Xuất ngoại phế liệu nguy hại: Ai nhập?
4/10/2019 4:04:00 PM
(VACNE) - Đã là chất thải nguy hại và đã được đưa ra khỏi lãnh thổ nước bạn thì gần như không bao giờ họ nhập lại nữa.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hai phương án xử lý 23.000 container rác phế liệu đang bị ùn ứ tại các cảng biển chưa thật sự khả thi.
Loay hoay tìm phương án xử lý 23.000 container rác phế liệu. Ảnh: TTO
Cụ thể với phương án 1: "Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam".
Đây cũng là phương án được Bộ Tài chính ưu tiên lựa chọn.
Khi phân tích về phương án này, PGS Phùng Chí Sỹ lại cho rằng, đây là phương án khó thực hiện, hiệu quả không cao.
"Tôi đồng ý bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn, việc đấu giá sẽ có nhiều người tham gia, chắc chắn sẽ thành công.
Tuy nhiên, vướng mắc chính nằm ở việc xử lý đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Yêu cầu tái xuất chất thải độc hại là bất khả thi.
Đã là chất thải nguy hại và đã được đưa ra khỏi lãnh thổ nước bạn thì gần như không bao giờ họ nhập lại nữa.
Hơn nữa, khi vận chuyển, tái xuất chất thải nguy hại phải tuân thủ theo công ước quốc tế, ngoài yêu cầu với từng loại chất thải, khi tới nước nào phải xin phép nước đó, không phải muốn đưa đi đâu cũng được", vị PGS cho biết.
Từ thực tế trên, vị chuyên gia cho rằng, chỉ có thể xử lý theo hình thức: Một, xác định rõ những lô hàng không đạt yêu cầu nhưng đã xác định được chủ hàng, phải yêu cầu chủ hàng thực hiện tiêu hủy ngay.
Hai, nếu không xác định được chủ hàng thì lấy tiền từ các lô hàng bán đấu giá được để xử lý.
Đối với phương án 2, PGS Phùng Chí Sỹ cho rằng phương án này có tính khả thi cao hơn.
Theo đó, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng, bao gồm cả hàng phế liệu đạt và không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy với các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
"Những lô hàng phế liệu đạt tiêu chuẩn không cần nói, doanh nghiệp cũng sẽ thích mua. Còn đối với những lô hàng không đạt, có thể đấu giá thấp hơn dựa trên tỉ lệ phân loại phế liệu.
Trong trường hợp, tỉ lệ phế liệu có để doanh nghiệp lọc phần phế liệu có thể sử dụng, tái chế lại cao, phần phế liệu không sử dụng được thấp hơn thì có thể bán với giá cao hơn và ngược lại. Như vậy, khi đấu giá theo tỉ lệ phế liệu, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm tiêu hủy đối với những lô phế liệu không sử dụng được.
Tất nhiên, trường hợp này doanh nghiệp có thể phải chấp nhận một phần rủi ro. Tuy nhiên, theo suy đoán của tôi, nhiều khả năng vẫn là "mỡ nó rán nó", phần nọ bù phần kia, doanh nghiệp chưa chắc đã thiệt", vị chuyên gia nói.
Với phương án này, vị chuyên gia cho rằng chỉ cần mất thời gian để lấy mẫu các lô hàng sau đó tiến hành phân loại, xác định tỉ lệ phế liệu nguy hại và không nguy hại. Trong khi đó, với cách làm này, vừa bảo đảm xử lý được phế liệu nguy hại cũng đồng thời đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách.
Cũng theo vị chuyên gia, trong trường hợp đã đấu giá hết phế liệu nguy hại nhưng còn tồn những lô hàng không thể đấu giá được thì có thể sử dụng ngay phần ký quỹ của doanh nghiệp để xử lý.
Như vậy, kể cả khi không bán đấu giá được các lô hàng phế liệu độc hại thì ngân sách nhà nước cũng không mất một đồng tiền nào.
Theo Hoài An (Đất Việt)
Lượt xem : 1480