Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 7

8/3/2016 10:16:00 AM

Không cấp phép cho dự án không bảo đảm môi trường; Thu gần 500 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng; WB cảnh báo Việt Nam cần tránh các thảm hoạ môi trường như vụ cá chết; Tháng 6/2016 trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử; 33% dân số thế giới đối mặt với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2025; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường đáng chú ý trong tháng.

VIỆT NAM

Không cấp phép cho dự án không bảo đảm môi trường


Ngày 8/7, Chính phủ công bố Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6/2016 do Chính phủ công bố. Theo đó, bên cạnh nội dung về chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, Chính phủ khẳng định không cấp phép những dự án đầu tư không bảo đảm môi trường. Cũng theo nghị quyết, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, nhất là đất đai, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật; khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai.


Cùng với đó, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không bảo đảm môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố môi trường. Đồng thời, Bộ TN&MT phải “chỉ đạo rà soát trên phạm vi cả nước các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có giải pháp kịp thời” - nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 6/2016 yêu cầu.

Thu gần 500 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng

Tính đến ngày 23/6/2016, cả nước đã thu được gần 496 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, đạt 37,6% kế hoạch. Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Quỹ Trung ương thu được hơn 321 tỷ đồng (33,8% kế hoạch), Quỹ tỉnh thu được hơn 174 tỷ đồng (47,3% kế hoạch). Theo đó, Quỹ Trung ương đã giải ngân cho các Quỹ tỉnh hơn 376 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm. Các Quỹ tỉnh đã giải ngân cho chủ rừng hơn 55 tỷ đồng – theo Bnews.

Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích rừng được xác định hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng là trên 5,2 triệu ha; trong đó, có 199 Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, quản lý hơn 2,5 triệu ha rừng; 84 Công ty Lâm nghiệp quản lý hơn 753.000 ha rừng; 486 UBND cấp xã quản lý 409.711 ha rừng; 164 chủ rừng khác là các đơn vị công an, bộ đội, doanh nghiệp và trung tâm quản lý 420.466 ha rừng; 93.383 chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng quản lý hơn 1,1 triệu ha rừng. Năm 2015, các tỉnh đã giải ngân lũy kế tiền dịch vụ môi trường rừng là 1.270 tỷ đồng cho chủ rừng, đạt 100% kế hoạch. Các tỉnh giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng đạt tỷ lệ cao như Lâm Đồng, Đắc Lắk, Nghệ An, Quảng Nam, Yên Bái, Lai Châu.

371 triệu USD đầu tư cho môi trường

Chiều tối 25/7, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký kết hiệp định pháp lý cho 3 dự án với tổng giá trị 371 triệu USD nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, và cấp nước và xử lý nước thải. Theo đó, các hiệp định cấp vốn này dành cho Khoản vay Chính sách Phát triển về Quản lý Kinh tế và Năng lực Cạnh tranh lần 3, Khoản vay Chính sách Phát triển về Biến đổi Khí hậu và Tăng trưởng Xanh lần 1, và vốn bổ sung cho Dự án Cấp nước và Xử lý Nước thải Đô thị. Khoản vay Chính sách Phát triển về Quản lý Kinh tế và Năng lực Cạnh tranh lần 3 là Dự án cuối trong loạt 3 Dự án nhằm hỗ trợ chính phủ tăng cường ổn định ngành tài chính, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, và tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Các biện pháp đổi mới này nhằm tăng năng lực cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn. Dự án cuối cùng trong loạt Dự án này bao gồm 150 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới và 12 triệu USD viện trợ không hoàn lại của Thuỵ Sỹ và Canada – theo Tiền Phong.

Khoản vay Chính sách Phát triển về Biến đổi Khí hậu và Tăng trưởng Xanh trị giá 90 triệu USD là Dự án đầu trong loạt 3 Dự án hỗ trợ các hành động chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, trong khuôn khổ Chương trình Ứng phó Biến đổi Khí hậu của Chính phủ. Các hoạt động chính sách trong Dự án này nhắm đến mục đích tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu vùng ven biển thông qua quản lý tổng hợp, bảo vệ nguồn nước và tăng cường tiết kiệm sử dụng nước, và trồng rừng ven biển. Khoản bổ sung vốn cho Dự án Cấp nước và Xử lý Nước thải Đô thị gồm 50 triệu USD từ nguồn IDA và 69 triệu USD từ nguồn IBRD sẽ hỗ trợ tăng cường dịch vụ cấp thoát nước đến các hộ gia đình tại 10 thành phố trong cả nước. Dự án cũng sẽ giúp cải thiện và xây dựng mới hệ thống thoát nước và hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại Dĩ An, Bình Dương, mang lại lợi ích cho 380.000 dân sống tại đây. Ngoài ra, Dự án còn giúp kiểm soát ô nhiễm nước tại lưu vực sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Giám sát đặc biệt toàn bộ dự án Formosa trong 3 năm

Bộ Tài nguyên & Môi trường đã quyết định thành lập một đoàn công tác đặc biệt tăng cường vào làm việc tại nhà máy của Formosa ở Hà Tĩnh trong thời gian 3 năm, nhằm giám sát toàn diện mọi hoạt động của dự án. Phía Formosa đã bắt đầu thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến bảo vệ môi trường sau vụ xả thải... Thông tin trên được lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) về việc thực hiện các cam kết môi trường sau vụ xả thải, chiều 24/7. Đối với nước thải sản sinh trong quá trình sản xuất có chứa các chất độc hại như: phnom, xyanua, amoniac..., FHS cho biết đã lắp đặt các thiết bị phun sương mù khử bụi, cửa lọc bụi, đồng thời cam kết sẽ lắp thêm các thiết bị lấy mẫu hơi nước để giám sát. FHS cũng cam kết sẽ xây dựng các bãi lưu trữ chất thải tại 16 điểm, hiện 7/16 điểm đã hoàn thành; lắp đặt các bồn chứa nước thải công nghiệp với dung tích 10.000 m3/bồn và 3.000m3/bồn đối với nước thải sinh hoạt để đề phòng sự cố môi trường – theo VnEconomy.

Đối với chất thải bùn bánh, sau vụ việc vận chuyển và chôn lấp trái phép tại Kỳ Trinh, FHS sẽ ký hợp đồng với những đơn vị vận chuyển và xử lý chất thải khi được sự cho phép của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng Hà Tĩnh, sau khi mang đi chôn lấp tại một số khu vực ngoài dự án gần 300 tấn, hiện trong khuôn viên FHS còn tồn đọng khoảng hơn 700 tấn chất thải bùn đen có nguồn gốc từ bể lắng tại tổ xử lý chất thải công nghiệp của công ty này. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức đề nghị FHS xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết về thực hiện bảo vệ môi trường trong khoảng thời gian 3 năm; nghiên cứu xây dựng hồ sinh học đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, môi trường nhằm phòng ngừa sự cố.

WB cảnh báo Việt Nam cần tránh các thảm hoạ môi trường như vụ cá chết

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam cần tránh các thảm hoạ môi trường như vụ cá chết. Đây cũng là một cam kết trong TPP. Theo Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, Việt Nam hiện nay đang mở rộng rất nhiều khu vực công nghệ chế tạo, như vậy, Việt Nam cần có những chuẩn mực tốt và giám sát tốt về môi trường. Đây là điều rất quan trọng để giúp Việt Nam có thể tránh được những thảm hoạ như sự cố môi trường vừa qua, để sau này không tái diễn những thảm hoạ trong tương lai. Đây cũng là một cam kết trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như những chương trình nghị sự tiếp theo của Việt Nam cần phải thực hiện.

Tại cuộc họp báo công bố Báo cáo “Điểm lại” định kỳ 6 tháng của Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam chiều 19/7, trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về đánh giá tác động của sự cố môi trường cá chết hàng loạt ở miền Trung tới kinh tế Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, cho biết về các sự cố môi trường, giảm thiểu những sự cố về môi trường là điều rất quan trọng.

THẾ GIỚI

Tháng 6/2016 trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử


Hiệu ứng cộng hưởng của hiện tượng Trái Đất ấm lên và El Nino đã khiến tháng Sáu vừa qua trở thành tháng Sáu nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 14 liên tiếp lập kỷ lục về nền nhiệt độ cao. Báo cáo hàng tháng công bố ngày 19/7 của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) cho biết nhiệt độ trung bình của Trái Đất trong tháng Sáu vừa qua là 16,4 độ C, cao hơn 0,9 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 và "xô đổ" kỷ lục của tháng 6 năm ngoái (16,2 độ C). Đây là tháng Sáu thứ 40 liên tiếp và là tháng thứ 378 liên tiếp, có nền nhiệt trung bình toàn cầu cao hơn mức nhiệt trong thế kỷ 20.

Cũng theo NOAA, 6 tháng đầu năm nay đã trở thành một trong những giai đoạn có nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất và đại dương nóng nhất trong lịch sử. Năm 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử, đánh bật kỷ lục trước đó của năm 2014. Tuy nhiên, những tháng đầu năm của 2016 đang cho thấy những con số "chưa từng có" khi tất cả 6 tháng đều ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục và cao hơn so với trung bình cùng kỳ 2015. Mặc dù El Nino đang dần giảm cường độ, song giới chuyên gia cảnh báo 2016 sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử - theo VietnamPlus.

Kinh tế toàn cầu có thể “bốc hơi” 2.000 tỷ USD vì Trái Đất ấm lên

Theo một nghiên cứu mới công bố ngày 19/7 của Liên hợp quốc, nhiệt độ ngày càng tăng lên do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030 vì năng suất giảm tại những nơi nóng bức. Nghiên cứu trên cho thấy riêng tại khu vực Đông Nam Á, thời gian làm việc hàng năm của các lao động trong điều kiện nhiệt độ cực cao có thể đã giảm 20%, và con số này sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2050 do ảnh hưởng gia tăng của biến đổi khí hậu – theo VietnamPlus.

Nhà nghiên cứu Tord Kjellstrom cho hay có khoảng 43 quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm do năng suất lao động giảm. Phần lớn các nước này là ở châu Á như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh. GDP của Indonesia và Thái Lan có thể giảm khoảng 6% vào năm 2030, trong khi GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 0,8% và tại Ấn Độ sụt giảm khoảng 3,2%. Một báo cáo khác cho thấy khoảng 2,1 triệu người trên toàn thế giới đã chết trong thời gian từ năm 1980 đến năm 2012 bởi gần 21.000 thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, lở đất, nhiệt độ nóng cực đoan, hạn hán, bão gió hoặc hỏa hoạn. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 1,2 tỷ người đã bị tác động bởi 1.215 thảm họa, chủ yếu là lũ lụt, lốc xoáy và sạt lở đất kể từ năm 2000.

Thiệt hại do thiên tai trên thế giới tăng trong nửa đầu năm 2016

Munich Re, công ty tái bảo hiểm hàng đầu của Đức cho biết những thiệt hại về tài chính do thiên tai trên toàn cầu gây ra trong nửa đầu năm 2016 tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, các trận động đất mạnh ở Nhật Bản và Ecuador, các cơn bão tại châu Âu và Mỹ, và vụ cháy rừng lớn ở Canada, đã gây thiệt hại lớn về tài chính trong nửa đầu năm nay. Ước tính tổng mức thiệt hại tính đến cuối tháng 6/2016 là 70 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 59 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước. Munich Re cho biết thêm rằng số tài sản đã được bảo hiểm bị thiệt hại bởi thiên tai trong các tháng 1-6/2016 vào khoảng 27 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 19 tỷ USD của cùng kỳ năm trước – theo Báo Đầu Tư.

Theo Munich Re, trong nửa đầu năm nay, thiệt hại nặng nhất về tài chính do thiên tai gây ra là tại Nhật Bản với mức tổn thất khoảng 25 tỷ USD, do hai trận động đất mạnh xảy ra ở đảo Kyushu trong tháng Tư. Trong số tiền đó, các tài sản được bảo hiểm chiếm khoảng 6 tỷ USD. Không chỉ gây tổn thất về của cải vật chất, các thảm họa thiên tai trong nửa đầu năm 2016 còn lấy đi cuộc sống của hơn 3.100 sinh mạng, ít hơn nhiều so với con số tổn thất khoảng 21.000 người trong cùng kỳ năm trước – theo BNEWS.VN.

33% dân số thế giới đối mặt với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2025

Theo viện quản lý nước quốc tế, 33% dân số thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2025. Một trong những nguyên nhân đó chính là rò rỉ nước. 20-30% nước sau khi xử lý bị thất thoát trên đường tới với người tiêu dùng.

Trong khi đó, có nhiều nguy cơ rủi ro về sức khỏe khi có những chất ô nhiễm bị lẫn hoặc nhiễm vào nguồn nước sạch trong đường ống cấp nước trong quá trình sửa chữa hệ thống đường ống nước. Hiện nay Qatar đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nguồn cung cấp nước cho cả đất nước. Hệ thống phân phối nước tại Qutar đang bị rò rỉ thất thoát khoảng 30-35%.

Áo thông minh đổi màu khi phát hiện ô nhiễm

Aerochromics vừa trình làng những chiếc áo thông minh tự đổi màu khi phát hiện các chất gây ô nhiễm trong không khí. Những chiếc áo này có tác dụng thông báo cho người dùng về chất lượng không khí tại thành phố của họ. Những chiếc áo này có tác dụng thông báo cho người dùng về chất lượng không khí tại thành phố của họ - theo GenK.

Khi Internet of Things phát triển ở một tốc độ nhanh chóng, không ngạc nhiên khi các sản phẩm mới được phát hành ra thị trường được kèm theo những tính năng "thông minh". Và tiện ích thông minh mới nhất vừa được giới thiệu là áo sơ mi có khả năng phát hiện các chất gây ô nhiễm trong không khí. Sản phẩm này là một ví dụ điển hình nhất cho sự kết hợp tuyệt vời giữa thời trang và công nghệ. Tuy nhiên, tính hữu ích của sản phẩm này cần có thời gian để kiểm nghiệm trên thực tế.

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1883