Vietnamese English
Cây cổ thụ không chỉ là Di sản của người xưa để lại mà còn là minh chứng cho sự hòa quyện giữa con người với đất trời

5/23/2012 1:48:00 PM

Đây là thông điệp trong bài phát biểu của đại diện UBND xã Thiệu Lý, tại Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam ngày 13/5/2012. Website VACNE xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


 
 
Cây đa, bến nước, sân đình từ bao đời nay đã thành nét đặc trưng hiện hữu như một lẽ tự nhiên của làng quê Việt Nam, là chỗ dựa tinh thần, là cội nguồn sâu thẳm trong tâm trí của mỗi người nông dân, đắm chìm trong hương lúa ẩn chứa một nền văn hóa đã hun đúc tinh thần làm nên sức mạnh đoàn kết cộng đồng chiến thắng thiên nhiên và giặc ngoại xâm. Cây gạo làng Hổ Đàm xã Thiệu lý cũng như Cây đa tọa lạc ở các sân đình làng quê Việt Nam trải qua thăng trầm thời gian, được chứng kiến biết bao nhiêu biến cố của lịch sử, cả niềm vui, nỗi buồn của mỗi người dân nơi đây, hàng ngày vẫn tồn tại kiêu hãnh đã chính thức trở thành “Cây Di sản Việt Nam” trong sự chở che chăm sóc, trân trọng và niềm tự hào của nhân dân Thiệu Lý.
Theo “Lịch sử Đảng bộ và phong trào Cách mạng xã Thiệu Lý 1930 – 2010” thì lịch sử hình thành và phát triển của Thiệu Lý gắn liền với lịch sử phát triển của hai huyện Đông Sơn và Thiệu Hóa. Năm Thành Thái thứ 12 (1900), có sự chia lại địa giới các huyện Đông Sơn cắt hai tổng là Vận Quy, Đại Bối và một phần tổng Thạch Khê về huyện Thụy Nguyên. Năm 1928, huyện Thụy Nguyên đổi thành phủ Thiệu Hóa. Từ đó cho đến nay Cách mạng Tháng Tám các làng của Thiệu Lý gồm Mỹ Lý, Hổ Đàm và Nguyệt Lãng thuộc tổng Vận quy phủ Thiệu Hóa,  vùng đất Thiệu Lý ngày nay có cư dân đến sinh cơ lập nghiệp từ bao giờ, đó là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng Lịch sử truyền thống các làng đều ghi nhận tổ tiên của họ về đây cư trú khoảng từ 400 đến 600 năm.



Làng Hổ Đàm nằm ở phía Tây của xã Thiệu lý, giáp với Thiệu Viên, có lịch sử phát triển lâu đời. Ban đầu làng có tên là Thanh Đàm, theo Hán tự có nghĩa là “đầm nước trong xanh”, sau đổi tên là Hổ Đàm. Dân gian kể rằng: một ngày kia có con hổ từ rừng về không phá hại gì mà nằm phục đươi nghè Bà Chúa. Một thầy địa lý phán rằng: đầm làng có hình thù một con hổ, mà mắt hổ là giếng đình. Từ đó làng đổi tên là Hổ Đàm (tức là Đầm con hổ). Cho đến nhiều thế kỷ sau này, đầm Hổ Đàm với nước trong mát tỏa ngát hương sen là một thắng tích nổi tiếng ở phủ Thiệu Hóa. Phương ngôn có câu: “Gái Hậu Hiền, sen làng Hổ”.
Làng Hổ Đàm là một quần cư sống khép kín sau lũy tre; Trong làng có bốn xóm. Xóm Chau, sau này là Đàm Đông Bắc; xóm Miên nay là Đàm Trung; xóm Thịnh và xóm Ngõ Dưới nay là Đàm Nam. Cũng như các làng trong xã, nhân dân Hổ Đàm sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Đã bao đời nay, củ khoai, bắp ngô, hạt lúa, mảnh ruộng gắn chặt với thân phận của mỗi người dân. Trong khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, nhân dân Hổ Đàm đã hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, cùng cả nước lật đổ chế độ thực dân phong kiến. Từ làng quê Hổ Đàm Chi bộ Đảng Minh Quang (ngày nay là Thiệu viên, Thiệu lý, Thiệu trung) đã ra đời, nhiều người con của làng ra đi bảo vệ, xây dựng đất nước và thành đạt trên các lĩnh vực rất đáng tự hào. Trong các cuộc kháng chiến và công cuộc đổi mới ngày nay, nhân dân Hổ Đàm luôn đoàn kết, một lòng theo Đảng, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng trù phú, văn minh.
Cũng theo “Lịch sử Đảng bộ và phong trào Cách mạng xã Thiệu lý 1930-2010” Trước đây trong làng có ngôi đình to thờ thành hoàng là thần Cao Sơn, đồng thời là nơi sinh hoạt của dân làng. Trong làng còn có các đền, chùa, nghè miếu thờ người có công với làng nước hoặc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân như: Nghè Bà Chúa, Nghè Miên, nghè Nga, chua Quang Hoa Tự, Văn chỉ….
Cây gạo trước đình làng không biết do ai trồng từ bao giờ, chẳng có sử sách nào ghi được; Cũng có người phỏng đoán rằng: Cây gạo phải có cùng với làm xong đình bởi một lẽ tự nhiên là có làng rồi mới làm đình và phải làm đình xong thì người ta mới trồng cây, nếu làng có từ 400 – 600 năm thì cây cũng vậy. Ông Trịnh Xuân Doan (thường gọi Cố Đắc) mất năm 1966 thọ 102 tuổi lúc còn sống nói: Khi cụ lớn lên đã thấy cây gạo cao to như vậy rồi. Có người tự hỏi, người xưa tại sao không trồng cây đa trước đình mà lại trồng cây gạo, chắc cũng có ẩn ý gì đây… và ….



Tất cả cũng chỉ là tương truyền mà thôi; Nhưng có một điều chắc chắn rằng qua bao thăng trầm của thời gian trước nền Đình làng xưa Cây gạo đã và vẫn đang đứng đó, nó độc thân kiêu hãnh và hàng ngày tiếp tục chứng kiến sự đổi thay của làng xã trong quá trình đổi mới; cũng như Cây gạo và đình làng đã từng là nơi đón nhận nuôi dưỡng các anh thương binh thời chống Pháp, xe duyên cho các anh với các cô gái làng; Cây gạo cũng đã cùng các anh dân quân làng thời đánh Mỹ luyện tập bắn máy bay giặc và Cây gạo cũng từng chứng kiến nỗi súc động lưu luyến đưa tiễn các trai làng ra đi bảo vệ Tổ quốc … Nắng mưa, thời gian và bao nhiêu vui, buồn của dân đã làm nên một Cây gạo hôm nay sừng sững cao khoảng 40-45m; Cách mặt đất 1,3m cây có chu vi là 7m; Đường kính là 2,1m. Kể từ ngày 8 tháng 02 năm 2012 Cây gạo Làng Hổ đàm xã Thiệu lý đã chính thức được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, vừa qua khi biết tin Cây gạo được công nhận là Cây Di sản Việt Nam; Đảng ủy và chính quyền xã Thiệu lý đã có chủ trương quy hoạch, xây dựng lại khuôn viên Đình làng và bảo vệ Cây gạo Di sản Việt Nam, đến nay việc xây dựng đã cơ bản hoàn thành.
Chúng ta tự hào về Cây gạo Di sản Việt Nam không chỉ là điểm đến chiêm ngưỡng của nhiều người, là sản vật của người xưa để lại mà nó còn là minh chứng của sự tồn tại hòa quyện giữa con người với cỏ cây và đất trời trong tự nhiên. Việc Cây gạo làng Hổ đàm xã Thiệu lý được vinh danh Cây Di sản Việt Nam không chỉ là niềm vui lớn, niềm tự hào của một làng quê, mà còn là vinh dự của cán bộ và nhân dân xã Thiệu lý; Song đây cũng là trách nhiệm cao cả trong việc gìn giữ, bảo tồn và chăm sóc cây để nó mãi trường tồn với thời gian, với khuôn viên của đình làng xưa, là nơi để nhắc nhở mọi người trong cộng đồng làng xã hôm nay sống phải có nhân nghĩa, có niềm tin, biết tự hào về cội nguồn mà phát huy truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc giúp đỡ nhau, trân trọng tình làng nghĩa xóm, làm nhiều điều thiện, tránh điều ác; Đồng thời cũng là điểm tựa tinh thần, nơi đi về thỏa nỗi niềm hoài niệm của những người con xa quê.
Hôm nay chúng ta đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam trong điều kiện các thành quả trong công cuộc đổi mới đã làm cho bộ mặt làng quê không ngừng đổi thay, cuộc sống vật chất ngày càng đầy đủ, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn không còn xa; Nhưng trong các hoạt động hàng ngày do chưa ý thức được đầy đủ mà một số người đã có những việc làm gây tổn hại đến thiên nhiên và môi trường, phá vỡ sự cân bằng sinh thái làm cho cuộc sống phát triển thiếu sự bền vững; Cây Di sản Việt Nam còn như là một thông điệp cho mỗi chúng ta hãy đoàn kết, chung tay góp sức để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ chính môi trường mà chúng ta đang sống.
Cây Di sản như muốn nói với chúng ta rằng: Mỗi ngày mới đến hãy suy nghĩ và tự mình làm một việc nhỏ nhất như thu gom xử lý lượng rác thải sinh hoạt của gia đình mình và nhắc nhau đừng thải các chất bẩn ra môi trường xung quanh đó là đã làm một việc tốt, là hành động tự bảo vệ chính mình. Mỗi chúng ta hãy sống tốt cho môi trường là sống tốt cho chính mình; Đây cũng chính là nỗi niềm mà các Nhà khoa học của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam muốn nhắn gửi đến mỗi người khi công nhận cây gạo của địa phương chúng ta là Cây Di sản Việt Nam.
 
 

Lượt xem : 1806