Thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch năm 2016, Cục đã tham mưu công tác tổ chức và triển khai các Đoàn Thanh tra trên địa bàn 32 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, Cục đã tiến hành rà soát và tổng hợp danh sách 1.259 cơ sở có
nguồn thải lớn ra biển và cửa sông ven biển để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra diện rộng về môi trường với mục đích kịp thời ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước đang ngày càng gia tăng – theo Báo Thanh Tra.
“Thiên nhiên kỳ diệu hay thảm họa” ra mắt độc giả
“Thiên nhiên kỳ diệu hay thảm họa” là tên cuốn sách hấp dẫn vừa được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh giới thiệu đến bạn đọc cả nước. Cuốn sách là những câu chuyện về khám phá khoa học, sự kỳ diệu của thiên nhiên và những thảm họa mà con người đã và có thể gây ra cho
môi trường sống của nhiều loài sinh vật và của chính mình. Cuốn sách chuyển tải đến bạn đọc những thông tin bổ ích về thiên nhiên, để chúng ta cùng nhau yêu thương và nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học qua các câu chuyện về vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng), Yok Đôn (Đắk Lắk) hay phân tích về khí hậu và hiện tượng El-nino…
Tác giả của cuốn sách là ông Nguyễn Đức Hiệp, một người có thâm niên làm việc và cộng tác với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường,
biến đổi khí hậu và bảo tồn di sản văn hóa. Theo đó, 17 bài viết đầy ý nghĩa, hấp dẫn của ông được NXB Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tập hợp xuất bản thành cuốn sách “Thiên nhiên kỳ diệu hay thảm họa”. Dự kiến sách được in 2.000 cuốn, phát hành trong tháng 6 này – theo Báo Tin Tức.
Khảo sát DNA mang lại hy vọng bảo tồn loài Rùa nguy cấp
Khảo sát DNA môi trường đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam là những nỗ lực của các nhà nghiên cứu để tiếp tục tìm kiếm, theo dõi và bảo tồn các loài bò sát cực kỳ nguy cấp. Phương pháp này đã thành công trong việc phát hiện loài kỳ nhông hang hiếm tại Montenegro thông qua dự án được tài trợ bởi Qũy đối tác về các
hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) về bảo tồn rùa, các loài lưỡng cư và cá. Phương pháp khảo sát DNA môi trường, còn được gọi là Edna, là một công cụ thú vị để điều tra sự hiện diện của loài trong khu vực quan tâm, đặc biệt là môi trường nước. Sử dụng phân tích DNA của các vi sinh vật lấy từ đất, nước hoặc thậm chí không khí (có thể có thể chứa các chất như phân, chất nhầy, da hay tóc) các nhà nghiên cứu đôi khi có thể xác định một loài cụ thể đã có mặt tại một vị trí quan tâm nào đó.
Theo danh sách đỏ về các loài bị đe dọa tuyệt chủng của IUCN, hiện nay có 2 loài rùa đang sinh sống ở Việt Nam được liệt kê trong 25 loài rùa nguy cấp nhất thế giới, đó là rùa ao Việt (Mauremys annamensis) và rùa hộp Zhou (Cuora zhoui). Có rất ít thông tin về dân số và nơi sinh sống tự nhiên của chúng để có thể hỗ trợ cho các nỗ lực bảo tồn. Rùa hộp Zhou chưa từng được tìm thấy trong tự nhiên và phạm vi phân bố trong thiên nhiên của chúng cũng chưa hề được biết đến. Các cuộc khảo sát nhằm xác định vị trí các loài này cũng không cho bất kỳ dữ liệu đáng tin cậy nào. Gần đây nhất, vào năm 2008, hai mẫu vật của rùa hộp Zhou được tuyên bố tìm thấy tại Cao Bằng. Trước đó, cuộc nghiên cứu ở hai tỉnh Tuyên Quang và Bắc Cạn đã gợi ý rằng loài này có thể tìm thấy ở vùng đất ngập nước bị cô lập trong khu vực – theo Báo Tài Nguyên & môi Trường.
Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam thiệt hại 15.000 tỷ đồng
Biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam khoảng 15.000 tỉ đồng. Từ cuối năm 2014 đến 2016, do tác động của hiện tượng thời tiết
El Nino, 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu hạn hán trên diện rộng, mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến cuộc sống khoảng 2 triệu người dân, thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa.
Biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam khoảng 15.000 tỉ đồng, đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn “Xây dựng kế hoạch phục hồi dựa vào khả năng chống chịu để giảm thiểu tác động của El Nino và La Nina tại Việt Nam” ngày 8/7 tại Hà Nội. Để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, Trung ương và địa phương đã hỗ trợ gần 1.400 tỉ đồng, các đối tác và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ khẩn cấp 16,162 triệu USD giúp các tỉnh khắc phục hậu quả của El Nino – theo Báo Tin Tức.
560 triệu USD phát triển đô thị, thích ứng biến đổi khí hậu
Chiều 11/7, tại thành phố Cần Thơ, ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (được sự ủy quyền của Chủ tịch nước) đã ký Hiệp định cho các khoản vay và tín dụng trị giá 560 triệu USD để hỗ trợ 2 dự án gồm: Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị và Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong số 560 triệu USD nói trên, có 250 triệu USD sẽ dành cho Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị nhằm giảm nhẹ rủi ro lũ lụt và cải thiện kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với các khu đô thị mới. Dự án này sẽ mang lại lợi ích cho 420.000 dân sống tại thành phố Cần Thơ và giúp chính quyền quản lý rủi ro thiên tai tốt hơn. Khoảng 310 triệu USD còn lại sẽ giúp xây dựng năng lực chống chịu khí hậu và đảm bảo sinh kế bền vững cho 1,2 triệu dân sinh sống tại 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển và lũ lụt – theo VietnamPlus.
THẾ GIỚI
33% dân số thế giới đối mặt với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2025
Theo viện quản lý nước quốc tế, 33% dân số thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng
khan hiếm nước vào năm 2025. Một trong những nguyên nhân đó chính là rò rỉ nước. 20-30% nước sau khi xử lý bị thất thoát trên đường tới với người tiêu dùng.
Trong khi đó, có nhiều nguy cơ rủi ro về sức khỏe khi có những chất ô nhiễm bị lẫn hoặc nhiễm vào nguồn nước sạch trong đường ống cấp nước trong quá trình sửa chữa hệ thống đường ống nước. Hiện nay Qatar đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nguồn cung cấp nước cho cả đất nước. Hệ thống phân phối nước tại Qutar đang bị rò rỉ thất thoát khoảng 30-35%.
Nguồn nước ô nhiễm, tác nhân ảnh hưởng đến tương lai con trẻ
Theo ước tính của UNICEF, ở Việt Nam có khoảng 17 triệu (52%) trẻ em chưa được sử dụng nước sạch. Đáng báo động hơn, hàng ngày, tại các “làng ung thư”, hàng chục ngàn trẻ em đang phải “sống chung” với nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tương lai trẻ. Dù chiếm 10% dân số thế giới nhưng trẻ em lại chiếm đến 40% các ca bệnh liên quan đến
ô nhiễm nguồn nước như: tiêu chảy, mất nước, bệnh hen suyễn, dị ứng và nhiễm độc chì.
Trong khi đó, 1 nghiên cứu về tác động môi trường đối với sức khỏe trẻ em do WHO và Liên Hiệp Quốc tiến hành năm 2010 đã chỉ ra rằng, tiêu chảy dẫn đầu nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Và có đến 88% các trường hợp tiêu chảy ở trẻ em trên toàn thế giới là do nguồn nước không an toàn. Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 2.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày vì bệnh tiêu chảy và trong đó khoảng 1800 trường hợp tử vong có liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường.
Leonardo DiCaprio tặng gần 350 tỉ để 'cứu' môi trường sống
Đây không phải là lần đầu tiên nam tài tử vừa đoạt giải Oscar tặng tiền để bảo vệ môi trường sống. Nam diễn viên 41 tuổi vừa chi thêm vào quỹ từ thiện Leonardo DiCaprio Foundation của mình 15,6 triệu USD để thực hiện chương trình bảo tồn môi trường nhằm hạn chế nhất có thể vấn đề biến đổi khí hậu.
"Hôm nay chúng tôi sẽ tăng một số tiền đáng kể để các nhà khoa học thực hiện những vấn đề then chốt nhằm giải quyết một số thách thức môi trường cấp bách nhất của thế giới, đó là biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường sống", Leo cho biết. Leonardo DiCaprio luôn là diễn viên đứng đầu trong việc kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường sống. Ngoài việc thành lập quỹ Leonardo DiCaprio Foundation và góp tiền vào mỗi năm, Leo còn thường xuyên làm gương bằng cách đi xe đạp hoặc chạy xe ô-tô bằng năng lượng mặt trời nhằm giảm bớt khí thải ra môi trường.
Đức sẽ thu gom rác nhựa trên biển
Một mạng lưới gồm khoảng mười doanh nghiệp Đức đang xây dựng hệ thống thu gom, tái chế nhằm dọn rác nhựa trên biển trên phạm vi toàn thế giới và dự kiến chính thức đưa hệ thống này vào hoạt động từ năm 2018. Trong dự án này, nhiều con tàu cũ được cải tạo lại và có trang bị lưới vớt nhựa sẽ chạy vào những vùng biển chứa nhiều rác nhựa nhất để thu gom chúng. Sau đó lượng rác thải này sẽ được tái chế hoặc tạo ra năng lượng trên một con tầu chuyên dụng – theo Tia Sáng.
Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, của tia cực tím rác, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Do đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng rác thải này và phải mất rất nhiều phí tổn để khắc phục. Có 192 quốc gia bị ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, trong đó một số nước châu Á như Trung quốc, Indonesia, Philippines và Việt nam nặng nề nhất.
Tái chế ghế ngồi máy bay, tạo ra loại túi bền nhất thế giới
Khi bạn nghĩ về những gì mà các chiếc ghế trên máy bay phải “chịu đựng”, quả là một “phép màu” khi chúng có thể nguyên vẹn không hư hỏng sau một tuần phải cho đủ loại người ngồi lên. Loại vải được dùng để bọc ghế phải có sức bền rất cao mới có thể chịu được như vậy. Thế nên, việc có một start-up sử dụng chất liệu tái chế từ chính những chiếc ghế này để sản xuất phụ kiện thời trang độ bền cao để bạn sử dụng hằng ngày cũng không phải điều quá bất ngờ - theo GenK.
Đây không phải là start-up đầu tiên sử dụng linh kiện từ máy bay, trước đây đã từng có một công ty sử dụng động cơ của Boeing 737 để làm ghế ngồi. Giờ đây, cũng chính công ty có tên Fallen Furniture đó đã tạo ra dòng túi thời trang Plane bằng vải tái chế từ ghế máy bay. Tất nhiên là nó sẽ có thiết kế đẹp và phong cách hơn nhiều những chiếc ghế hạng phổ thông chật chội mà bạn thường ngồi. Các sản phẩm thời trang thương hiệu Plane đã có thể đặt hàng từ hôm nay thông qua trang gây vốn Kickstater để có được số tiền 25.000 USD. Các sản phẩm bao gồm túi xách, balo, túi đựng điện thoại, giỏ xách,… được làm từ vải ghế máy bay tái chế. Bên cạnh đó, nó còn được điểm xuyến thêm các chất liệu sang trọng như da Ý và đồng thau. Mức giá sẽ khác nhau tùy sản phẩm, từ chiếc túi đựng iPhone có giá 38 USD đến túi xách thể thao có giá 322 USD.