Trong thông điệp gửi tới tăng ni, cư sỹ, phật tử nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560, Dương lịch 2016, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã nhắn nhủ những người con Phật với tâm nguyện và trách nhiệm tri ân, bằng những hành động thiết thực nhất, hãy
bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn.
Thông điệp Phật đản Phật lịch 2560 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam về bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với
biến đổi khí hậu là sự cụ thể hóa chương trình hành động đó và cũng là thực hiện Chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 14 tổ chức tôn giáo trong nước, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
9 tổ chức giám sát việc hỗ trợ dân bị ảnh hưởng bởi cá chết hàng loạt
Sáng 19/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn,
hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. 9 cơ quan đã thống nhất hỗ trợ trực tiếp 450 ngàn hộ dân với 1,8 triệu người dân đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt, để các hộ dân có đủ phương tiện chứa nước sinh hoạt; triển khai thí điểm lọc nước lợ sang nước ngọt cho các cụm dân cư.
Việc hỗ trợ 10% số hộ qua việc mua bảo hiểm y tế và trẻ em không bỏ học cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan; trên tinh thần là tháng 6/2016, các cơ quan liên quan tổ chức vận động để có nguồn kinh phí cần thiết, tháng 7/2016 chuyển đến các địa phương cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần tổ chức giám sát việc thực hiện hỗ trợ của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (gạo, tiền...) đối với nhân dân các vùng bị thiệt hại do ảnh hưởng thủy hải sản chết hàng loạt, đảm bảo việc hỗ trợ đến với người dân kịp thời, nhanh nhất – theo Bnews.
Tăng cường giám sát vùng nuôi thủy sản bị ô nhiễm
Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) vừa đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương hướng dẫn, quản lý việc nuôi cá lồng, bè tại vùng nuôi tập trung có nguy cơ
ô nhiễm nguồn nước. Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay ở một số địa phương, việc quản lý vùng nuôi trồng thủy sản, kiểm soát xả thải từ các nhà máy, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế. Để hạn chế các thiệt hại, Tổng cục Thủy sản yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các lồng, bè nuôi cá đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường – theo Trí Thức & Công Luận.
Kiểm tra, rà soát các vùng nuôi tập trung có nguy cơ
ô nhiễm môi trường để có phương án di chuyển lồng, bè đến nơi an toàn. Hướng dẫn người nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường quan trọng, không thả cá giống khi môi trường chưa đảm bảo, thực hiện nuôi đúng mật độ và không sử dụng thức ăn dư thừa để tránh làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Đối với các vùng có cá nuôi bị chết, phối hợp với cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, có kết luận và thông báo cho người dân được biết.
1,2 tỷ người bị đe dọa bởi nước biển dâng
Theo báo cáo nghiên cứu của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về sự biến đổi khí hậu (GIEC) vừa được công bố, từ nay tới năm 2060, dự kiến sẽ có khoảng 1,2 tỷ người bị đe dọa bởi tình trạng
nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu gây ra. Trước đó, một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết nếu năm 2008 mới có một nửa dân số thế giới sinh sống tại các thành phố thì tới năm 2060 sẽ có 6,4 tỷ người dân thành thị, chiếm tới 75% dân số toàn cầu. Do vậy, số người sinh sống ở đô thị có thể lên tới 9 tỷ người. Báo cáo trên còn cho biết ước tính thiệt hại kinh tế do tình trạng nước biển dâng tại các thành phố ven biển có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2060.
Đặc biệt, châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó 5 nước chịu tác động nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Việt Nam. Những khu đô thị và dân cư ven biển bị tác động nhiều nhất là Calcutta (Ấn Độ) có thể sẽ có 14 triệu người bị tác động vào năm 2060, tiếp sau là Mumbai (Ấn Độ - 11,4 triệu người), Dhakar (Bangladesh - 11,1 triệu người), Quảng Châu (Trung Quốc - 10,3 triệu người), tiếp đến Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam - 9,2 triệu người), Thượng Hải (Trung Quốc - 5,4 triệu người), Bangkok (Thái Lan - 5,1 triệu người), Yangon (Myanmar - 4,9 triệu người).
Sốc với kỷ lục 51 độ trong đợt nắng nóng kinh hoàng ở Ấn Độ
Cơ quan khí hậu Ấn Độ ngày 20/5 cho biết kỷ lục nhiệt độ trên được ghi nhận ngày 19/5 tại thành phố Phalodi, thuộc bang sa mạc Rajasthan, trong bối cảnh cả nước đang chịu đợt
nắng nóng mới. Kỷ lục trước đó là 50,6 độ, được ghi nhận năm 1956 – theo VietnamPlus.
Nhiệt độ tại khu vực miền Bắc Ấn Độ thường ở mức trên 40 độ C vào tháng Năm và Sáu, những tháng nóng nhất trong năm, nhưng mức nhiệt hơn 50 độ C là bất thường. Cơ quan
khí hậu cảnh báo "đợt nóng nghiêm trọng" tại các khu vực miền Bắc và miền Tây sẽ kéo dài tới hết tuần này.