Vietnamese English
“Gác” rừng giữa mùa xuân

2/16/2021 7:22:00 AM

Tết đến, xuân về là dịp để mỗi người con trên quê hương đất Việt sum họp, đoàn viên, thế nhưng giữa “đại ngàn” của Quảng Nam vẫn còn những con người chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng tư, ngày đêm canh giữ, bảo vệ sự bình yên cho những cánh rừng. Với họ, rừng cũng là nhà, tết cũng gắn với rừng.

Đón Tết giữa “đại ngàn”

Huyện Tây Giang (Quảng Nam) bốn bề núi non trùng điệp, cuối năm tiết trời nơi đây càng thêm lạnh giá, cái rét tê tái như cứa vào da thịt. Vậy mà, cái rét này không cản được bước chân tuần tra rừng của những cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang. Anh Trần Kim Đà, (32 tuổi) kiểm lâm viên gắn bó với rừng 10 năm nay. Bàn chân của anh đã đi khắp các cánh rừng từ Nông Sơn, Phước Sơn đến Tây Giang và thực hiện "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) với bà con để làm công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia quản lý, bảo vệ rừng... Câu chuyện của anh Đà đã giúp chúng tôi phần nào hình dung sự vất vả, gian nan trong công việc hàng ngày của những cán bộ kiểm lâm trên địa bàn.

Lực lượng kiểm lâm của BQL rừng phòng hộ Tây Giang tuần tra, kiểm soát rừng 

Anh Đà bảo, so với các địa phương khác ở Quảng Nam thì rừng Tây Giang yên bình hơn cả. Tuy nhiên, vào dịp Tết là thời điểm lâm tặc thường lợi dụng để thực hiện các hành vi khai thác lâm sản trái phép. Do đó, những ngày Tết anh em vẫn phải túc trực 24/24h ở tạm, chia ca nhau ra để tuần tra, kiểm soát.

 "Tết nhất là dịp để gia đình sum họp. Ai cũng muốn về với gia đình, với vợ con, để thắp hương cúng tổ tiên, đi thăm hỏi chúc tết anh em bà con, gặp gỡ bạn bè… Nhưng khi đã lựa chọn làm nghề rừng thì phải chấp nhận việc trực. Cũng có đôi lúc anh em kiểm lâm bọn mình không khỏi thấy nao nao, chạnh lòng, nhớ nhà da diết, nhất là lúc kề giao thừa. Nhưng rồi cảm giác này cũng qua nhanh, lại nhường cho quyết tâm công việc.”- anh Đà tâm sự.

Quản lý lâm phận hàng chục ngàn ha rừng, trong đó có cánh rừng gỗ quý hiếm như lim (250ha), đỗ quyên (430ha), giổi (300ha) cùng sự đa dạng về hệ động thực vật quý hiếm còn sót lại trên dãy Trường Sơn. Riêng khu rừng di sản pơ mu có hơn 2.000 cây; trong đó 1.146 cây pơ mu được công nhận là Cây di sản Việt Nam, Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Giang có mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt “kho báu” này. 

Những ngày Tết anh em vẫn phải túc trực 24/24h ở tạm, chia ca nhau ra để tuần tra rừng

Anh Nguyễn Hữu An, (30 tuổi) cũng là một kiểm lâm viên gắn với nghề giữ rừng 10 năm nay. Bao nhiêu năm làm nghề là từng ấy cái tết anh dành phần lớn thời gian ở rừng. Hơn 10 năm gắn bó với rừng, cùng anh em hành quân vượt đồi cao, suối sâu tuần tra khắp các cánh rừng, không có chỗ nào mà anh An chưa tới, không có khó khăn, nguy hiểm nào mà anh không trải qua. Nhưng, khoảnh khắc khi tết đến, xuân về cũng khiến trái tim chàng trai kiểm lâm viên này chộn rộn. 

“Khi mới cưới vợ mà đi suốt thì vợ cũng hay cằn nhằn, xúi nghỉ việc miết. Nhưng mình về phố vài hôm thì lại nhớ rừng sao mà bỏ rừng được. Để có không khí ngày Xuân, anh em cũng chuẩn bị bánh chưng, củ kiệu, cành đào… Đêm 29 hoặc 30 nổi lửa nấu bánh rồi ngồi quây quần bên nhau. Tất cả đều giống như ở nhà, nhưng chỉ có anh em chứ không có vợ con”- anh An ngậm ngùi.

Vất vả cho rừng mãi xanh

Ông  Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang chia sẻ, đối với những người chiến sỹ kiểm lâm ở Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Giang thì việc sum họp cùng gia đình, người thân trong dịp Tết là điều gì đó “xa xỉ.” Đã lựa chọn cái nghề gác rừng này thì luôn xác định nhiệm vụ là trên hết.

Phút nghỉ ngơi giữa rừng 

Trong ngày đầu năm mới, các kiểm lâm viên vẫn tuần tra một vòng các “điểm nóng”. Chỉ cần một thông tin về cháy rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép là lực lượng kiểm lâm đang túc trực tại rừng, kể cả những người được phép về nhà vui tết đều phải tức tốc quay về trạm hợp sức, triển khai công tác. Ở hầu hết các xã vùng đệm, vùng lõi rừng phòng hộ đều có trạm và được chia ca trực xuyên suốt trong những ngày Tết. Những khu vực trọng điểm được tăng cường thêm lực lượng.

“Xác định thời điểm Tết là giai đoạn hoạt động liều lĩnh của lâm tặc nên chúng tôi đã thực hiện nhiều chiến dịch truy quét. Để bảo đảm an toàn những cánh rừng trước, trong và sau Tết, chúng tôi đảm bảo lực lượng trực 24/24h chia thành 2 ca thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến rừng. Ngoài ra, trong dịp trực Tết, chúng tôi còn tranh thủ thời gian để để gặp gỡ, trò chuyện, thăm hỏi, động viên bà con. Qua đó, tạo sự đoàn kết, gắn bó, nâng cao ý thức cùng nhau bảo vệ rừng.”- anh Sinh cho hay.

Một bữa cơm trong lán giữa rừng của các kiểm lâm viên BQL rừng phòng hộ Tây Giang

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”- tôi chợt nghĩ đến lời bài hát  “Một đời người, một rừng cây” khi nói chuyện với những người gác rừng ở Tây Giang. Các anh đã hy sinh tình cảm riêng tư, thiêng liêng trong ngày tết, thầm lặng cống hiến công sức để bảo vệ "lá phổi xanh" cho những cánh rừng của Tổ quốc.

Lan Anh - Phạm Yến/TNMT

Lượt xem : 1663