Vietnamese English
9/8 là ngày nắng nóng gay gắt cuối cùng trong mùa hè ở Hà Nội

8/9/2016 11:35:00 AM

Dự báo hôm nay (9/8) là ngày nắng nóng cuối cùng trong mùa hè năm nay ở Hà Nội. Khả năng nắng nóng gay gắt ở Hà Nội hầu như không còn. Dự báo nắng nóng chỉ còn một vài ngày vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 nhưng nhiệt độ từ 36 độ trở lên thì không còn nữa. Còn các tỉnh miền Trung phải cuối tháng 8 mới hết nắng nóng gay gắt.

Mấy ngày qua, nhiều người dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua nắng nóng khá gay gắt. Tuy không còn nắng nóng đỉnh điểm nhưng ở Hà Nội vẫn nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-17 giờ. Còn với các tỉnh Phía Đông Bắc và tỉnh Hòa Bình, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia ngày 8/8, nắng nóng xảy ra trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ; ở các tỉnh từ Thanh Hóa-Phú Yên với nhiệt độ phổ biến 35-38 độ, một số nơi trên 38 độ như: Con Cuông (Nghệ An) 39.4 độ; Hương Khê (Hà Tĩnh) 39.0 độ; Ba Đồ (Quảng Bình) 38.3 độ, Tam Kỳ (Quảng Nam) 38.5 độ.


Dự báo hôm nay 9/8, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ, thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ; ở khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-37 độ, thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-17 giờ. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nốt ngày hôm nay (9/8) là ngày nắng nóng cuối cùng ở Hà Nội. Từ ngày 10/8, nắng nóng trên khu vực Bắc Bộ dịu dần – theo Trí Thức Trẻ.

Trên 6.700 tỷ đồng trôi theo 2 cơn bão  

Mặc dù rất chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, tuy nhiên các sự cố về điện, giao thông và thông tin dự báo thiếu chính xác đã khiến việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 1 và số 2 chưa đạt được như kỳ vọng. Bão số 1 đã khiến 7 người chết và mất tích; 63 người bị thương, gần 3.000 nhà bị đổ sập hoàn toàn, hơn 82.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng và hơn 500 nhà bị ngập nước. Tại khu vực cửa sông đã có trên 1.300 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng… Tổng thiệt hại lên đến trên 6.442 tỷ đồng.

Khác với kịch bản của bão số 1, dù không trực tiếp đi vào nước ta, nhưng từ ngày 3 – 5/8, bão số 2 đã gây mưa to đến rất to tại các tỉnh miền núi phía bắc. Mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại các huyện Bát Xát và Sa Pa (Lào Cai); gây dông, lốc sét, mưa đá, sạt lở nhỏ tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lai Châu… khiến 13 người chết và 19 người mất tích. Hơn 11.000 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 5 cầu treo bị cuốn trôi… thiệt hại vật chất trên 226 tỷ đồng – theo Nông Nghiệp Việt Nam.

Miền Bắc sắp mưa to, Hà Nội khả năng ngập úng

Trận mưa lớn kéo dài từ đêm 10/8 sẽ giúp miền Bắc hạ nhiệt, nhưng có thể gây ra tình trạng ngập úng ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng. Do ảnh hưởng của gió phơn khô nóng, hai ngày qua nắng nóng đã xảy ra trên diện rộng ở miền Bắc với nhiệt độ phổ biến 35-37 độ C. Hình thái thời tiết này tiếp tục duy trì hôm nay, với nhiệt độ cao nhất trong ngày một số nơi Bắc Bộ trên 37 độ C như Mai Châu (Hòa Bình), Láng (Hà Nội)... Từ 10/8, Bắc Bộ có mưa giông, gió đông nam thay thế gió tây nam khô nóng giúp thời tiết dịu dần, nhiệt độ xuống dưới 35 độ C – theo VnExpress.

Đến đêm, thời tiết miền Bắc sẽ có sự thay đổi rõ rệt, khi đới gió đông nam hoạt động mạnh kết hợp với vùng xoáy thấp gây mưa to nhiều nơi. Đây có thể là đợt mưa lớn diện rộng và kéo dài nhiều ngày. "Mưa to xuất hiện bất kỳ thời gian nào trong ngày, tại Hà Nội mưa tập trung ngày 11 và 12/8", một chuyên gia khí tượng cho biết và cảnh báo tình trạng ngập úng ở đồng bằng, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi. Mưa ở Bắc Bộ sẽ lan xuống các tỉnh miền Trung vào ngày 12/8.

Lào Cai thiệt hại khoảng 210 tỷ đồng vì trận lũ quét lịch sử

Trận lũ quét ngày 5/8 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đi qua đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều địa phương của tỉnh với tổng thiệt hại ước tính lên đến 210 tỷ đồng. Không chỉ gây thiệt hại về người, nhà ở và hoa màu, mưa lũ còn phá hủy nhiều công trình thủy lợi, thủy điện, hệ thống viễn thông, hệ thống điện bị gãy cột, đứt đường cáp; trạm BTS và trạm biến áp cháy, hỏng trạm bơm nước… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất sinh hoạt của đa số cư dân thành phố Lào Cai và khu vực lân cận.

Trận lũ đã làm hỏng toàn bộ hệ thống điện, 2 máy phát điện và 8 máy bơm cung cấp nước cho hệ thống lọc của Chi nhánh cấp nước số 1 thành phố Lào Cai ở khu vực suối Ngòi Đum (Nhà máy nước Cốc San), khoảng 20.000 khách hàng ở các xã, phường phía Nam thành phố Lào Cai của Công ty cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai bị ảnh hưởng. Đến nay, sau 3 ngày xảy ra trận lũ, hàng nghìn hộ dân phía Nam thành phố vẫn đang thiếu nước sạch – theo VietnamPlus.

Cuộc đua chế tạo pin Mặt Trời trong suốt có thể gắn vào cửa sổ

Một cuộc đua lớn đang diễn ra để tạo ra loại pin Mặt Trời trong suốt bao phủ các cửa sổ của những tòa nhà lớn và làm giảm đáng kể chi phí năng lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết vẫn còn có những rào cản lớn trong cuộc đua này. Theo thống kê được thực hiện năm 2012, tại Mỹ có 5,6 triệu tòa nhà thương mại với hơn 8 tỷ m2 cửa sổ. Nếu chỉ một phần nhỏ của những ô cửa kính đó có thể thu nạp năng lượng từ Mặt Trời, thậm chí ở mức hiệu năng thấp như các pin Mặt Trời hiện nay, nó sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu tạo ra năng lượng từ các nhiên liệu hóa thạch – theo VietnamPlus.

Nhiều trung tâm nghiên cứu và các trường đại học tại Mỹ đang tìm cách phát triển những tổ hợp quang điện trong suốt có thể được lắp trên các cửa sổ để thu nạp năng lượng Mặt Trời mà không làm mất đi tầm nhìn. Hãng Công nghệ Cửa sổ Mặt trời, có trụ sở ở Columbia của tiểu bang Maryland, cho biết họ đã phát triển một loại pin Mặt Trời trong suốt hữu hiệu. Ông John Conklin, Giám đốc điều hành công ty này, cho biết cửa sổ thu năng lượng Mặt Trời có thể hoàn toàn trong suốt hoặc có màu sắc để tăng hiệu năng của nó.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2402