Hiện tượng
cá chết hàng loạt xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.
Thi thiết kế poster cổ động bảo vệ môi trường
Cuộc thi “Thiết kế poster cổ động bảo vệ môi trường” diễn ra đến hết ngày 31/7, dành cho cá nhân, công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam do Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai tổ chức nhằm kêu gọi cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nội dung các poster tập trung vào 5 chủ đề: tầm quan trọng và giá trị của thiên nhiên đối với con người; các giá trị đa dạng của môi trường (đất, nước, không khí); kêu gọi cộng đồng chung tay hành động cùng bảo vệ môi trường và ứng phó với
biến đổi khí hậu. Việc lên án, phản ánh những hành vi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái, đe dọa sức khỏe cộng đồng cũng được khuyến khích thể hiện qua poster.
Các tác phẩm được xem là hợp lệ khi chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, không được sao chép tác phẩm của cá nhân hoặc của các tổ chức khác. Tác giả có tác phẩm dự thi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền của tác phẩm dự thi. Tác phẩm dự thi gửi về Sở Tài nguyên & Môi trường (Trung tâm Truyền thông & Tư vấn
môi trường; số 10-11, đường Đồng Khởi, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Cuối cuộc thi, Ban tổ chức sẽ trao một giải nhất, một giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích cho các tác phẩm ấn tượng nhất, trị giá từ 1-5 triệu đồng.
Huế được vinh danh là "Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2016"
Ngày 28/6, tại Huế, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã trao danh hiệu "Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2016" cho TP Huế. Để đạt danh hiệu này, TP Huế đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của chương trình để lọt vào danh sách các "Thành phố Xanh" trên thế giới, với cam kết đến năm 2020 giảm 20% mức
phát thải khí nhà kính so với mức phát thải năm 2011.
Kèm theo đó là 7 kế hoạch hành động như chú trọng xanh hóa đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng
năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường – theo Hà Nội Mới.
90 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu
27/06/2016 10:29:26 AM Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ hỗ trợ 90 triệu USD giúp Việt Nam cải cách chính sách nhằm hỗ trợ nghị trình biến đổi khí hậu và
tăng trưởng xanh, cũng phù hợp với kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu của Nhóm WB. Loạt tín dụng này sẽ được chi cho công tác thực hiện các chính sách tăng cường quy hoạch, quản lý tổng hợp ven biể; các khoản đầu tư công có lợi cho lĩnh vực biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bảo vệ tài nguyên nước, cũng như tăng cường tiết kiệm sử dụng nước và trồng rừng ven biển. Khoản tín dụng cũng được dùng hỗ trợ các chính sách phát triển giao thông, sản xuất công nghiệp, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Achim Fock, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam nói: “Tăng cường thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng khả năng chịu đựng là quan trọng đối với Việt Nam cũng như sự phát triển bền vững của nước này. Hỗ trợ chương trình nghị sự này của Việt Nam cũng nằm trong nỗ lực toàn cầu của WB về ứng phó với biến đổi khí hậu và đây là mục tiêu ưu tiên của chúng tôi”. Nguồn tín dụng do Hiệp hội Phát triển quốc tế cấp. Đây là nhánh cho vay ưu đãi phục vụ các nước nghèo nhất trên thế giới của WB - theo Tin Nhanh Chứng Khoán.
Khởi công Dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TP.HCM
Sáng 26/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng và lãnh đạo các bộ, ngành đã dự lễ khởi công xây dựng dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét điểm yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Tại lễ khởi công xây dựng dự án, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM và các bên liên quan phải theo sát kiểm tra tiến độ dự án 10.000 tỷ này. Dự án do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), tiến độ thực hiện dự án là 36 tháng (từ năm 2016 – 2018) – theo Báo Đầu Tư.
Dự án với 6 cống kiểm soát triều bao gồm Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định. Quy mô mỗi cống rộng từ 40-160m2, xây một trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 18m3/s, 1 trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 24m3/s, một trạm bơm cống Phú Định công suất 18m3/s. Dự án xây dựng đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh khoảng 7,8km đê/kè ở các đoạn xung yếu, các cống nhỏ có khẩu độ từ 1,0m-10,0m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối. Xây dựng nhà quản lý trung tâm cho toàn dự án và hệ thống Scada. Địa điểm xây dựng các công trình thuộc các địa bàn quận 1,4,7,8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
THẾ GIỚI
Singapore bị ô nhiễm ánh sáng nặng nề nhất
Chúng ta thường biết đến những loại như ô nhiễm không khí, nước, hay tiếng ồn, tuy nhiên, có một loại ô nhiễm mà ít người để ý đến, dù cho nó đang ngày càng tăng mạnh, đó chính là
ô nhiễm ánh sáng. Singapore, một trong những nơi được cho là sạch nhất thế giới, cũng là một trong những nơi bị ô nhiễm ánh sáng nặng nề nhất. Mức độ ô nhiễm ở đảo quốc sư tử này nặng đến mức mà mắt của những người sinh sống tại đây không bao giờ có thể thích ứng với bóng tối khi nhìn lên bầu trời đêm được.
Ô nhiễm ánh sáng cũng là một vấn đề rất quan trọng. Ngoài việc cản trở nghiên cứu thiên văn, nó còn ảnh hưởng đến nhịp điệu sinh học, thay đổi hành vi của các loài chim, bò sát và thậm chí là cả con người. Một tuyên bố gần đâu của Hiệp hội Y khoa Mỹ đã cảnh báo về sự nguy hiểm của ánh sáng đèn LED, thứ đang được sử dụng ngày càng nhiều để thay thế đèn đường cũ, do nó có khả năng tiết kiệm điện cao. Lượng
ánh sáng xanh tỏa ra từ đèn LED gây ảnh hưởng đến con người nhiều hơn là ánh sáng vàng từ những bóng đèn truyền thống.
Hình dung Trái Đất trong 500 năm tới
Trong tương lai gần, hàng nghìn loài động, thực vật sẽ bị xóa sổ khỏi Trái Đất trong khi dân số thế giới vượt qua ngưỡng 11 tỷ người, tạo sức ép lớn về lương thực, nguồn nước và năng lượng. Theo Tech Insider, đến năm 2100, nhiệt độ toàn cầu dự đoán ấm hơn 2,2 độ C so mức trung bình hiện nay. Một số vùng thuộc châu Phi, Nam Mỹ và Ấn Độ có nhiệt độ trung bình trên 43 độ C trong suốt mùa hè. Nhiệt độ cao khiến các sông băng trên dãy núi Alps ở châu Âu biến mất hoàn toàn. Sông băng trên dãy Himalaya thu nhỏ bằng 1/3 diên tích hiện nay. Đại dương trở nên nóng hơn và có nồng độ axit cao hơn, phá hủy hầu hết các rặng san hô lớn. Dân số thế giới sẽ vượt qua 11 tỷ người vào năm 2100 – theo VnExpress.
Sức ép về lương thực, nguồn nước và năng lượng ngày càng gia tăng. Nam Mỹ và châu Phi có thể mất 1/5 diện tích đất phù hợp cho canh tác nông nghiệp. Trong giai đoạn từ năm 2200 - 2300, các lớp băng trên đảo Greenland sụp đổ và tan chảy, khiến mực nước biển tăng thêm 6 mét. Trong thế kỷ 23, con người chứng kiến cao điểm của sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ 6. Hàng nghìn loài động vật, thực vật bị xóa sổ khỏi Trái Đất. Khoảng 500 năm tính từ bây giờ, các lớp băng ở phía tây của Nam Cực dần biến mất. Mực nước biển dâng cao thêm 9 mét, nhấn chìm toàn bộ các đảo và vùng ven biển, khiến hàng trăm triệu người phải di dời đi nơi khác. Nếu có thể hạn chế được nóng lên toàn cầu ở khoảng 1,5 độ C, con người có thể tránh được những hậu quả khủng khiếp nhất.
Các nước Bắc Mỹ đạt thỏa thuận tham vọng về năng lượng và môi trường
Rạng sáng 30/6 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ đã kết thúc với việc các nhà lãnh đạo đạt được nhất trí về việc hợp nhất các chính sách năng lượng và môi trường; đồng thời chính thức công bố Kế hoạch hành động đối tác khí hậu, năng lượng sạch và môi trường Bắc Mỹ - Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết.
Kế hoạch ghi rõ ba nước cần thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và an toàn, giảm thiểu các chất gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, bảo vệ khoa học tiến bộ và khoa học tự nhiên, và giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí đến năm 2025 năng lượng sạch sẽ chiếm 50% tổng năng lượng tiêu thụ ở Bắc Mỹ, tăng mạnh so với cam kết 37% đưa ra trước đó. Hiện tại, khu vực Bắc Mỹ có gần 530 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 20.600 tỷ USD, chiếm hơn 1/4 GDP toàn cầu. Trong năm 2015, thương mại nội khối đạt trên 1.000 tỷ USD.
Kiểm soát nước ô nhiễm bằng Internet of Things
Hãng Ericsson vừa công bố những nỗ lực triển khai Internet of Things (IoT), trong đó có giải pháp kiểm soát nước ô nhiễm Connected Water nhằm đưa các cảnh báo sớm khi phát hiện nguồn nước ô nhiễm. Hồi tháng Một năm nay tại triển lãm CES (Mỹ), Ericsson đã lần đầu tiên giới thiệu giải pháp Connected Water cho phép giám sát chất lượng nước dựa trên kết nối 4G/LTE. Ericsson và nhà mạng AT&T cùng hợp tác triển khai giải pháp này, giúp tổ chức bảo vệ dòng sông Chattahoochee ở Atlanta kiểm soát nước sông và cảnh báo kịp thời về sự ô nhiễm.
Theo Ericsson, dự án sử dụng một thiết kế dựa trên ý tưởng đoạt giải của một cuộc thi sáng tạo công nghệ do Ericsson tài trợ cho các sinh viên đại học. Connected Water đặt những cảm biến giá thành rất thấp vào dòng nước thuộc các hệ thống sông hồ. Những cảm biến này có vai trò đo và ghi nhận thời gian thực các thông số quan trọng về chất lượng nước như độ sạch, lượng kim loại nặng và liên tục chuyển những thông số này qua đám mây và mạng di động thông qua công nghệ LTE Low Power Wide Area (LSWA). Connected Water là một ví dụ của xu hướng Internet of Things, nơi mọi thứ đều có thể mang lại lợi ích lớn khi được kết nối, một xu hướng mà Ericsson dự báo trong báo cáo Ericsson Mobility Report, rằng sẽ có 28 tỉ thiết bị được kết nối vào năm 2021.
Tạo ra gỗ trong suốt có độ bền cao hơn thủy tinh, thân thiện với môi trường
Bằng cách tách hết màu sắc và nhiều hợp chất hóa học ra khỏi một khối gỗ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland đã tạo nên một loại vật liệu trong suốt như thủy tinh nhưng có độ bền cao hơn, đồng thời lại thân thiện với môi trường hơn so với nhựa. Nếu họ tìm được cách đơn giản hóa quá trình thực hiện và giảm chi phí sản xuất thì không lâu nữa, cửa sổ hoặc kính ở các tòa nhà của bạn sẽ có nguồn gốc từ gỗ, khó vỡ hơn và cũng dễ tái chế hơn. Các nhà khoa học tại Maryland vẫn sử dụng một quy trình 2 giai đoạn nhưng không xài polymer nữa. Đầu tiên, họ nấu sôi gỗ trong nước, sau đó ngâm nó vào NaOH và một vài hóa chất khác trong vòng 2 giờ. Quá trình này sẽ loại bỏ lignin, các phân tử vốn tạo nên màu sắc của gỗ. Tiếp theo, họ dùng keo apoxy đổ vào để giúp khối gỗ cứng hơn từ 4 đến 5 lần và cái mà họ đánh đổi ở đây chính là chấp nhận giảm tính thân thiện với môi trường xuống một chút – theo Tinhte.
Dù vậy, một lợi điểm của quy trình này chính là giữ lại cấu trúc và các hệ thống mạch khi khối gỗ hình thành tự nhiên trên cây. Các mạch dẫn siêu nhỏ này có khả năng dẫn ánh sáng tương tự như cách nó dẫn chất dinh dưỡng đi khắp các bộ phận của cây. Một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: "Đối với loại vật liệu truyền thống thì ánh sáng sẽ bị tán xạ. Nếu bạn cho gỗ khả năng dẫn ánh sáng và dùng thay cho kính thì nhà bạn sẽ có nhiều ánh sáng hơn." Vậy liệu trong tương lai tất cả cửa kính trong nhà của chúng ta sẽ được làm ra từ kính? Những ngôi nhà gỗ sẽ trong suốt luôn? Tương lai đó vẫn còn quá sớm để mơ tới bởi lẽ hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn đang mắc phải một vấn đề chính là kích thước. Hiện tại mảnh gỗ trong suốt có kích thước có khoảng 12 x 12 x 1 cm, đủ để chúng ta có thể nhìn xuyên qua. Tuy nhiên để áp dụng trong thực tế thì nhóm phải tạo nên những mảnh gỗ lớn hơn, dày hơn nhằm áp dụng đa dạng hơn trong thực tế.