Bảy cây Đại và cây Thị cổ thụ nhất Việt Nam ở Phú Thọ được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam
5/23/2012 6:27:00 AM
Đó là 7 cây hoa Đại cổ thụ ở chùa Thiên sinh Bà Nhan và cây Thị nghìn tuổi trước miếu thờ Đức thánh Tản Viên, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam vào sáng 22/5/2012.
Tới dự buổi lễ trọng thể này, có đông đảo các nhà khoa học, các vị lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường tỉnh Phú Thọ, huyện Tam Nông, cùng các vị đại diện các ban ngành, đoàn thể và nhân dân xã Dị Nậu.
Tới chúc mừng và chia vui với người dân địa phương còn có đại diện các xã, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong vùng.
Thay mặt BCH Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, PGS.TS Phạm Bình Quyền đọc Quyết định; GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh trao Bằng Chứng nhận Cây Di sản Việt Nam cho 7 cây hoa Đại cổ thụ và cây Thị nghìn năm tuổi.
Các ông Phạm Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy; Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND và Nguyễn Kim Minh, Phó Chủ tịch UBND xã, thay mặt chính quyền và nhân dân địa phương đón nhận Quyết định và Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam; bày tỏ sự biết ơn trước sự quan tâm của Hội BVTN&MT Việt Nam và các đơn vị chức năng; đồng thời hứa sẽ chỉ đạo nhân dân làm tốt hơn công tác bảo vệ cây cổ thụ và bảo vệ môi trường.
Ông Cao Văn Mỹ, Phó Bí thư thường trực huyện ủy, thay mặt Đảng ủy, UBND và MTTQ huyệnTam Nông tặng hoa chúc mừng cán bộ, nhân dân Di Nậu – xã đầu tiên của huyện được đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo, ông Hán Bình Hồng, Thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện đã khẳng định: Đây là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn , tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa của huyện Tam Nông. Hệ thống cây cổ thụ là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Việc bảo tồn và lập hồ sơ công nhận Cây Di sản Việt Nam đang là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách.
Ông Phó chủ tịch huyện đã chỉ đạo cán bộ và nhân dân xã Dị Nậu cần làm tốt 4 công việc cụ thể, trong đó có việc gắn liền công tác bảo vệ và chăm sóc Cây Di sản với quy hoạch phát triển nông thôn, đẩy mạnh tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, nhất là Thanh Thiếu niên về mục tiêu, cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc của hoạt động này.
Ông yêu cầu lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân các xã trong huyện quan tâm hơn nữa tới sự kiện này, để hàng năm có kế hoạch hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Hội BVTN&MT Việt Nam công nhận thêm cây cổ thụ trên địa bàn là Cây Di sản Việt Nam.
Ngay sau đó, UBND xã Dị Nậu đã công bố Quyết định thành lập Ban quản lý Di tích lịch sử và Cây di sản, với các thành viên là các vị đứng đầu các khu dân cư, Hội viên Hội người cao tuổi và Mặt trận tổ quốc, để phát huy sức mạnh cộng đồng trong việc chăm sóc bảo vệ Cây Di sản, bảo vệ môi trường.
Tới dự Lễ vinh danh và cùng các vị lãnh đạo mở bia đá Cây Di sản Việt Nam ở xã Di Nậu còn có Tiến sĩ Bùi Phúc Khánh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, cùng đông đảo các cơ quan chức năng và một số phóng viên báo chí của địa phương./.
Văn phòng VACNE
Lượt xem : 2244