Vietnamese English
Xử phạt gần 208 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường

1/21/2016 8:08:00 AM

Cơ quan chức năng đã xử phạt 4.687 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền gần 208 tỷ đồng, truy thu 135 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường, thu hồi 259 giấy phép hoạt động khoáng sản và trên 23.000 ha đất sử dụng sai mục đích.

Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, từ năm 2006 đến nay, Bộ đã tiến hành 123 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 134 đơn vị trực thuộc Bộ; đã ban hành kết luận với 120 cuộc. Các đơn vị trực thuộc cũng tiến hành 577 cuộc kiểm tra về định mức, tiêu chuẩn. Từ năm 2006 đến nay đã triển khai 960 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với gần 15.000 tổ chức, cá nhân hoạt động về tài nguyên và môi trường. Đồng thời tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề về diện rộng, kết hợp nhiều lĩnh vực tại nhiều địa phương, như thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường; thanh tra các dự án sân gôn, thủy điện, khu đô thị mới và các khu công nghiệp trên địa bàn toàn quốc…
 

Qua công tác, thanh tra kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm của các đối tượng quản lý và sử dụng tài nguyên và môi trường; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt 4.687 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền gần 208 tỷ đồng, truy thu 135 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường, thu hồi 259 giấy phép hoạt động khoáng sản và trên 23.000 ha đất sử dụng sai mục đích; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chấn chính công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường nhằm từng bước góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đi vào nề nếp, góp phần quan trọng giữ gìn trật tự, kỷ cương pháp luật và phòng, chống tham nhũng.

Hơn 2 tỷ USD đầu tư vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1

TTXVN đưa tin ngày 18/1, tại Hà Nội, Tổng Cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đã chính thức ký kết thỏa thuận đầu tư dự án xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 cùng Tổ hợp nhà đầu tư gồm TaekWang (Hàn Quốc) và công ty điện Acwa Power. Theo Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 có công suất 1.200 MW (hai tổ máy 600MW) đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý giao cho tổ hợp nhà đầu tư trên.

Dự án được xây dựng tại trung tâm điện lực Nam Định với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD. Dự án sử dụng than do Tập đoàn công nghiệp Than & Khoáng sản Việt Nam cung cấp. Sau nỗ lực tám năm đàm phán và ký kết, dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, các địa phương khu vực phía Bắc và an ninh năng lượng quốc gia.

Tới năm 2050, rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá ở các đại dương

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 19/1, nước chủ nhà đã công bố một nghiên cứu toàn cầu cảnh báo nguy cơ lượng rác thải nhựa sẽ lớn hơn lượng cá trên các đại dương vào năm 2050, trừ khi thế giới có hành động mạnh mẽ để tái chế loại phế liệu này. Theo nghiên cứu do Quỹ Ellen MacArthur của nữ vận động viên du thuyền cùng tên người Anh thực hiện, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có một tấn rác nhựa và tới năm 2050, lượng rác thải loại này sẽ vượt trên cả lượng cá trên các đại dương – theo TTXVNN.

Bên cạnh đó, việc có hơn 95% túi nilon bị vứt bỏ sau một lần sử dụng cũng khiến nền kinh tế thế giới mỗi năm mất đi từ 80-120 tỷ USD. Thông qua thu thập số liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả phân tích của Trung tâm Thương mại và Môi trường McKinsey, nghiên cứu trên còn chỉ ra rằng hiện có hơn 150 triệu tấn rác thải đại dương và ít nhất 8 triệu tấn nhựa trôi nổi mỗi năm tại đây, tương đương việc cứ mỗi phút lại có một xe đầy rác đổ ra biển. Quỹ Ellen MacArthur cảnh báo nếu thế giới không hành động, thì tới năm 2030 trung bình cứ một phút sẽ có 2 xe rác được đổ ra biển và tới năm 2050, con số này sẽ tăng lên thành 4 xe rác khi mà dân số thế giới tăng lên mức cao nhất.

Gần 300 thành phố Trung Quốc bị ô nhiễm không khí

Nghiên cứu của tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh (Greenpeace) trong năm 2015 cho biết, gần 300 thành phố tại Trung Quốc có chất lượng không khí thấp hơn tiêu chuẩn.  Theo báo cáo được công bố vào ngày hôm nay của Greenpeace, trong tổng số 366 thành phố tại Trung Quốc được lấy mẫu không khí, có tới 293 thành phố, tương đương 80%, có chất lượng không khí thấp hơn tiêu chuẩn của chính Trung Quốc. Nếu tính theo tiêu chuẩn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (nghiêm ngặt gấp 3 lần tiêu chuẩn của Trung Quốc), toàn bộ 366 thành phố được lấy mẫu đều không đạt tiêu chuẩn – theo Tin Nhanh.

Đáng chú ý là theo kết quả nghiên cứu, thủ đô Bắc Kinh cũng chỉ xếp hạng thứ 27 trong số các thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc, với 26 ngày chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm không khí trong 3 tháng cuối năm 2015. Trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị của Trung Quốc đang trở nên hết sức trầm trọng. Theo thống kê của các nhà khoa học, mỗi năm ô nhiễm không khí gây ra cái chết của 1,4 triệu người Trung Quốc, tương đương với mức gần 4.000 người chết vì ô nhiễm không khí mỗi ngày.

Bão lớn hé lộ rừng hóa thạch 6.000 năm tuổi

 Theo Mirror, dấu tích của khu rừng hóa thạch có niên đại ước tính khoảng 4.000-6.000 năm được phát hiện tại bờ biển ở Cornwall, Anh. Một cơn bão lớn đã cuốn trôi lớp cát và để lộ dấu tích những gốc cây của khu rừng cổ đại. Khu rừng hình thành trong thời kỳ Đồ đá mới. Sau đó, mực nước biển tại Cornwall tăng lên khiến nó bị ngập. Trải qua hàng nghìn năm, phần thân cây chôn vùi dưới các lớp cát, bùn hoặc than bùn dần hóa đá.

Khu rừng xuất hiện vài năm một lần, sau các cơn bão hay khi thủy triều xuống cực thấp. Lần xuất hiện gần đây nhất của khu rừng cổ là vào năm 2014, sau khi các cơn bão mùa đông đổ bộ vào bờ biển phía tây Cornwall. Lần này, khu rừng sẽ nổi lên trên mặt nước đến ngày 25/1. "Thật ngạc nhiên khi biết nơi đó từng là một khu rừng. Chúng ta khó có thể tưởng tượng toàn bộ cảnh quan khu rừng từ những dấu tích này. Bạn có thể thấy rễ và cành cây. Đây thực sự là một khung cảnh ấn tượng, thu hút nhiều du khách", phát ngôn viên Hiệp hội Portreath, Anh, cho biết.

Nhật Bản chế robot thu gom rác thải phóng xạ

Hãng Toshiba của Nhật hôm 18/1 giới thiệu một con robot điều khiển từ xa chuyên thu gom thanh nhiên liệu phóng xạ từ lò phản ứng số 3 của nhà máy điện Fukushima đã ngừng hoạt động do thảm họa sóng thần vào năm 2011. Theo RT, sau thảm họa kép động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản vào tháng 3/2011, hàng trăm thanh nhiên liệu tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn còn kẹt trong bể chứa. Công nhân đã dọn dẹp bể chứa tại lò phản ứng số 4, nhưng không thể làm việc tại lò số 3 và các tòa nhà khác, do mức độ nguy hiểm chết người của phóng xạ - theo VnExpress.

Nhiệm vụ của robot có tên FRS là thu hồi các mảnh vỡ cùng 566 thanh nhiên liệu từ các bể làm nguội bên trong để ổn định lò phản ứng số 3. Một trong những cánh tay của FRS được phát triển để nhặt và cắt các mảnh vỡ, còn cánh tay kia được thiết kế để nhặt các thanh nhiên liệu. Các cánh tay cùng sẽ được sử dụng để đặt rác thải nhiễm phóng xạ vào các thùng chứa, đóng nắp lại để chuyển đi. "Các FRS được thiết kế để đặt các thanh nhiên liệu hạt nhân vào một thùng chứa lớn, được niêm phong an toàn. Sau đó sẽ nâng thùng chứa lên trên mặt đất, di chuyển tới nơi lưu trữ tạm thời". Toàn bộ công việc được điều khiển từ xa và giám sát bằng rất nhiều camera gắn trên robot. Công việc dự kiến sẽ được bắt đầu vào đầu năm 2017, sau các đợt kiểm tra và huấn luyện điều khiển robot. Các kỹ sư của Toshiba hy vọng sẽ giảm được mức phóng xạ bên trong lò phản ứng xuống còn 1 mSv (đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa gây hại).


Theo Mai Anh (moitruong.com.vn)

Lượt xem : 2136