Cây sấu gần biên giới Việt – Trung trở thành cây di sản Việt Nam
10/4/2012 3:42:00 PM
(VACNE)-Cây sấu hơn 300 năm tuổi ở khu vực cửa khẩu Sóc Giang, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách cột mốc Việt Nam chưa đến 7m đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam chính thức gắn biển công nhận là cây di sản Việt Nam ngày 3/10/2012.
Mở đầu buổi lễ, đội văn nghệ của huyện, xã, cùng với TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường; GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam của Hội; PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, trưởng ban phản biện của Hội; TS Lại Minh Hiền, Chánh Văn phòng Hội; phóng viên ảnh Nguyễn Danh Trường đã hát những bài “Tình Ca”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó”, và đặc biệt là bài hát “Tiếng gọi thế kỷ môi trường” với ý nghĩa về bảo vệ môi trường nhân sự kiện cây sấu được gắn biển cây di sản Việt Nam.
Cây sấu - có đường kính 3,13m, cao 38m - mọc ở khoảng đất trống giáp khe núi đá và núi đất phía Đông bản Nà Sắc, gần cột mốc 651, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng). Theo các cụ cao niên, cây sấu này đã trải qua khoảng 8 - 9 đời người.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác niên đại của cây nhưng theo những người cao tuổi ở địa phương, cây sấu này khoảng 300 năm tuổi.
Còn GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, ước tính cây sấu này không dưới 500 năm tuổi. Cây sấu nằm cách cột mốc 651 khoảng 7m đổ lại.
“Cây sấu ở cửa khẩu Sóc Giang là một trong những cây sấu đẹp nhất nước”, vị giáo sư 84 tuổi này nói.
Tại buổi lễ công nhận có sự chứng kiến của đông đảo các lãnh đạo và bà con, ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Cao Bằng, đã giới thiệu bức ảnh “Biên giới Việt Trung” do một tác giả người Pháp chụp năm 1923 trong đó có đánh dấu sự hiện diện của cây sấu.
Theo ông Hải, đây là cây thứ ba, sau hai cây nghiến tại làng Bó Bẩm (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) và cây nghiến gần 1000 năm tuổi ở xóm Lũng Túng (xã Kim Loan, huyện Hạ Lang) được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Theo ông Lê Văn Ngoãn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Cao Bằng, việc vinh danh cây sấu cố thụ cửa khẩu Sóc Giang là cây di sản Việt Nam có nhiều ý nghĩa quan trọng nâng cao nhận thức cộng đồng các dân tộc vùng biên giới về trách nhiệm của người dân trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng nói chung và việc bảo vệ giữ gìn cây cổ thụ nói riêng nhằm tăng thêm cảnh quan môi trường sinh thái khu vực cửa khẩu của địa phương.
“Bảo vệ tôn vinh cây sấu cũng chính là góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia qua các thời kỳ lịch sử, bảo vệ chăm sóc cây cổ thụ ở vùng biên giới là trách nhiệm của mọi người dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, ông Ngoãn nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, bày tỏ sự quan tâm và cám ơn Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam đồng thời yêu cầu các ngành có liên quan chăm sóc cây mãi được xanh tốt.
“Chính quyền và nhân dân sẽ ra sức giữ gìn và bảo vệ cây sấu được tồn tại và mãi trở thành niềm tự hào của quê hương Hà Quảng”, bà Phương nói.
TS Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng việc tôn vinh giá trị cây di sản sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc vùng biên giới với việc trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Mà bảo vệ môi trường chính là bảo vệ tổ quốc, giữ nguồn gene quý hiếm mà các thế hệ đã dày công vun trồng và chăm sóc.
Tham dự lễ vinh danh có đại diện lãnh đạo tỉnh, huyện, chủ tịch và các cán bộ
Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam,
các hội, ban, ngành cùng đông đảo bà con ở các bản làng đã đến
tham dự buổi lễ công nhận cây di sản Việt Nam.
Các ca sĩ của huyện, xã hát giữa núi rừng trong ngày vinh danh cây di sản Việt Nam
hướng tới ngày thị xã Bắc Cạn chính thức trở thành thành phố vào ngày mồng 6/10/2012
Bài hát “Tiếng gọi thế kỷ môi trường” ngân vang giữa núi xanh ngút ngàn với sự thể hiện
của các ca sĩ, chủ tịch Hội, chánh văn phòng, phóng viên ảnh
TS Nguyễn Ngọc Sinh trao quyết định công nhận cây di sản cho bà Nguyễn Thị Phương,
Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng và đại diện địa phương
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, tiếp nhận bằng công nhận
cây di sản từ TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam.
Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Cao Bằng,
giới thiếu với các quý vị đại biểu cùng bà con ảnh vùng biên giới Việt – Trung
trong đó có đánh dấu sự hiện diện của cây đa.
Cây sấu sừng sững dưới chân núi
Các cụ kể về cây sấu đã đi theo những năm tháng lịch sử, gắn bó với họ nhiều thế hệ nay.
Bức ảnh “Biên giới Việt Trung” do một tác giả người Pháp chụp năm 1923
trong đó có đánh dấu sự hiện diện của cây sấu
Lãnh đạo Hội và đại diện UBND huyện Hà Quảng mở bia cây di sản
Đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV2) phỏng vấn bà Nguyễn Thị Phương,
Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, dưới tán cây sấu rộng gần 1000m2
Chụp ảnh lưu niệm dưới gốc cây sấu kéo dài ra cột mốc 651
Lượt xem : 5299