Vietnamese English
Điểm tin môi trường tháng 6

7/4/2016 3:13:00 PM

Formosa 500 triệu USD đền bù thiệt hại vụ cá chết ở miền Trung; 90 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu; Công nhận 276 sáng kiến về quản lý môi trường; Thiên tai gây thiệt hại gần 1.300 tỷ đồng; Các thành phố trên thế giới thành lập liên minh chống biến đổi khí hậu; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tháng 6.

VIỆT NAM

Formosa 500 triệu USD đền bù thiệt hại vụ cá chết ở miền Trung


Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã cam kết và hứa sẽ chi trả ngay số tiền bồi thường 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam. Đây là sự cố môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam. Số tiền 500 triệu USD cũng là khoản bồi thường chưa từng có. Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung diễn ra chiều 30/6, trả lời VnExpress, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, số tiền 500 triệu USD bồi thường màFormosa Hà Tĩnh cam kết chi trả cho Việt Nam sẽ được dành ưu tiên cho người dân. Đặc biệt là ngư dân các tỉnh miền trung bị thiệt hại do cá chết. Công việc tiếp theo, Chính phủ sẽ giao cho các bộ, ngành và các địa phương xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại như: hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững ...


Hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Khoảng 70 tấn cá tự nhiên của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế chết dạt bờ, chủ yếu là loài sống ở tầng đáy. Riêng Thừa Thiên - Huế có 35 tấn cá nuôi bị chết. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.

90 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ hỗ trợ 90 triệu USD giúp Việt Nam cải cách chính sách nhằm hỗ trợ nghị trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, cũng phù hợp với kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu của Nhóm WB. Loạt tín dụng này sẽ được chi cho công tác thực hiện các chính sách tăng cường quy hoạch, quản lý tổng hợp ven biể; các khoản đầu tư công có lợi cho lĩnh vực biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bảo vệ tài nguyên nước, cũng như tăng cường tiết kiệm sử dụng nước và trồng rừng ven biển. Khoản tín dụng cũng được dùng hỗ trợ các chính sách phát triển giao thông, sản xuất công nghiệp, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Achim Fock, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam nói: “Tăng cường thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng khả năng chịu đựng là quan trọng đối với Việt Nam cũng như sự phát triển bền vững của nước này. Hỗ trợ chương trình nghị sự này của Việt Nam cũng nằm trong nỗ lực toàn cầu của WB về ứng phó với biến đổi khí hậu và đây là mục tiêu ưu tiên của chúng tôi”. Nguồn tín dụng do Hiệp hội Phát triển quốc tế cấp. Đây là nhánh cho vay ưu đãi phục vụ các nước nghèo nhất trên thế giới của WB - theo Tin Nhanh Chứng Khoán.

Công nhận 276 sáng kiến về quản lý môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường  Trần Hồng Hà vừa ký quyết định công nhận 276 sáng kiến về những giải pháp quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành TN&MT (Tài nguyên & Môi trường) trong năm 2015. Trong số các sáng kiến được Bộ TN&MT công nhận lần này có 34 sáng kiến cấp toàn quốc cho 14 cá nhân và 242 sáng kiến cấp Bộ cho 215 cá nhân – theo Chinhphu. Các sáng kiến cấp toàn quốc nổi bật trong năm 2015 có thể kể đến như: Sáng kiến xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; sáng kiến trong chỉ đạo thành công chuẩn bị Báo cáo và tham dự Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) được tổ chức tại Paris...

Bên cạnh đó, năm 2015 cũng ghi nhận nhiều sáng kiến quan trọng trong việc chỉ đạo, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý trong quản lý của ngành TN&MT như: Sáng kiến trong chỉ đạo xây dựng, trình ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Khí tượng thuỷ văn; các sáng kiến trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thiện các công cụ quản lý tổng hợp tài nguyên biển, hải đảo…

Đóng cửa rừng tự nhiên

Sau khi chỉ ra một loạt nguyên nhân dẫn đến mất rừng như rừng còn vô chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ, phát triển và quản lý rừng; tiêu cực tham nhũng trong một bộ phận cán bộ bảo vệ rừng; tình trạng di dân tự do đến phá rừng, lấy đất trồng cây công nghiệp, Thủ tướng kết luận Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên; không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác; không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp – theo VietnamPlus.

Chỉ có thực thi nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, cấm các cơ sơ chế biến gỗ rừng hoạt động và có chế tài xử phạt đủ mạnh thì mới triệt tận gốc được “cái nhu cầu” phá rừng không chỉ của “lâm tặc” mà còn của không ít chủ rừng, chủ doanh nghiệp. Việc bảo vệ những vùng rừng tự nhiên, phục hồi, trồng mới rừng là công việc phục hồi không gian sống của Tây Nguyên. Đó là việc làm cấp bách đòi hỏi những cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, phát triển rừng phải thật sự tâm huyết với Tây Nguyên. Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, sáng 20/6 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Thiên tai gây thiệt hại gần 1.300 tỷ đồng

Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai trong 5 tháng đầu năm 2016 ước tính gần 1,3 nghìn tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, thiên tai xảy ra làm 14 người chết và 71 người bị thương – theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Báo cáo về tình hình thiệt hại do thiên tai, theo báo cáo sơ bộ, thiên tai xảy ra trong tháng 5/2016 làm 7 người chết và 42 người bị thương; hơn 400 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 20,1 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái; 1,2 nghìn ha lúa và 2,2 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng.

Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong tháng ước tính gần 132 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm, thiên tai xảy ra làm 14 người chết và 71 người bị thương; hơn 650 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 32,5 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái; 15,9 nghìn ha lúa, 12 nghìn ha hoa màu và 1,5 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; 17 nghìn con gia súc, 11,5 nghìn gia cầm và gần 730 tấn thủy sản các loại bị chết. Tổng giá trị thiệt hại trong 5 tháng đầu năm 2016 ước tính gần 1,3 nghìn tỷ đồng.

THẾ GIỚI

Các nước Bắc Mỹ đạt thỏa thuận tham vọng về năng lượng và môi trường


Rạng sáng 30/6 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ đã kết thúc với việc các nhà lãnh đạo đạt được nhất trí về việc hợp nhất các chính sách năng lượng và môi trường; đồng thời chính thức công bố Kế hoạch hành động đối tác khí hậu, năng lượng sạch và môi trường Bắc Mỹ - Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết.  

Kế hoạch ghi rõ ba nước cần thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và an toàn, giảm thiểu các chất gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, bảo vệ khoa học tiến bộ và khoa học tự nhiên, và giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhất trí đến năm 2025 năng lượng sạch sẽ chiếm 50% tổng năng lượng tiêu thụ ở Bắc Mỹ, tăng mạnh so với cam kết 37% đưa ra trước đó. Hiện tại, khu vực Bắc Mỹ có gần 530 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 20.600 tỷ USD, chiếm hơn 1/4 GDP toàn cầu. Trong năm 2015, thương mại nội khối đạt trên 1.000 tỷ USD.

Các thành phố trên thế giới thành lập liên minh chống biến đổi khí hậu

Ngày 22/6, các thành phố tại 6 châu lục đã cùng nhau thành lập liên minh lớn nhất thế giới về chống biến đổi khí hậu. Hơn 7.100 thành phố tại 119 nước đã thành lập “Thỏa thuận các Thị trưởng Toàn cầu vì Khí hậu và Năng lượng” - mạng lưới nhằm giúp trao đổi thông tin về các mục tiêu nhưng phát triển năng lượng sạch – theo VOV.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các thành phố chịu trách nhiệm về 75% khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính và tiêu thụ 70% năng lượng trên toàn cầu. Liên minh mới sẽ hỗ trợ 195 nước thực hiện cam kết đưa ra ở Paris vào năm 2015 về kiềm chế trái đất nóng lên. Thỏa thuận Paris về giảm khí thải sẽ trở thành văn kiện mang tính ràng buộc đối với các chính phủ nếu ít nhất 55 nước (đóng góp 55% lượng khí thải toàn cầu) phê chuẩn thỏa thuận.

Trung Quốc đầu tư hơn 13 tỷ USD bảo vệ rừng tự nhiên

Báo cáo của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết chính phủ nước này đã đầu tư 89,8 tỷ nhân dân tệ (13,7 tỷ USD) cho các dự án bảo tồn các nguồn tài nguyên rừng tự nhiên trong giai đoạn 2011-2015. Theo báo cáo này, với mức đầu tư khổng lồ, Trung Quốc đã bảo tồn hiệu quả 1,08 tỷ km2 rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng của Trung Quốc đạt 21,66% vào cuối năm 2015, và độ che phủ cây xanh trong khu vực đô thị đã đạt 40,22% vào năm 2014 – theo TTXVN.

Diện tích các khu bảo tồn tự nhiên mới được thành lập đạt 1,47 triệu km2, chiếm 14,84% tổng diện tích đất của Trung Quốc, chiếm hơn 90% hệ sinh thái đất của cả nước. 89% các loài động vật hoang dã và 86% các loài thực vật hoang dã được nhà nước bảo tồn trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực kiểm soát nguồn nước an toàn, chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm kim loại nặng, khí thải và các tác động liên quan đến môi trường.

Pháp phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 15/6 đã phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được ký hồi tháng Tư vừa qua. Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái, quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kì tiền công nghiệp – theo VietnamPlus.

Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 22/4 vừa qua, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), đại diện của 175 quốc gia, trong đó có những nước phát thải nhiều khí thải như Mỹ và Trung Quốc, đã tham gia ký kết hiệp định. Để Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực, cần phải có 55 nước, chiếm 55% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, phê chuẩn.

Dubai xây dựng nhà máy năng lượng từ chất thải rắn

Hội đồng Thành phố Dubai tuyên bố sẽ thành lập nhà máy năng lượng sử dụng nguyên liệu từ chất thải rắn lớn nhất Trung Đông vào cuối tháng 6 năm nay. Nhà máy nằm ở quận 2, Warsan có giá trị dự kiến là 544,5 triệu USD. Ông Hussain Nasser Lootah, Thị trưởng Thành phố Dubai cho biết, dự án này sẽ mất khoảng 3 năm. Nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II năm 2020. Trong giai đoạn đầu tiên của dự án, sẽ có khoảng 2.000 tấn chất thải rắn đô thị mỗi ngày được xử lý để sản xuất ra 60MW điện – theo Báo Xây Dựng.

Mục tiêu của dự án phù hợp với chương trình Nghị sự Quốc gia với mục tiêu giảm 75% lượng rác thải trên khắp các bãi rác trong Tiểu vương quốc từ nay cho đến năm 2021. Bên cạnh đó, dự án đặt mục tiêu giảm khí metan thoát ra từ các bãi chôn lấp nhằm bảo vệ môi trường. Phó Thị trưởng Essa Al Maidoor cho biết, dự án đốt rác thải là 1 trong bốn dự án sản xuất năng lượng xanh của thành phố. Ông cho biết thêm, Hội đồng Thành phố đang phối hợp với Cơ quan Năng lượng Quốc gia tiến hành sản xuất 7% tổng mức năng lượng của Dubai từ các nguồn năng lượng sạch vào năm 2020.

Theo Minh Cường (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2352