Vietnamese English
Xử lý sao với chất thải hạt nhân?

2/24/2010 10:44:00 AM

Chất thải hạt nhân tuy không nhiều nhưng độc hại và không dễ xử lý. Hiện nay, giải pháp được nhiều nước chọn nhất là chôn sâu trong lòng đất, nhưng không vĩnh viễn.

 
Tác giả: Nguyễn Đan Tâm (Paris)     NCĐT 26/10/2009
 

Khi chủ trương phát triển các nhà máy điện hạt nhân để chống lại sự thay đổi khí hậu chủ yếu do các khí thải có hiệu ứng nhà kính gây ra, nhiều người thường cố tình chỉ nói có một nửa sự thật. Đúng là năng lượng hạt nhân không thải ra khí CO2, nhưng chúng lại sinh ra các chất thải phóng xạ độc hại đôi khi kéo dài đến hàng triệu năm. Tuy chất thải này không nhiều (ở Pháp, khối lượng chất thải phóng xạ tính trung bình theo dân số chỉ 2 kg/người/năm so với 360 kg rác và 2,5 tấn phế vật công nghiệp), nhưng lại đặt ra một số vấn đề về cách xử lý.

Trước đây, nhiều nước đổ chúng xuống biển một cách vô tội vạ. Một số người thì đề nghị phóng chúng vào không gian. Hiện nay, giải pháp được nhiều nước chọn là chôn sâu trong lòng đất, nhưng không vĩnh viễn.

Nguyên tắc “có thể quay trở lại”

Tháng 6.2006, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật đòi hỏi các giải pháp kỹ thuật và các quyết định chính trị trong việc quản lý chất thải phóng xạ phải tôn trọng nguyên tắc “có thể quay trở lại”, ít nhất trong 100 năm. Nguyên tắc này nhằm tạo điều kiện để các thế hệ mai sau có thể đưa ra các quyết định kỹ thuật hay chính trị hoàn toàn khác. Cụ thể là cấm chôn vĩnh viễn các chất thải hạt nhân. Tuy nhiên, điều đó đặt ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn: Làm sao để cách tồn trữ này an toàn như lối tồn trữ vĩnh viễn? Làm sao, nếu cần, có thể loại bỏ một dự án đã tốn đến hàng chục tỉ USD để thực hiện?

Theo Claudio Pescatore, thuộc Cơ quan Năng lượng hạt nhân của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mỗi nước áp dụng nguyên tắc trên khác nhau. Ở Mỹ, Thụy Sĩ và Pháp, nguyên tắc trên đều do luật pháp quy định; ở Canada và Nhật Bản thì do chính phủ; còn ở Thụy Điển và Phần Lan thì do chính những doanh nghiệp khai thác hạt nhân cam kết; riêng ở Anh thì còn đang tranh cãi.

Thụy Điển sẽ đi tiên phong

Hầu hết các nước đều còn chần chừ trong việc chọn địa điểm chôn chất thải hạt nhân. Ở Mỹ, việc chọn Yucca Mountain trong sa mạc Nevada mới đây đã bị Tổng thống Obama bác bỏ. Nhật, Canada và Anh còn đang tìm địa điểm. Trung Quốc, Ấn Độ và Nga thì chưa có lập trường dứt khoát.

Riêng Pháp đã chọn được Bure thuộc tỉnh Meuse và nếu được Quốc hội và Chính phủ bật đèn xanh, năm 2013 người ta sẽ khởi công đào một mạng lưới hành lang ngầm trong đá ở độ sâu 500 m, có thể được hoàn tất vào năm 2025.

Sau 30 năm nghiên cứu, đầu tháng 6 vừa qua, Thụy Điển đã chọn xã Östhammar, cách Stockholm khoảng 100 km, để chôn chất thải hạt nhân. Nhưng việc này còn phải chờ tòa án về môi trường chấp thuận rồi mới khởi công vào khoảng năm 2015 để bắt đầu sử dụng vào khoảng năm 2023.

Bảo đảm an toàn trong 100.000 năm, đó là thời hạn mà Chính phủ Thụy Điển đã bắt Cơ quan Quản lý chất thải hạt nhân của nước này (SKB) phải tôn trọng. Quy trình như sau: chất thải được bỏ vào các thùng bằng đồng dày 5 cm, rồi chôn trong lớp đất sét nằm sâu 500 m trong lòng đất.

Bà Saida Laarouchi Engström, Giám đốc Phòng đánh giá tác động môi trường của SKB, cho biết thêm: “Chúng tôi đã thực hiện các phân tích cho thời hạn 100.000 năm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi có khả năng bảo đảm an toàn lâu đến thế. Nhưng chúng tôi chọn các vật liệu bền vững nhất”
 

(Tổng hợp)

(Nhịp cầu đầu tư, 26/10/2009)

Lượt xem : 1754