Vietnamese English
Cái lò xo

11/8/2010 9:49:00 AM

Khoảng mươi năm lại đây, người Việt Nam ta ngày càng quen với các sự kiện môi trường quốc tế.

 


CÁI LÒ XO
 
 Nguyễn Ngọc Sinh, VACNE
 
 
Khoảng mươi năm lại đây, người Việt Nam ta ngày càng quen với các sự kiện môi trường quốc tế. Thử nhớ lại các Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc mà xem. Chẳng hạn, Hội nghị RIO Môi trường và Phát triển năm 1992, Hội nghị Thiên niên kỷ năm 2000, Hội nghị Joha Phát triển bền vững năm 2002, rồi Hội nghị Copenhaghen tuy vẫn được hiểu lầm là Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu năm 2009. Các thế hệ U60 trở lên ít được biết hơn. Chẳng hạn, Hội nghị Môi trường và Con người ở Stockholm tháng 6 năm 1972 mãi sau này tôi mới biết. Sự thật là hồi đó các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) tẩy chay Hội nghị Stockholm vì Ban tổ chức không cho nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Đức, một nước XHCN tham dự. Thay vào đó, các nước XHCN tổ chức một hội nghị quốc tế sớm hơn, vào tháng 3/1972 ở Praha, gọi là Hội nghị Chủ nghĩa Mác và vấn đề môi trường. Tôi hỏi những người quan tâm về việc này, hầu như không ai biết. Cũng may sau đó, ở Liên Xô có khá nhiều ấn phẩm về môi trường. Nhiều bài báo tiếng Nga về môi trường dịch ra tiếng Việt. Rồi Tạp chí Tin tức hoạt động khoa học của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước mở chuyên mục Bảo vệ môi trường (khi đó còn thêm cả từ “sống”) năm 1975.
 
Năm 1975 tại Nga xuất bản một cuốn sách về cảnh quan học. Thoạt nhìn không liên quan nhiều lắm đến môi trường, nhưng thực tế lại là cuốn sách về môi trường. Cuốn sách nhanh chóng được dịch ra tiếng Việt (hồi đó chẳng xin phép ai), được sử dụng làm tài liệu cho nhiều người nghiên cứu, trong đó có tôi. Đến năm 1983, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản. Thời đó được xuất bản một cuốn sách ở Nhà xuất bản này là may mắn lắm. Cũng phải khen thay cho biên tập viên và Nhà xuất bản. Tôi bị cuốn sách này thôi miên ngay từ đầu.
 
Cứ mỗi lần, gặp khó khăn về kiến thức, hay bị trở ngại về hoạt động môi trường, tôi lại lấy sách ra đọc để tìm động lực. Mà khó khăn và trở ngại này thì nhiều lắm, có thể nói là câu chuyện thường ngày. Sách gì mà hay vậy, mà có tác dụng như một động lực vậy? Tôi sẽ không nói tên cụ thể, nhưng tôi xin trích ra đây nguyên văn những đoạn mà tôi ấn tượng nhất. Bây giờ thì các giáo sư, tiến sỹ, cử nhân và thậm chí nhiều người bình thường cũng hiểu được những thông tin, những kiến thức này rồi. Nhưng hãy nhớ, đây là những chuyện của 35 năm trước, chuyện về Cái Lò xo (là do tôi đặt tên).
 

… Thiên nhiên phản ứng như thế nào đối với những biến đổi nhân sinh? Cũng giống như đối với bất kỳ biến đổi tự nhiên nào thôi.
… Nhưng, cùng với các hành động của con người đã được “vũ trang” và ngày càng trở nên mạnh mẽ, thiên nhiên bắt đầu “đàn hồi”. Động vật và thực vật rút vào đơn điệu, hoặc là bị máy móc hóa, các con sông tuy vẫn cùng lưu lượng, nhưng phải chảy vào các kênh định sẵn hoặc tích nước vào hồ chứa,… Nhưng nếu con người phạm sai lầm hoặc mải mê tiêu diệt lẫn nhau thì y như rằng, các vật mà họ dựng lên sẽ quay về như cũ: rừng rậm lấn chiếm thành phố, sông ngòi phá vỡ đê điều, kênh mương bắt đầu uốn khúc… Tính đàn hồi của thiên nhiên và xu thế quay lại trạng thái tự nhiên của nó thật đáng kinh ngạc.
…Xuất hiện từ cốt lõi của thiên nhiên, là con đẻ của thiên nhiên, lẽ ra con người phải biết bảo vệ các nhu cầu của thiên nhiên, tuân thủ các định luật của thiên nhiên. Rất tiếc rằng điều đó đã không xảy ra như vậy. Con người luôn muốn xáo trộn một cái gì đó trong tự nhiên, và họ tiêu diệt nó, luôn cần một cái gì đó, và họ khai thác nó… Trong đại bộ phận trường hợp, con người đã hành động theo các nhu cầu riêng, các đòi hỏi có tính chất địa phương và nhất thời. Bổ sung vào các nhu cầu thực tế này là lòng tham, tính tàn nhẫn, sự thô bạo và thói thèm khát phá phách của con người.
… Bất kỳ cái lò xo nào cũng có giới hạn đàn hồi. Nếu vượt quá ứng lực của nó, nó sẽ đứt và tan thành từng mảnh. Thiên nhiên cũng vậy, nó là một cái lò xo. Những hành động thiển cận, nông nổi của con người, sớm hay muộn cũng sẽ tác động xấu lên chính bản thân họ.
Tôi xin hỏi: có phải đúng như vậy không, quý vị?



 

Lượt xem : 6042