“Cuộc chiến” với sinh vật ngoại lai xâm hại: Quản lý luôn chạy theo thực tế
11/20/2014 8:18:00 PM
Thiếu các quy định về phân tích nguy cơ xâm hại, phát hiện sớm và phản ứng nhanh là những “kẽ hở” khiến các loài sinh vật ngoại lai nguy hại xâm nhập vào Việt Nam gây ra những tác động xấu về môi trường cũng như kinh tế.
Những bài học nhãn tiền
Năm 2000, chuột hải ly đã được nhập khẩu nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, đây lại là loài có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Với khả năng sinh sản 3 lứa/năm và mỗi lứa đẻ từ 4-11 con, loài chuột hải ly còn mang các mầm bệnh như lao, lao tủy, lao da… gây bệnh cho người và vật nuôi, ảnh hưởng xấu đến các động vật khác. Sau một thời gian, các nhà khoa học mới nhận thấy đây là loài sinh vật gây hại và Nhà nước đưa ra chính sách ngăn chặn, tiêu hủy. Tính đến cuối năm 2002, khoảng 4.000 con chuột hải ly đã bị tịch thu và tiêu hủy.
Sau chuột hải ly, chồn nhung đen bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2011 với lời đồn thổi về chất lượng thịt của loài này khiến người dân ở nhiều địa phương bỏ tiền ra mua về nuôi mong thu lợi cao. Đến năm 2012, qua công tác quản lý nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi, kết quả rà soát cho thấy, có 28 tỉnh, thành phố với gần 300 cơ sở đang nuôi hơn 13.000 con chồn nhung đen. Trái với những lời đồn thổi, đầu ra cho loài động vật này rất hẹp, người nuôi đều bị lỗ và khả năng phát triển không cao. Cục Chăn nuôi đã phải đề nghị các địa phương không phát tán chồn nhung đen, tập trung kiểm soát tốt các cơ sở.
Đầu năm 2014, câu chuyện nuôi gián đất tại Bắc Ninh nổi lên như một phương pháp làm giàu nhanh chóng. Mô hình nuôi gián đất được xác định là du nhập từ Trung Quốc qua cách làm ăn tự phát của người dân với các thương lái Trung Quốc. Gián đất là vật chủ trung gian truyền một số bệnh dịch về đường tiêu hóa và có tốc độ sinh trưởng cao. Sau khi nắm bắt tình hình thực tế, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi có văn bản chính thức cấm nuôi gián đất vì có nhiều nguy cơ rủi ro cho môi trường, xã hội và kinh tế.
Chưa phân tích được nguy cơ khiến các loài sinh vật ngoại lai vẫn dễ dàng được nhập về nước (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Quy định còn mờ nhạt
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học Tổng cục Môi trường cho biết: “Sự tác động của sinh vật ngoại lai xâm hại đã và đang gây ra những thiệt hại về kinh tế cũng như môi trường. Chính vì vậy, trên thế giới đã có những công ước, quy định để quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại”.
“Ở Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến những tổn thất do ốc bươu vàng hay cây mai dương. Việc đưa ra các biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu tác động do sinh vật ngoại lai xâm hại là hết sức cần thiết. Thời gian qua, chúng ta đã ban hành các quy định cũng như tổ chức các hoạt động quản lý. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang thiếu những biện pháp quản lý hữu hiệu khiến các loài sinh vật ngoại lai xâm hại vẫn tiếp tục phát tán, ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học”, bà Nhàn đánh giá.
So sánh với kinh nghiệm quốc tế, bà Đặng Thị Kiều Oanh – Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho rằng: “Tại Australia, việc quản lý sinh vật ngoại lai được chia thành 3 giai đoạn. Ở giai đoạn trước khi nhập khẩu, các cơ quan sẽ phân tích rủi ro, nguy cơ với động vật, thực vật, hàng hóa lần đầu được nhập vào Australia để ra quyết định cho phép nhập hay không. Trong khi đó, tại Việt Nam, chúng ta vẫn thiếu quy định phân tích rủi ro trước khi nhập khẩu. Ngoài ra, quy định đối với giai đoạn trong nước bao gồm phát hiện sớm, phản ứng nhanh, chương trình kiểm soát, diệt trừ… còn mờ nhạt, chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhiều đối tượng cần quản lý cũng chưa được đề cập tới”, bà Oanh chia sẻ thêm.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia đã kiến nghị xây dựng, hoàn thiện nội dung quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại; Xây dựng, hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát, diệt trừ, tăng cường năng lực quản lý từ Trung ương đến địa phương; Thiết lập mạng lưới và xây dựng cơ chế trao đổi thông tin về loài ngoại lai xâm hại trên toàn quốc…
Theo Hùng Anh/An ninh Thủ đô
Lượt xem : 3237