Bốn cây cổ thụ đầu tiên của huyện Mèo Vạc được gắn bia “Cây di sản Việt Nam” vào dịp lễ lớn của tỉnh Hà Giang
4/25/2025 2:41:00 PM
(VACNE) - Cây Gạo và 2 cây Đa, cùng 01 cây Nhội có tuôi hơn 200 năm, tại quảng trường Trung tâm thị trấn Mèo Vạc, vừa được chính quyền và cộng đồng địa phương tổ chức lễ đón Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam vào tối 23//4/2025.
Đây là sự kiện diễn ra đúng vào dịp diễn ra Chợ tình Khâu Vai năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước của tỉnh Hà Giang nên thu hút rất đông bà con các dân tộc trong vùng, cùng du khách thập phương tới xem, đưa tin về sự kiện này.
Tới dự sự kiện này và chia vui với cộng đồng địa phương, có đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam, các vị lãnh đạo, đại diên huyện Ủy, UBND, HĐND huyện và thị trấn Mèo Vạc; cùng đại diện một số địa phương khác của tỉnh Hà Giang

Đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam trao Bằng và tặng hoa cho bà Vương Thị Thuỷ, Phó Bí thư trường trực, Chủ tịch HĐND huyện và ông Bùi Duy Thưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Mèo Vạc.
Tất cả bà con địa phương được hỏi, đều không biết những cây cổ thụ này có từ bao giờ? Họ chỉ biết, dưới bóng cây Gạo đã hình thành một cái chợ từ thời xa xưa và theo lời kể: dưới gốc những cây Đa và cây Nhội đứng ôm ngôi Miếu cổ ở đây, vẫn còn thấm đẫm máu xương của những người con đất Việt, bị giặc ngoại xâm hành hình, bị chúng phơi xác để thị uy, nhằm đè bẹp ý chí chống Thực dân Pháp của đồng bào các bộ tộc ở vùng xa xôi hẻo lánh này.
Bà Vương Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang – người con dân tộc La Chí phấn khởi chia sẻ: các đồng chí lãnh đạo Mèo Vạc rất vui mừng khoe: địa phương em có 4 cây đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, mà “quên mất” rằng, Ngọc Hà cũng đã từng là Bí thư huyện Ủy ở đây.
Phát biểu chúc mừng tại buổi lễ trọng thể này, đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con các dân tộc địa phương về sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Đặc biệt là cách chăm sóc và ứng xử rất chu đáo của cán bộ và nhân dân với những cây cổ thụ. Khẳng định: sự trân quý này, không chỉ bởi cây cho nguồn nước, mà bởi: dưới gốc những cây cổ thụ vẫn còn in dấu chân của các bậc tiền nhân đi mở đất và những thông điệp sâu sắc để lại cho hậu thế. Tiếng “Gạo” ở đây không chỉ là tên gọi của một loài cây. Mà hơn thế, nó còn là ước mong cháy bỏng của những người dân vùng biên viễn này cả hàng trăm năm qua. Mục tiêu của người trồng cây này, không chỉ nhằm mục tiêu: tạo bóng mát cho khách bộ hành, cho nhà nông lấy lại sức sau những giờ làm việc cực nhọc trên cánh đồng, mà còn chứa đựng những thông điệp rất sâu sắc và nhân văn. Để đến mùa giáp hạt hàng năm (tháng 3) cây Gạo lại trổ hoa, thầm nhắc nhở cháu con về mối lo sinh tồn cơm áo. Và đến khi, những sợi gió heo may đầu mùa tràn về, thổi tung những chùm bông Gạo, bay trắng bầu trời, như thầm nhắc nhở người dân nhanh tay dệt thêm nhiều chăn, áo mới, để chống chọi với mùa Đông giá lạnh. Bởi vậy, qua nhiều năm tháng, những cây cổ thụ này đã trở thành điểm tựa về vật chất và cả tinh thần của bà con các dân tộc địa phương. Hội BVTN&MT Việt Nam hy vọng cán bộ và nhân dân Hà Giang tiếp tục gìn giữ, bảo vệ Cây Di sản, để nơi đây không chỉ là biểu tượng lịch sử mà còn trở thành điểm nhấn về du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo hướng bền vững.
Đêm trước và trước giờ Khai mạc buổi Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam ở thị trấn Mèo Vạc, đã diến ra 02 Chương trình văn nghệ rất đặc sắc: khai mạc Lễ phong tình Khâu Vai và thi trang phục dân tộc do các nghệ sĩ chuyên nghiệp của tỉnh Hà Giang, phối hợp với các nghệ nhân dân dân tộc và học sinh của huyện Mèo Vạc trình diễn, thu hút rất đông bà con tới xem./.


Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Hải và nhà báo Phùng Quang Chính, Phó Chủ tich Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cùng bà Vương Thị Thuỷ, Phó Bí thư trường trực, Chủ tịch HĐND huyện; ông Nông Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện và ông Bùi Duy Thưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Mèo Vạc cùng mở văn bia Cây Di sản Việt Nam.
PV. VACNE
Lượt xem : 67