Nếu biết cách tận dụng và khai thác thì đây là một núi vàng bởi mỗi người Việt Nam thải ra 1kg rác thải điện tử mỗi năm.
Phế thải điện tử rất độc. Các bo mạch, mối hàn trong ti vi, tủ lạnh, máy giặt, pin… thường có chứa rất nhiều chất độc như chì, thủy ngân… Đây là những chất độc có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngoài ra, các kim loại nặng thường có trong linh kiện điện tử còn có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp và đường miệng khiến cơ thể bị suy yếu hoặc ngộ độc - Ông Trần Quang Hùng Phó tổng thư ký Hiệp hội Điện tử Việt Nam, cho biết trên Báo Đất Việt.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Văn Ngọ, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, mặc dù rác điện tử có những nguy hại tới môi trường và sức khỏe nhưng nên nhìn nhận đây như một nguồn tài nguyên. Thực tế cho thấy, ở các quốc gia phát triển,
rác thải điện tử được tận dụng như một nguồn tài nguyên phong phú.
Theo tính toán, rác điện tử có giá trị hơn cả quặng vàng. Mỗi tấn phế thải linh kiện chứa lượng vàng nhiều gấp 17 lần so với một tấn quặng vàng.
Ứơc tính cứ một triệu điện thoại di động được vứt đi, có thể chứa khoảng 15.875 kg đồng, 350 kg bạc, 34 kg vàng và gần 15 kg palađi.
Theo một báo cáo của Liên Hợp quốc, thông thường ở các nước nghèo, thiết bị vi tính, điện thoại di động hư hỏng đều bị vứt bỏ chứ không thu gom để tái chế. Riêng ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 4 tấn vàng, 28 tấn bạc và 6.000 tấn đồng trong máy tính và điện thoại di động hỏng bị vứt vào bãi rác.
Điện thoại di động và máy tính chiếm một khối lượng lớn kim loại: 15 % cobalt, 13% palladium và 3% lượng vàng, bạc khai thác hằng năm trên thế giới được dùng trong công nghiệp sản xuất điện thoại di động và máy tính.
Phần lớn lượng kim loại quý hiếm này cuối cùng lại trở thành rác thải. Trong năm 2008, riêng lượng vàng, bạc, đồng, palladium và cobalt dùng để sản xuất máy tính trị giá 2,7 tỷ Euro. Theo điều tra của UNEP, do thiếu một quá trình tái chế nên các nước đang phát triển cũng như các nước mới nổi đang tự làm mất đi một lượng lớn các loại nguyên liệu quan trọng.
Các chuyên gia cho rằng ở nhiều nước, rác thải điện tử sẽ tăng đáng kể: thí dụ ở Trung Quốc và Cộng hòa Nam Phi, lượng rác điện tử năm 2020 sẽ tăng gấp bốn lần so với năm 2007, mức tăng ở Ấn Độ là năm lần. Ở các nước châu Phi thí dụ như Senegal hay Uganda, mức tăng này thậm chí tới tám lần.
Thế giới “tìm vàng trong rác” như thế nào
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới thải ra khoảng 40 triệu tấn rác loại rác thải điện tử.
Để khai thác kim loại, con người phải đầu tư, chi phí rất lớn, phải đào và thiết kế hầm lò ở độ sâu hàng nghìn mét, phải phá ủi cả một quả núi hay sàng lọc, đãi cát cực kỳ vất vả - theo Spiege.
Trong khi đó, người ta có thể khai thác tài nguyên kim loại quý hiếm ít vất vả tốn kém hơn nhiều: trong chất thải công nghiệp và thiết bị, máy móc phế loại của các hộ gia đình chứa đựng một khối lượng lớn vàng, bạc và các kim loại quý hiếm khác.
Theo báo cáo của UNEP, ở Châu Âu các kim loại như vàng, bạc và palladium ít được đưa vào quá trình tái chế, vì thế châu lục này mỗi năm bị thất thoát trên 5 tỷ Euro. Do sản xuất thiết bị điện tử sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nên sự lãng phí nguồn tài nguyên cũng sẽ tăng gấp bội so với hiện nay.
Ông Rüdiger Kühr, làm việc tại trường Đại học của LHQ (United Nations University), cho rằng lượng kim loại quý hiếm có thể thu hồi từ thiết bị điện tử phế thải lớn hơn nhiều so với khai thác mỏ; do đó Kühr đề cập tới khái niệm “khai thác mỏ ở đô thị”.
Thường thì để khai thác được một gram vàng, doanh nghiệp phải đào bới vận chuyển một tấn quặng. Việc tái chế để có được lượng vàng này từ chất phế thải công nghiệp và gia đình đơn giản hơn nhiều: một lượng vàng tương tự có trong 41 điện thoại di động.
Ngay cả các mỏ có tỷ trọng khai thác cao như mỏ Kalgold ở Nam Phi thì để lấy được 5 gr vàng người ta phải đào bới, vận chuyển một tấn đất, đá. Trong khi đó hãng tái chế Umicore tại Brussels có hàng triệu tấm vi mạch máy tính và người ta có thể thu hồi được 250gr vàng từ một tấn tấm vi mạch này, cao gấp 50 lần so với mỏ Kalgold.
Ngành kinh doanh tái chế điện tử ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Đã xuất hiện nhiều hãng tái chế điện tử ở Châu Âu. Do những năm gần đây giá kim loại không ngừng tăng nên các hãng này thu được lợi nhuận ngày càng cao.
Đối với việc tái chế, thu hồi kim loại đồng người ta đã đạt được kết quả khả quan, thí dụ Đức thu hồi được khoảng 50% lượng đồng đã sử dụng trong quá trình sản xuất, tuy nhiên, bất chấp các quy định, một lượng lớn kim loại đã không được đưa vào hệ thống tái chế.
Lợi nhuận thu được từ việc tái chế rác thải điện tử là vô cùng lớn. Bởi vậy Liên Hợp Quốc (LHQ) đang kêu gọi các quốc gia hãy tăng cường khai thác nguồn tài nguyên từ phế thải điện tử.