Tại cuộc họp báo công bố Báo cáo “Điểm lại” định kỳ 6 tháng của Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam chiều 19/7, trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về đánh giá tác động của sự cố môi trường
cá chết hàng loạt ở miền Trung tới kinh tế Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, cho biết về các sự cố môi trường, giảm thiểu những sự cố về môi trường là điều rất quan trọng.
Các điểm thu hồi rác thải điện tử miễn phí cho người dân
Trong thông báo phát đi ngày 19/7, phía Canon cho biết cùng với TES AMM (thuộc Tập đoàn TES Envirocorp) chính thức khởi động chương trình tái chế đồ dùng điện tử miễn phí cho thị trường Việt Nam. Người dân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể đem các thiết bị đồ điện tử cũ, hỏng tới các điểm thu gom của Canon để
bảo vệ môi trường sống của mình. Tại Hà Nội, người dân có thể đem rác thải điện tử tới Trung tâm bảo hành Lê Bảo Minh, 130A Giảng Võ, Ba Đình và tại Thành phố Hồ Chí Minh là 99 Trần Hưng Đạo, Quận 1.
Cụ thể, các thiết bị điện, điện tử như laptop, điện thoại, đầu CD, TV, LCD, máy ảnh, máy quay phim… thậm chí là mực in, sau khi thu hồi sẽ được chuyển đến trung tâm xử lý
chất thải độc hại để phân loại từng dòng thiết bị, tháo dỡ và tách rời các linh phụ kiện để tái sử dụng cho việc sản xuất ra các thiết bị mới sau này. Những linh phụ kiện không còn sử dụng được sẽ được mang đi phân hủy trong một quy trình khép kín dây chuyền, nhằm đảm bảo không gây bất kỳ tổn hại nào tới môi trường – theo VietnamPlus.
Cắt điện, không cho vay vốn với cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành công văn 1813/UBND-NN.TN, về việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê (TP. Bắc Ninh) và Cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du). Đây là 2 địa điểm sản xuất gây ô nhiễm nhất hiện nay tại Bắc Ninh. Công văn nêu rõ: Hiện nay vẫn còn một số cơ sở sản xuất tại 2 địa phương này sử dụng rác thải công nghiệp để đốt lò hơi và xả thải không qua xử lý ra hệ thống công trình thủy lợi, gây ô nhiễm môi trường. Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Bắc Ninh chỉ đạo toàn bộ hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT xem xét và cân nhắc kỹ việc cho vay với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường.
Công ty Điện lực Bắc Ninh tiến hành ngay việc ký phụ lục hợp đồng đối với các cơ sở đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tại phường Phong Khê, xong trước ngày 15/7/2016 và tất cả các cơ sở sản xuất tại 2 địa bàn trên, xong trước ngày 30/7/2016, trong đó nêu rõ khi vi phạm pháp luật về môi trường, pháp luật về xây dựng thì sẽ ngừng cung cấp điện. Sau ngày 30/7/2016, nếu các cơ sở sản xuất tại 2 địa bàn trên có hiện tượng
xả thải không qua xử lý hoặc sử dụng rác thải công nghiệp để đốt lò hơi mà cơ quan quản lý nhà nước phát hiện, thông báo đến Công ty Điện lực Bắc Ninh thì ngừng ngay việc cung cấp điện.
Thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cơ sở y tế về bảo vệ môi trường
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, TP trong tỉnh tiến hành thanh tra trách nhiệm đối với các cơ sở y tế, người đứng đầu trong hoạt động quản lý chất thải y tế để phát sinh ra môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý chất thải y tế theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách – theo Báo Thanh Tra.
Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo cho tất cả các cơ sở y tế xây dựng hồ sơ môi trường, hồ sơ sử dụng tài nguyên nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu trách nhiệm về quản lý chất thải y tế từ khi phát sinh đến khâu tiêu hủy cuối cùng; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đối với các cơ sở y tế, bố trí nơi lưu giữ
chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định. Công an tỉnh tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình hoạt động của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh…
Phạt hơn 27 tỷ đồng vi phạm tài nguyên, môi trường
Tin từ Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ đã ban hành quyết định xử phạt 145 tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường và tài nguyên nước với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Theo đại diện Thanh tra Bộ Tài nguyên & Môi trường, trong các lĩnh vực phát hiện sai phạm từ đầu năm đến nay, môi trường là lĩnh vực "nóng" nhất với 2 vụ gây ô nhiễm nghiêm trọng là hải sản chết bất thường ở ven biển miền Trung, và vụ cá chết tại sông Bưởi trên địa bàn hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình – theo VietnamPlus.
Qua thanh-kiểm tra, Bộ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu 2 tổ chức hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân nuôi cá lưu vực sông Bưởi, bước đầu 1 công ty đã hỗ trợ kinh phí với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 138 tổ chức (được thanh tra từ cuối năm 2015) với số tiền lên tới gần 22 tỷ đồng.
THẾ GIỚI
Tháng 6/2016 trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử
Hiệu ứng cộng hưởng của hiện tượng
Trái Đất ấm lên và El Nino đã khiến tháng Sáu vừa qua trở thành tháng Sáu nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 14 liên tiếp lập kỷ lục về nền nhiệt độ cao. Báo cáo hàng tháng công bố ngày 19/7 của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) cho biết nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong tháng Sáu vừa qua là 16,4 độ C, cao hơn 0,9 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 và "xô đổ" kỷ lục của tháng 6 năm ngoái (16,2 độ C). Đây là tháng Sáu thứ 40 liên tiếp và là tháng thứ 378 liên tiếp, có nền nhiệt trung bình toàn cầu cao hơn mức nhiệt trong thế kỷ 20.
Cũng theo NOAA, 6 tháng đầu năm nay đã trở thành một trong những giai đoạn có nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất và đại dương nóng nhất trong lịch sử. Năm 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử, đánh bật kỷ lục trước đó của năm 2014. Tuy nhiên, những tháng đầu năm của 2016 đang cho thấy những con số "chưa từng có" khi tất cả 6 tháng đều ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục và cao hơn so với trung bình cùng kỳ 2015. Mặc dù El Nino đang dần giảm cường độ, song giới chuyên gia cảnh báo 2016 sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục để trở thành
năm nóng nhất trong lịch sử - theo VietnamPlus.
Kinh tế toàn cầu có thể “bốc hơi” 2.000 tỷ USD vì Trái Đất ấm lên
Theo một nghiên cứu mới công bố ngày 19/7 của Liên hợp quốc, nhiệt độ ngày càng tăng lên do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030 vì năng suất giảm tại những nơi nóng bức. Nghiên cứu trên cho thấy riêng tại khu vực Đông Nam Á, thời gian làm việc hàng năm của các lao động trong điều kiện nhiệt độ cực cao có thể đã giảm 20%, và con số này sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2050 do ảnh hưởng gia tăng của biến đổi khí hậu – theo VietnamPlus.
Nhà nghiên cứu Tord Kjellstrom cho hay có khoảng 43 quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm do năng suất lao động giảm. Phần lớn các nước này là ở châu Á như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. GDP của Indonesia và Thái Lan có thể giảm khoảng 6% vào năm 2030, trong khi GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 0,8% và tại Ấn Độ sụt giảm khoảng 3,2%. Một báo cáo khác cho thấy khoảng 2,1 triệu người trên toàn thế giới đã chết trong thời gian từ năm 1980 đến năm 2012 bởi gần 21.000
thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, lở đất, nhiệt độ nóng cực đoan, hạn hán, bão gió hoặc hỏa hoạn. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 1,2 tỷ người đã bị tác động bởi 1.215 thảm họa, chủ yếu là lũ lụt, lốc xoáy và sạt lở đất kể từ năm 2000.
Thiệt hại do thiên tai trên thế giới tăng trong nửa đầu năm 2016
Munich Re, công ty tái bảo hiểm hàng đầu của Đức cho biết những thiệt hại về tài chính do thiên tai trên toàn cầu gây ra trong nửa đầu năm 2016 tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, các trận động đất mạnh ở Nhật Bản và Ecuador, các cơn bão tại châu Âu và Mỹ, và vụ cháy rừng lớn ở Canada, đã gây thiệt hại lớn về tài chính trong nửa đầu năm nay. Ước tính tổng mức thiệt hại tính đến cuối tháng 6/2016 là 70 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 59 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước. Munich Re cho biết thêm rằng số tài sản đã được bảo hiểm bị thiệt hại bởi thiên tai trong các tháng 1-6/2016 vào khoảng 27 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 19 tỷ USD của cùng kỳ năm trước – theo Báo Đầu Tư.
Theo Munich Re, trong nửa đầu năm nay, thiệt hại nặng nhất về tài chính do thiên tai gây ra là tại Nhật Bản với mức tổn thất khoảng 25 tỷ USD, do hai trận động đất mạnh xảy ra ở đảo Kyushu trong tháng Tư. Trong số tiền đó, các tài sản được bảo hiểm chiếm khoảng 6 tỷ USD. Không chỉ gây tổn thất về của cải vật chất, các thảm họa thiên tai trong nửa đầu năm 2016 còn lấy đi cuộc sống của hơn 3.100 sinh mạng, ít hơn nhiều so với con số tổn thất khoảng 21.000 người trong cùng kỳ năm trước – theo BNEWS.VN.
Mỹ phát hiện nguồn năng lượng đủ cho thế giới dùng trong vài vạn năm
Tạp chí Industrial & Engineering Chemistry Research cho biết các chuyên gia của Bộ năng lượng Mỹ đã phát hiện ra nguồn năng lượng vô tận. Công trình nghiên cứu của họ cho thấy trong nước của đại dương thế giới chứa trên 4 tỷ tấn urani, một lượng đủ để bảo đảm để dân số thế giới sống sung túc trong vài chục nghìn năm. Được biết khoảng 71% diện tích bề mặt Trái Đất (khoảng 361 triệu km²) được các đại dương che phủ và 10 nước sản xuất nhiều urani trên thế giới thời gian gần đây là Kazakhstan, Canada, Australia, Niger, Namibia, Liên bang Nga, Uzbekistan, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ukraine.
Hoa Kỳ sản xuất nhiều năng lượng hạt nhân nhất cung cấp 19% lượng điện tiêu thụ, trong khi đó tỷ lệ điện hạt nhân của Pháp là cao nhất trong sản lượng điện của nước này đạt 78% vào năm 2006. Trong toàn Liên minh châu Âu, năng lượng hạt nhân cung cấp 30% nhu cầu điện. Chính sách năng lượng hạt nhân có sự khác biệt giữa các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, và một vài quốc gia khác như Úc, Estonia, và Ireland, không có các trạm năng lượng hạt nhân hoạt động. Khi so sánh với các quốc gia khác thì Pháp có nhiều nhà máy điện hạt nhân, tổng cộng là 16 tổ hợp đang sử dụng. Ở Hoa Kỳ, doanh thu của ngành điện hạt nhân là 33 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng trung bình giai đoạn 2007-2012 là 2,7%/năm – theo Motthegioi.
Máy lọc không khí cá nhân thông minh Wynd
Nhóm nghiên cứu đến từ Redwood (California, Mỹ) đã nghiên cứu và phát triển thành công thiết bị có khả năng kiểm soát và làm sạch không khí để tạo ra môi trường trong sạch mang tên Wynd. Wynd được thiết kế bởi Mike Nuttall - đồng sáng lập của IDEO và từng thiết kế nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng thành công và dễ sử dụng. Thiết bị được cấu tạo với hai phần chính gồm bộ phận lọc không khí và cảm biến theo dõi chất lượng không khí trong môi trường. Các cảm biến đo mức độ ô nhiễm bụi, từ các nguồn như chất gây dị ứng, khói thuốc lá, vi khuẩn, bào tử nấm mốc... để cảnh báo người dùng khi không khí quá ô nhiễm – theo Sống Mới.
Không chỉ có vậy, hệ thống Wynd còn kiểm soát
chất lượng không khí thông minh bằng cách giám sát môi trường và tự động làm sạch khi cảm thấy cần thiết. Với kích thước chỉ như chai nước, người dùng có thể dễ dàng mang theo Wynd để sử dụng trong văn phòng, khách sạn, xe hơi, tại điểm giao thông công cộng và nhiều hơn thế. Do đó, thay vì chỉ gắn với căn phòng hay khu vực cụ thể, Wynd có thể mang đi và thích nghi với nhiều môi trường khác nhau. Điều này cho phép tối ưu hóa tính năng sử dụng của sản phẩm. Dù nặng chưa đầy nửa kg, nhưng Wynd có thể cung cấp hơn 8 lít không khí sạch mỗi giây. Do vậy, người dùng sẽ không phải "nín thở" chờ đợi Wynd làm sạch không khí. Hơn nữa, với kích thước nhỏ gọn, người dùng dễ dàng mang Wynd theo người, nhất là khi đi chơi xa hay đi du lịch - những địa điểm nơi xa lạ mà chúng ta không biết được không khí ở đó có bị ô nhiễm nặng hay không.