10 tín hiệu tích cực về các loài nguy cấp
7/20/2017 8:33:00 AM
Tin tức về những loài nguy cấp gần đây đa phần là những tin không vui, tuy nhiên đâu đó cũng có những chuyển biến và tín hiệu tích cực. Dưới đây là 10 tin vui đối với các loài nguy cấp trong hơn một năm qua theo đánh giá của trang tin môi trường Mongabay.
Phát hiện nhiều loài nguy cấp tại khu vực chưa từng được tiếp cận ở Myanmar
Chuyến khảo sát đầu tiên ở khu vực rừng bang Karen, đông nam Myanmar – khu vực trước đây các nhà khoa học không thể tiếp cận vì lý do an ninh, chính trị – đã mang lại những kết quả đáng kinh ngạc. Các nhà nghiên cứu ghi nhận có ít nhất 31 loài động vật có vú trong khu vực, hơn một nửa trong số đó được xếp loại Nguy cấp, Sắp nguy cấp và Dễ bị tổn thương trong Sách Đỏ IUCN như loài hổ (Panthera tigris), voi châu Á (Elephas maximus), voọc xám Phayre (Trachypithecus phayrei), và sói lửa (Cuon alpinus).
Một chú voi châu Á (Ảnh từ bẫy ảnh, nguồn: KWCI.)
Loài ếch tí hon cực kỳ nguy cấp phát triển mạnh ở Hồng Kông
Loài ếch cây Rome với chiều dài trung bình từ 1,5 đến 2,5 cm không chỉ là loài ếch nhỏ nhất sống trên lãnh thổ Hồng Kông mà còn là một trong số những loài nhỏ nhất trên thế giới. Ếch cây Romer đang thích nghi và phát triển mạnh ở một số khu vực của Hồng Kông.
Ếch tí hon Romer (Ảnh: Kadoorie Farm and Botanic Garden)
Phát hiện quần thể hổ Đông Dương thứ hai trên thế giới ở rừng Thái Lan
Các nhà bảo tồn ở Thái Lan và Cục Bảo tồn Động Thực vật hoang dã và Vườn quốc gia nước này đã công bố hình ảnh chứng minh sự tồn tại của quần thể hổ Đông Dương thứ hai trên thế giới ở khu vực rừng rậm phía đông Thái Lan.
Mặc dù các dữ liệu khoa học cho thấy mật độ hổ thấp nhưng phát hiện này chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể của loài này trước nạn săn trộm động vật hoang dã và khai thác gỗ hồng mộc bất hợp pháp trong khu vực.
Hình ảnh quần thể hổ Đông Dương ở Thái Lan thu được qua bẫy ảnh (Nguồn: DNP/Freeland/Panthera)
Đột phá trong điều trị ung thư lây lan ở loài quỷ Tasmania
Được phát hiện lần đầu vào năm 1996, một loại ung thư truyền nhiễm đã lan rộng và làm suy giảm hơn 80% quần thể loài quỷ Tasmania (Sarcophilus harrisii) ở Tasmania, Úc.
Loại bệnh u ác tính này lây lan qua việc ăn chung con mồi. Mới đây, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng loài quỷ Tasmania đã và đang hình thành sức đề kháng chống lại loại bệnh này, nhờ vậy các nhà khoa học có thể tìm ra phương pháp chữa trị, ngăn ngừa sự tuyệt chủng của loài.
Loài quỷ Tasmanian (Ảnh: J Harrison)
Loài mèo Andean thu hút sự chú ý của các nhà bảo tồn.
Theo số liệu Sách Đỏ IUCN công bố năm ngoái, loài mèo Andean (Leopardus jacobita) được cho là chỉ có khoảng 1.378 cá thể, phân bố rải rác trên diện tích hơn 150.000 km2 trên cao nguyên từ đông bắc Peru đến Patagonia (Nam Mỹ). Tuy nhiên, việc một chú mèo Andean đột nhiên xuất hiện giữa một sân bóng đá ở Bolivia đã khiến nhiều nhà bảo tồn muốn tìm hiểu thêm về loài này.
Loài mèo Andean (Nguồn: Andean Cat Alliance)
Lần đầu ghi hình được quần thể loài khỉ Dryas quý hiếm mới
Sử dụng bẫy ảnh gắn trên tầng cao và tầng thấp của cây, các nhà nghiên cứu đã ghi được hình ảnh đầu tiên về một quần thể mới của loài khỉ Dryas quý hiếm (Cercopithecus dryas) ở gần Vườn Quốc gia Lomami ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Trong một thời gian dài, loài khỉ Dryas được cho là chỉ tồn tại trong rừng Wamba Kokolopori ở trung tâm Congo.
Hình ảnh về loài khỉ Dryas (Nguồn ảnh: Daniel Alempijevic, FAU Primate Evolution and Conservation Lab)
Kế hoạch xây dựng một cây cầu ở Borneo bị hủy bỏ
Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, chính quyền Malaysia đã quyết định loại bỏ kế hoạch gây tranh cãi về việc xây dựng cây cầu bắc qua sông Kinabatangan thuộc bang Sabah, trên đảo Bomeo.
Các nhà bảo tồn cho rằng việc xây dựng cây cầu sẽ phá vỡ môi trường sống của các loài voi, linh trưởng và chim ở khu bảo tồn động vật hoang dã dọc song Kinabatangan.
Sáu con đười ươi ở Borneo (Nguồn ảnh: Bjorn Vaugn / BOSF / Greenpeace)
Nigeria điều chỉnh tuyến đường cao tốc tránh vùng lõi rừng quan trọng
Nhờ chiến dịch vận động của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khoa học, tuyến đường cao tốc Cross River dài 260km cắt ngang qua Vườn quốc gia Cross River, Nigeria đã được điều chỉnh chỉ đi qua ranh giới của vườn quốc gia để tránh ảnh hưởng tới vùng lõi của vườn.
Khu vực này là điểm nóng về đa dạng sinh học, nơi sinh sống quan trọng của nhiều loài và phân loài có tên trong Sách đỏ IUCN như Voi rừng (Loxodonta cyclotis), khỉ mặt chó (Mandrillus leucophaeus) và tinh tinh Nigeria-Cameroon (Pan troglodytes ellioti) và cũng là nơi ẩn náu cuối cùng của gần 300 con khỉ đột sông Cross (Gorilla gorilla diehli).
Khỉ mặt chó ở Limbe Wildlife Centre, Cameroon (Ảnh: John C. Cannon.)
Rwanda chào đón 20 tê giác đen Đông Phi đến Vườn Quốc gia Akagera
20 con tê giác đen Đông Phi (Diceros bicornis michaeli), phân loài tê giác đen đang bị đe dọa nghiêm trọng, đã được tái thả tại đồng cỏ thuộc Vườn quốc gia Akagera, Rwanda . Theo tổ chức Các Vườn quốc gia châu Phi, hiện có khoảng 1.000 con tê giác đen Đông Phi, phần lớn sống ở Kenya. Theo ông Peter Fearnhead, Giám đốc Các Vườn Châu Phi: “Sự trở lại của tê giác tự nhiên ở Rwanda là một minh chứng cho cam kết phi thường của quốc gia này đối với công cuộc bảo tồn và là dấu mốc quan trọng trong việc khôi phục lại sự đa dạng sinh học của Akagera”.
Một chú tê giác cái đen Đông Phi (Ảnh: Rhett Butler)
Cứu các loài thực vật nguy cấp nhất trên thế giới thuộc bộ cây mè (Cycads)
Cây mè được cho là cây loại trồng hạt cổ nhất thế giới, một số loài có niên đại gần 300 triệu năm, cổ hơn cả khủng long.
Các loài thuộc bộ thực vật cổ xưa này thường được các nhà sưu tập nỗ lực tìm kiếm để phục vụ cho thú chơi cây cảnh, do vậy chúng thường bị hái trộm. Năm 2014, 24 cá thể mè đã bị đánh cắp từ Vườn Bách thảo Quốc gia Kirstenbosch ở Cape Town, Nam Phi – 22 trong số đó được liệt kê trong danh sách loài nguy cấp của Sách đỏ IUCN. Các nhà bảo tồn đang nỗ lực để khôi phục lại các loài này.
Một loài thực vật thuộc họ cây mè (Ảnh: California Academy of Sciences)
Hồng Anh (Theo Mongbay))
Lượt xem : 1833