Vietnamese English
Xung quanh vụ việc “Người dân Đường Lâm xin trả bằng công nhận di tích Quốc gia”: Vì sao dân bất phục?

5/12/2013 11:22:00 AM

Sau những thông tin về việc người dân của làng cổ Đường Lâm ký tên trên lá đơn gửi đến UBND thị xã Sơn Tây, UBND TP.Hà Nội và Cục Di sản văn hóa xin trả lại danh hiệu Di tích cấp quốc gia cho Nhà nước vừa được nhiều tờ báo đưa, chúng tôi đã có mặt ở làng Đường Lâm để tìm hiểu thực hư câu chuyện.

 

 

 

 
Không gian nhà cổ Đường Lâm

 
Dân bất phục

 
Được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 2006, làng cổ Đường Lâm không chỉ là niềm tự hào mà còn là cơ hội "vàng” về khai thác du lịch của người dân bản địa. Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa việc bảo vệ, gìn giữ những ngôi nhà cổ, tạo nên một cảnh quan đúng thuần chất "Làng cổ” đã trở thành bài toán nan giải. Có mặt ở làng chúng tôi thấy ở đây đã xuất hiện các ngôi nhà cao tầng, khang trang bên cạnh những ngôi nhà cổ, một sự phá vỡ cảnh quan rất rõ. Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm thừa nhận: "Tại làng Mông Phụ trong mấy năm trở lại đây có vài chục nhà xây mới (trái phép) và đã có một số công trình bị cưỡng chế, phá dỡ”. Nhưng vì việc cấp phép thủ tục xây nhà mới vô cùng phức tạp. Hơn nữa, ở cấp xã thì thẩm quyền và lực lượng mỏng nên khi có các nhà tự ý xây chính quyền mới chỉ dừng ở mức cảnh cáo, mạnh hơn chỉ là cắt điện, cắt nước.  Cái khó của xã là như vậy, nhưng có lẽ để người dân bất bình, không phục chính là việc mập mờ, thiếu minh bạch trong việc phá dỡ các công trình vi phạm. Đơn cử như trường hợp của hộ gia đình bà Hà Thị Khanh, vào tháng 12 – 2010 ngôi nhà hai tầng này đã bị cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ tầng 2. Nhưng cách đó không xa và khá gần với quần thể kiến trúc nhà cổ lại xuất hiện một ngôi nhà cao tầng, khang trang mà từ lúc xây dựng (2012) đến hoàn thiện ngôi nhà đó vẫn không bị "xếp” vào trường hợp "vi phạm, cần phải cưỡng chế phá bỏ”. Theo tìm hiểu của chúng tôi đây là ngôi nhà của ông Hà Văn Đông - Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây. 

 
Ngay cả khi có dự án đất giãn dân 90 ha được hoàn thành thì cũng vẫn không thể giải quyết được việc bảo tồn làng cổ. Vì có những  trường hợp như gia đình ông Phan Văn Dậu (Làng Mông Phụ) dù đã được giải quyết một xuất đất giãn dân nhưng nay lại bán đất và về làng tiếp tục xây dựng nhà…

 

 

 
Ngôi nhà của ông Hà Hữu Thể 
đang được tiến hành tu bổ, sửa chữa
Quản lý lỏng lẻo

 
Bên cạnh những bất cập trong việc sống trong một không gian di sản (vì không được  xây dựng, cải tạo chính ngôi nhà của mình)  người dân ở đây còn đang bức xúc với việc dân thì không được làm nhưng bản thân các cán bộ vẫn ngang nhiên xây dựng nhà mà không có sự can thiệp nào của chính quyền.
Bên cạnh những bất cập trong việc quản lý xây dựng, thì trong vấn đề khai thác du lịch tại Làng cổ Đường Lâm cũng phát sinh khá nhiều tranh cãi. Ở đây quy định mức thu vé của khách tham quan với giá 20.000 đồng/ người lớn, 10.000 đồng/trẻ em, phí gửi xe ô tô là 20.000 đồng/xe… Tuy nhiên, một năm ngoài khoản tiền 20 triệu đồng nộp cho xã, thì mọi khoản thu đều để "nuôi” chính bộ máy thu tiền này. Trong khi đó, 8 chủ hộ của các nhà có nhà cổ chỉ được phụ cấp vài ba trăm nghìn đồng/ tháng gọi là tiền trà nước đón tiếp khách du lịch, còn lại 400 gia đình khác tại làng cổ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Trong khi đó theo số liệu thông kê đến tháng 5 -2013, làng cổ Đường Lâm thu hút được 120.000 lượt khách du lịch, thì số tiền thu được về bán vé quả là một con số không nhỏ. Cùng với đó thì bộ máy thu tiền này lại ngày càng "phình to” về nhân sự bởi những mối quan hệ (!?) Vậy số tiền đó đi đâu và về đâu? Bức xúc về vấn đề này ông Hà Hữu Thể (chủ một ngôi nhà cổ làng Mông Phụ) cho biết, theo tôi nên trả việc bán vé lại cho nhà nước quản lý, vì bản thân những người trực tiếp quản lý, khai thác những ngôi nhà cổ như chúng tôi cũng chẳng hưởng lợi gì từ nguồn thu này. Một khía cạnh khác, cũng vì có chưa hỗ trợ đúng mức nên người dân Đường Lâm đang phải khổ sở vì chính khách du lịch và cách kinh doanh vụ lợi của các công ty du lịch. Cứ mỗi đợt du lịch là làng cổ Đường Lâm lại "ngập ngụa” trong rác thải. Khách du lịch tự ý đi tham quan, chụp ảnh, quay phim, len lỏi vào từng góc nhà. Nhiều chủ nhà cổ, cứ mỗi đợt đông khách lại phải căng mình để "chống trộm”, đặc biệt là sự mất tự do cá nhân bởi sự dòm ngó của nhiều người. Cũng theo ông Hữu Thể: "Lâu lâu cũng có vài đoàn đặt ăn cơm, thì gia đình phục vụ. Còn hầu như họ đến tham quan rồi lại đi ngay để lại vô số rác thải và sự phiền phức”. Cay đắng hơn, những nhà xung quanh khu làng cổ, sống trong những ngôi nhà lụp xụp, lợp mái xi măng chẳng có gì là cổ. Nhưng chỉ cần một động thái nhỏ về việc tu sửa là ngay lập tức những ngôi nhà này sẽ bị đưa ngay vào tầm ngắm "vi phạm, giải tỏa”. Trong khi những nhu cầu bức thiết nhất như ăn, ở, sinh con đẻ cháu thì nhiều hộ gia đình vẫn phải "gồng mình” để phục vụ cho du lịch Đường Lâm mà sự hưởng lợi đem lại cho họ chỉ dừng lại ở việc bán cái kẹo, cái bánh… hết sức nhỏ lẻ. 

 
Mặc dù đã được công nhận là Di sản Lịch sử Văn hóa Quốc gia đến gần 7 năm, nhưng đến thời điểm này Bộ VH-TT&DL vẫn chưa có một bản quy chế cụ thể nào về việc xây dựng, mẫu quy chuẩn về kiến trúc, kế hoạch giãn dân… cho khu làng cổ Đường Lâm. Rõ ràng, việc để người dân phải "gồng mình” vì một cái danh là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia không phải là một hướng đi bền vững mà đang có nguy cơ trở thành một bi kịch "văn hóa”. 
Hoàng Minh
(Đ Đ K)

Lượt xem : 1366