Biến rác thải thành chất tẩy rửa thân thiện môi trường
12/1/2016 9:52:00 AM
(VACNE) - Người thực nghiệm thành công ý tưởng sản xuất chế phẩm tẩy rửa từ rác thải hữu cơ là chị Trịnh Thị Hồng, trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng. Chị cũng bật mí cho biết thêm: đang tiến tới hoàn chỉnh công nghệ chế biến rác thải (hoa héo, quả dập nát) thành mỹ phẩm làm đẹp cho con người.
Có lẽ xuất thân trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ, lại tiếp tục bị mồ côi mẹ khi mới 1 tháng 8 ngày tuổi và sau đó được các cô chú bộ đội nuôi dưỡng, được những người dân quê vùng Tiên Lãnh (Tiên Phước - Quảng Nam) chở che đùm bọc, nên cô bé Trịnh Thị Hồng sớm hình thành tư chất thông minh cùng bản tính lương thiện. Chị Hồng thật thà chia sẻ: mình chưa từng qua một lớp chuyên sâu nào về Hóa hữu cơ, hoặc Vi sinh. Học hết PTTH, chị chuyển sang học nghề Tài chính Kế toán. Kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, để chị làm ra những sản phẩm hôm nay, là nhờ những năm tháng học hỏi, sự chỉ bảo ân cần của các thầy, các cô trường K90 ở tỉnh Hưng Yên, trong các trường nội trú Tam Kỳ, Chu Lai và đặc biệt là các đồng nghiệp, các cô bác ở xí nghiệp Dược Đà Nẵng.
Sinh ra tại một huyện nghèo và bị chiến tranh cướp đi những người thân yêu nhất từ khi còn thơ dại, chính chị cũng không ngờ rằng có thể trở thành một giám đốc công ty chế biến rác thải thành chế phẩm sinh học và có thể hỗ trợ cho nhiều người có việc làm, tăng thu nhập. Chị Hồng cho biết thêm: nguyên nhân nảy sinh ý tưởng này bắt nguồn từ sự cố hỏng xe chở rác, gây hôi thối cho cả khu dân cư cách đây gần 4 năm. Chỉ mong tìm ra giải pháp hạn chế bớt ô nhiễm môi trường từ nguồn rác thải hữu cơ, nên chị đã mò mẫm nghiên cứu thử nghiệm sản xuất nước rửa sàn nhà và nước rửa chén, bát. Lúc ấy, chị rất say mê, bỏ qua mọi lời đàm tiếu của những người xung quanh, kể cả sự nghi ngại thất bại của chồng và các con.
Một số người không còn tin vào mắt mình, khi nhìn thấy vợ một ông Đại tá Công an của thành phố (chị Hồng) thường ra chợ vào cuối buổi, để nhặt nhạnh những bông hoa gãy nát, khô héo và những vỏ củ quả bỏ đi…đem về nhà để “nghiên cứu”. Nguồn “rác thải” sau khi được rửa sạch, được đưa vào thùng nhựa ủ với nước đường (với công thức đơn giản: 5kg đường/ thùng dung tích 220 lít). Cứ 5 ngày “rác thải” được đảo trộn 1 lần và sau 30 ngày thì gạn lấy nước chua lên men, đồng thời loại bỏ bã để làm phân bón. Nước thu được sau quá trình lên men, được đưa lên hệ thống tháp lọc để loại tạp chất và điều chỉnh độ pH từ 3->8 (giảm a xít), sau đó trộn dầu dừa cho ra thành phẩm.
Ngoài khả năng sản xuất ra chế phẩm sinh học: nước rửa chén (bát) và nước lau nhà, có nhiều đặc tính ưu việt như: khả năng tẩy sạch bề mặt cao, khử mùi, thông cống, không kích ứng da tay và thâm thiện với môi trường (có thể dùng để tưới cây làm tăng độ mùn cho đất giúp cây phát triển tốt), cơ sở chế biến rác thải của chị Hồng còn tạo ra nhiều việc làm cho người dân và góp phần xóa đói giàm nghèo. Hiện nay, chị đang tạo việc làm cho 126 hộ gia đình, với thu nhập trung bình 2,4 triệu đồng/ tháng, bằng cách hướng dẫn kỹ thuật và thu mua bán thành phẩm.
Vì thế, cuối năm 2015, các Sở: KH&CN, Y Tế, TN&MT và Hội LHPN thành phố Đà Nẵng…đã hỗ trợ và tạo điều kiện để chị thành lập doanh nghiệp, đầu tư thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa…
Mặc dù chưa có mặt bằng nhà xưởng, nhưng bằng cách liên kết sản xuất và lắp đặt thiết bị tại nhà, nhưng mỗi tháng Công ty sản xuất Chế phẩm sinh học của chị Trịnh Thị Hồng đã thu gom và xử lý được hơn 90 tấn rác thải hữu cơ thực vật ; đồng thời cho ra đời hơn 6.000 chai nước rửa chén và nước lau nhà. Những sản phẩm này không chỉ thân thiện với môi trường, được người tiêu dùng ưa chuộng vì chất lượng cao, giá thành rẻ, mà điều quan trọng hơn là nó đang mở ra một hướng mới cho quy trình sản xuất mỹ phẩm (kem tẩy trắng da) ./.
Danh Trường
Lượt xem : 2181