Vietnamese English
Điểm tin môi trường trong tuần

6/18/2016 9:06:00 AM

Quyết định về quản lý hóa chất nguy hại tại Việt Nam; Công nhận 276 sáng kiến về quản lý môi trường; 19 DN được hỗ trợ khởi nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu; 310 triệu USD chống chọi với biến đổi khí hậu; Rút sạc khỏi ổ điện khi không dùng góp phần bảo vệ môi trường; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tuần.

VIỆT NAM

Quyết định về quản lý hóa chất nguy hại tại Việt Nam


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà vừa ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo dự án “Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam” nhằm giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người. Dự án “Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại tại Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tài trợ từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu. Theo dự kiến, Dự án được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2015 đến 2018) với mục tiêu giảm phát thải và phơi nhiễm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, thủy ngân và hóa chất nguy hại bằng cách xây dựng một khung pháp lý và thể chế tổng thể.


Tham dự Ban chỉ đạo còn có đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam; đại diện các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Y tế, Công Thương, cùng đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Dương và tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở được giao, Ban chỉ đạo Dự án sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, giám sát việc thực hiện Dự án bảo đảm mục tiêu, tiến độ, chất lượng và nguồn lực đúng quy định – theo VietnamPlus.

Công nhận 276 sáng kiến về quản lý môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường  Trần Hồng Hà vừa ký quyết định công nhận 276 sáng kiến về những giải pháp quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành TN&MT (Tài nguyên & Môi trường) trong năm 2015. Trong số các sáng kiến được Bộ TN&MT công nhận lần này có 34 sáng kiến cấp toàn quốc cho 14 cá nhân và 242 sáng kiến cấp Bộ cho 215 cá nhân – theo Chinhphu. Các sáng kiến cấp toàn quốc nổi bật trong năm 2015 có thể kể đến như: Sáng kiến xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; sáng kiến trong chỉ đạo thành công chuẩn bị Báo cáo và tham dự Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) được tổ chức tại Paris...

Bên cạnh đó, năm 2015 cũng ghi nhận nhiều sáng kiến quan trọng trong việc chỉ đạo, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý trong quản lý của ngành TN&MT như: Sáng kiến trong chỉ đạo xây dựng, trình ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Khí tượng thuỷ văn; các sáng kiến trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thiện các công cụ quản lý tổng hợp tài nguyên biển, hải đảo…

19 DN được hỗ trợ khởi nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 14/6, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) đã tổ chức lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” cho 19 doanh nghiệp tại Hà Nội. Trong 19 doanh nghiệp này, có đơn vị làm “Dây chuyền máy đúc gạch không nung tự động,” “Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng dẫn dụ cá sử dụng đèn LED” hoặc có những công nghệ hiện đại như “Lưới điện mặt rời mini,” “Trạm thời tiết khí hậu tự động công nghệ iMetos và phần mềm kết nối thông tin, dự báo và cảnh báo tự động thời tiết, sâu bệnh”… Theo đại diện ban tổ chức, tùy từng quy mô, mỗi dự án sẽ được hỗ trợ khoản tiền tương ứng và cao nhất là 75.000 USD để phát triển sản phẩm.

VietnamPlus cho biết trải qua quá trình lựa chọn, đánh giá đối với hơn 300 ý tưởng dự án đăng ký tham gia, Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với các chuyên gia độc lập của WorldBank đã lựa chọn ra 19 doanh nghiệp có ý tưởng xuất sắc, chứng minh được tác động tích cực của công nghệ đối với tăng trưởng xanh và xây dựng nền kinh tế cacbon thấp ở Việt Nam để nhận được tài trợ trong đợt này. Mục tiêu của VCIC trong 3 năm đầu hoạt động sẽ hỗ trợ 48 doanh nghiệp địa phương tiếp cận với đổi mới sáng tạo và công nghệ sạch, giúp cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới 1.700 hộ gia đình.

310 triệu USD chống chọi với biến đổi khí hậu

Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức phê duyệt khoản tín dụng 310 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao sức chống chọi với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm sinh kế bền vững cho 1,2 triệu người dân tại 9 tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập mặn, xói lở bờ biển và lũ lụt. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 4 tỉ USD, chiếm hơn 1/5 tổng giá trị xuất khẩu gạo toàn cầu. Riêng vùng ĐBSCL đóng góp tới một nửa sản lượng lúa gạo của Việt Nam, chiếm 70% lượng thủy sản và 1/3 tổng GDP. Tuy nhiên, đây lại là một trong những vùng đồng bằng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu cũng như các diễn biến ở thượng nguồn.

Theo WB, dự án này là một phần quan trọng trong cam kết lâu dài của WB với vùng ĐBSCL nhằm tăng cường quản lý châu thổ lồng ghép, thích ứng bằng cách kêu gọi sự phối hợp giữa các ban ngành, địa phương trong công tác quy hoạch, ưu tiên thực hiện đầu tư tăng tính thích ứng. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 387 triệu USD, trong đó Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) – quỹ dành riêng cho những đối tượng nghèo nhất của WB, đóng góp 310 triệu USD.

Sẽ có khu dự trữ cá thiên nhiên và bãi tắm cho chim, cò

Theo kế hoạch của huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; trong năm 2016, địa phương này sẽ xây dựng khu dự trữ cá thiên nhiên và bãi tắm cho chim cò tại xã Gáo Giồng. Khu dự trữ này có diện tích gần 11.000m2, mức đầu tư gần 1 tỷ đồng – theo CTTĐT Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, khu dự trữ được xây dựng còn góp phần bảo vệ hệ động vật hoang dã phong phú của khu vực này. Hiện tại, ở khu vực này còn có Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, nằm trong rừng tràm sinh thái đang được bảo tồn, là hình ảnh đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Nơi đây có sân chim rộng 40ha với 15 loài chim trú ngụ, trong đó có loài diệc lửa và nhan điển, là hai loài chim có trong danh sách đỏ Việt Nam.

THẾ GIỚI

Pháp phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu


Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 15/6 đã phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được ký hồi tháng Tư vừa qua. Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái, quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kì tiền công nghiệp – theo VietnamPlus.

Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 22/4 vừa qua, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), đại diện của 175 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, đã tham gia ký kết hiệp định. Để Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực, cần phải có 55 nước, chiếm 55% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, phê chuẩn.

Trung Quốc đầu tư hơn 13 tỷ USD bảo vệ rừng tự nhiên

Báo cáo của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết chính phủ nước này đã đầu tư 89,8 tỷ nhân dân tệ (13,7 tỷ USD) cho các dự án bảo tồn các nguồn tài nguyên rừng tự nhiên trong giai đoạn 2011-2015. Theo báo cáo này, với mức đầu tư khổng lồ, Trung Quốc đã bảo tồn hiệu quả 1,08 tỷ km2 rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng của Trung Quốc đạt 21,66% vào cuối năm 2015, và độ che phủ cây xanh trong khu vực đô thị đã đạt 40,22% vào năm 2014 – theo TTXVN.

Diện tích các khu bảo tồn tự nhiên mới được thành lập đạt 1,47 triệu km2, chiếm 14,84% tổng diện tích đất của Trung Quốc, chiếm hơn 90% hệ sinh thái đất của cả nước. 89% các loài động vật hoang dã và 86% các loài thực vật hoang dã được nhà nước bảo tồn trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực kiểm soát nguồn nước an toàn, chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm kim loại nặng, khí thải và các tác động liên quan đến môi trường.

Bất ngờ với cách mà Pháp xử lý thức ăn dư thừa

Vào đầu năm 2016, đạo luật mới về thực phẩm dư thừa của Pháp đã chính thức được thông qua và có hiệu lực. Theo đó, tất cả các siêu thị có diện tích từ 400m2 trở lên buộc phải ký hợp đồng quyên góp thực phẩm thừa cho các tổ chức từ thiện, nếu không tuân theo luật, những công ty này sẽ chịu phạt tiền lên đến 75.000 € (£ 53,000) hoặc hai năm tù giam. Theo bộ luật, những loại thức ăn vẫn còn hạn sử dụng và ăn được sẽ được phân phát cho các tổ chức từ thiện. Còn những loại đã quá hạn sử dụng và không thể ăn được nữa cũng không được phép vứt đi, mà phải chế biến chúng trở thành thức ăn dành cho gia súc – theo Lao Động.

Được biết, bộ luật mới về chất thải thực phẩm cũng sẽ được Pháp đưa vào chương trình giáo dục trong các trường học và các doanh nghiệp. Với bộ luật mới được thông qua sẽ giúp Pháp giảm một nửa lượng chất thải thực phẩm vào năm 2025. Theo ước tính chính thức, trung bình mỗi công dân Pháp ném đi 20kg-30kg thực phẩm mỗi năm. Ước tính chi phí quốc gia phung phí hàng năm cho việc này lên đến 20 tỷ €. Mỗi năm có 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí trên toàn thế giới. Trong đó, Pháp chiếm 7.1 triệu tấn, 67% được vứt đi bởi người tiêu dùng, 15% từ các nhà hàng và 11% từ các siêu thị.

Liên Hợp quốc lấy ngày 29/6 làm Ngày quốc tế các nước nhiệt đới

Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 14/6 đã quyết định lấy ngày 29/6 hàng năm làm Ngày quốc tế các nước nhiệt đới. Theo nghị quyết được 193 nước thành viên Liên hợp quốc thông qua, Đại hội đồng công nhận rằng các nước nhiệt đới đã có sự phát triển nhanh chóng nhưng vẫn đối mặt với rất nhiều những thách thức đòi hỏi sự quan tâm tập trung vào nhiều lĩnh vực liên quan đến chỉ số và số liệu phát triển nhằm hướng tới sự phát triển ổn định – theo VietnamPlus.

Nghị quyết cũng nêu rõ các nước nhiệt đới chiếm khoảng 40% diện tích bề mặt thế giới và chiếm khoảng 80% sự đa dạng sinh học trên thế giới, cùng với sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa. Nghị quyết đề nghị tất cả các quốc gia thành viên, các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức và xã hội dân sự quốc tế và khu vực khác, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, tuân thủ nghị trên theo cách tương ứng và phù hợp với ưu tiên của mỗi quốc gia nhằm tăng cường nhận thức về các nước nhiệt đới, những thách thức đặc trưng mà họ đang phải đối mặt và những cơ hội hiện nay.

Rút sạc khỏi ổ điện khi không dùng góp phần bảo vệ môi trường

Người dùng hiện tại sở hữu nhiều loại sạc khác nhau. Tuy nhiên đôi khi chúng nằm yên trong ổ điện mà không được kết nối với thiết bị. Công suất được đặt là kWh (=1.000 Wh), có nghĩa là một thiết bị 1.000W chạy trong 1 giờ sẽ sử dụng 1 kWh, trong khi một thiết bị 100W để tiêu thụ 1 kWh sẽ mất 10 tiếng. Theo ghi nhận của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ năm 2016, chi phí trung bình cho 1 kWh điện ở Mỹ là 0,12 USD. Sau đó, Adrian cắm một cục sạc iPhone vào ổ cắm và để đó vài ngày. Kết quả, một bộ sạc iPhone chính hãng để không sẽ tiêu hao khoảng 130 Wh điện một tháng, tương đương 1,5 kWh một năm, đồng nghĩa với lãng phí 0,18 USD trên hóa đơn điện.

Con số 0,18 USD một năm, tương đương khoảng 1 USD nếu sử dụng cùng lúc 5 cục sạc, là quá thấp để bất cứ ai phải bận tâm về tính kinh tế. Tuy nhiên, có vài yếu tố cần chú ý. Thứ nhất, mỗi người thường cắm rất nhiều loại sạc khác nhau, trong đó những bộ sạc không chính hãng có thể gây tốn điện nhiều hơn (theo thử nghiệm của Andrian là gấp 10 lần), đồng nghĩa với chi phí tiêu hao trên thực tế sẽ cao hơn. Thứ hai, quan trọng hơn, là vấn đề môi trường. Thử tưởng tượng nếu hàng triệu bộ sạc cùng được cắm liên tục, chúng không chỉ gây lãng phí hàng triệu kilowatt điện mỗi năm, mà mỗi kilowatt đó còn đồng nghĩa với khoảng 0,45 kg CO2 thải vào khí quyển.

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2178