hồ Hoàn Kiếm cho biết: "Sau khi quét dọn bằng chổi dài vào buổi sáng sớm, việc sử dụng xe đạp đi thu gom rác nhỏ giúp nhân viên đỡ mệt hơn nên hiệu quả công việc sẽ cao hơn". Hiện URENCO đang sử dụng 50 chiếc xe cho các quận trung tâm của Thành phố Hà Nội trong đó: Hoàn Kiếm 20 chiếc, Ba Đình 10 chiếc, Hai Bà Trưng 10 chiếc và Đống Đa 10 chiếc.

Công bố chất lượng nước biển miền Trung

Thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) sáng 22/8 cho biết, sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, đến nay có thể khẳng nươc biển tại 4 tỉnh ven biển miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế) đã an toàn để tắm, hoạt động thể thao và nuôi trồng thủy sản. Theo công bố này, hàm lượng các chất ô nhiễm đang giảm dần theo thời gian, chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, an toàn cho hoạt động du lịch, thể thao và và nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển miền Trung. Đến thời điểm hiện nay (theo kết quả quan trắc kiểm chứng trong tháng Tám), hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép. Chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước – theo VietnamPlus.

Đối với các mẫu trầm tích biển, kết quả phân tích của 29 mẫu trầm tích (tháng Năm) và 146 mẫu trầm tích bề mặt, 16 điểm mẫu cột trầm tích (tháng Sáu) cho thấy các thông số được quy định trong QCVN 43:2012/BTNMT đều có giá trị nằm trong giới hạn. Tuy nhiên, tại các khu vực cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương-Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330km2), hòn Sơn Chà-Thừa Thiên-Huế (diện tích khoảng 160km2), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Việt Nam phát hiện quần thể Voọc mông trắng lớn thứ hai trên thế giới

Thông tin từ Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoạng dã quốc tế (FFI) ngày 23/8 cho biết, các nhà khoa học của tổ chức này vừa tìm ra quần thể Voọc mông trắng lớn thứ hai trên thế giới đang cực kỳ nguy cấp tại một khu rừng ở miền Bắc Việt Nam. Quần thể Voọc mông trắng được tìm thấy này có khoảng 40 cá thể. Đây được xem là một trong số những loài động vật hoang dã hiếm nhất trên hành tinh. Theo những thông tin về Voọc mông trắng ở khu rừng một thời còn nguyên vẹn ở miền Bắc Việt Nam, các cán bộ khoa học của Tổ chức FFI đã tiến hành điều tra thực địa nhằm xác minh sự tồn tại của loài này trong khu vực – theo VietnamPlus.

Voọc mông trắng là loài đặc hữu của Việt Nam. Do những hoạt động của con người như săn bắn, khai thác gỗ, khai thác đá, đốt than, loài này đang bị đe doạ tuyệt chủng với số lượng còn lại dưới 250 cá thể. Cố vấn kỹ thuật về Đa dạng sinh học của FFI Việt Nam, ông Trịnh Đình Hoàng, cho biết, cuộc điều tra của các nhà khoa học đã ghi nhận một quần thể Voọc, bao gồm bảy đàn với tổng số 40 cá thể. “Chúng tôi đã thông báo tới các cơ quan hữu quan ở Việt Nam về kết quả điều tra và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cán bộ và cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo rằng Voọc mông trắng không trở thành loài linh trưởng bị tuyệt chủng trong thế kỷ này,” tiến sỹ Benjamin Rawson nói.

THẾ GIỚI

Con người đã gây ra biến đổi khí hậu từ hai thế kỷ trước

Con người đã gây trạng biến đổi khí hậu từ hai thế kỷ trước. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Australia nhằm chứng minh rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra không phải là hiện tượng xảy ra trong thời gian gần đây. Theo người đứng đầu nghiên cứu, phó giáo sư Nerilie Abram thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), tình trạng ấm lên toàn cầu đã bắt đầu trong giai đoạn đầu của các cuộc cách mạng công nghiệp khi con người bắt đầu sử dụng các loại máy móc, như máy in, tàu thủy và tàu hỏa chạy bằng hơi nước hoặc than đá. Trong một tuyên bố, ông Abram cho biết tình trạng ấm lên toàn cầu đang diễn ra hiện nay đã bắt đầu khoảng 180 năm trước.

Trong khi đó, một đồng tác giả nghiên cứu khác là tiến sỹ Helen McGregor, thuộc Đại học Khoa Trái đất và Khoa học Môi trường của Đại học Wollongong, cho biết con người chắc chắn đã thải vào môi trường một lượng tăng nhỏ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong những năm 1800. Theo bà McGregor, tình trạng bắt đầu ấm lên của toàn cầu được phát hiện trong nghiên cứu này cho thấy khí hậu Trái Đất đã phản ứng một cách nhanh chóng trước thậm chí một lượng nhỏ khí thải cácbon trong giai đoạn đầu của thời đại công nghiệp - theo VietnamPlus.

Di dời cả làng do nước biển dâng tại Shishmaref, Alaska

Biến đổi khí hậu đã gây ra những tác hại ngày ngày càng nhiều hơn. Tại Shishmaref, biển đã xói mòn vào sâu đến 1km trên bờ, và dân làng qua 1 cuộc trưng cầu dân ý, đã quyết định di dời nhà cửa của họ. Những vấn đề là không có tiền. Dân làng Shishmaref, nằm trong khu Nome Census Area, bang Alaska, Mỹ, ở phía Bắc eo biển Bering, đang vật lộn với một thảm họa sinh thái nghiêm trọng: nếu không tìm được cách để di dời nhà cửa và các công trình, họ sẽ trắng tay vì biển sẽ nuốt chửng tài sản của họ. Quyết định di dời đến một nơi an toàn hơn, thậm chí sẽ phải từ bỏ đất đai đã gắn bó với họ 500 năm nay, đã được dân làng lựa chọn qua cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên kiểu này được tổ chức tại Mỹ: với 89 phiếu “thuận” và 68 phiếu “chống” – theo Vietdaikynguyen.

Ở Alaska, những hậu quả của thay đổi khí hậu đe dọa khoảng 200 ngôi làng: sự gia tăng nhiệt độ làm mỏng đi và tan chảy lớp băng vĩnh cửu, băng chiếm khoảng 80% lãnh thổ của bang. Shishmaref nằm trên một hòn đảo nhỏ, cư dân hầu hết là người Eskimo Inupiat, sinh sống nhiều thế kỷ nay bằng đánh bắt cá và săn bắn, nhưng bây giờ, việc đi lại trên băng rất nguy hiểm: trong gần 30 năm, sóng biển Chuckchi – một biển ngoại vi lớn, thuộc Bắc Cực – đã  xói mòn vào sâu 1 km bờ biển. “Từ năm 2000 đến nay chúng tôi đã phải di dời 13 ngôi nhà từ đầu này sang đầu kia của làng”, Esau Sinnock, nhà hoạt động và nhà môi trường học cho biết. “Chúng tôi không thể làm gì, chúng tôi phải ra đi: trong hai thập kỷ nữa toàn bộ hòn đảo này sẽ bị phá hủy”. Di dời là một tin xấu, nhưng vấn đề lớn nhất lại là tìm nguồn vốn để dời cả làng.

Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường tại Mỹ phản đối TPP

Mới đây, 450 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, đất đai, quyền của người bản địa ở Mỹ đã gửi thư tới Quốc hội nước này kêu gọi các thành viên Quốc hội bỏ phiếu phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bức thư được ký bởi nhiều liên minh, tổ chức lớn như Sierra Club, Indigenous Environmental Network, Bold Alliance, Sustain US and Friends of the Earth, “khẩn thiết yêu cầu” các thành viên Quốc hội lên tiếng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nguồn nước, bầu không khí và bảo vệ người dân tộc thiểu số, các quyền sở hữu và duy trì khí hậu ổn định bằng cách bỏ phiếu không tán thành TPP và yêu cầu đại diện thương mại Mỹ loại bỏ ra khỏi Hiệp định các điều khoản có thể tạo cơ hội lách luật cho các doanh nghiệp.

Hiệp định TPP là thỏa thuận thương mại lớn nhất Mỹ ký kết kể từ sau Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào năm 1994. TPP đã được các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán trong hơn 5 năm. Trong thư, các tổ chức vệ môi trường cho rằng thỏa thuận này sẽ làm gia tăng việc khai thác nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, các dự án khai thác dầu khí không mong đợi sẽ được cho phép, thay thế các lệnh cấm khai thác trước đây của các địa phương, khu vực, hay thậm chí là của quốc gia nhờ Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (ISDS)*, một cơ chế gây nhiều tranh cãi trong thỏa thuận thương mại 29 chương này – theo MT&ĐS.

Từ chối tài trợ, giới trẻ Anh tay không chiến đấu với ô nhiễm

Nghệ sĩ Vasilisa Forbes và Claire Matthews, cùng với nhiếp ảnh gia Terry Paul và một nhóm các tình nguyện viên từ 16 đến 25 tuổi, đã in 12 tấm áp phích lớn dự kiến sẽ xuất hiện trên một số đường phố ô nhiễm nhất của Luân Đôn. Forbes cho biết Luân Đôn là tất cả cuộc sống của những người sinh sống tại đây. Do đó, ông và những nghệ sĩ khác quyết định thành lập một diễn đàn những người trẻ tuổi để cảnh báo cho cộng đồng về ô nhiễm không khí đồng thời nâng cao nhận thức mọi người. Forbes và nhóm của mình đã kêu gọi cho chiến dịch Clean Air Now. Theo đó, họ có ý định sử dụng áp phích, biển quảng cáo và nghệ thuật đường phố để nâng cao nhận thức người dân về ô nhiễm bầu không khí – theo Tổ Quốc.

Họ tự trả tiền cho việc in các poster và không nhận tài trợ của bất cứ công ty nào hoặc nguồn kinh phí khác. Chỉ duy nhất một công ty biển quảng cáo cung cấp cho họ không gian đặt áp phích miễn phí. Họ trích dẫn số liệu của chính phủ nói rằng không khí ô nhiễm đã giết chết 9.000 người ở Luân Đôn mỗi năm và đặt câu hỏi rằng liệu có thể thực sự tiếp tục phá hủy chính mình bởi bầu không khí ô nhiễm như hiện tại. Tấm áp phích đầu tiên sẽ được đặt tại đường cao tốc Bethnal Green, một trong những con đường sầm uất nhất của London, sau đó dự kiến là ở Marble Arch, Kensington và các nơi khác.

Huy chương Olympic Tokyo sẽ làm từ rác thải điện tử

Tại Olympic London 2012, nước Anh đã sử dụng 9,6kg vàng, 1.210kg bạc và 700kg đồng để làm huy chương cho các vận động viên. Nếu nhìn vào con số đó thì mục tiêu nói trên không phải là thách thức quá lớn đối với Nhật Bản. Vì trong năm 2014, quốc gia này đã tái chế được 143kg vàng, 1.566kg bạc và 1.112 tấn đồng. Tuy nhiên, vấn đề được Bộ Tài nguyên và Môi trường Nhật Bản đặt ra là làm sao để thu gom và xử lý triệt để rác thải điện tử. Theo tính toán, mỗi năm ở Nhật Bản có khoảng 650.000 tấn thiết bị điện tử bị vứt bỏ. Tuy nhiên, chỉ có ít hơn 100.000 tấn được thu gom và xử lý, tức là họ vẫn để thất thoát một lượng lớn vật liệu quý, đặc biệt là vàng, bạc, đồng... thường có trong thành phần các linh kiện và bo mạch điện tử.

Chính phủ Nhật Bản cùng các bộ ngành và một số tổ chức liên quan đang nghiên cứu và triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức về môi trường và tài nguyên trong cộng đồng. Với những nỗ lực này, lượng rác thải điện tử được thu gom trong những năm tiếp theo chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể. Nhật Bản - quốc gia tổ chức Thế vận hội kỳ tiếp theo vào năm 2020 sẽ làm toàn bộ huy chương bằng vàng, bạc, đồng tái chế từ rác thải điện tử. Đó là mục tiêu do Chính phủ Nhật Bản đề ra nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm. Nhật Bản là một đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, chính vì vậy thu gom và tái chế rác thải điện tử là một việc làm rất có ý nghĩa – theo Nghenhinvietnam.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2407