Vietnamese English
371 triệu USD đầu tư cho môi trường

7/26/2016 8:32:00 AM

Chiều tối 25/7, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký kết hiệp định pháp lý cho 3 dự án với tổng giá trị 371 triệu USD nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, và cấp nước và xử lý nước thải.

Theo đó, các hiệp định cấp vốn này dành cho Khoản vay Chính sách Phát triển về Quản lý Kinh tế và Năng lực Cạnh tranh lần 3, Khoản vay Chính sách Phát triển về Biến đổi Khí hậu và Tăng trưởng Xanh lần 1, và vốn bổ sung cho Dự án Cấp nước và Xử lý Nước thải Đô thị. Khoản vay Chính sách Phát triển về Quản lý Kinh tế và Năng lực Cạnh tranh lần 3 là Dự án cuối trong loạt 3 Dự án nhằm hỗ trợ chính phủ tăng cường ổn định ngành tài chính, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, và tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Các biện pháp đổi mới này nhằm tăng năng lực cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn. Dự án cuối cùng trong loạt Dự án này bao gồm 150 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới và 12 triệu USD viện trợ không hoàn lại của Thuỵ Sỹ và Canada – theo Tiền Phong.


Khoản vay Chính sách Phát triển về Biến đổi Khí hậu và Tăng trưởng Xanh trị giá 90 triệu USD là Dự án đầu trong loạt 3 Dự án hỗ trợ các hành động chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, trong khuôn khổ Chương trình Ứng phó Biến đổi Khí hậu của Chính phủ. Các hoạt động chính sách trong Dự án này nhắm đến mục đích tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu vùng ven biển thông qua quản lý tổng hợp, bảo vệ nguồn nước và tăng cường tiết kiệm sử dụng nước, và trồng rừng ven biển. Khoản bổ sung vốn cho Dự án Cấp nước và Xử lý Nước thải Đô thị gồm 50 triệu USD từ nguồn IDA và 69 triệu USD từ nguồn IBRD sẽ hỗ trợ tăng cường dịch vụ cấp thoát nước đến các hộ gia đình tại 10 thành phố trong cả nước. Dự án cũng sẽ giúp cải thiện và xây dựng mới hệ thống thoát nước và hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại Dĩ An, Bình Dương, mang lại lợi ích cho 380.000 dân sống tại đây. Ngoài ra, Dự án còn giúp kiểm soát ô nhiễm nước tại lưu vực sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

Trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hồi 2 giờ ngày 26/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,2 độ vĩ Bắc; 114,1 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (tức là từ 40 đến 60km một giờ), giật cấp 8-9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1 giờ ngày 27/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển phía Đông Nam đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 1 giờ ngày 28/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ sáng mai (27/7), vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cà Mau đề xuất dự án 657 tỷ đồng chống biến đổi khí hậu

UBND tỉnh Cà Mau vừa đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, chấp thuận dự án “Xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển phòng, chống sạt lở do biến đổi khí hậu” là dự án cấp bách, cấp thiết nhất để ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016 - 2020.  Cụ thể, theo dự án trên, trong giai đoạn 2016 - 2020, Cà Mau sẽ xây dựng tuyến kè phòng hộ ven biển huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, tổng chiều dài 25 km, cao trình đỉnh kè từ 1,2 m đến 1,6 m. Tiếp đó, tỉnh Cà Mau dự kiến sẽ tiến hành phục hồi và quản lý rừng ngập mặn, trồng mới 250 ha rừng phòng hộ phía sau tuyến kè và 250 ha rừng tái sinh tự nhiên.

Tổng mức đầu tư toàn dự án nêu trên là hơn 657 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam, đến năm 2050 có khoảng 76% và đến năm 2100 có khoảng 95% diện tích tỉnh Cà Mau có nguy cơ bị ngập nếu như không có các giải pháp, biện pháp hữu hiệu để hạn chế, thích ứng – theo Baodautu.

Ô nhiễm không khí gây gia tăng bệnh thận

Theo Boldsky, để kiểm tra cách thức hạt vật chất trong không khí ảnh hưởng đến sức khỏe thận, một nhóm nghiên cứu của Đại học Y Nam Trung Quốc đã phân tích dữ liệu về sinh thiết thận từ hơn 71.000 bệnh nhân tại 938 bệnh viện ở 282 thành phố trên khắp Trung Quốc, bao gồm tất cả các nhóm tuổi. Trong hơn 11 năm nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định, các khu vực có mức độ ô nhiễm bụi không khí cao thì tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh cầu thận màng càng cao. Đây là một rối loạn miễn dịch của thận có thể dẫn đến suy thận. Tính trung bình, khả năng phát triển bệnh cầu thận màng tăng 13% mỗi năm trong suốt 11 năm nghiên cứu.

"Phát hiện của chúng tôi cho thấy bệnh cầu thận màng đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua tại Trung Quốc. Sự gia tăng của bệnh tỷ lệ thuận với mức độ ô nhiễm không khí ở từng khu vực", tác giả nghiên cứu Fan Fan Hou cho biết. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Thận Mỹ (JASN). Nghiêu cứu kêu gọi các nhà chức trách cần hành động trước những ảnh hưởng của bầu không khí đến tình trạng sức khỏe con người, nhất là ở khu vực đô thị đang ở tình trạng ô nhiễm báo động – theo VnExpress.

Carbon trên Trái Đất được lưu trữ ở đâu?

Chúng ta thường hay nói về carbon, về cách nó làm ô nhiễm môi trường… nhưng bạn có biết carbon được tạo ra như thế nào và lưu trữ ở đâu trên Trái Đất không? Không giống như nhiều nguyên tố hóa học khác, bạn có thể tìm thấy nhiều hình thức tồn tại khác nhau của carbon. Kim cương, ruột bút chì… đều có nguồn gốc từ carbon. Nhưng Trái Đất không lưu giữ hầu hết lượng carbon dưới dạng kim cương và than dùng làm ruột bút chì – chỉ một phần rất nhỏ carbon được sử dụng trong ngành công nghiệp trang sức (kim cương) và giáo dục (bút chì).

Carbon vô định hình là hình thức thứ 3 của carbon và rất khó để nhìn thấy chúng vì nó không tồn tại dưới dạng tinh thể như kim cương. Vậy lượng carbon này "trốn" ở đâu trên Trái Đất? Carbon là vật chất góp phần tạo ra sự sống trên Trái Đất (đó là lí do các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác dựa vào carbon). Carbon có mặt trong các cơ thể sống và chết. Điều này có nghĩa là không chỉ trong cơ thể mà chúng ta còn có thể tìm thấy carbon trong các nhiên liệu hóa thạch. Carbon cũng được tìm thấy trong khí quyển – nơi nó là một phần của khí carbon dioxide thải ra khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch hoặc do sinh vật hô hấp. Carbon cũng tồn tại trong các chất hữu cơ từ đất, đá. Ngoài ra, một lượng lớn carbon trên Trái Đất còn được lưu trữ ở một nơi đáng ngạc nhiên: các đại dương. Ước tính có khoảng 38.000 đến 40.000 tỷ tấn carbon trong bản thân đại dương và 66 triệu tỷ -100 triệu tỷ tấn carbon trong trầm tích và đá trầm tích dưới đáy đại dương.

Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2067