Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

7/30/2016 8:38:00 AM

371 triệu USD đầu tư cho môi trường; Formosa đã chuyển 250 triệu USD bồi thường do gây ô nhiễm; Phát hiện nhiều đàn linh trưởng ở Quảng Bình; Sẽ còn xảy ra từ 7 đến 9 cơn bão trong mùa mưa năm nay; Đến em vua cũng bị phạt nếu vứt rác sai; Biến nước tiểu của bạn thành bia; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

371 triệu USD đầu tư cho môi trường


Chiều tối 25/7, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký kết hiệp định pháp lý cho 3 dự án với tổng giá trị 371 triệu USD nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, và cấp nước và xử lý nước thải. Theo đó, các hiệp định cấp vốn này dành cho Khoản vay Chính sách Phát triển về Quản lý Kinh tế và Năng lực Cạnh tranh lần 3, Khoản vay Chính sách Phát triển về Biến đổi Khí hậu và Tăng trưởng Xanh lần 1, và vốn bổ sung cho Dự án Cấp nước và Xử lý Nước thải Đô thị. Khoản vay Chính sách Phát triển về Quản lý Kinh tế và Năng lực Cạnh tranh lần 3 là Dự án cuối trong loạt 3 Dự án nhằm hỗ trợ chính phủ tăng cường ổn định ngành tài chính, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, và tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Dự án cuối cùng trong loạt Dự án này bao gồm 150 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới và 12 triệu USD viện trợ không hoàn lại của Thuỵ Sỹ và Canada – theo Tiền Phong.


Khoản vay Chính sách Phát triển về Biến đổi Khí hậu và Tăng trưởng Xanh trị giá 90 triệu USD là Dự án đầu trong loạt 3 Dự án hỗ trợ các hành động chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, trong khuôn khổ Chương trình Ứng phó Biến đổi Khí hậu của Chính phủ. Các hoạt động chính sách trong Dự án này nhắm đến mục đích tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu vùng ven biển thông qua quản lý tổng hợp, bảo vệ nguồn nước và tăng cường tiết kiệm sử dụng nước, và trồng rừng ven biển. Khoản bổ sung vốn cho Dự án Cấp nước và Xử lý Nước thải Đô thị gồm 50 triệu USD từ nguồn IDA và 69 triệu USD từ nguồn IBRD sẽ hỗ trợ tăng cường dịch vụ cấp thoát nước đến các hộ gia đình tại 10 thành phố trong cả nước. Dự án cũng sẽ giúp cải thiện và xây dựng mới hệ thống thoát nước và hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại Dĩ An, Bình Dương, mang lại lợi ích cho 380.000 dân sống tại đây.

Formosa đã chuyển 250 triệu USD bồi thường do gây ô nhiễm

VietnamPlus đưa tinc chiều 29/7, trao đổi nhanh với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Formosa đã thực hiện chuyển 250 triệu USD tiền đền bù sự cố môi trường do đơn vị này gây ra tại vùng biển miền Trung. Số tiền này được chuyển vào tài khoản tạm giữ, sau đó Chính phủ sẽ căn cứ vào đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương và khi có tiêu chí sẽ chuyển kinh phí về các địa phương.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, số tiền 250 triệu USD còn lại sẽ được Formosa chuyển theo cam kết vào ngày 28/8. Trước đó, thông tin trong buổi họp báo ngày 30/6, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, đã có những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của Formosa và đây chính là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam. Phí Formosa đã xin lỗi nhân dân Việt Nam, cam kết bồi thường kinh tế cho người dân và phục hồi môi trường biển 4 tỉnh miền Trung với số tiền 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng).

Sẽ còn xảy ra từ 7 đến 9 cơn bão trong mùa mưa năm nay

VietnamPlus dẫn thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, theo các dự báo mới nhất, sau cơn bão Mirinae (bão số 1), năm 2016, chúng ta sẽ còn đón 7-9 cơn bão nữa xuất hiện trong những tháng còn lại của mùa mưa. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, ở Bắc bộ, dù đã xảy ra vài đợt mưa trước đó nhưng đợt mưa lần này (do ảnh hưởng của cơn bão số 1) là đáng kể nhất từ đầu mùa đến nay.

“Đây là dấu hiệu cho chúng ta biết rằng, mùa mưa ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ mới chỉ bắt đầu và còn đang ở phía trước. Mùa mưa năm nay sẽ kéo dài đến giữa tháng Mười mới kết thúc,” ông Hải nói. Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cho biết, năm nay dự báo mưa đến muộn, sẽ có các đợt lũ muộn xảy ra đến tháng Mười. Đối với khu vực Bắc Trung bộ, mùa mưa có thể kéo dài đến tháng 12.

Phát hiện nhiều đàn linh trưởng ở Quảng Bình

Ngày 27/7, Chi cục kiểm lâm Quảng Bình cho hay, trong đợt khảo sát mới đây tại khu vực rừng Động Châu - khe Nước Trong (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), đoàn khảo sát của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Việt và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã phát hiện một số đàn linh trưởng mới. Đoàn phát hiện ở 7 tiểu khu về phía tây rừng Động Châu - khe Nước Trong có 58 đàn vượn đen má trắng siki và 2 đàn khác ở ngoài khu vực khảo sát. Các nhà nghiên cứu nhận định đây là khu vực có số lượng đàn và cá thể vượn đen má trắng siki nhiều nhất Bắc Trung Bộ - theo VnExpress.

Ngoài ra, dọc đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoàn ghi nhận thêm 9 đàn chà vá chân nâu với số lượng từ 98 đến 108 cá thể. Việc phát hiện thêm các đàn linh trưởng mới này được đánh giá là có giá trị lớn với bảo tồn và khoa học. Rừng Động Châu - khe Nước Trong rộng gần 20.000 ha, được đánh giá là vùng đa dạng sinh học với những loài động thực vật đặc hữu chỉ đứng sau Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tại rừng Động Châu - khe Nước Trong, các nhà khoa học từng ghi nhận nhiều loài bị đe dọa, đặc hữu hoặc quý hiếm như trĩ sao, khướu đầu xám, khướu mỏ dài, chích chạch má xám, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn, vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, ếch cây Trường Sơn...

360 tỷ đồng làm kênh chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất

UBND quận Tân Bình vừa đề xuất UBND TP HCM đầu tư Dự án cải tạo mương Nhật Bản (phường 2) với số vốn 360 tỷ đồng để giải quyết ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất. Đây sẽ là mương hở, rộng 3-4 m, từ sân bay Tân Sơn Nhất qua nút giao Tân Sơn Nhất - Bình Lợi – Trường Sơn – Hồng Hà hướng ra công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) với chiều dài 745 m. Trong đó, 110 tỷ đồng là chi phí xây dựng, còn bồi thường giải phóng mặt bằng là 250 tỷ.

Theo UBND quận Tân Bình, đơn giá bồi thường giải tỏa tại khu vực này là 100 triệu đồng mỗi m2 cho nhà và đất đủ giấy tờ hợp lệ. Tuy nhiên, thực tế có thể thấp hơn vì đa số các trường hợp xây dựng lấn chiếm trên tuyến kênh cũ. Thậm chí có nhà dân xây ngay trên tuyến kênh ở mặt tiền đường Bạch Đằng. Lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho rằng đầu tư vào Dự án cải tạo mương Nhật Bản sẽ là giải pháp căn cơ giải quyết thoát nước chống ngập của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất – theo VnExpress.

THẾ GIỚI

Ô nhiễm không khí do đường biển khiến 24.000 người chết mỗi năm ở Đông Á


Ô nhiễm không khí do tàu thuyền trên biển thường bị coi nhẹ so với ô nhiễm do xe hơi và nhà máy xả khói trong khi vận chuyển đường biển bằng tàu ở phía đông châu Á đã tăng hơn hai lần kể từ năm 2005. Theo các nhà khoa học, sự bùng nổ trong vận chuyển đang làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, gây ra hàng ngàn ca tử vong mỗi năm trong một khu vực với 8 trong 10 cảng container lớn nhất thế giới – theo Tài nguyên & Môi trường.

Một nghiên cứu của Trung Quốc ước tính rằng lưu huỳnh dioxit, tạo ra mưa axit và chất ô nhiễm khác do tàu gây ra khiến khoảng 24.000 người chết sớm mỗi năm ở phía đông châu Á, chủ yếu là các bệnh về tim, phổi và ung thư. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change dựa trên dữ liệu theo dõi vệ tinh của gần 19.000 con tàu, khoảng ba phần tư số ca tử vong là ở Trung Quốc, và những trường hợp khác chủ yếu ở Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Macau và Nam Triều Tiên. Nghiên cứu chỉ ra rằng, con số tử vong vẫn nhỏ mặc dù ước tính có 1 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí tại Đông Á. Mặc dù chưa chắc chắn nhưng số ca tử vong ít nhất là 14.500 người và cao nhất là 37.500 người.

Thành phố đầu tiên trên thế giới bắt buộc dân lắp pin mặt trời trên nóc nhà

Những tấm pin mặt trời đã trở thành một thứ gì đó quen thuộc với chúng ta, tuy nó có những nhược điểm cố hữu, ví dụ như tỉ lệ hiệu quả năng lượng chưa cao, nhưng nó khiến chúng ta giảm bớt một phần hóa đơn tiền điện nếu xét về mặt lâu dài. Những công ty về công nghệ, ví dụ như Apple, Google, Facebook, v.v... đã tiên phong ứng dụng pin mặt trời trên những tòa trụ sở chính của họ, để khiến công ty trở nên xanh hơn, thân thiện hơn với môi trường - theo GenK.

Nhận thấy được các lợi ích trên, chính quyền thành phố San Francisco trong thời gian tới sẽ yêu cầu bắt buộc người dân phải lắp đặt pin mặt trời trên nóc nhà của mình. Đây là thành phố đầu tiên ở Mỹ và cũng là thành phố duy nhất trên thế giới bắt buộc làm điều này. Theo luật hiện nay, chính quyền bang California yêu cầu những tòa nhà xây mới phải có ít nhất 15% diện tích nóc được phủ pin mặt trời. Nhận thấy điều đó chưa đủ, sắp tới đây người dân tại thành phố này phải phủ gần như toàn bộ nóc nhà bởi pin mặt trời, đây là động thái của chính quyền thành phố với hy vọng họ sẽ biến San Francisco trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới với 100% nhà có sử dụng năng lượng sạch.

New Zealand sẽ giết toàn bộ động vật ăn thịt

New Zealand là nước đầu tiên trên thế giới quyết định tiêu diệt toàn bộ động vật ăn thịt sống hoang dã trên lãnh thổ tới năm 2050. Bằng biện pháp này, quốc gia hy vọng ngăn chặn sự biến mất của chim kiwi và vẹt ở địa phương. Gizmodo cho biết về chương trình mới. 28 triệu đôla đã được phân bổ để tiêu diệt hàng trăm ngàn con chuột, các loài chồn và mèo hoang. Đây là những loài động vật lọt đến (hoặc được đưa đến) New Zealand từ những khu vực khác và hàng năm ăn thịt hàng triệu con chim bản địa.

Công ty liên doanh Predator Free New Zealand Ltd sẽ tìm kiếm kinh phí và tài trợ các dự án cụ thể về tiêu diệt động vật ăn thịt. “Các loài động vật và thực vật độc đáo là yếu tố tâm điểm của bản sắc dân tộc chúng ta. Hàng triệu năm chúng đã tiến hóa trong một thế giới vắng bóng động vật có vú, chính vì vậy mà chúng rất dễ bị các động vật ăn thịt đến đây tấn công”, bà Maggie Barry, Bộ trưởng bảo tồn môi trường New Zealand tuyên bố - theo TTXVN.

Đến em vua cũng bị phạt nếu vứt rác sai

Theo quy định mới của địa phương, người em họ của Quốc vương Tây Ban Nha sẽ bị phạt vì vứt rác xây dựng không đúng ngày quy định trong tuần. Cơ quan luật pháp tại Tây Ban Nha đã khởi tố vụ khiếu kiện hành chính đối với bà Simoneta Gomez Assab, em họ của nhà vua đương kim trị vì. Quý bà này đã ném rác vào thời điểm không được quy định. Đó là thông báo trên trang Twitter của bà Neues Truyol, cố vấn tòa Thị chính Palma de Mallorca chuyên trách về môi trường – theo Báo Tin Tức.

"Hành vi xử sự thiếu giáo dục không phải là đặc quyền của tầng lớp xã hội nào. Chúng tôi bắt gặp quý bà em họ của nhà vua vào đúng lúc bà ấy ném rác xây dựng. Mọi người đều phải tuân thủ các quy tắc đã đặt ra", nữ cố vấn khẳng định. Theo lời nữ cố vấn, bà Gomez Assab bị các nhân viên kiểm soát bảo vệ môi trường thành phố bắt quả tang vi phạm. Bà bị lập biên bản phạt về lỗi "có hành vi vi phạm nghiêm trọng, không tuần thủ quy định duy trì sự sạch sẽ trong thành phố". Tương ứng với những sửa đổi pháp luật của địa phương Tây Ban Nha, từ tháng 1/2015, mỗi khu vực trong thành phố được dành một ngày nhất định trong tuần để thu gom rác thải.

Biến nước tiểu của bạn thành bia

Uống xong vài cốc nước, vài cốc bia giải khát, hẳn bạn sẽ thấy nhu cầu đi vệ sinh xuất hiện. Nhưng sắp tới, việc giải khát của bạn sẽ có thể bước sang một trang mới, khi mà các nhà khoa học đã tạo ra một thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, biến nước tiểu của bạn trở thành nước uống. Đội ngũ các nhà nghiên cứu tại Đại học Ghent, nước Bỉ đã tạo ra được một hệ thống lọc như thế. “Chúng tôi có thể tạo ra phân bón và nước uống từ nước tiểu, chỉ với quy trình đơn giản và sử dụng năng lượng Mặt Trời”, anh Sebastiaan Derese, một trong những người nghiên cứu dự án này phát biểu. Nước tiểu được thu vào trong một bể chứa lớn, rồi được đun nóng bằng năng lượng Mặt Trời trước khi đi qua một màng lọc, tách riêng nước và các chất khác như kali, nitro và phốt pho – theo GenK.

Theo như các nhà khoa học tại Đại học Ghent, dù rằng hệ thống xử lý nước thải đã có rồi, nhưng hệ thống mới này sử dụng năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm điện được hơn nhiều và có thể áp dụng tại những nước đang phát triển hay những khu vực hẻo lánh. Sử dụng khẩu hiệu #peeforscience (hãy vì khoa học mà đi tiểu), đội ngũ nghiên cứu đã triển khai hệ thống lọc này tại một festival âm nhạc kéo dài 10 ngày được tổ chức tại trung tâm Ghent. Kết quả, họ đã thu được 1.000 lít nước sạch được lọc từ nước tiểu của những người tham dự festival. Lượng nước sạch thu về từ hệ thống lọc nước kia lại được xoay vòng tái chế một lần nữa, để chế biến một trong những đặc sản của nước Bỉ: đó là bia.

Theo Minh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem : 2075