Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

8/13/2016 8:02:00 AM

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn 2016 sẽ diễn ra ở Quảng Nam; Trao giải Cuộc thi Báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ III; Trên 6.700 tỷ đồng trôi theo 2 cơn bão; Thế giới huy động 81 tỷ USD đối phó với biến đổi khí hậu; Thụy Điển - 'siêu cường' tái chế rác thải của thế giới; là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn 2016 sẽ diễn ra ở Quảng Nam


Tin từ Bộ Tài nguyên & Môi trường chiều 9/8 cho biết, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2016, với chủ đề “Hãy hành động vì môi trường đô thị xanh, bền vững” sẽ diễn ra tại tỉnh Quảng Nam. Cũng trong ngày 9/8, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành Công văn số 3266/BTNMT-TCMT về việc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì, phối hợp tổ chức sự kiện quốc gia hưởng ứng Chiến dịch này. Năm nay, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam, bởi đây là địa phương đã có nhiều chuyển biến trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững và khai thác hiệu quả tiềm năm du lịch – theo VietnamPlus.


Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ ba tháng Chín hằng năm. Chiến dịch này đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia. Việt Nam tham gia hưởng ứng chiến dịch từ năm 1994. Đến nay đã được các Bộ ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương và đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực.

Trao giải Cuộc thi Báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ III

Tối 06/8, Tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức lễ trao giải Cuộc thi báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ III cho 26 tác phẩm xuất sắc của 4 loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử). Có 04 Giải A, 08 Giải B và 14 Giải Khuyến khích và 01 giải cho tập thể Hệ VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam vì có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng cao. Đặc biệt, 04 tác phẩm xuất sắc nhất là tác phẩm “Mở đường chọc vào lõi di sản Cát Tiên” của tác giả Thu Sương, Báo Người Lao động (thể loại báo in); tác phẩm “Việt Nam tham dự Hội nghị COP21” của Nhóm Môi trường, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam (thể loại truyền hình); tác phẩm “Khai thác khoáng sản ồ ạt - Bài học nhãn tiền” của tác giả Trần Sỹ Đức, Hệ VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam (thể loại phát thanh); tác phẩm “Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp thích ứng” của nhóm tác giả: Xuân Long - Quốc Thanh - Chí Quốc - My Lăng, Báo Tuổi trẻ (thể loại báo điện tử).

Cuộc thi báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ III năm 2016 đã được tổ chức thành công với hàng trăm tác phẩm dự thi từ nhiều cơ quan thông tấn, báo chí, với sự tham gia của đông đảo các biên tập viên, phóng viên. Các tác phẩm báo chí xuất sắc, có tính thời sự, có chất lượng đã được Hội đồng giám khảo gồm các Nhà báo, Nhà quản lý báo chí có uy tín và nhiều kinh nghiệm lựa chọn một cách khách quan và chuyên nghiệp.

Kiến nghị đầu tư hệ thống thám sát bão bằng máy bay, tên lửa

Sau khi bị chỉ trích nặng nề vì dự báo chưa chính xác các cơn bão số 1 và 2, trao đổi với báo chí chiều 9/8, tiến sỹ Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường và Chính phủ quan tâm đầu tư hệ thống dự báo hiện đại, cũng như xem xét đến khả năng thám sát bão bằng máy bay hoặc tên lửa. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương sẽ rà soát, đánh giá lại công nghệ dự báo bão hiện có và nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong dự báo bão bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính để có nhiều hơn và tốt hơn các sản phẩm dự báo hiện có của Việt Nam khi bão vào Biển Đông.

Ngoài ra, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cũng sẽ nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên ở Trung ương, các Đài khí tượng thủy văn khu vực và đặc biệt là ở các Đài khí tượng thủy văn tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn cho các địa phương thường xuyên có bão và các loại thiên tai khác. “Trung tâm cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường và Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm tăng cường số liệu bão trên biển với hệ thống hiện đại và xem xét đến khả năng bay thám sát bão bằng máy bay hoặc tên lửa nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển bão chính xác hơn,” ông Nguyễn Đức Cường được VietnamPlus dẫn lời nhấn mạnh.

Hà Nội sắp có hầm chống ngập 3 tầng, sâu 20m?

Tại hội thảo “Giải pháp phòng chống ngập” do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 7/8, các chuyên gia đến từ Malaysia vừa giới thiệu với Hà Nội mô hình đường hầm chống ngập thông minh, cần kết hợp giao thông và chống ngập đặc biệt cho khu vực phía tây thủ đô (nơi tập trung nhiều khu đô thị mới, nhà cao tầng). Theo đó, các chuyên gia đề xuất sẽ làm đường hầm thông minh có 3 tầng, dưới mặt đất 20 m, có cửa thoát lũ và thông khí. Ở điều kiện bình thường, khi ít mưa hoặc không mưa, đường hầm mở cửa cho các phương tiện qua lại – theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp.

Với kinh nghiệm thiết kế hệ thống chống ngập tại Tokyo, các vị giáo sư đến từ Nhật Bản đề xuất, Hà Nội cần có giải pháp chống ngập khẩn cấp với các hầm trữ nước; xe bơm di động; hệ thống quan trắc và hệ thống cảnh báo ngập toàn diện, tổng thể; thành lập trung tâm Điều hành khẩn cấp (EOC) và kế hoạch điều hành công tác chống ngập. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần xây dựng hệ thống cảnh báo sử dụng radar băng tần X hiện đại hàng đầu thế giới, chuyên để quan trắc mưa, có thể xây dựng các hình ảnh 3D giúp đo đạc chính xác các dữ liệu, phục vụ công tác dự báo…

Trên 6.700 tỷ đồng trôi theo 2 cơn bão  

Mặc dù rất chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, tuy nhiên các sự cố về điện, giao thông và thông tin dự báo thiếu chính xác đã khiến việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 1 và số 2 chưa đạt được như kỳ vọng. Bão số 1 đã khiến 7 người chết và mất tích; 63 người bị thương, gần 3.000 nhà bị đổ sập hoàn toàn, hơn 82.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng và hơn 500 nhà bị ngập nước. Tại khu vực cửa sông đã có trên 1.300 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng… Tổng thiệt hại lên đến trên 6.442 tỷ đồng.

Khác với kịch bản của bão số 1, dù không trực tiếp đi vào nước ta, nhưng từ ngày 3 – 5/8, bão số 2 đã gây mưa to đến rất to tại các tỉnh miền núi phía bắc. Mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại các huyện Bát Xát và Sa Pa (Lào Cai); gây dông, lốc sét, mưa đá, sạt lở nhỏ tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lai Châu… khiến 13 người chết và 19 người mất tích. Hơn 11.000 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 5 cầu treo bị cuốn trôi… thiệt hại vật chất trên 226 tỷ đồng – theo Nông Nghiệp Việt Nam.

THẾ GIỚI

Thế giới huy động 81 tỷ USD đối phó với biến đổi khí hậu

Ngân hàng phát triển đa phương lớn nhất thế giới (MDB) đã huy động được 81 tỷ USD, bao gồm 25 tỷ USD tài trợ trực tiếp từ MDB và 56 tỷ USD từ nhà đầu tư quốc tế khác để đối phó với biến đổi khí hậu. Báo cáo chung do Ngân hàng Phát triển châu Á cùng với các đối tác MDB thực hiện và được Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) công bố ngày 9/8 cho biết, trong số các khu vực, các nước châu Âu ngoài Liên minh châu Âu (EU) và Trung Á đã nhận được số tiền tài trợ lớn nhất trong tổng số tiền trên, với 20%; và Nam Á nhận được 19% - theo TTXVN.

Lĩnh vực nhận được tài trợ nhiều nhất là hệ thống cấp nước và xử lý nước thải với 27%; tiếp theo là năng lượng, giao thông vận tải và xây dựng cơ sở hạ tầng với 24%; nông nghiệp và sản xuất thực phẩm chiếm 18%. Theo báo cáo trên, năm ngoái, MDB đã phân bổ hơn 20 tỷ USD cho các hoạt động giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu và 5 tỷ USD nhằm hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu. Kể từ năm 2011, MDB đã cam kết tài trợ và vận động hơn 131 tỷ USD để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu trên hành tinh đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là ở khu vực Trung và Nam Á, châu Phi, trong đó có Nam Phi và Đông Phi.

Mỗi năm người Italy ném 13 tỷ euro đồ ăn thừa vào sọt rác

Theo nhật báo La Repubblica, trung bình mỗi năm, người Italy vứt vào sọt rác một lượng thức ăn thừa lên đến 13 tỷ euro, tương đương với gần 1% GDP mỗi năm của đất nước hình chiếc ủng. Thăm dò cho thấy, cứ 5 người 4 người khẳng định họ không vứt đồ ăn sắp hết hạn vào thùng rác mà ăn ngay khi còn có thể, 90% tuyên bố họ rất quan tâm đến các chi tiết về dinh dưỡng được ghi trên bao bì thực phẩm và 30% nói, nếu không ăn hết trong các lần đi ăn tiệm, họ gói đồ ăn mang về - theo VietnamPlus.

Tuần trước, Thượng viện Italy cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật chống lãng phí lương thực. Đạo luật này lần đầu tiên quy định một cách rõ ràng hành vi lãng phí lương thực, đồng thời quy định rõ thời gian bảo quản và hết hạn tối thiểu của các sản phẩm lương thực, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc quyên góp đồ ăn cho người nghèo và người già. Italy hy vọng rằng, đạo luật này sẽ giúp giảm tình trạng lãng phí tràn lan đang xảy ra ở nước này.

Con người tàn phá thiên nhiên hoang dã hơn cả biến đổi khí hậu

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đăng tải trên tạp chí Nature (Tự nhiên) ngày 10/8, hoạt động nông nghiệp và săn bắt của con người đang tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với thiên nhiên hoang dã, thậm chí còn nghiêm trọng hơn hiện tượng biến đổi khí hậu. Thông qua phân tích gần 9.000 loài đang bị đe dọa và có nguy cơ bị đe dọa, các nhà khoa học nhận thấy 3/4 trong số này bị săn bắt quá mức vì mục đích thương mại, giải trí hoặc trở thành nguồn cung cấp thực phẩm – theo TTXVN/Vietnam+.

Nhu cầu thịt và các bộ phận khác trên cơ thể của các loài động vật đang đẩy loài khỉ đột và loài tê tê Trung Quốc đến sát bờ vực tuyệt chủng, trong khi loài tê giác quý hiếm Sumatran bị đe dọa nghiêm trọng. Ngoài ra, hơn một nửa số loài động thực vật trong nghiên cứu này còn phải đối diện với nguy cơ mất nơi ở khi môi trường sống tự nhiên bị biến thành các nông trại và các đồn điền công nghiệp, chủ yếu chăn thả vật nuôi và canh tác cây trồng phục vụ nhu cầu sản xuất nhiên liệu hoặc thực phẩm. Trong khi đó, chỉ có 19% trong tổng số 9.000 loài này chịu ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu.

2.000 tỷ USD có thể “bốc hơi” vì nhiệt độ Trái Đất ấm lên

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy nhiệt độ tăng do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030. Kết quả nghiên cứu mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy nhiệt độ ngày càng tăng lên do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030 vì năng suất giảm tại những nơi nóng bức – theo TTXVN.

Nghiên cứu trên cho thấy riêng tại khu vực Đông Nam Á, thời gian làm việc hàng năm của các lao động trong điều kiện nhiệt độ cực cao có thể đã giảm 20%, và con số này sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2050 do ảnh hưởng gia tăng của biến đổi khí hậu. Nhà nghiên cứu Tord Kjellstrom cho hay có khoảng 43 quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm do năng suất lao động giảm. Phần lớn các nước này là ở châu Á như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. GDP của Indonesia và Thái Lan có thể giảm khoảng 6% vào năm 2030, trong khi GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 0,8% và tại Ấn Độ sụt giảm khoảng 3,2%.

Thụy Điển - 'siêu cường' tái chế rác thải của thế giới

Thụy Điển đã có những bước tiến vượt bậc trong ngành công nghiệp tái chế. Tái chế đạt 99%, quốc gia giàu có này còn phải nhập khẩu thêm cả rác thải để tăng sản lượng. Cụ thể, khoảng 50% lượng rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình sẽ được làm nhiên liệu đốt cháy để sản sinh ra năng lượng cho các nhà máy, giúp giảm thiểu giá thành năng lượng tại nước Thụy Điển. Các loại rác không cháy được, ví dụ như kim loại, sẽ được tách ra để tái chế. Cuối cùng là các loại rác vô cơ không cháy sẽ dùng để trải đường, làm mái ngói, gạch lót sàn. Chỉ khoảng 1% số lượng rác thải ra sẽ được đem đi chôn ở bãi tập kết rác – theo Trí Thức Trẻ.

Ngoài ra, chính phủ Thụy Điển đã khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, giúp việc tái chế rác trở nên dễ dàng hơn. Một điều rất thú vị là mặc dù đã tái chế 99% lượng rác thải, các nhà máy tái chế của Thụy Điển vẫn "khan hiếm" nhiên liệu, đến nỗi họ phải nhập khẩu 700.000 tấn rác từ các nước khác mỗi năm để tái chế. Thật đúng với câu thành ngữ tiếng Anh: One man's trash is another man's treasure (Đồ bỏ đi của người này có thể là gia tài đối với người khác). Được biết, Thụy Điển mong muốn trong tương lai trở thành quốc gia đầu tiên không sử dụng năng lượng từ dầu mỏ, thay vào đó là các năng lượng sạch như nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió, v.v...

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2385