Tỉnh Đồng Nam sẽ chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường cho nhiều tỉnh. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2015 và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2020 vừa được tổ chức.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này tỉnh đã hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tại 410 vị trí. Các thành phần môi trường được tỉnh tập trung quan trắc để đánh giá chất lượng môi trường gồm nước mặt, nước dưới đất, không khí và môi trường đất. Tỉnh đã đầu tư lắp đặt 4 trạm quan trắc nước mặt tự động tại 4 vị trí trên sông Đồng Nai đoạn từ hồ Trị An đến thành phố Biên Hòa; lắp đặt 2 trạm quan trắc không khí tự động – di động; lắp đặt và đưa vào vận hành 13 trạm quan trắc tự động nước thải tập trung của các khu công nghiệp để kiểm soát việc xử lý và xả thải ra môi trường. Toàn bộ dữ liệu quan trắc tự động tại các trạm quan trắc đều được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai để quản lý, theo dõi giám sát chất lượng môi trường. Đồng Nai cũng đang chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường cho các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Bình Thuận.
Địa phương này đã phân loại 157 cơ sở thuộc danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ đó yêu cầu các doanh nghiệp có các biện pháp khắc phục. Đến nay có 144/157 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã khắc phục xong. Tuy nhiên, theo đánh giá, tiến độ xây dựng các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn chậm; các dự án xử lý nước thải đô thị đặc biệt tại đô thị Biên Hòa và Nhơn Trạch triển khai chậm; một số doanh nghiệp vẫn không tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường – theo Lao Động.
Quanh Hồ Gươm ngập rác sau 3 ngày thí điểm phố đi bộ
Công ty Môi trường Đô thị duy trì lực lượng túc trực 24/24h, nhưng vẫn không dọn kịp lượng rác khổng lồ du khách xả không đúng nơi quy định, rác đã xuất hiện ở mọi nơi quanh Hồ Gươm sau 3 ngày thí điểm mở rộng phố đi bộ - theo Tiền Phong.
Việc thành phố Hà Nội quyết định mở rộng phố đi bộ ra khu vực Hồ Gươm và các vùng phụ cận đã tạo cơ hội cho người dân, du khách trong và ngoài nước được thưởng thức không gian thoáng đãng hiếm có quanh Hồ Gươm. Tối ngày khai trương (1/9), du khách tuân thủ khá tốt quy định bỏ rác vào thùng. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo, nhiều du khách đã vô tư xả rác, khiến cảnh quan khu vực Hồ Gươm bị đe dọa nghiêm trọng.
Hai quốc gia xả khí thải nhiều nhất thế giới đã bắt tay
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng khẳng định cam kết cắt giảm khí carbon bằng việc chính thức tham gia hiệp định Paris cũng như hứa hẹn “tiếp tục hợp tác song phương trong lĩnh vực biến đổi khí hậu”. Theo Huffington Post, tuyên bố trên được hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở thành phố Hàng Châu hôm 3/9. Trong khi đó, phát ngôn từ Nhà Trắng cho hay sự đồng thuận của Mỹ và Trung Quốc là bước tiến quan trọng để hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực kể từ cuối năm nay – theo Infonet.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay trong hội nghị biến đổi khí hậu tại Paris hồi tháng 11/2015. Cho tới nay đã có hơn 170 quốc gia tham gia ký kết hiệp định Paris với cam kết chống lại tình trạng biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm thải khí carbon. Tuy nhiên, thỏa thuận này yêu cầu ít nhất 55 quốc gia vốn xả thải tới 55% lượng khí thải toàn cầu, cần có thêm bước phê chuẩn trước khi hiệp định có hiệu lực. Còn theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trước tuyên bố hôm 3/9 của Mỹ và Trung Quốc, mới chỉ có 24 nước vốn chỉ chiếm 1,08% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, chính thức thông qua hiệp định Paris. Trước cuộc họp vào sáng 3/9, cố vấn cấp cao của Tổng thống Obama, ông Brian Deese cho biết Mỹ và Trung Quốc đã trở thành “hai đối tác lớn trong lĩnh vực biến đổi khí hậu”. “Trong 8 năm qua, chúng tôi là hai quốc gia phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Do đó, nếu có thể hợp tác cùng nhau, chúng tôi sẽ giúp thế giới đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, ông Deese nói.
Thế giới tiến gần đến mục tiêu phục hồi các khu rừng bị hư hại
Ngày 3/9, tại Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên Thế giới do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức ở Honolulu, thuộc bang Hawaii của Mỹ, các quan chức cho rằng thế giới đã tiến gần đến mục tiêu phục hồi các khu rừng và đất đai tự nhiên bị hư hại vào năm 2020. Theo nguồn tin trên, Malawi và Guatemala đã cam kết phục hồi tổng cộng 4,54 triệu ha đất bị hư hại. Các cam kết này là một phần trong sáng kiến "Thách thức Bonn" nhằm phục hồi 150 triệu ha đất bị hư hại vào năm 2020. Trả lời họp báo, nhà hoạt động Bianca Jagger nói: "Chúng tôi đã vượt qua cột mốc 100-113 triệu ha và đang trên đường đạt được mục tiêu "Thách thức Bonn." Đây có lẽ là một trong những sáng kiến quan trọng nhất trên thế giới."
Sáng kiến "Thách thức Bonn" do Đức và IUCN đưa ra năm 2011 và được Hội nghị về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc thông qua năm 2014. Mục tiêu cuối cùng là phục hồi 350 triệu ha đất vào năm 2030. Theo IUCN, việc đạt được mục tiêu trên sẽ đem lại 170 tỷ USD/năm nhờ vào nguồn nước được bảo vệ, cải thiện mùa màng, các sản phẩm từ rừng, đồng thời có thể giảm tới 1,7 tỷ tấn khí thải CO2/năm. Hiện tổng cộng có 36 chính phủ, tổ chức và các công ty đã cam kết thực hiện sáng kiến "Thách thức Bonn." Các quốc gia mới cam kết gần đây gồm Panama, Côte d'Ivoire, Cộng hòa Trung Phi, Guinea và Ghana – theo VietnamPlus.
Thiết bị tái chế biến nhựa cũ thành gạch xây dựng
Kĩ sư, nhà phát minh người New Zealand, ông Peter Lewis đã sáng chế ra một thiết bị tái chế nhựa di động có thể biến nhựa cũ thành gạch và từ những viên gạch đó, ông có thể xây được nhà. Cùng nghiên cứu với ByFusion, đội ngũ đã cống hiến hết mình cho giấc mơ xây được nhà giá rẻ trên toàn thế giới. Họ cũng đang phát triển một dụng cụ tái chế nhựa với giá rẻ, nhằm đưa đến được với nhiều người sử dụng. “Mỗi năm, hàng triệu tấn nhựa bị thải ra ngoài đại dương và nằm trong tay chúng tôi là một hệ thống có thể xử lý, tái chế nhựa rất thân thiện với môi trường, sau đó những sản phẩm ấy có thể được sử dụng để phục vụ cộng đồng", CEO của ByFusion, ông Grego Gomory nói.
“Dự án hợp tác đầu tiên sẽ tập trung vào việc thu gom nhựa thải trên khắp các hòn đảo tại Hawaii. Đây là một khu vực quan trọng với người dân địa phương cũng như với toàn thế giới, bởi lẽ dải san hô nơi đây là nơi trú ẩn của hơn 7.000 loài sinh vật biển, 1/4 trong số đó là loài bản địa, chỉ có thể tìm thấy tại nơi đây”, Chủ tịch của Hiệp hội Bảo vệ Bờ biển Hawaii, ông Kahi Pacarr nói. Theo như nhà sản xuất ByFusion, những viên gạch nhựa này hoàn toàn an toàn với môi trường và quá trình sản xuất hoàn toàn không độc hại - theo Genk.
Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)