Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, phía Bắc Thanh Hóa tiếp tục có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 11-13. Các nơi khác thuộc vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Đặc biệt lưu ý, vùng ven biển từ Nam Quảng Ninh đến Nam Định có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành
áp thấp nhiệt đới trên khu vực thượng Lào – theo Vietnamnet.
Mua sắm thiết bị giám sát và quản lý môi trường gần 1,3 triệu USD
Công ty TNHH Thương mại vật tư khoa học kỹ thuật (TRAMAT CO., LTD.) vừa trúng Gói thầu “Thiết bị hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường phục vụ giám sát và quản lý môi trường” (PR.04/PEME/PCU) trị giá gần 1,3 triệu USD. Gói thầu nêu trên thuộc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự
phát triển bền vững (CRSD). Dự án sử dụng nguồn vốn vay của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB). Ban Quản lý trung ương dự án CRSD làm bên mời thầu, loại hợp đồng là trọn gói, thực hiện trong 120 ngày.
Theo thông tin nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Công ty TNHH Thương mại vật tư khoa học kỹ thuật có địa chỉ tại số 12 phố Hàng Đường, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Công ty hoạt động theo mô hình công ty TNHH với số vốn điều lệ là 60 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là buôn bán vật tư, máy móc, trang thiết bị khoa học kỹ thuật phục vụ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực: y tế, hóa học, vật tư, tự động hóa, tin học, điện tử, viễn thông, đo lường,
tài nguyên môi trường – theo Baodauthau.
Hà Lan hỗ trợ Ninh Thuận xây hệ thống xử lý, tái sử dụng nước thải
Ngày 18/8, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh và Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh Simon Van Der Burg đã ký thỏa thuận "Xây dựng Hệ thống thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải cho thành phố Phan Rang-Tháp Chàm" do Chính phủ Hà Lan tài trợ. Dự án nhằm cải thiện điều kiện môi trường thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; đấu nối và thu gom
nước thải cho khoảng 14.200 hộ dân (109.000 khẩu) và 300 doanh nghiệp; đồng thời, tái tạo và cung cấp 70% công suất nước tưới cho nông nghiệp – theo VietnamPlus.
Quy mô dự án bao gồm: 1 nhà máy công suất 10.000 mét khối/ngày/đêm và đường ống dài 111,2 km. Tổng mức đầu tư dự án là 23,1 triệu euro (623 tỷ đồng), trong đó Hà Lan tài trợ không hoàn lại là 6,32 triệu euro (172 tỷ đồng); thời gian triển khai vào cuối năm 2016 và thời gian vận hành và bảo dưỡng từ năm 2020. Tại lễ ký kết, ông Simon Van Der Burg, Tổng Lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc xây dựng hệ thống hoàn chỉnh bao gồm thu gom xử lý nước thải ra từ các hộ gia đình sẽ giúp người dân cải thiện cuộc sống, giảm thiểu tác động môi trường từ nguồn nước thải; sử dụng nguồn nước thải phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giải quyết
ô nhiễm môi trường cho cộng đồng.
Ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày 18/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố thực hiện ký kết chương trình phối hợp
bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Chương trình phối hợp được ký kết lần này là cam kết bước đầu cho những việc làm cụ thể về sau trong từng tôn giáo và tại từng địa bàn dân cư có đồng bào tín hữu tôn giáo;
Các tôn giáo sẽ tùy thuộc vào đặc điểm tình hình của tôn giáo mình, của từng địa bàn khu dân cư mà có những việc làm cụ thể, xây dựng những mô hình và phong trào thiết thực với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các ban ngành chức năng tại địa phương nhằm nâng cao ý thức của người dân tiến tới xây dựng từng địa bàn khu dân cư trở nên xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn và thân thiện, hài hòa với môi trường, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng thành một thành phố văn minh, hiện đại,
thành phố môi trường, trong lành và sống tốt – theo CATP Đà Nẵng.
Hải Phòng yêu cầu lắp một số camera để quan sát môi trường
Trong ngày làm việc 17/8, HĐND thành phố Hải Phòng lựa chọn 5 lĩnh vực y tế, tài nguyên môi trường, kế hoạch đầu tư, tài chính và nông nghiệp để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Kéo dài thời gian nhất là vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường hiện nay trách nhiệm chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra lạc hậu; số lượng đơn vị cấp phép xả thải thấp. Sở Tài nguyên và Môi trường còn thụ động trong kiểm soát chất thải và ô nhiễm; chậm trong cấp phép xả thải, hậu kiểm về môi trường còn yếu kém. Bên cạnh đó, ý thức của chủ cơ sở sản xuất còn thấp; chưa công khai kết quả quan trắc môi trường.
Về giải pháp, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng đề nghị thành phố cho phép lắp đặt một số máy camera, hệ thống quan sát tự động tại một số điểm nóng để phát hiện, xử lý; kiện toàn bộ máy thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đối với việc thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư đã đưa ra một số giải pháp và nêu lên một ràng buộc mà muốn tiếp cận vốn từ nước ngoài, các doanh nghiệp cần chú ý đến đó là vấn đề môi trường – theo VOV.
Lập ngân hàng lưu trữ những "mẫu băng di sản" của thế giới
Một nhóm các nhà băng hà học quốc tế đang tiến hành lấy những mẫu “băng di sản” tại núi Mont Blanc (núi cao nhất Tây Âu), nhằm thành lập một ngân hàng lưu trữ mẫu băng thế giới cất giữ tại Nam Cực, phục vụ cho các chương trình nghiên cứu khoa học trong tương lai. Việc khoan băng để lấy mẫu đã bắt đầu được tiến hành từ ngày 15/8 và sẽ kết thúc vào đầu tháng 9 tới. Các nhà khoa học sẽ trích xuất một khối băng có độ dài 130m trong khối núi có tên Col de Dome, ở độ cao 4.300m. Mẫu băng sẽ được gửi tới Nam Cực để lưu giữ ở nhiệt độ âm 54 độ C, trong những điều kiện tránh các tác động của hiện tượng nóng lên của Trái đất – theo VietnamPlus.
Hiện tượng nóng lên của Trái đất tác động lớn tới các vùng băng hà, nơi chứa đựng những cơ sở dữ liệu về khí hậu và môi trường. Vì vậy chúng ta phải kịp thời lưu giữ những mẫu băng cho tương lai, theo giải thích của ông Jerome Chappellaz, Giám đốc nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm băng hà học và địa vật lý môi trường tại Trường đại học Grenoble Alpes (Pháp). Việc lấy mẫu băng tới đây dự định sẽ diễn ra tại Bolivia, tại một trong các đỉnh núi cao nhất của quốc gia này, Illimani, ở độ cao 6.300m, mẫu băng này sẽ cho những thông tin liên quan tới “thời kỳ lạnh giá” gần đây nhất mà Trái đất từng biết, cách đây 20.000 năm. Ở cấp độ khoa học, có 24 quốc gia tham dự vào dự án lấy mẫu băng, và việc quản lý cơ sở lưu trữ các mẫu băng tại Nam Cực vẫn còn đang trong giai đoạn thiết lập, có thể sẽ đặt dưới sự bảo trợ của UNESCO hoặc Chương trình môi trường của Liên hợp quốc.