Vietnamese English
Báo Nhân Dân: Bảo tồn Cây Di sản góp phần phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

6/5/2012 6:31:00 AM

Bảo tồn Cây Di sản tức là trực tiếp bảo tồn được nguồn gien đa dạng sinh học, cái vốn quý nhất của sự sống. Thông qua sự kiện này, ý thức bảo vệ môi trường của mọi tầng lớp nhân dân được nâng cao một cách rõ rệt, từ đó tiếp thu và phát triển nếp sống hài hòa gắn bó với thiên nhiên của ông cha, xây dựng các hành vi ứng xử với môi trường phù hợp.





Lễ công nhận cây nghiến ở Pác Bó (Cao Bằng) là Cây Di sản Việt Nam
 
 
Ngày Môi trường Thế giới năm nay với thông điệp "Kinh tế Xanh: có vai trò của bạn" diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của Trái đất về phát triển bền vững (RIO +20) Rio de Jenero của Bra-xin, nơi trước đây 20 năm đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về môi trường và phát triển.
 

Theo Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP), kinh tế xanh mang lại phúc lợi cho con người, công bằng cho xã hội, giảm những rủi ro về môi trường và sự đơn điệu về sinh học. Nền kinh tế xanh, khác với kinh tế "nâu" trước đây, là nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên thiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Theo cách hiểu này, kinh tế xanh, hay xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa loài người đến đích của phát triển bền vững. Muốn vậy, mỗi quốc gia phải nghiên cứu chuyển đổi mô hình và phương thức phát triển kinh tế cho phù hợp và phải có sự điều chỉnh kết cấu kinh tế.
 

Theo ý kiến của nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế, trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế xanh của Việt Nam, vai trò của khu vực tư nhân cần được đánh giá đúng mức, chú trọng đầy đủ. Những ý kiến đóng góp đều cho rằng, cần phải nhìn nhận và đánh giá cao hơn về tầm quan trọng của khu vực tư nhân, kể cả các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự vì nếu không có sự tham gia và đầu tư của khu vực này thì không thể thật sự bước vào con đường tăng trưởng xanh, không thể áp dụng sản xuất sạch hơn, cung cấp năng lượng xanh và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
 

Hiểu được kinh tế xanh và định hướng chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đã khó, nhưng làm thế nào để xác định được trách nhiệm của từng đối tượng đối với vấn đề này còn khó hơn. Chính vì lẽ đó, thông điệp của Ngày Môi trường Thế giới năm nay nhấn mạnh vế thứ hai của vấn đề: "có vai  trò của bạn". "Bạn" ở đây là mỗi một con người, như một cá thể, nhiều con người trong cùng một tổ chức, một ngành, một vùng, một quốc gia và cả nhân loại. Trong số các tổ chức đó ở Việt Nam có Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE).
 

Ðược thành lập từ năm 1988, gần 25 năm qua, VACNE đã tiến hành thành công nhiều hoạt động quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước. Với hơn 160 hội viên tập thể và hàng chục vạn hội viên cá nhân, VACNE liên tục đưa ra các sáng kiến nhằm khơi dậy sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường.
 

Suy cho cùng, các hoạt động của VACNE đều hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cụ thể hơn, đều hướng tới kinh tế xanh. Ðiển hình là sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được VACNE phát động từ đầu năm 2010, nhân năm mở đầu của Thập kỷ Ða dạng sinh học của LHQ.
 

Theo tiêu chí của VACNE, Cây Di sản là những cây cổ thụ, có tuổi đời hàng trăm năm trở lên, có dáng đẹp, hùng vĩ, gắn liền với các giá trị sâu sắc về khoa học, về môi trường, văn hóa, lịch sử, dân tộc,...
 

Việc tổ chức sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam cũng là cơ hội để tăng cường sự phối hợp hoạt động bảo vệ môi trường giữa cộng đồng với nhau, giữa cộng đồng với chính quyền và giữa trong nước và quốc tế. Ðiều đó cũng lý giải được tại sao, chỉ trong thời gian ngắn, cộng đồng và chính quyền nhiều địa phương đã hưởng ứng và tham gia sự kiện với nhiều sáng kiến không ngờ, làm cho sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam của VACNE thật sự đi vào cuộc sống.
 

Theo số liệu thống kê cho đến nay, hơn  600 cây đã được đăng ký, 160 cây đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam với hơn 30 loài cây quý. Ðã có 30 tỉnh, thành phố có đơn đăng ký xin công nhận Cây Di sản Việt Nam.
 

Cây Di sản đã có mặt ở bản Lũng Túng (Cao Bằng), ở Côn Ðảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ðiện Biên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Huế, Bình Ðịnh... Cho đến nay, các kỷ lục đã được ghi nhận khá nhiều. Cây Di sản cao nhất là cây Xa Mu dầu ở Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), cao hơn 70 m. Cây Di sản thân đơn có đường kính lớn nhất là cây Tung ở Ðác Lắc, đường kính 6,5 m, còn cây Ða ở Lào Cai có chu vi kỷ lục là 45 m. Các Cây Di sản có tuổi cao nhất đang được ghi nhận ở Phú Thọ, nơi phả hệ ghi tuổi 2000-2100 năm đối với hai cây Táu ở miếu Thiên Cổ Việt Trì...
 

PHÁT triển kinh tế xanh, đương nhiên bao gồm trách nhiệm của mỗi chúng ta. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, bằng những nỗ lực liên tục của mình, đang cố gắng cùng với cộng đồng cả nước hướng tới sự phát triển bền vững. Những việc làm có ích cho môi trường đều là những viên gạch đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững, lúc này là cho sự phát triển nền kinh tế xanh của đất nước. Ðây cũng chính là cách hữu hiệu để ngăn chặn sự suy giảm chất lượng môi trường của Trái đất, tránh cho nhân loại một thảm họa môi trường có thể xảy ra trên phạm vi toàn cầu như nhiều dự báo đã đề cập.
 

TS NGUYỄN NGỌC SINH

Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Báo Nhân Dân Điện tử ngày 5/6/2012)

Lượt xem : 1820