Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 8

9/1/2016 1:40:00 PM

Formosa chuyển đủ 500 triệu USD cho Việt Nam; Thanh tra các dự án có xả thải tại 11 tỉnh; Thu hơn 5.000 tỷ từ dịch vụ môi trường rừng; Kinh tế thế giới thiệt hại 71 tỷ USD vì thiên tai; 2.000 tỷ USD có thể “bốc hơi” vì nhiệt độ Trái Đất ấm lên; "Thành phố bọt biển" chống nóng và mưa bão; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tháng.

VIỆT NAM

Formosa chuyển đủ 500 triệu USD cho Việt Nam


Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đến ngày 30/8, Việt Nam đã nhận được 250 triệu USD tiền bồi thường đợt 2 từ Công ty Formosa Hà Tĩnh. Trước đó, công ty này chuyển 250 triệu USD đợt 1 vào ngày 28/7. Bên cạnh việc bồi thường, Formosa còn thực hiện các cam kết khác như khắc phục hệ thống xử lý chất thải, không để tái diễn sự cố môi trường. Theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Hữu Chí, đến nay mới có Thừa Thiên Huế báo cáo phương án hỗ trợ ngư dân, khi 3 tỉnh còn lại là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị báo cáo đầy đủ phương án và tiêu chí hỗ trợ, việc triển khai giải ngân số tiền 500 triệu USD sẽ được thực hiện theo quy định.


Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cuối tháng 6, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển, cam kết bồi thường 500 triệu USD.

Thanh tra các dự án có xả thải tại 11 tỉnh

Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa ban hành quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Tuyên Quang và Nghệ An. Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có xả thải ra môi trường, tập trung vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguồn xả nước thải từ 500m3/ngày, đêm trở lên và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, lưu vực sông tại  các địa bàn trên – theo Thanh Tra.

Thời kỳ thanh tra, từ ngày có quyết định thành lập các tổ chức sản xuất, kinh doanh hoặc từ ngày dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư đến thời điểm thanh tra. Thời hạn thanh tra 45 ngày làm việc. Đoàn thanh tra do ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ làm Trưởng đoàn, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng phê duyệt; thông báo kế hoạch thanh tra, lịch làm việc của đoàn đến các đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức có liên quan; quyết định các nội dung liên quan đến việc đo đạc, lấy và phân tích mẫu môi trường.

Thu hơn 5.000 tỷ từ dịch vụ môi trường rừng

Sau 5 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, cả nước đã thu được trên 5.200 tỷ đồng, trong đó có trên 3.600 tỷ đồng đã đến tay người dân bảo vệ và phát triển rừng ... Theo đánh giá, nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hàng năm đã nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ 5,3 triệu ha rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR. Nguồn thu này cũng góp phần tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Qua điều tra của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đối với 322 hộ gia đình, cá nhân ở 24 tỉnh cho thấy mức thu nhập từ chi trả DVMTR bình quân khoảng 3,6 triệu đồng/hộ/năm. Một số nơi có mức thu nhập bình quân của hộ gia đình cao như: Bình Phước 12,8 triệu đồng/hộ/năm, Lâm Đồng trên 11,1 triệu đồng/hộ/năm, Đắc Nông 10,8 triệu đồng/hộ/năm, Gia Lai 7,5 triệu đồng/hộ/năm – theo Nông Nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, từ năm 2013, khi Chính phủ có chủ trương dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, nguồn tiền từ DVMTR đã giúp các công ty lâm nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất, có kinh phí hoạt động và hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng trong thời gian thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Đến hết năm 2015, riêng Tây Nguyên có 46 công ty lâm nghiệp đã nhận được số tiền DVMTR trên 538 tỷ đồng. Nguồn tiền chi trả DVMTR khoảng 1.000 tỷ đồng/năm đã giải quyết khó khăn về kinh phí bảo vệ rừng cho 199 ban quản lý rừng, 84 công ty lâm nghiệp, 650 chủ rừng là tổ chức và tổ chức không phải là chủ rừng và hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng.

Trao giải Cuộc thi Báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ III

Tối 06/8, Tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức lễ trao giải Cuộc thi báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ III cho 26 tác phẩm xuất sắc của 4 loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử). Có 04 Giải A, 08 Giải B và 14 Giải Khuyến khích và 01 giải cho tập thể Hệ VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam vì có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng cao. Đặc biệt, 04 tác phẩm xuất sắc nhất là tác phẩm “Mở đường chọc vào lõi di sản Cát Tiên” của tác giả Thu Sương, Báo Người Lao động (thể loại báo in); tác phẩm “Việt Nam tham dự Hội nghị COP21” của Nhóm Môi trường, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam (thể loại truyền hình); tác phẩm “Khai thác khoáng sản ồ ạt - Bài học nhãn tiền” của tác giả Trần Sỹ Đức, Hệ VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam (thể loại phát thanh); tác phẩm “Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp thích ứng” của nhóm tác giả: Xuân Long - Quốc Thanh - Chí Quốc - My Lăng, Báo Tuổi trẻ (thể loại báo điện tử).

Cuộc thi báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ III năm 2016 đã được tổ chức thành công với hàng trăm tác phẩm dự thi từ nhiều cơ quan thông tấn, báo chí, với sự tham gia của đông đảo các biên tập viên, phóng viên. Các tác phẩm báo chí xuất sắc, có tính thời sự, có chất lượng đã được Hội đồng giám khảo gồm các Nhà báo, Nhà quản lý báo chí có uy tín và nhiều kinh nghiệm lựa chọn một cách khách quan và chuyên nghiệp.

Việt Nam cần 10 tỷ USD đầu tư ngành nước

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 5 năm tới, nhu cầu đầu tư cho ngành nước lên tới trên 10 tỷ USD, trong đó lĩnh vực cấp nước cần 3,3 tỷ USD, lĩnh vực thoát nước cần 6,9 tỷ USD. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Triển lãm quốc tế ngành Tiết kiệm Năng lượng và Năng lượng Tái tạo tại Việt Nam - RE & EE Vietnam 2016, vừa diễn ra tại TPHCM. Hiện nay Việt Nam có tổng cộng 795 đô thị với tổng công suất cấp nước sạch 7,4 triệu m3/ngày, tăng 1,6 lần so với cách đây 10 năm nhưng tỷ lệ thất thoát nước sạch đô thị hiện nay cũng ở mức cao, khoảng 24%. Trong khi đó, hiện cả nước cũng mới chỉ có khoảng 30 nhà máy xử lý nước thải đô thị với công suất xử lý 860.000m3/ngày. Với công suất này, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý hiện khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 12%. Dự báo đến năm 2020 dân số đô thị nước ta đạt 44 triệu người, nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng lên 9,4-9,6 triệu m3/ngày.

Theo đó, nhu cầu vốn để xây các nhà máy nước mới, cải thiện hệ thống nước hiện hữu và các nhu cầu khác 3,3 tỷ USD; nguồn vốn để đầu tư thêm các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trong 5 năm tới cần đến 6,9 tỷ USD. Trước mắt, Bộ Xây dựng đang tính toán đến dự án một nhà máy nước sạch tại ĐBSCL công suất 300.000m3/ngày đêm để cung cấp cho khu vực dân cư phía Tây sông Hậu được Ngân hàng Thế giới cam kết cho vay khoảng 400 triệu USD. Sắp tới dự án sẽ được đưa ra đấu thầu tư vấn, xây dựng nghiên cứu khả thi – theo Saigondautu.

THẾ GIỚI

Kinh tế thế giới thiệt hại 71 tỷ USD vì thiên tai


Công ty tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ ngày 18/8 cho biết thiệt hại do những thảm họa gây ra trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó những vụ việc do con người gây ra chỉ mất 3 tỷ USD, số còn lại là do rủi ro thiên tai. Những thảm họa từ động đất ở Nhật Bản đến cháy rừng ở Canada đã khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 71 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016 này. Ngành bảo hiểm toàn cầu đã phải bù đắp 44% thiệt hại liên quan đến thảm họa, tương đương 31 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các công ty bảo hiểm đã phải bù đắp nhiều nhất cho những thiệt hại do các cơn bão lớn ở Mỹ (10,1 tỷ USD) và châu Âu (2,8 tỷ USD) gây ra. Ít nhất 18 người đã thiệt mạng trong các trận lũ lụt ở châu Âu – theo VietnamPlus.

Trong khi đó, hàng loạt các trận động đất ở Nhật Bản đã khiến 64 người thiệt mạng, đồng thời gây ra những thiệt hại về cơ sở hạ tầng lớn như cháy và sập nhiều cao ốc. Tổng số tiền bảo hiểm cho những công trình bị thiệt hại ở Nhật Bản lên đến 5,6 tỷ USD.  Còn ở một số nơi khác trên thế giới như tại Ecuador, trận động đất mạnh 7,3 richter đã phá hủy nhiều cây cầu và cao ốc, làm 668 người thiệt mạng. Đây là thảm họa đơn lẻ gây thiệt hại về người lớn nhất trong nửa đầu năm nay, nhưng số tiền mà bảo hiểm chi trả chỉ là 400 triệu USD. Đợt cháy rừng kéo dài hàng tháng tại tỉnh Alberta (Canada) làm 1.000 người phải đi sơ tán và gây gián đoạn hoạt động khai thác dầu cát, cũng đã khiến các nhà bảo hiểm phải chi trả 2,5 tỷ USD.

Con người đã gây ra biến đổi khí hậu từ hai thế kỷ trước

Con người đã gây trạng biến đổi khí hậu từ hai thế kỷ trước. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Australia nhằm chứng minh rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra không phải là hiện tượng xảy ra trong thời gian gần đây. Theo người đứng đầu nghiên cứu, phó giáo sư Nerilie Abram thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), tình trạng ấm lên toàn cầu đã bắt đầu trong giai đoạn đầu của các cuộc cách mạng công nghiệp khi con người bắt đầu sử dụng các loại máy móc, như máy in, tàu thủy và tàu hỏa chạy bằng hơi nước hoặc than đá. Trong một tuyên bố, ông Abram cho biết tình trạng ấm lên toàn cầu đang diễn ra hiện nay đã bắt đầu khoảng 180 năm trước.

Trong khi đó, một đồng tác giả nghiên cứu khác là tiến sỹ Helen McGregor, thuộc Đại học Khoa Trái đất và Khoa học Môi trường của Đại học Wollongong, cho biết con người chắc chắn đã thải vào môi trường một lượng tăng nhỏ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong những năm 1800. Theo bà McGregor, tình trạng bắt đầu ấm lên của toàn cầu được phát hiện trong nghiên cứu này cho thấy khí hậu Trái Đất đã phản ứng một cách nhanh chóng trước thậm chí một lượng nhỏ khí thải cácbon trong giai đoạn đầu của thời đại công nghiệp - theo VietnamPlus.

Lập ngân hàng lưu trữ những "mẫu băng di sản" của thế giới

Một nhóm các nhà băng hà học quốc tế đang tiến hành lấy những mẫu “băng di sản” tại núi Mont Blanc (núi cao nhất Tây Âu), nhằm thành lập một ngân hàng lưu trữ mẫu băng thế giới cất giữ tại Nam Cực, phục vụ cho các chương trình nghiên cứu khoa học trong tương lai. Việc khoan băng để lấy mẫu đã bắt đầu được tiến hành từ ngày 15/8 và sẽ kết thúc vào đầu tháng 9 tới. Các nhà khoa học sẽ trích xuất một khối băng có độ dài 130m trong khối núi có tên Col de Dome, ở độ cao 4.300m. Mẫu băng sẽ được gửi tới Nam Cực để lưu giữ ở nhiệt độ âm 54 độ C, trong những điều kiện tránh các tác động của hiện tượng nóng lên của Trái đất – theo VietnamPlus.

Hiện tượng nóng lên của Trái đất tác động lớn tới các vùng băng hà, nơi chứa đựng những cơ sở dữ liệu về khí hậu và môi trường. Vì vậy chúng ta phải kịp thời lưu giữ những mẫu băng cho tương lai, theo giải thích của ông Jerome Chappellaz, Giám đốc nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm băng hà học và địa vật lý môi trường tại Trường đại học Grenoble Alpes (Pháp). Việc lấy mẫu băng tới đây dự định sẽ diễn ra tại Bolivia, tại một trong các đỉnh núi cao nhất của quốc gia này, Illimani, ở độ cao 6.300m, mẫu băng này sẽ cho những thông tin liên quan tới “thời kỳ lạnh giá” gần đây nhất mà Trái đất từng biết, cách đây 20.000 năm. Ở cấp độ khoa học, có 24 quốc gia tham dự vào dự án lấy mẫu băng, và việc quản lý cơ sở lưu trữ các mẫu băng tại Nam Cực vẫn còn đang trong giai đoạn thiết lập, có thể sẽ đặt dưới sự bảo trợ của UNESCO hoặc Chương trình môi trường của Liên hợp quốc.

2.000 tỷ USD có thể “bốc hơi” vì nhiệt độ Trái Đất ấm lên

Kết quả nghiên cứu mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy nhiệt độ tăng do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030. Kết quả nghiên cứu mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy nhiệt độ ngày càng tăng lên do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030 vì năng suất giảm tại những nơi nóng bức – theo TTXVN.

Nghiên cứu trên cho thấy riêng tại khu vực Đông Nam Á, thời gian làm việc hàng năm của các lao động trong điều kiện nhiệt độ cực cao có thể đã giảm 20%, và con số này sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2050 do ảnh hưởng gia tăng của biến đổi khí hậu. Nhà nghiên cứu Tord Kjellstrom cho hay có khoảng 43 quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm do năng suất lao động giảm. Phần lớn các nước này là ở châu Á như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. GDP của Indonesia và Thái Lan có thể giảm khoảng 6% vào năm 2030, trong khi GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 0,8% và tại Ấn Độ sụt giảm khoảng 3,2%.

"Thành phố bọt biển" chống nóng và mưa bão

Những đợt nắng nóng và mưa bão ở Thủ đô của nước Đức đã trở nên phổ biến do tác động của biến đổi khí hậu. Ứng phó với thực trạng này, các chuyên gia đề ra giải pháp biến thành phố Berlin thành một “đô thị dạng miếng bọt biển”, với những mái nhà ngập tràn màu xanh lá cây và nhiều vùng đất ngập nước. Cây và mái hiên giúp cung cấp bóng mát; mái nhà phủ rêu và cỏ xanh mướt; nhà có sơn màu sáng để không hấp thụ nhiệt; mặt đường có khả năng chịu nhiệt đặc biệt để ngăn ngừa việc chảy nhựa vào những ngày nắng nóng; quy hoạch những vùng trũng trữ nước trong các trận mưa lớn… Đó là một số điểm nổi bật trong hàng chục giải pháp can thiệp nhằm thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu mà các chuyên gia mới đề xuất với thành phố Berlin, mục tiêu là biến đô thị này trở nên dễ sống hơn trong nhiều thập kỷ tới – theo An Ninh Thủ Đô.

Ý tưởng thiết kế đô thị này đã thu hút sự chú ý của Thượng nghị viện Berlin, cơ quan quản lý thành phố và được công bố cuối tháng 7/2016 với tên gọi “StEP Klima KONKRET”. Kể từ năm 2007, Berlin đã quan tâm đáng kể đến việc lập ra mô hình cảnh quan thành phố do tác động của biến đổi khí hậu và hiện giờ, những bước đi thực tế theo hướng thích ứng dài hạn đã hình thành. “Chúng tôi sử dụng thuật ngữ “đô thị bọt biển” bởi quan trọng nhất là tránh bao phủ mặt đất bằng bê tông hay nhựa đường quá nhiều. Chúng tôi muốn bề mặt thấm được nước ở bất cứ nơi nào có thể. Ví dụ, mái nhà trồng rêu hoặc cỏ có thể hấp thụ nước khi mưa, sau đó nước dễ dàng bốc hơi đồng thời cũng tạo ra hiệu ứng làm mát.

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2039