Vietnamese English
Bão số 3 có xu hướng mạnh lên hướng vào Hà Nội

8/18/2016 10:58:00 AM

Sáng sớm nay, bão số 3 bắt đầu tăng tốc và có xu hướng mạnh lên. Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh đồng bằng như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam... được dự báo sẽ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9-10 – tương đương hoặc mạnh hơn cơn bão số 1 vừa qua. Các tỉnh khác ở Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7.

Trong đêm bão số 3 (bão Thần Sét – Dianmu) hầu như ít dịch chuyển. Lúc 4h sáng nay, bão vẫn nằm trên vùng biển phía Tây tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11-12. Tuy nhiên bão hiện đang tăng tốc, mỗi giờ đi được 10-15km theo hướng Tây (trước đó là Tây Tây Nam) và dự kiến sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ trong ngày hôm nay với cường độ gió cấp 9-10, giật cấp 11-13 và tiếp tục mạnh them – theo Vietnamnet.


Trong 24-36 giờ tới, bão sẽ tiếp tục tăng tốc lên 15-20km/h theo hướng Tây và tiếp tục mạnh thêm trước khi đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh – Nghệ An vào sáng mai (19/8) với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13-14 sau đó sẽ đi sâu vào đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó trọng tâm bão có thể rơi vào Hải Phòng – Nam Định. Mưa lớn sẽ diễn ra dồn dập từ tối nay đến sáng 20/8 trên khắp khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 500mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét và ngập úng diện rộng là rất cao trên toàn miền Bắc. Đặc biệt các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cần đặc biệt lưu ý nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất ở.

Việt Nam có thể mất một số bãi biển vì nước biển dâng

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đã khiến một số bãi biển, khu du lịch như ở Hội An, Kiên Giang bị thu hẹp và có thể biến mất trong tương lai. Đây là kết quả phân tích và nghiên cứu của các nhà khoa học, được đề cập tại hội nghị Việt Nam hướng đến du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu, ngày 17/8. Giáo sư Peter Burns, chuyên gia quốc tế về du lịch đã dẫn chứng hình ảnh chụp từ Google Earth, cho thấy sự thay đổi sau 10 năm (2004-2014) của bờ biển tại Hội An do nước biển dâng. Theo đó, nước biển ăn sâu vào đất liền mỗi năm đến cả 10 mét không chỉ khiến các bãi cát bị thu hẹp dần, mà nhiều khu nghỉ dưỡng tại đây bị tàn phá nghiêm trọng – theo VnExpress.

Vùng biển, khu du lịch ở Vũng Tàu, Kiên Giang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các chuyên gia nhấn mạnh xói lở sâu vào đất liền còn làm hư hại các di sản văn hóa, khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái... Một số cơ sở hạ tầng du lịch có thể bị ngập, buộc phải di chuyển hoặc bị đình trệ kinh doanh, làm tăng chi phí cho việc cải tạo, di chuyển và bảo trì. Để ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ông Peter đã chỉ ra ngành du lịch cần định ra các chính sách mới, quyết liệt, nhất quán và triển khai thực hành kinh doanh “xanh”, gắn du lịch với các hành động bảo vệ môi trường và khí hậu. Nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó đối với du lịch, Dự án EU-ESRT* đã giới thiệu bộ tài liệu “Hướng dẫn thực hành tốt về phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam”. Trong đó, nhấn mạnh đến sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và khách du lịch.

TPHCM: Gần 50% mẫu nước giếng “nhiễm bẩn”

Để giám sát, kịp thời đưa ra những cảnh báo liên quan đến chất lượng nguồn nước trên địa bàn thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm Y tế Dự phòng đã thực hiện lấy 152 mẫu nước giếng tại 12 quận - huyện ngoại thành mang đi kiểm nghiệm. Kết quả kiểm tra được công bố ngày 17/8 cho thấy, có tới gần 50% số mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cụ thể, trong số 152 mẫu có 71 mẫu nước (gần 47%) không đạt các chỉ tiêu màu sắc, mùi vị, hàm lượng amoni... 4 mẫu (gần 3%) không đạt chỉ tiêu Coliform tổng số và E.coli. Tổng cộng 75 mẫu (trên 49%) không đạt các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh. Ngoài ra, nước giếng tại đa số hộ dân không đạt các chỉ tiêu pH, hàm lượng amoni, hàm lượng sắt.

Cùng với hoạt động giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, các trung tâm y tế dự phòng quận/huyện cũng đã lấy 606 mẫu nước máy tại các chung cư trên địa bàn để xét nghiệm 13 chỉ tiêu hóa lý, vi sinh thì ghi nhận 31 mẫu (chiếm hơn 5%) không đạt chất lượng. Nguồn nước giếng tại TPHCM không đảm bảo chất lượng các chỉ số vi sinh, hóa lý có thể gây bệnh cho người sử dụng là vấn đề đã được các chuyên gia y tế cảnh báo lâu nay. Đưa nguồn nước máy của thủy cục đến với các quận huyện vùng ven để đảm bảo chất lượng, sự an toàn của nguồn nước sinh hoạt sẽ là giải pháp hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cộng đồng – theo Dân Trí.

Yêu cầu báo cáo Thủ tướng kết quả điều tra vụ phá rừng pơmu

Tiếp theo văn bản số 6067/VPCP-KTN ngày 21/7/2016 về việc phá rừng pơ mu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả điều tra, xử lý vụ việc phá rừng, khai thác gỗ pơmu trái phép tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trước ngày 25/8 tới. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam điều tra, làm rõ vụ việc phá rừng tự nhiên pơmu tại tiểu khu 351 thuộc khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Như VietnamPlus đã đưa, vào ngày 9/7 vừa qua, trong lúc đi rừng, người dân xã La Dêê phát hiện 280 phách gỗ pơmu (28 khối) đã được cưa xẻ, giấu cách Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc, thuộc Đồn Biên phòng La Dêê, khoảng 500m nên trình báo chính quyền. Khu vực này thuộc vành đai biên giới, cách Lào khoảng 100m. Sau khi khởi tố vụ án, ngày 16/7 vừa qua, Công an huyện Nam Giang đã phát hiện 115 phách gỗ pơmu (8,2 khối) bị giấu ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang và lực lượng hải quan không lý giải được về nguồn gốc số gỗ này. Tối cùng ngày, Công an huyện Nam Giang tiếp tục thu giữ 25 phách (gần 1,2 khối) giấu tại một nhà dân cũng gần khu vực cửa khẩu này.

Cá heo ở Rio sắp tuyệt chủng vì nước bị ô nhiễm nghiêm trọng

Các nhà khoa học cảnh báo rằng, loài vật biểu tượng của thành phố Rio de Janeiro có thể biến mất khỏi vịnh Guanabara chỉ trong vài năm nữa nếu tình trạng ô nhiễm không được cải thiện. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng ở Rio, Brazil, đang đẩy loài cá heo ở đây đến bên bờ tuyệt chủng khi chỉ còn 34 cá thể còn sót lại so với con số 400 váo thập niên 1980 – theo Tinhhoa.

Không giống như các loài khác, cá heo Guiana không di chuyển hoặc rời khỏi môi trường sống của nó để tìm kiếm một ngôi nhà mới khi bị đe dọa bởi sự tăng trưởng và phát triển con người. Do đó, người ta thường xuyên phát hiện xác cá heo. Tại Rio, cửa ngõ du lịch chính của Brazil, vấn đề xử lý nước thải đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua. Kể từ năm 1970, các cuộc di cư từ nông thôn lên thành thị đã khiến vấn đề ô nhiễm nước thải tại các thành phố lớn như Rio thêm tồi tệ. Khi mà quy mô của các thành phố đã tăng quá cao.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 1931