Cần thống nhất cách hiểu và làm rõ nội hàm của thuật ngữ “sự cố môi trường”
11/30/2022 8:21:00 AM
(VACNE, 30/11) - Trong văn bản pháp luật hiện nay (Điều 3 khoản 14, Luật BVMT-2020) giải thích rằng: "Sự cố gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng” thì mới được coi là “sự cố môi trường”. Song không nêu rõ: sự cố tới mức nào là nghiêm trọng (?), cách đánh giá và đánh giá vào thời điểm nào?. Hơn nữa, ai là người có quyền đưa ra quyết định và buộc xã hội phải công nhận: đó là “sự cố môi trường”. Đây chính là sự bất cập, lỗ hổng về pháp lý tồn tại nhiều năm qua.
Để giải quyết được vướng mắc này, cá nhân tôi đề xuất hiểu theo hướng “sự cố môi trường” là sự cố gây ảnh hưởng, hậu quả xấu tới sức khỏe con người, môi trường, tài sản. Còn nghiêm trọng đến đâu thì sẽ rất khó đưa ra và rất cần thống nhất về tiêu chí, phân chia mức độ. Nhất là những căn cứ theo tiêu chí phân vùng hành chính mà sự cố gây ảnh hưởng. Ví dụ: Nếu sự cố chỉ xảy ra ở trong phạm vi của cơ sở thì là “sự cố môi trường cấp cơ sở”, ở phạm vi lan rộng hơn thì sẽ là “sự cố môi trường cấp huyện”, “sự cố môi trường cấp tỉnh”, “sự cố môi trường cấp liên tỉnh”.
Nếu sự cố môi trường xảy ra bao gồm nhiều sự cố đồng thời hoặc kế tiếp nhau do các tác nhân khác nhau, hoặc sự cố này là nguyên nhân gây ra sự cố khác thì gọi là sự cố môi trường hỗn hợp, đồng thời nêu rõ phạm vi ảnh hưởng (mức độ nghiêm trọng). Ví dụ: Sự cố tại Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông là “sự cố môi trường hỗn hợp cấp thành phố”.
Nếu xác định được sự cố môi trường do tác nhân nào gây ra thì nêu rõ tác nhân đó, đồng thời cũng chỉ rõ phạm vi ảnh hưởng. Ví dụ: Sự cố tại Nhà máy nước sạch Sông Đà là “sự cố môi trường do dầu thải cấp liên tỉnh”; Sự cố tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh là “sự cố môi trường do chất thải cấp liên tỉnh”.
- Với cách hiểu mới về “sự cố môi trường” như đề xuất, chúng ta sẽ giải quyết được các vướng mắc tồn tại lâu nay. Cụ thể:
+ Xác định rõ trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy ứng phó sự cố của từng cấp:
Khi xảy ra “sự cố môi trường cấp cơ sở”, cơ sở không có đủ khả năng ứng cứu xử lý sẽ kích hoạt kế hoạch ứng phó “sự cố môi trường cấp huyện”.
Nguồn lực cấp huyện không đủ năng lực sẽ kích hoạt kế hoạch ứng phó “sự cố môi trường cấp tỉnh”.
Nguồn lực cấp tỉnh không đủ năng lực sẽ kích hoạt kế hoạch ứng phó “sự cố môi trường cấp liên tỉnh”.
+ Xác định rõ trách nhiệm pháp lý của từng cấp khi xảy ra sự cố thực tế:
Nguồn lực của Cơ sở không ứng cứu được sự cố: Trách nhiệm thuộc về Cơ sở.
Nguồn lực của cấp huyện không ứng cứu được khi Cơ sở yêu cầu hỗ trợ: Trách nhiệm thuộc về cấp huyện không quản lý tốt các cơ sở trên địa bàn quản lý, không bố trí nguồn lực theo kế hoạch.
Nguồn lực của cấp tỉnh không ứng cứu được khi cấp huyện yêu cầu hỗ trợ: Trách nhiệm thuộc về cấp tỉnh không quản lý tốt các huyện trên địa bàn tỉnh, không bố trí nguồn lực theo kế hoạch
.2. Xác định lại rõ trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy, phối hợp lực lượng, huy động nguồn lực, tổ chức hoạt động ứng phó sự cố môi trường của cá nhân/tổ chức cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp liên tỉnh (quốc gia)
.3. Kiện toàn Ban chỉ đạo, ban chỉ huy ứng phó sự cố môi trường các cấp, cần phải có những thành viên có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm thực tế trong ứng phó từng loại sự cố môi trường để đảm bảo đủ năng lực chỉ đạo, chỉ huy chính xác, kịp thời, hiệu quả. /.
Phạm Văn Sơn
Tổng thư kí VACNE, Giám đốc điều hành Trung tâm SOS
Lượt xem : 1606