Cùng với đó, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không bảo đảm môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố môi trường. Đồng thời, Bộ TN&MT phải “chỉ đạo rà soát trên phạm vi cả nước các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm
môi trường để có giải pháp kịp thời” - nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 6/2016 yêu cầu.
Dịch châu chấu tràn từ Lào sang Việt Nam
Đàn
châu chấu tràn từ bên Lào sang Sơn La từ cuối năm 2015. Người dân đã dùng lưới căng, vợt, bản đêm dùng đuốc để soi bắt châu chấu. Có ngày người dân bắt được cả bao tải, nhưng vẫn không làm giảm được số lượng đàn châu chấu. Ông Nguyễn Ngọc Tú, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sốp Cộp, cho biết trước đó, dịch châu chấu chỉ xuất hiện tại địa bàn 2 bản Nà Vạc, Pá Kạch khu vực mốc biên giới 187 (Việt Nam-Lào). Dịch châu chấu đã lan rộng ra nhiều nương lúa, nương ngô của người dân huyện Sốp Cộp (Sơn La). Châu chấu đã ăn trụi cả lá cây rừng với diện tích khoảng 9.000ha; trong đó, có 800ha cây lương thực – theo VietnamPlus.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Sốp Cộp đã cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, vật tư và tăng cường lực lượng kỹ thuật, khuyến nông đến vùng dịch, hướng dẫn người dân phun thuốc ngăn chặn dịch châu chấu. Tuy nhiên, đến thời điểm này dịch châu chấu vẫn đang hoành hành tại xã Mường Lan và có thể sẽ di cư, chuyển đàn sang các vùng khác thuộc địa phận các xã biên giới Nặm Lạnh, Mường Và, Mường Cai để tìm thức ăn. Hơn nữa do địa bàn rừng núi, vùng biên giới, nên việc diệt trừ châu chấu phá hoại mùa màng, bảo vệ
cây rừng là rất khó khăn.
Quảng Bình thiệt hại 4.000 tỷ đồng sau sự cố môi trường biển
Sáng 4/7, tỉnh Quảng Bình tổ chức họp đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển do công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ở 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa rồi. Ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh thủy sản và nghề muối tính đến tháng 6/2016 thiệt hại trên 1.255 tỷ đồng, dự kiến hết năm 2016 là 2.300 tỷ đồng. Tương tự, ngành du lịch ước thiệt hại 1.400 tỷ đồng sau 3 tháng bị ảnh hưởng, và đến hết năm thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng. Ước tổng thiệt hại năm 2016 của toàn tỉnh Quảng Bình là 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, với bờ biển dài 116 km và vùng đặc quyền kinh tế biển hơn 20.000 km2, tỉnh đánh giá
thiệt hại về môi trường biển và nguồn lợi thủy sản hết sức lớn. Nhà chức trách Quảng Bình đánh giá môi trường sống của nhiều loại thủy hải sản bị phá hủy, có một số loại gần như tuyệt chủng và sản lượng khai thác thủy sản giảm 40-60% - theo VnExpress.
Thu gần 500 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng
Tính đến ngày 23/6/2016, cả nước đã thu được gần 496 tỷ đồng từ
dịch vụ môi trường rừng, đạt 37,6% kế hoạch. Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Quỹ Trung ương thu được hơn 321 tỷ đồng (33,8% kế hoạch), Quỹ tỉnh thu được hơn 174 tỷ đồng (47,3% kế hoạch). Theo đó, Quỹ Trung ương đã giải ngân cho các Quỹ tỉnh hơn 376 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm. Các Quỹ tỉnh đã giải ngân cho chủ rừng hơn 55 tỷ đồng – theo Bnews.
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích rừng được xác định hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng là trên 5,2 triệu ha; trong đó, có 199 Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, quản lý hơn 2,5 triệu ha rừng; 84 Công ty Lâm nghiệp quản lý hơn 753.000 ha rừng; 486 UBND cấp xã quản lý 409.711 ha rừng; 164 chủ rừng khác là các đơn vị công an, bộ đội, doanh nghiệp và trung tâm quản lý 420.466 ha rừng; 93.383 chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng quản lý hơn 1,1 triệu ha rừng. Năm 2015, các tỉnh đã giải ngân lũy kế tiền dịch vụ môi trường rừng là 1.270 tỷ đồng cho chủ rừng, đạt 100% kế hoạch. Các tỉnh giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng đạt tỷ lệ cao như Lâm Đồng, Đắc Lắk, Nghệ An, Quảng Nam, Yên Bái, Lai Châu.
Thành lập Tổ công tác thực thi các cam kết về tài nguyên và môi trường của TPP và EVFTA
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 1520/QĐ-BTNMT ngày 01/7/2016 thành lập Tổ công tác và giao đơn vị đầu mối thực thi các cam kết về tài nguyên và môi trường của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam (EVFTA). Thành viên Tổ công tác gồm đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ, bao gồm: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Bộ; Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Cục Viễn thám; và Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT.
Tổ công tác có nhiệm vụ: (i) Rà soát các cam kết TN&MT trong TPP, EVFTA; đánh giá tính tương thích và tác động của TPP, EVFTA đối với hệ thống pháp luật TN&MT và lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung và lộ trình sửa đổi, bổ sung; (ii) Xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm thực thi và kế hoạch tuân thủ các cam kết về TN&MT của TPP và EVFTA; (iii) Thiết lập quy trình và tổ chức tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, chất vấn của các nhà đầu tư và các nước trong TPP, EVFTA về các vấn đề pháp lý có liên quan; thiết lập cơ chế tuân thủ và minh bạch thông tin về pháp luật và tuân thủ pháp luật theo quy định của TPP, EVFTA; (iv) Tham gia giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ TPP, EVFTA, bao gồm: tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước (SSDS) và tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà nước (ISDS); (v) Tham gia giải quyết các vấn đề khác phát sinh trong quá trình thực thi TPP và EVFTA.
THẾ GIỚI
Muội than cướp đi 23.000 sinh mạng mỗi năm ở EU
Tình trạng ô nhiễm muội than do hoạt động của các nhà máy nhiệt điện tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã gây ra các bệnh lý về phổi, cướp đi sinh mạng của 23.000 người dân ở khu vực này mỗi năm và gây thiệt hại hàng chục tỷ USD chi phí chăm sóc y tế. Đây là nội dung báo cáo do các nhà khoa học thuộc 4 tổ chức môi trường và thiên nhiên quốc tế công bố ngày 5/7 – theo TTXVN.
Theo báo cáo trên, toàn khu vực EU hiện có 280 nhà máy nhiệt điện đốt bằng than. Tuy nhiên, dữ liệu sẵn có của 257 nhà máy cho thấy trong năm 2013, lượng khí thải từ các nhà máy này có liên quan đến 22.900 trường hợp chết sớm. Khoảng 83% số ca tử vong này (19.000 người) được cho là do hít phải các hạt siêu nhỏ mịn bay trong không khí và trong quá trình hô hấp các hạt này dễ dàng thâm nhập vào phổi và mạch máu. Báo cáo nêu đích danh các nước là thủ phạm chính gây ra tình trạng trên gồm Ba Lan, Đức, Romania, Bulgaria và Anh. Bản thân các nước này cùng một số nước láng giềng như Đức, Italy, Pháp, Hy Lạp đã phải gánh chung hậu quả.
Không khí Trung Quốc làm con người giảm thọ 25 tháng
Theo một báo cáo công bố hôm 27/6 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ô nhiễm đang là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 cho con người, sau bệnh tim, chế độ ăn và hút thuốc. Số người chết trên toàn cầu do liên quan tới ô nhiễm ước tính ở mức 6,5 triệu, trong đó Trung Quốc chiếm một phần đáng kể, theo SCMP. Việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí khiến một triệu người Trung Quốc chết sớm mỗi năm – theo VnExpress.
Việc sử dụng than đá và các vật liệu hữu cơ khác trong các nhà máy công nghiệp và làm chất đốt tại nhà là những nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất Trung Quốc. Gần 97% người dân nước này thường xuyên tiếp xúc với bụi PM2.5 độc hại trong không khí, khiến tuổi thọ của họ có thể bị rút ngắn tới 25 tháng. Tính riêng chất đốt tại nhà đã khiến 1,2 triệu người tử vong, báo cáo của IEA cho biết. Năm ngoái, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã lần đầu tiên nâng tình trạng ô nhiễm không khí lên mức "báo động đỏ".
Pháp cấm lưu hành xe cũ đăng ký trước năm 1997 để bảo vệ môi trường
Nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí, từ ngày 1/7, thủ đô Paris của Pháp đã bắt đầu cấm các xe sản xuất trước năm 1997 lưu thông ở trung tâm thành phố. Theo quy định mới này, các xe ô tô đăng ký trước năm 1997 và xe máy trước năm 1999 sẽ phải đối mặt với một số hình phạt nếu xuất hiện trên đường phố từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối các ngày trong tuần – theo VOV.
Lệnh cấm bao gồm cả những xe được đăng ký trước năm 2010. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, quy định về hạn chế xe cũ sẽ ngày càng nghiêm ngặt. Ước tính, quy định này ảnh hưởng đến khoảng 10% số xe đang hoạt động trong thành phố, tương đương 30.000 phương tiện. Đây cũng là một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm hạn chế sử dụng ô tô tại đây. Động thái có thể sẽ tác động lớn nhất đến những người dân có thu nhập thấp bởi nhiều người trong số họ sử dụng những chiếc xe đời cũ giá rẻ.
Năng lượng mặt trời giúp Úc tiết kiệm 1 tỷ đôla mỗi năm
Theo báo cáo mới của tổ chức cộng đồng Solar Citizens, tính đến đầu năm nay, Úc đã lắp đặt 23,2 triệu tấm pin quang điện mặt trời, tương đương với tỷ lệ một pin/người. Úc có quyền tự hào về hơn 23,2 triệu tấm pin quang điện mặt trời bởi chúng có thể giúp người dân tiết kiệm được 1 tỷ đôla tiền điện mỗi năm. Từ đầu năm 2016 đến nay, hệ thống pin quang điện mặt trời đã sản xuất ra 6,5 TWh điện và cắt giảm 6,3 triệu tấn khí thải nhà kính.
Solar Citizens còn tính toán các khoản tiền mà chủ sở hữu pin năng lượng mặt trời tiết kiệm được từ hóa đơn tiền điện của họ, phân tích giá bán lẻ điện bình quân trên khắp cả nước trong hơn 8 năm tài chính qua. Kết quả là, những hộ gia đình sở hữu pin năng lượng mặt trời đã cắt giảm được 4,4 tỷ đôla hóa đơn tiền điện từ năm tài chính 2007 - 2009 và tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đôla mỗi năm trong vòng 3 năm qua. Xét phần đầu tư, bản báo cáo cho thấy 1,5 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ của Úc đã đầu tư hơn 8 tỷ đôla vào việc lắp đặt pin quang điện mặt trời trên mái nhà.
Juno sẽ tan tành trên sao Mộc nhằm bảo vệ sự sống ngoài hành tinh
Sau hành trình kéo dài 5 năm, tàu vũ trụ Juno của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiến vào quỹ đạo sao Mộc, hoàn thành sứ mệnh trị giá 1,1 tỷ USD. NASA sẽ phá hủy tàu Juno trị giá 1.1 tỉ USD trên sao Mộc để không gây ô nhiễm cho sự sống ngoài hành tinh. Tàu Juno sẽ bay quanh sao Mộc 37 vòng trong 20 tháng tới, cách những đám mây cao nhất trên khí quyển sao Mộc 5.000km. Do được cho là hành tinh đầu tiên hình thành trong hệ Mặt trời, sao Mộc còn là đầu mối trong việc tìm hiểu hệ Mặt trời phát triển như thế nào.
Tuy nhiên, khi hoàn thành nhiệm vụ vào tháng 2/2018, Juno sẽ không được về Trái đất và nằm trong viện bảo tàng như nhiều con tàu khác. Juno có số phận khắc nghiệt hơn nhiều. Nó sẽ được cho rơi tự do vào bầu khí quyển của sao Mộc và bốc cháy hoàn toàn. Các nhà khoa học không muốn tốn thêm 1 tỉ USD cho tàu vũ trụ kế tiếp tiếp cận không gian chỉ để tìm ra một số dấu hiệu về sự sống - mà thực ra là do chính con người tạo ra vì đã làm ô nhiễm trên ấy. Cái “chết” của Juno cũng là một giải pháp cho vấn đề giải quyết rác trên không gian của chúng ta.