Vietnamese English
“Cửa rừng” dễ đóng nhưng then khó cài

1/2/2023 8:51:00 AM

Những ký ức về rừng ở Tây Nguyên xanh ngút ngàn, cây gỗ cổ thụ to cả chục người ôm không xuể, những thác nước ầm ầm cuộn chảy, vang vọng đại ngàn dường như đã vơi dần khi nhiều cánh rừng lần lượt “ngã” xuống.


Thực hiện lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng Chính phủ (Thông báo số 191/TB-VPCP, ngày 22/7/2016) về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp để giữ rừng. Tuy nhiên, nhiều địa phương khu vực này vẫn liên tục bị mất rừng với nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp dẫn đến thực trạng “đóng cửa” nhưng không cài được “then”.



Trong vòng 5 năm qua, một diện tích lớn rừng tự nhiên ở tỉnh Đắk Lắk đã bị suy giảm nghiêm trọng với khoảng 35.000ha. Đó là những thống kê xót xa được Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam (Tropenbos Việt Nam) vừa công bố tại Hội thảo tham vấn một số kết quả nghiên cứu năm 2022 về hiện trạng xâm lấn đất lâm nghiệp ở Đắk Lắk (tập trung 2 huyện Lắk, Krông Bông); đề xuất và kiến nghị về kết quả phục hồi rừng giai đoạn 2016 – 2022 và kế hoạch phục hồi rừng giai đoạn 2023 – 2030 của tỉnh Đắk Lắk…

Thống kê của Tropenbos Việt Nam từ năm 2017 đến 2021, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp tăng 11.488ha, rừng trồng tăng 20.038ha, đất chưa có rừng tăng 26.787ha. Nguyên nhân xảy ra biến động này một phần là do diện tích rừng trồng đủ tiêu chí thành rừng, đất chưa có rừng tăng và một số vụ lâm tặc phá rừng lấy gỗ. Ngoài ra, diện tích rừng tự nhiên giảm nhiều hơn so với phần tăng lên của rừng trồng vì liên quan đến rừng bị phá; chuyển mục đích sang xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, diện tích rừng suy giảm trữ lượng và phần rà soát cập nhật giảm từ các năm trước nhưng không báo cáo kịp thời…

Số phận của nhiều loài gỗ quý như: Lim, sến, táu, gội, re hương, lát hoa, trầm hương, chò chỉ… cách đây không lâu rất phổ biến, nhưng giờ đây rất hiếm hoi. Các loài gỗ quý ở Tây Nguyên như trắc, cà chắc, cà te cũng ở tình trạng khan hiếm. Chỉ tính từ năm 1995 đến nay, các loài động vật có giá trị đều giảm số lượng xấp xỉ 50%.

Những trận mưa lũ lịch sử xảy ra trên cả nước thời gian qua, được các chuyên gia đồng tình rằng, tình trạng phá rừng là nguyên nhân gián tiếp gây nên lũ quét, ngập lụt. Diện tích che phủ rừng ở nước ta đang tăng dần khoảng 40%, trong đó, chủ yếu là rừng trồng. Những cây này có thảm thực bì nghèo nàn, không đủ sức cản dòng nước, gây ngập lụt, xói mòn sạt lở đất ở hạ du. Hệ lụy khiến ít nhất hàng trăm người chết và mất tích thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng. Việc nhìn nhận những thảm họa thiên nhiên cần phải đặt trong một bối cảnh chung rộng lớn, thậm chí, cả ở tầm mức toàn cầu, khi hành vi của con người ở vùng đất này có thể mang lại hậu quả cho con người và các vùng đất khác ở rất xa.

Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực tăng cường thực thi luật pháp, tuy vậy, tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn là vấn đề khá nhức nhối. Hoạt động buôn bán gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau từ những mạng lưới quy mô lớn và có thế lực câu kết đến những doanh nghiệp nhỏ và tác động đến toàn bộ diện tích rừng trên phạm vi cả nước, kể cả những khu rừng được quy hoạch để bảo vệ. Một số cán bộ kiểm lâm biến chất nhắm mắt làm ngơ cho các hoạt động phạm pháp của người dân địa phương hơn thế, họ câu kết với các đầu nậu gỗ để buôn bán trái phép các loại gỗ rừng vì lợi ích cá nhân.

“Rừng ngã” hóa thân thành những ngôi nhà gỗ kỳ vĩ và quy thành những đồng tiền nhuốm mùi lợi ích nhóm, những dự án được phê duyệt bằng sự “bôi trơn” mềm mại. Hệ quả là lũ xuất hiện với tần suất cao. Lũ như những con “thú rừng” bị chọc giận, tấn công và phá hủy tất cả khi chúng đi qua… Và nếu không lồng ghép các giá trị của rừng vào kế hoạch chi ngân sách, các quốc gia và các nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Bần cùng hóa là tất yếu bởi việc gây tổn hại đến sự sống của rừng, trong khi rừng hỗ trợ cho đời sống hằng ngày của chính con người.

Sẽ là quá muộn nếu để rừng tiếp tục “ngã”…

Nguồn: Phương Anh/Báo Tài nguyên & Môi trường

Lượt xem : 1418